Mẹ&Con - Nhiều bà mẹ thấy con đỏ mắt một chút, hắt hơi một chút đã lo cuống cuồng. Thế nhưng, đến đôi tai của con thì lại lãng quên. Cũng vì sự lãng quên này, nhiều trẻ khi đưa đến bệnh viện đã rơi vào tình trạng… điếc mà cha mẹ đều không biết! Ngăn ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ 5 “chiêu” tự kiểm tra thính giác của con Đề phòng tai nạn ngày Tết

Nâng niu thính giác cho con

Trên gương mặt con người, có lẽ tai là bộ phận ít được chú ý nhất. Trừ chuyện… xỏ lỗ tai để đeo bông cho các bé gái, ít bà mẹ nào chịu thường xuyên theo dõi đôi tai của con mình. Sự thiệt thòi này bắt nguồn từ việc tai nằm ở vị trí hơi khuất. Thêm vào đó, những thay đổi, bệnh về tai lại không có biểu hiện rõ rệt bên ngoài.

Ví dụ trẻ bị đỏ mắt, da bị nổi mụn, răng bị ố vàng, hơi thở có mùi hôi… cha mẹ đều dễ quan sát thấy. Nhưng biến chuyển ở đôi tai thì không bộc lộ rõ ràng như thế. Có trẻ phàn nàn với cha mẹ rằng nghe không rõ, tai bị ù, cha mẹ cũng chỉ qua quýt bảo đi ngoáy tai hay nhìn sơ sài vào trong rồi… bỏ qua. Chính sự thờ ơ này khiến thính giác của trẻ có thể bị suy giảm mà cha mẹ không hề biết.

cham-soc-doi-tai-cua-con-la-dieu-khong-the-xem-nhe

Thực tế, việc chăm sóc đôi tai không nên xem nhẹ. Tai rất dễ bị tổn thương, dễ gặp phải các vấn đề như ngoáy tai không đúng cách, bị nước vào lỗ tai, bị côn trùng chui vào lỗ tai, điếc do nghe âm thanh quá lớn… Khi trẻ còn nhỏ, mẹ thường chú ý vệ sinh tai cho trẻ. Nhưng khi trẻ lớn hơn một chút, mẹ lại thường trở nên lơ là vì cho rằng trẻ đã biết tự lo cho đôi tai của mình rồi.

Nhiều phụ huynh thấy con đi bơi cũng không nhắc trẻ dùng dụng cụ bảo vệ tai, thấy trẻ suốt ngày áp tai vào headphone (tai nghe) để nghe nhạc, chơi game… vẫn cho qua vì nghĩ rằng chuyện đó không gây hại gì. Khá nhiều trường hợp, đến khi trẻ bị chảy mủ tai, đau đớn chịu không nổi, tai bị ù quá mức, phụ huynh mới chịu đưa con đến bệnh viện. Lúc này, thính giác của trẻ đã có thể bị ảnh hưởng tùy mức độ. Có trường hợp đáng tiếc, trẻ bị điếc cũng chính vì sự thiếu quan tâm này. 

Nên và không nên

Để bảo vệ đôi tai cho trẻ, bạn cần hiểu rõ một số việc nên và không nên…

* Bạn không nên dùng tăm bông hay đồ lấy ráy tai đẩy vào quá sâu trong lỗ tai của trẻ. Chỉ một sơ suất nhỏ của bạn cũng có thể vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong hoặc gây tổn thương bên trong tai, làm giảm khả năng nghe, gây đau đớn.

>> Bạn nên: Chỉ thỉnh thoảng mới lấy ráy tay và nên đến bác sĩ chuyên khoa để lấy. Thực tế, trong tai có bộ phận làm sạch tự nhiên nên bạn không cần lấy ráy tai thường xuyên. Nếu muốn giữ cho tai trẻ khô ráo sau khi tắm, thay vì cứ dùng tăm bông lấy ráy tai, bạn chỉ cần bật máy sấy tóc ở chế độ nhỏ nhất, để cách xa tai khoảng 1 gang tay, sau đó mở nhẹ, hơ qua hơ lại, dùng làn hơi này để thổi khô tai cho trẻ.

