Có một thực tế mà ba mẹ nào cũng buộc phải chấp nhận đó là trẻ càng lớn sẽ càng rời xa vòng tay chúng ta. Vì thế, thay vì cố giữ con bên mình, ba mẹ nên trang bị những kiến thức cơ bản để đảm bảo an toàn cho trẻ.
An toàn cho trẻ khi tham gia giao thông
Với trẻ nhỏ từ 1-5 tuổi
Khi trẻ còn nhỏ không thể tự ngồi một mình trên xe máy, nhất thiết phải được mẹ hoặc người nào đó cứng cáp bế vào lòng. Bé phải được ngồi giữa người cầm lái và người bế. Người bế bé phải chú ý đặt tay chân bé lên trên đùi mình, tránh để tay chân bé lòng thòng, đánh đu dễ mắc vào căm xe hoặc dang chân quá rộng sẽ va quẹt vào xe khác. Tuyệt đối không cho trẻ đứng trên yên xe, rất dễ té ngã do trẻ nghịch hoặc do người bế không đủ sức kềm bé.
Trường hợp chỉ có ba hoặc mẹ chở bé ngồi trước thì cần có ghế ngồi cho trẻ, kèm theo một sợi dây đai buộc bé vào ngang bụng người chở thật chắc chắn. Nên chọn đai loại tốt, có khóa an toàn, kiểm tra và vệ sinh đai thường xuyên.
Khi đeo đai cho bé không nên siết quá chặt sẽ ép bụng bé gây tức bụng, ngạt thở. Đi cùng dây đai, nên chọn thêm gối bông gòn thật êm treo vào cổ xe, phòng khi thắng gấp hoặc bé ngủ gật không bị đập mặt vào xe.
Đối với những bé đã đi giỏi, khi xuống xe, cha mẹ nên cẩn thận không cho bé đến gần pô xe nóng để tránh bị phỏng. Trẻ 3 tuổi trở lên, ngoài kính mát và khẩu trang, cha mẹ nên chọn cho bé một chiếc nón bảo hiểm tốt và vừa vặn với vòng đầu của bé.
Tùy theo thời tiết mà chọn cho bé quần áo thích hợp khi ra đường. Quan trọng nhất là trẻ phải được mặc đủ ấm, không quá nóng bức, bít bùng nhưng cũng không quá “mát mẻ” vì đề kháng bé yếu, rất dễ bệnh khi gặp gió mạnh.
Trẻ ở độ tuổi đi học: 6 tuổi trở lên
Trẻ ở độ tuổi đi học, nhất là những em phải tự đi học một mình, cha mẹ nên trang bị đầy đủ kiến thức an toàn giao thông cơ bản nhất cho trẻ: đi bộ phải đi trên lề, xin qua đường ở những vạch sơn quy định, luật đèn xanh đèn đỏ, quẹo trái, quẹo phải…
Nếu trẻ đi xe đạp, bảo trẻ phải thật chú ý khi điều khiển xe, không được đùa giỡn hoặc quá chú tâm vào một điểm nào đó bên đường mà lơ là tay lái dễ xảy ra va quẹt, thậm chí gây tai nạn. Nghiêm cấm việc trẻ (nhất là bé trai) “làm xiếc” trên xe đạp: chạy một bánh, gác chân lên cổ xe khi chạy, đánh võng, lạng lách…
Dạy trẻ giữ khoảng cách an toàn với xe lớn cùng lưu thông trên đường tránh nguy hiểm: xe buýt, xe tải, taxi, các loại xe bốn bánh khác… Những điều căn dặn này phải được lặp đi lặp lại để tạo thành ý thức và thói quen giúp trẻ tự giác thực hiện để bảo vệ bản thân.
Nếu trẻ đi học bằng xe buýt, dặn trẻ khi lên xe phải nhìn trước ngó sau, chỉ bước lên xe khi xe đã tấp sát vào lề và mở rộng cửa. Khi xuống xe cũng phải chờ bác tài mở cửa xe an toàn rồi mới xuống. Đã có không ít trường hợp các em học sinh vì hấp tấp, vội vàng, sợ trễ giờ, phóng vội lên xe khi cửa chưa mở hết, bị va đập cánh tay vào cửa, có trường hợp gãy tay vì kẹt vào cửa xe buýt.
Ngoài việc giúp trẻ hiểu biết về an toàn giao thông, cha mẹ nên căn dặn trẻ không được đến gần các trụ điện, trạm điện, cột điện… có bảng cấm. Đã có nhiều vụ học sinh rơi ngã vào các vũng nước gần trụ điện, trạm điện đang bị rò điện, bị điện giật chết rất thương tâm. Giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu nguy hiểm chết người có thể xảy ra nếu trẻ tò mò hoặc cố tình vi phạm.
