Có vợ biết lo là… phúc?
Tính tình vốn xởi lởi, suốt những năm tháng sinh viên đi học về là quăng cái cặp ăn no ngủ kỹ rồi điện thoại rủ bạn bè đi đá banh, thế nên khi Tuân cưới vợ, bạn bè xúm vào trêu cô dâu từng tí: “Em phải giữ nó kỹ vào nhé!”, “Thấy thế chứ nó tồ lắm đấy, kiểu này mọi thứ phải một tay em quán xuyến rồi!”.
Ngay cả mẹ chồng cũng suốt ngày rủ rỉ rù rì với con dâu: “Má ưng nhất con ở chỗ kỹ càng, vén khéo, cái gì cũng biết tính toán đâu vào đó. Chứ thằng Tuân chồng con tính nó thế mà trẻ con, vô tư lắm con ạ!”. Chẳng hiểu có phải vì mọi người tác động bước đầu quá nhiều, hay vì bản tính vốn… hay lo, nên sau ngày cưới, khả năng “lo xa” của Quyên – vợ Tuân càng ngày càng bộc lộ rõ rệt.
Ban đầu, Tuân cũng thích, vì vợ cực kỳ thuận hòa và hợp với mẹ chồng, vợ lại biết nghĩ cặn kẽ, biết tính toán đâu đó rất chu đáo cho tương lai. Có vợ thế thì quá phúc chứ còn gì! Nhưng chỉ hai năm sau ngày cưới, gặp bạn bè, anh nhăn mặt: “Khổ kinh khủng ấy chứ phúc nỗi gì. Cô ấy lo gì mà lo đến tận chuyện… mười năm sau, lúc nào cũng kế hoạch, lúc nào cũng suy tư. Sống kiểu gì phát mệt. Ví dụ như mới cưới, tôi cũng muốn vợ chồng có được ít khoảng thời gian thoải mái với nhau. Tiết kiệm được tí đỉnh là mừng rồi, chủ yếu là tận hưởng những tháng ngày mật ngọt sẽ không bao giờ lặp lại lần thứ hai trong đời. Thế mà không! Cô ấy lên kế hoạch rất… hoành tráng: Mỗi tháng phải tiết kiệm bao nhiêu, với mức tiết kiệm đó thì 5 năm sẽ được bao nhiêu, mua đất chỗ nào. Rồi cứ thế mà cô ấy xiết, một bữa tối ăn ngoài cho lãng mạn cũng không được, một cặp vé xem phim cũng không xong. Tôi sống mà muốn ngộp thở khi cứ nghe ra rả những cái kế hoạch: Hết năm nay chúng ta phải thế này, qua tháng 6 năm sau chúng ta phải thế kia…”.
Tệ hơn, với Minh Đăng, một đức lang quân đã xấp xỉ tuổi “băm năm nhát” thì chuyện vợ quá lo còn khiến anh cảm thấy mất đi luôn… hứng thú về nhà. “Tôi hiểu phụ nữ biết lo xa là rất tốt. Tôi cũng hiểu vợ làm tất cả những điều đó, lo tất cả những điều đó đều là vì mái ấm gia đình. Nhưng đàn ông mà, ai chẳng thích đôi khi phóng khoáng, tự do một chút. Về đến nhà, gặp vợ là lúc nào cũng thấy vợ đang… căng thẳng muốn “bàn” chuyện gì đấy. Con mới học lớp mầm, vợ đã tính tới chuyện con vào lớp 1 thì học ở đâu, phải chạy trước hộ khẩu từ bây giờ để con có được tuyến trường tốt nhất. Vợ chồng muốn yêu nhau, mới đụng vào vợ, vợ đã hốt hoảng: Không được, tháng này em quên uống thuốc. Lỡ vỡ kế hoạch một cái là mệt lắm. Năm nay đang năm kinh tế khó khăn, mình mà… ra đứa nữa là mất việc như chơi! Cứ vậy đó, hết cả hứng. Thấy cô vợ hay lo cứ khô khan thế nào…”.
Lo sao cho… đúng?
