Nhưng ai học được chữ “ngờ”…
Thời con gái, tôi rất xinh. Bố mẹ lại khá giả, tuy chưa được đến mức gọi là “giàu” nhưng cũng dư của ăn của để ở quê. Tôi học làng nhàng cũng xong được tấm bằng đại học một trường dân lập như ai. Bố mẹ không đòi hỏi gì nhiều ở tôi, cứ để tôi thoải mái sinh hoạt, vui chơi, tham gia hát hò múa may tí đỉnh. Ông bà nghĩ con gái chẳng cần học nhiều quá làm gì. Chỉ cần đủ bằng cấp để tìm kiếm một công việc làng nhàng. Quan trọng nhất là có được một tấm chồng, giỏi giang, giàu có, thế là… sung sướng một đời!
Ước mơ của bố mẹ tôi và cũng là của tôi nhanh chóng thành hiện thực.
Hăm ba tuổi, tôi quen với một anh chàng “thiếu gia” đúng nghĩa. Nhà anh rất giàu, hai ba công ty ăn nên làm ra, mười mấy miếng đất ở những khu đắt đỏ mà chỉ cần một miếng trong số ấy thôi, đủ sức để mua hàng chục căn nhà ở mức trung bình khác. Chàng “thiếu gia” của tôi lại không ăn chơi quá lố, không bài bạc rượu chè. Anh ta chăm chỉ nối nghiệp gia đình và dù còn rất trẻ nhưng cũng đã có những cơ ngơi riêng, có công ty của bản thân mình.
Tất nhiên, một chàng trai như thế thì chung quanh bao giờ mà chẳng có vài chục cô gái xinh xắn nhắm vào. Tôi cũng phải “trầy vi tróc vẩy” trong trận chiến ngấm ngầm để lọt được vào mắt anh. Như đã nói, anh hầu như không có “tật xấu” gì quá lớn, trừ chuyện… anh cặp và chán rất nhanh, không có cái gì bền vững cả. Đối với anh, việc hàng loạt cô gái xinh xắn luôn sẵn lòng muốn làm quen như một cái gì quá hấp dẫn, chẳng tội gì từ chối cho uổng phí! Nhưng có lẽ là “may mắn” cho tôi (một sự “may mắn” mà đến sau này tôi mới biết là bất hạnh), anh lại không chán tôi nhanh như những cô bồ trước đó. Có lẽ là duyên nợ, cũng có lẽ vì ở tôi có một điều gì đấy hấp dẫn anh thời điểm đó, anh ngỏ lời hỏi cưới tôi sau 6 tháng quen nhau.
Khỏi nói tôi hạnh phúc đến mức nào, gia đình tôi hãnh diện ra sao. Thời điểm ấy, thực chất cũng đã có vài người bạn của tôi có quen biết anh đã cảnh báo tôi đôi điều, rằng làm dâu một gia đình như thế thật ra không phải dễ dàng đâu, rằng tình yêu giữa chúng tôi chưa đủ chín muồi, nó chỉ là cái gì đó ham mê, háo hức ở nhau: Ở tôi là sự ham mê quá mức với cái vầng hào quang “thiếu gia” thành đạt, giàu có kia. Và ở anh, có lẽ là ở vẻ ngoài xinh tươi, ở tính tình vui vẻ, như một “món ngon lạ miệng”.
Đám cưới của chúng tôi diễn ra ấm cúng, rình rang. Nhưng có lẽ vì quá vui mừng và hãnh diện, cũng lại có tuổi đời quá trẻ, chưa từng lường được trước những vấp váp có thể có trong đời nên tôi không hề để ý đến chuyện… cả hai chưa đăng ký kết hôn. Mẹ chồng tôi bảo muốn các con ổn định cuộc sống, vượt qua “thử thách” một năm đầu. Tôi thì bảo sao nghe vậy. Làm sao cãi được. Thêm vào đó, những chuyến trăng mật liên miên nước ngoài, một cuộc sống đầy đủ và xa hoa khiến tôi như ngập trong hạnh phúc. Cho đến một ngày…
Chúng tôi chia tay, cũng nhanh như… khi cưới!
Cách đây ít lâu, khi đọc trên báo chí rùm beng vụ một “thiếu gia” bỏ vợ bằng cách… chê vợ không còn trong trắng, đóng clip sex, rồi sau đó cô dâu tìm đủ cách xác minh mình không phải là nhân vật trong clip sex nhưng vẫn bị chồng bỏ, liền sau đó chồng kết hôn ngay với một cô gái khác, tôi đã nghẹn người muốn khóc. Bởi lẽ, tuy tình cảnh của tôi không đến nỗi như thế, nhưng cũng chẳng khá gì hơn. Có lẽ những người giàu có thường cho mình cái “quyền” được chọn lựa, hưởng thụ những cái mới, “sướng” hơn người khác nên họ chẳng việc gì trân trọng với hạnh phúc đang có sẵn.
Chồng tôi cũng thế! Bốn tháng sau ngày cưới, tôi có thai, nhưng rồi chẳng may bị sảy.
