Triệu chứng thường gặp
Khi mắc bệnh “tay, chân, miệng”, bé sẽ nổi những nốt hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân (khu vực nổi nhiều nhất), trong miệng (gây vết loét miệng), đầu gối, mông, hay nổi rải rác ở những vị trí khác trên cơ thể (đặc biệt, những bóng nước này khi ấn vào không đau).
Ban đêm ngủ, bé có thể hay bị giật mình, hoảng hốt, có kèm theo các triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy… Nếu không biết, bạn và ngay cả các bác sĩ không chuyên rất dễ nhầm lẫn bệnh “tay, chân, miệng” với một vài bệnh khác như dị ứng, nhiễm trùng da, viêm họng…
Cách điều trị
Đối với những trường hợp nhẹ, mới phát bệnh thì bé không cần điều trị thuốc men gì nhiều, chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, an thần… Tuy nhiên thời gian điều trị, bé cần được theo dõi sát, để xử lý kịp thời những biến chứng có thể xảy ra. Nếu diễn tiến tốt, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, những nốt hồng ban sẽ lặn đi, không để lại sẹo.
Nhưng đối với bệnh “tay, chân, miệng” có nguyên nhân do vi-rút Enterovirus (EV) 71, nếu không xử trí kịp thời thì có thể gây ra các biến chứng cho bé, nặng hơn là dẫn đến tử vong (do biến chứng lên não, màng não, gây co giật, gây viêm cơ tim, hôn mê…). Thường bệnh diễn tiến nặng sau một tuần khởi phát. Một khi đã bị bệnh nặng thì việc chữa trị sớm là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, may mắn là loại bệnh “tay, chân, miệng” này sau khi điều trị dứt, không để lại di chứng (về thần kinh) như một số bệnh viêm não khác!
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Mùa hè tuy không phải là mùa dịch bệnh “tay, chân, miệng” (thường chỉ xảy ra hai đợt trong năm (từ tháng 2- 4 và đợt tháng 10-12), tuy nhiên tháng vừa qua, bệnh tăng đột biến ở các bé cũng rất đáng lo ngại. Do đó, bạn nên đảm bảo vệ sinh cho bé trong mùa hè để phòng ngừa bệnh.
Cần giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng, cho các bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên cho các bé khỏe mạnh tiếp xúc với các bé đang mắc bệnh. Ngoài ra, bạn cần phải đảm bảo vệ sinh cả môi trường sinh hoạt, chơi đùa, sàn nhà, đồ chơi của bé và đặc biệt là ngay cả bạn cũng phải giữ vệ sinh sạch sẽ khi chế biến thức ăn và chăm sóc bé.
Để phát hiện sớm bệnh “tay, chân, miệng”, bạn cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa khám ngay khi thấy bé có một trong những biểu hiện sau đây: Có một hoặc vài bóng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi chỏ, đầu gối hoặc loét họng (thường biểu hiện bằng việc bé khó ăn, uống và chảy nước miếng nhiều).
Đối với bé đang mắc bệnh, bạn cần theo dõi sát, nếu thấy có một trong những dấu hiệu như giật mình, hốt hoảng, run, yếu tay chân, sốt cao hoặc ói nhiều thì phải đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa ngay.