* Bạn không nên cho trẻ đi bơi trong trường hợp trẻ đang bị viêm tai ngoài. Không nên cho trẻ bơi ở những hồ bơi kém vệ sinh, ngụp lặn ở vùng sông hồ ô nhiễm. Việc nước bẩn tràn vào tai trẻ có thể gây viêm tai, sưng tấy bên trong tai và ù tai.

>> Bạn nên: Nhắc nhở trẻ sử dụng nút bịt tai được thiết kế đúng chuẩn khi xuống nước. Sau khi trẻ bơi xong, có thể làm động tác nghiêng đầu qua một bên, sau đó nhảy nhẹ vài lần để dốc hết nước (nếu có) trong tai ra. Khi có dấu hiệu tai trẻ có vấn đề sưng đỏ, chảy mủ, ù tai, nên lập tức ngừng cho trẻ đi bơi, đưa trẻ đến bác sĩ để điều trị càng sớm càng tốt.

* Bạn không nên bấm lỗ tai bừa bãi cho con. Nhiều người cho trẻ bấm lỗ tai ở ngoài chợ, bằng các dụng cụ không được sát trùng nên dễ gây sưng đỏ, mưng mủ, nhiễm trùng vùng dái tai. Thậm chí, có người còn chiều theo ý thích của trẻ, cho phép trẻ bấm nhiều lỗ tai, bấm cả trên vành tai để đeo khuyên. Việc này hoàn toàn không nên.

>> Bạn nên: Hạn chế việc bấm lỗ tai cho con. Nếu có nhu cầu làm đẹp cho các bé gái, nên đến những nơi có hệ thống vô trùng dụng cụ. Lỗ tai sau khi xỏ xong chỉ nên “đeo” một cọng tỏi sạch và vệ sinh thường xuyên vùng bấm lỗ. Ở tuổi của bé, chưa cần đeo hoa tai sớm vì hoa tai bằng chất liệu kim loại quý có thể gây nguy hại cho trẻ khi hiện tượng cướp giật xảy ra rất nhiều. Cũng không nên mua các loại hoa tai chất liệu kém bán ngoài đường ngoài chợ cho bé đeo vì dễ gây nhiễm trùng.

cham-soc-doi-tai-cua-con-la-dieu-khong-the-xem-nhe

* Bạn không nên “mặc kệ” đôi tai của trẻ khi trẻ đi máy bay hoặc lên những nơi có độ cao lớn (ví dụ như chạy xe lên núi cao). Áp suất thay đổi sẽ dễ gây ra hiện tượng ù tai rất khó chịu cho trẻ, nhất là khi máy bay hạ và cất cánh.

>> Bạn nên: Nút tai cho bé trong những trường hợp này. Hướng dẫn bé dùng hai ngón tay cái, chặn nhẹ phía sau vành tai. Hiện tượng ù tai sẽ đỡ hơn nhiều.

* Bạn không nên cho trẻ tự do nghe headphone, dù là nghe nhạc, chơi game hay học tiếng Anh trong thời gian dài. Ngay cả với việc “tám” điện thoại hay điện thoại di động cũng cần được hạn chế. Có trẻ mới ở độ tuổi cấp 1 nhưng đã biết… “tám” cả nửa giờ đồng hồ với bạn qua điện thoại. Việc áp chặt tai vào điện thoại trong thời gian lâu và thường xuyên như thế có thể ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Ngoài ra, nghe bằng tai nghe với âm thanh lớn thường xuyên có thể chuyển thành điếc, giảm thính lực vĩnh viễn.

>> Bạn nên: Nếu bé muốn nghe nhạc, nghe âm thanh khi chơi game hay học tiếng Anh, có thể mở ở mức âm lượng vừa phải và nghe bằng loa ngoài. Với điện thoại, tốt nhất nên tập cho con nghe với loa ngoài, hoặc nghe điện thoại chỉ trong thời gian ngắn.