Vợ chồng phải kiêng cữ “chuyện ấy” trong mấy tháng trời theo lời dặn dò của bác sĩ. Chưa hết thời gian kiêng cử, tôi đã loáng thoáng biết chồng tôi có mối quan hệ bên ngoài, với một cô gái trẻ hơn và xinh hơn tôi.
Quá đau khổ, tôi vật vã ghen nhưng anh bắt đầu kiếm cớ gây gổ, mắng thẳng vào mặt tôi là: “Đồ điên!”, “Bệnh hoạn vừa vừa thôi!”. Ba mẹ anh đương nhiên toàn đứng về phía anh. Tôi giật mình nhận ra rằng, hóa ra làm vợ, làm dâu của một gia đình giàu có không hề là đơn giản. Người ta luôn giữ tư tưởng mình có quyền quyết định, có quyền chọn lựa. Hễ vui, họ chọn mình. Hễ không vui, họ sẵn sàng thay đổi ngay thay vì tìm cách cố gắng dung hòa thích nghi hay cùng nhau sửa chữa sai lầm.
Vì quá đau buồn nên khi có thai đứa con thứ hai, tôi lại một lần nữa không giữ được. Mẹ tôi xót con gái không người chăm sóc nên xin đưa tôi về nhà ở dưới quê tịnh dưỡng một thời gian. Ngay thời điểm đó, chồng tôi điềm nhiên báo cho gia đình biết rằng anh ta “lỡ” với một cô gái khác và cô này đã có thai 2 tháng. Đáng nói là cô gái mà anh ta “lỡ” đó là con gái một đôi vợ chồng giàu có ngang ngửa nhà chồng tôi, vốn đã có mối quan hệ thân thiết với gia đình.
Vừa loáng thoáng biết tin, tôi đã tức tốc quay lên lại thành phố. Nhưng đến nơi thì người giúp việc không cho tôi vào. Họ bảo gia đình chồng tôi nói tôi bỏ nhà đi rồi thì đừng về nữa, gia đình không có thứ con dâu bỏ nhà đi như thế, trong khi rõ ràng trước khi về quê mẹ, tôi đã xin phép rất đàng hoàng. Tôi cố gắng tìm cách gặp chồng, nhưng anh tránh mặt. Chỉ mấy tuần lễ sau, tôi được biết anh tổ chức đám cưới với cô vợ “mới” kia.
Từ là “vợ”, tôi… mất sạch!
Bố mẹ tôi tức tốc gọi điện, nhưng họ đều không nghe. Mẹ tôi thuê người dựng cả tấm ảnh cưới của chúng tôi ngày xưa ngay trước cửa nhà hàng gia đình chồng tôi đãi tiệc mừng đám cưới “mới”. Chúng tôi đưa đơn, kiện tụng. Nhưng rồi sau đó, tôi hiểu rằng càng làm những việc như thế, tôi chỉ càng đau đớn và mang tiếng thêm thôi.
Vì không biết được lòng người, tôi đã chấp nhận việc tạm thời chưa đăng ký kết hôn. Thế nên đương nhiên, cuộc hôn nhân của tôi chẳng được pháp luật công nhận. Tôi phải gói ghém đồ đạc, ra đi, trong sự uất ức và tủi hận. Cô vợ “mới” của chồng tôi thản nhiên cười, bảo tôi là: “Đũa mốc mà đòi vọc mâm son”, “Cưng không có cửa đâu cưng!”.
Bẽ bàng sau cuộc hôn nhân thất bại của mình, nhiều đêm giật mình thức dậy, nước mắt tôi trào ra, đau đớn. Tôi không biết có nhân quả trên đời không, có nghiệp báo không, nhưng tôi nhận ra quả thật, để bước được vào một gia đình chồng giàu, không phải là chuyện dễ. Để sống được ở đó, lại càng khó hơn gấp bội lần. Tất nhiên không phải người giàu nào cũng xấu, song tôi chiêm nghiệm ra một điều từ những vấp ngã của chính mình: Người giàu có thường ít kiên nhẫn để “chỉnh sửa” một điều gì. Nếu bạn mua một chiếc áo rất đẹp về nhưng chiếc áo bị chút xíu lỗi sau lần giặt đầu, một người biết trân trọng nó, rất khó khăn mới có nó tất nhiên sẽ tìm cách sửa sang để có thể tiếp tục dùng. Nhưng một người như chồng tôi thì luôn mặc định trong đầu cái ý nghĩ: Tôi giàu, tôi có quyền! Áo này bị lỗi thì vứt ngay để mua một chiếc áo khác thích hợp hơn. Anh vứt tôi, dễ như vứt một chiếc áo vậy thôi, bởi vì bản thân tôi đã không giữ được những giá trị thật của mình, cứ nuôi ảo tưởng về anh. Tôi mờ mắt trước những hào quang lấp lánh của cuộc sống giàu sang mà quên để ý đến đạo đức, nhân cách, đến những đối nhân xử thế của chồng mình từ những ngày quen nhau. Tôi đã không chịu nhìn ra rằng anh thay bồ như… thay áo, luôn cho mình cái quyền được nay cặp với cô này, mai đến với cô kia.
Tôi vấp ngã, vì chính tôi đã quá vội, quá ảo tưởng với một “giấc mơ giàu có” ban đầu…