Nếu là phụ nữ, đọc được những lời “thú thiệt” của các đức lang quân này chắc vừa giận vừa buồn. Như lời chị Quế Nga (Quận 2) chia sẻ với chuyên gia tư vấn: “Lương chồng thì ít, cuộc sống thì càng lúc càng khó khăn. Nào tiền nhà, tiền học, tiền điện tiền nước. Nào bao nhiêu kế hoạch cho con. Không lo xa, không cân nhắc tính toán từng chút thì các anh có nhà cao cửa rộng, con cái học hành đến nơi đến chốn không? Sung sướng gì chúng tôi cái chuyện lo ấy! Đã không thương vợ thì chớ, lại còn đi chê vợ khô khan, cứng nhắc, toàn lo quá mau già, rồi đi vui vẻ bên ngoài với em này em kia, khen ngợi những cô gái biết cách làm điệu, biết cách sống vô tư mai ra sao thì mặc kệ, hôm nay cứ vui đi đã!”.
Thế nhưng, nếu đứng ở góc độ của một người chồng, mang tâm lý của một người chồng, hẳn chị em cũng sẽ có đôi chút giật mình khi nghe được những lời tâm sự rất thật này của một đức lang quân: “Tôi đi làm stress cả ngày, về với gia đình chỉ mong có chút cảm giác nhẹ đầu và thoải mái, bình yên. Những nỗi lo vợ cứ lôi về, có cái giải quyết được thì không nói làm gì. Có những cái hoàn toàn không giải quyết được mà vợ cứ trằn trọc không ngủ, lây cả sự căng thẳng sang cho chồng con, chồng bảo kệ nó, đến đâu thì đến thì lại bảo anh chẳng biết lo, chẳng biết quan tâm… Thử hỏi có chồng nào chịu nổi không?”.
Quả thật, có một điều phải nhìn nhận là: Đàn ông thường chỉ lo những chuyện có hướng giải quyết và cái lo đó cũng đồng nghĩa với việc tìm cách giải quyết được vấn đề. Ngược lại, phụ nữ có một tỷ lệ khá lớn những nỗi lo… không “đầu ra”, “có lo cũng vậy”, dẫn đến stress, căng thẳng vô cớ, đôi lúc khiến cuộc sống gia đình trở nên mệt mỏi.
“Tôi từng gặp một phụ nữ đến trung tâm tư vấn khóc nức nở, cho rằng cô ấy phải lo toan, gánh vác hết mọi việc gia đình vì chồng rất vô tâm. Thế nhưng khi hỏi kỹ, có những chuyện người chồng vô tâm một cách… có lý. Ví dụ như ngày hôm sau bàn giao nhà, chồng đã bảo cứ ngủ đi, mai rồi tính, nhưng vợ thì dứt khoát ăn không ngon ngủ không yên, lo từng chuyện lớn chuyện nhỏ như hợp đồng đã ổn chưa (dù đã xem đến lần thứ mấy chục), lo chuyện… lỡ có gì trục trặc (dù chuyện trục trặc ấy chưa hề xảy đến). Cách lo này quả thật dễ khiến người phụ nữ phải… hụt hơi, trong khi thực sự lại chẳng giải quyết được gì!”, chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh (trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) chia sẻ.
Thực tế, người phụ nữ chỉ thật sự “sướng” khi biết cách hoạch định cuộc sống của mình ở mức vừa phải và… lo có chừng. Nói như lời Ngọc Uyên – một cô vợ tuổi 34 vẫn nguyên nét xinh tươi: “Tôi cũng từng rất hay lo xa. Nhưng tôi nhận ra mình càng lo thì chồng càng vô tư. Ngược lại, mình bớt lo một chút, thì anh xã lại phát huy được thế mạnh, trở thành đúng nghĩa người trụ cột. Vợ chồng đồng lòng nghĩ đến tương lai là đúng rồi. Nhưng nếu quá lo cho tương lai chưa đến mà đánh mất cả niềm vui và cuộc sống hiện tại thì đúng là không đáng. Giờ, tôi đã tìm được cách lo… vừa phải lắm. Những kế hoạch chính, tôi đưa ra bàn bạc cùng chồng. Chuyện vặt thì cố bỏ khỏi đầu. Khi có việc gì đó lo lo theo kiểu vô cớ, tôi đều tự nhủ với mình: Để mai tính! Vậy mà lại được chồng khen nhé. Không chỉ được khen trẻ đẹp, biết hưởng thụ cuộc sống, lại được khen biết cách thoải mái vượt qua áp lực, không suốt ngày lo nghĩ, mặt mày nhăn nhó khổ sở như xưa…”.