* Bạn không nên cho trẻ sống trong môi trường có quá nhiều tiếng ồn. Ví dụ như khu vực xưởng dệt, khu vực có người làm nghề sắt tạo nên âm thanh đập đóng thường xuyên. Hạn chế đưa trẻ ra đường vào giờ cao điểm để tránh trường hợp nhiều xe tải lớn bấm còi hơi tạo nên âm thanh đinh tai nhức óc. Không nên đưa trẻ đến các tụ điểm ca nhạc và đứng quá gần khu vực loa, sân khấu.

>> Bạn nên: Giữ cho trẻ môi trường yên tĩnh. Chú ý nếu là nhà mặt tiền, không để phòng của trẻ có cửa sổ hướng ra đường. Khi đến các khu vực có âm thanh lớn, nên để trẻ ngồi cách xa nguồn âm thanh trực tiếp. 

Cẩn thận với giảm sức nghe đột ngột

Giảm sức nghe đột ngột là hiện tượng trẻ đột nhiên cảm thấy thính lực của một hoặc hai bên tai trở nên yếu đi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm sức nghe đột ngột rất đa dạng. Ngay cả khí hậu thay đổi, nhiễm vi-rút, rối loạn mạch máu vùng tai đều có thể gây nên hiện tượng này.

Bạn cần nhắc nhở trẻ, khi có dấu hiệu bị ù tai phải lập tức báo với cha mẹ. Tuyệt đối không bao giờ nên bỏ qua khi nghe con bảo rằng sao con nghe trong tai kêu u u, khó chịu. Nếu đến kịp bác sĩ trong ngày đầu tiên khi xuất hiện triệu chứng ù tai, có thể phục hồi 100% sức nghe. Trong khi đó, nếu để sau 3 ngày, việc phục hồi trở nên rất khó khăn, thính lực có thể mất đi vĩnh viễn tùy mức độ nặng nhẹ mà dẫn đến điếc nhẹ hoặc điếc nặng. 

Q&A 

Q:

Tôi chăm sóc tai cho con rất kỹ. Mỗi ngày cháu tắm xong, tôi đều lấy ráy tai, vệ sinh tai cho cháu. Thế nhưng mới đây, khi đưa cháu đi khám tai, bác sĩ lại dặn tôi là không nên lấy ráy tai thường xuyên như thế. Xin hỏi tại sao lại như vậy? Có thật là tôi lấy ráy tai mỗi ngày cho cháu thì không tốt không?

Nguyễn Lê Ngọc Hà

(Quận 6)

A:

Chất có màu vàng vàng trong lỗ tai thường được gọi là ráy tai và thường bị xem là chất… dơ của tai. Vì quan niệm đây là “chất dơ” nên nhiều bà mẹ thường có thói quen lấy ráy tai thường xuyên cho con. Thật ra, điều này không đúng! Chính cái chất màu vàng trong lỗ tai lại là người “gác cổng” cho đôi tai của bạn. Nó làm nhiệm vụ ngăn bụi bẩn, tránh nhiễm khuẩn, giữ cho ống tai không bị khô.

Một điều nữa bạn nên biết là ráy tai có tính kháng khuẩn, tức là rất sạch chứ không hề “dơ” như bạn tưởng. Chỉ khi chất ráy tai này trở nên nhiều, tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu thì mới nên lấy. Trung bình là khoảng 2 tuần/lần. Khi lấy ráy tai cho trẻ, nên chọn lúc sau khi trẻ tắm xong, ráy tai mềm và dễ lấy.

Tuyệt đối không dùng cây nhọn hoặc dùng đồ lấy ráy tai lấy phần ráy tai nằm quá sâu bên trong. Chỉ nên dùng loại tăm bông, xoay nhẹ nhàng vùng ống tai bên ngoài. Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh về tai, ráy tai ra thường xuyên và nhiều thì mới cần lấy và nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để lấy chứ không nên đưa trẻ ra các tiệm hớt tóc để lấy ráy tai. 

 

Tags:

Bài viết liên quan