Tuy nhiên, trước áp lực về học tập ở lớp, học các môn năng khiếu… nhiều phụ huynh cảm thấy bất lực trong việc rèn cho con những việc cơ bản. Nhiều bà mẹ lo lắng vì con không đủ thì giờ để học, làm sao có thể tập làm việc nhà hàng ngày. Những dịp nghỉ lễ là cơ hội tốt để trẻ có cơ hội khẳng định mình. Mùa hè sắp đến, nhiều gia đình có kế hoạch cho con đi du lịch, về quê. Cha mẹ hãy cùng con lên kế hoạch và chuẩn bị nhé:
Chọn địa điểm: các con có nhiệm vụ chọn địa điểm và nêu lý do tại sao chọn địa điểm đó. Sau đó, cả nhà cùng thảo luận, nên chọn địa điểm nào để cùng vui và phù hợp với ngân sách gia đình.
Xem thời tiết: trẻ có thể tham khảo thông tin thời tiết từ một số trang web để quyết định trang phục phù hợp cho kỳ nghỉ.
Tìm thông tin (lịch sử, văn hóa) về các địa điểm sẽ tham quan hoặc những điểm nên đến: khi tự tìm thông tin, trẻ sẽ có niềm vui được khám phá, trình bày với các thành viên còn lại trong gia đình. Sau này khi đến thăm địa điểm đó, trẻ sẽ kiểm chứng thông tin mình tìm hiểu có chính xác không, thực tế có gì mới mẻ hơn. Ví dụ, gia đình có hai cháu nhỏ học cấp I, trong danh sách điểm tham quan có 10 điểm đến, có thể chia mỗi cháu năm địa điểm để tìm hiểu. Nhờ đó cháu nào cũng có “bí mật”. Việc chuẩn bị thông tin sẽ giúp các cháu phấn khích trước chuyến đi.
Phân bổ ngân sách: các cháu ở độ tuổi cấp III có thể tham gia vào việc lên kế hoạch tiêu xài của chuyến đi. Cha mẹ nên thông báo số tiền định chi và con lên mạng tìm thông tin về nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng… để cùng cân đối. Du lịch thoải mái là vui mà không phải thấp thỏm lo vì “cháy túi”!
Sắp xếp việc nhà khi cả gia đình đi vắng: với những gia đình có nuôi chó, mèo, chim, hay trồng nhiều cây cảnh… việc vắng nhà khoảng vài ngày trở lên là cả vấn đề. Cha mẹ nên để con tự đề nghị cách xử lý, có cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với việc chung của gia đình.
Chuẩn bị cho việc di chuyển: nếu là chuyến du lịch đi theo tour, mọi việc sẽ dễ dàng vì công ty lữ hành đã chuẩn bị đầy đủ, nhưng cha mẹ vẫn nên hướng dẫn con chuẩn bị những vật dụng cần thiết: sách để đọc trên máy bay, gối đầu, headphone, thuốc chống say xe, một vài loại đồ ăn vặt…
Chuẩn bị hành lý cá nhân: dựa trên hành trình và thời tiết của chuyến đi, trẻ có thể tự chuẩn bị hành lý bao gồm: quần áo mặc hàng ngày, dụng cụ vệ sinh cá nhân, sách, đồ chơi, vật dụng giải trí, đồ sạc điện… Cha mẹ có thể cùng trẻ liệt kê các đồ dùng cần đem theo.
Trông coi hành lý của cả nhà: ngoài việc lo sắp xếp và mang vác hành lý cá nhân, trẻ có thể làm tốt việc trông coi hành lý của cả gia đình, lấy hành lý khi đến ga cuối cùng, kiểm đếm xem có sót hay không. Nếu hành lý thất lạc, chuyến đi chơi sẽ gặp nhiều rắc rối. Vì vậy, khi được giao kiểm soát hành lý, trẻ sẽ ý thức vai trò “người lớn” của mình và có tinh thần trách nhiệm hơn.
Nhật ký hành trình: việc ghi chép hành trình sẽ giúp trẻ nhớ lại những gì đã làm, đã xem trong ngày. Sau này, việc ghi chép ấy sẽ là kỷ niệm đẹp khi cả nhà cùng ngồi đọc “nhật ký hành trình” được viết bằng những con chữ non nớt và suy nghĩ ngây thơ.
Cuối cùng, đừng quên nhắc con vệ sinh nhà cửa sạch sẽ trước khi lên đường. Sau một chuyến du lịch dài ngày, chắc chắn cả nhà sẽ mệt mỏi khi quay về và sẽ thật “oải” nếu còn phải lau dọn nhà.