An toàn khi đi công viên
Cho trẻ đi công viên thư giãn cuối tuần cùng cha mẹ là thói quen tốt cần duy trì. Tuy nhiên, vì là trẻ con nên khi bé ở bất kì đâu cũng có thể gặp nguy hiểm. Hãy chuẩn bị cho con những điều dặn dò này, bạn sẽ yên tâm cho con trẻ đi công viên thoải mái.
Dặn con không đến gần hoặc leo lên bờ hồ chứa nước trong công viên, trẻ có thể trượt chân té ngã vào hồ nước.
Không đến các trụ đèn xung quanh công viên để tránh sự cố rò điện.
Nếu trẻ muốn chơi cầu trượt phải ngồi vào máng trượt, trượt đúng tư thế từ trên xuống, tuyệt đối không được leo lên đầu máng trượt rồi nhảy xuống sẽ gây tai nạn: gãy tay, chân, chấn thương cổ, mặt…
Khi con chơi bập bênh, bảo con không cố dùng hết lực để hất tung bạn cùng chơi. Dạy con cách thỏa thuận rõ ràng quy định này với bạn cùng chơi để cả hai đều được an toàn khi chơi.
Trẻ từ 12-36 tháng tuổi nếu muốn chơi câu cá phải có cha mẹ cùng chơi để giữ bé khỏi “ham cá” mà rướn người câu, trượt ngã vào hồ nước. Với trẻ lớn hơn, căn dặn trẻ chỉ đứng câu cá, không được nhảy xuống hồ bắt cá.
An toàn khi đi du lịch
Điểm đến: Biển
Cho phép con bơi gần bờ, không được ra quá xa, nhất thiết trẻ phải sử dụng phao bơi. Dạy trẻ cách giơ tay cầu cứu khi bị chuột rút hoặc kiệt sức khi đang bơi. Không cho trẻ chạy nhảy ở những bãi cát bẩn, trẻ có thể giẫm miểng chai và các mảnh vỡ vỏ sò, ốc.
Điểm đến: Núi
Chuẩn bị cho trẻ một đôi dép quai, đế có độ bám dính tốt và chắc chắn giúp trẻ không bị trượt ngã khi leo núi. Thêm một cái cây vừa vặn để trẻ cầm, có thể chống đỡ khi trẻ mỏi chân hoặc làm vũ khí khi gặp rắn, côn trùng độc khi leo núi. Dạy trẻ không nên cố leo đến đỉnh nếu không đủ sức.
Điểm đến: Rừng
Chỉ có những trẻ học cấp 2 trở lên mới có thể đi rừng cùng đoàn trường. Cha mẹ nên tìm hiểu kỹ khu rừng mà con mình cùng bạn bè sẽ đến để trang bị cho con quần áo và vật dụng cần thiết khi đi rừng.
Dặn trẻ không được tự ý tách đoàn tránh bị lạc trong rừng, khi gặp dấu hiệu nguy hiểm như bị vắt cắn, bị côn trùng đốt hoặc gặp rắn phải báo ngay cho thầy cô trong đoàn giúp đỡ.
Hỏi đáp nhanh tình huống cần phải đảm bảo an toàn cho trẻ
Hỏi: Con tôi đang học cấp một. Một hôm cháu về nhà với cái miệng sưng vều và gãy mất một chiếc răng cửa. Cháu bảo do bị đứa bạn trai cùng lớp xô ngã khi đang đứng chơi ở gần bậc thềm. Tôi đã nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm nhưng vẫn thấy lo lắng mỗi khi con đến lớp. Tôi phải làm sao để cháu được an toàn?
Đáp: Bạn thân mến! Thật ra chúng ta nghĩ trường lớp là nơi an toàn nhất cho trẻ, vì bọn trẻ đến đó chỉ để học và chơi. Nhưng thật ra, trường lớp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây tai nạn cho trẻ. Tốt nhất, bạn nên căn dặn cháu phải biết tự bảo vệ bản thân, không đùa giỡn quá trớn với bạn, không chạy nhảy lên bàn ghế, không chơi đùa ở bãi xe, không trèo lên cây, không lảng vảng quanh khu vực bếp của căn tin nhà trường để tránh phỏng…
Và khi cháu bị gây hấn, bắt nạt, cháu phải mạnh dạn báo cho giáo viên chủ nhiệm biết để có hướng xử lý giúp cháu, không nên tự ý đánh trả để tránh tình huống trở nên căng thẳng.
An toàn cho trẻ là vấn đề bất kỳ ba mẹ nào cũng quan tâm. Tuy nhiên, cần phải ý thức rằng, chúng ta sống trong một cộng đồng nên cần phải hướng dẫn con cách sống hài hòa và tận dụng sự giúp đỡ của người xung quanh khi cần, ba mẹ nhé!