1 Đừng chơi trước khi bé ngủ
Sau 1-2 tháng đầu đời, thiên thần bé bỏng đã có các giai đoạn trong giấc ngủ gần giống như bạn: ngủ lơ mơ, REM (mắt chuyển động nhanh), ngủ nhẹ, ngủ sâu, và ngủ rất sâu. Con bắt đầu quen thuộc dần với khái niệm “ngủ qua đêm”. Để giúp bé thích nghi nhanh chóng với chu kỳ ngủ – thức như mong muốn, bạn cần lưu ý giữ đúng chu kỳ ngủ của bé. Gần đến giờ ngủ nên giảm bớt các hoạt động chơi đùa, nói chuyện, tắt bớt đèn, chỉ để ánh sáng dịu, giữ yên tĩnh cho con để con có thể “tập trung” vào giấc ngủ. Nếu chơi đùa hoặc hoạt động nhiều trước giờ ngủ, bé sẽ không thích nghi được, xáo trộn nhịp sinh học và khó ngủ thẳng giấc, dễ giật mình.
2 Giữ cho con “tỉnh táo” lúc ban ngày
Một nguyên tắc đơn giản là nếu bé ngủ nhiều vào ban ngày thì chắc chắn là sẽ khó có được giấc ngủ thẳng, ngon giấc lúc ban đêm. Chính vì thế, ban ngày, bạn không nên để con cứ nằm yên và… ngủ suốt. Nên đánh thức bé dậy vài giờ một lần (ban ngày), khuyến khích bé dậy, giúp bé “tỉnh táo” bằng cách chuyện trò, chơi với con, nói chuyện… Nếu bé lim dim vào khoảng 10 giờ đêm và ban ngày không ngủ quá nhiều, giấc ngủ đêm của bé sẽ được kéo dài tối đa.
3 Chọn tã tốt để hạn chế đánh thức trẻ ban đêm
Trường hợp thay tã ướt hay lo ngại bé đói, bạn cần cố gắng thực hiện nhanh các hoạt động cần làm, hạn chế tối đa việc đánh thức trẻ lâu. Có thể thay tã hoặc cho bé bú trong ánh đèn phòng ngủ, đừng bật đèn sáng trưng, cũng đừng trò chuyện hay chơi với bé. Hoàn tất việc thì đặt bé trở lại vào nôi ngay và vẫn giữ mọi thứ thật yên tĩnh.
Bằng cách này, bé sẽ dễ dàng ngủ tiếp mà không bị mất giấc hay sáng dậy bực dọc, khó chịu vì giấc ngủ không sâu. Bạn cũng cần lưu ý chiếc tã dùng cho trẻ buổi đêm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ của bé. Vì nếu chọn phải tã không tốt, cứ ướt, thấm hút kém, bé sẽ dễ nhiễm lạnh, dễ bị thức giấc, ngủ không ngon.
4 Không ẵm bé trên tay ru ngủ
Ngay những tháng đầu đời của con, bạn cần tập thói quen đặt bé vào nôi khi bé đang buồn ngủ nhưng vẫn thức. Bằng cách đó, bé sẽ tự đưa mình vào giấc ngủ mà không phụ thuộc vào chuyện được ẵm, được đong đưa, được ru… Ban đầu, việc này khá khó vì một số trẻ sẽ quẫy đạp, khóc dai dẳng trong quá trình tập đưa mình vào giấc ngủ. Song lời khuyên cho bạn là trừ khi bé đói hay bị ốm, có nguyên nhân nào khác, còn lại hãy cứ thử để bé một mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, bé sẽ tự phát triển kỹ năng đưa mình vào giấc ngủ mà không cần sự trợ giúp của bạn. Khi có được kỹ năng đó, thiên thần bé bỏng sẽ ngon giấc hơn, sáng sớm mai thức dậy sẽ tỉnh táo, vui tươi hơn hẳn.