Rất nhiều người muốn xây dựng hình tượng của một quý cô thanh lịch và sang trọng. Nhưng điều này không chỉ thuộc về sự giàu có hay địa vị của bạn mà còn thiên về cách bạn thể hiện bản thân, cách bạn tương tác với người khác và cách tiếp cận cuộc sống tổng thể của bạn.
Hãy bỏ túi những quy tắc ứng xử để có thể nâng cao phẩm giá của bản thân và khiến những người xung quanh phải trân trọng mình, bạn nhé!
Vì sao bất kỳ ai cũng cần học những quy tắc ứng xử?
Sự duyên dáng, nhẹ nhàng, thể hiện sự tôn trọng với đối phương và có mức độ thân thiện nhất định, biết được những giá trị của bản thân,… là những điều không phải vừa sinh ra đã có. Tất cả đều cần quá trình học tập, rèn luyện và trải nghiệm.
Khi bạn biết được những quy tắc ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh, bạn không chỉ tự nâng cao giá trị bản thân mà còn giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với đối phương. Một người được tất cả mọi người yêu quý sẽ có được sự thuận lợi nhất định trong công việc và cuộc sống.
Chẳng hạn như khi bạn tạo được thiện cảm với đối tác của mình thì việc ký hợp đồng sẽ diễn ra nhanh hơn. Hoặc khi tạo được hình ảnh tốt với nhân sự khi đi phỏng vấn thì khả năng được nhận việc cũng cao hơn.
Do đó, chưa bao giờ là qua sớm để bắt đầu học những quy tắc ứng xử và trở thành một quý cô thanh lịch, biết cư xử khéo léo và chuẩn mực.
Những quy tắc ứng xử giúp bạn chiếm được cảm tình của mọi người xung quanh
Đúng giờ
Cho đối phương thấy bạn coi trọng thời gian của họ bằng cách đến đúng giờ. Đến đúng giờ cho thấy bạn tôn trọng thời gian của người khác và cuộc hẹn giữa bạn và người ấy. Việc đến đúng giờ, hay thậm chí đến sớm hơn giờ hẹn 5-10 phút là một cách đơn giản nhưng mạnh mẽ để thể hiện sự quan tâm của bạn đối với người khác và cho họ biết bạn là một người có kỷ luật.
Đây là quy tắc cơ bản mà bất kỳ ai cũng cần biết. Sẽ không lịch sự khi bạn đến trễ và để đối phương phải đợi mình, đặc biệt là khi bạn không có bất kỳ thông báo nào cho đối phương.
Nhìn vào người đang nói chuyện với bạn
Với một người khéo léo, bạn cần nhìn vào đối phương khi đang giao tiếp với họ. Có thể bạn muốn nhìn vào điện thoại hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ, nhưng việc nhìn người đang nói chuyện với bạn sẽ cho họ biết rằng họ đang chú ý đến bạn. Kỹ năng giao tiếp này sẽ giúp bạn nhanh chóng chiếm được thiện cảm của đối phương.
Luôn mời những người xung quanh trước khi dùng bữa
Khi vào bàn ăn, cần mời những người xung quanh trước khi dùng bữa. Bạn có thể chủ động gấp thức ăn cho người kế bên mình. Quy tắc ứng xử trên bàn ăn luôn là mời và gấp thức ăn cho người lớn tuổi nhất / có địa vị cao nhất rồi dần đến những đối tượng khác và cuối cùng mới là phần của bạn.
Không dùng đũa/muỗng/nĩa đang ăn để gấp thức ăn chung
Khi muốn gấp thức ăn trên bàn, bạn cần dùng đũa/muỗng/nĩa được chuẩn bị riêng cho việc gấp thức ăn. Nếu không có dụng cụ gấp thức ăn chuẩn bị sẵn, bạn có thể tìm một đôi đũa sạch hoặc tối thiểu là quay đầu đũa về hướng đầu đũa sạch để gấp thức ăn.
Không gắp quá nhiều thức ăn cùng một lúc
Cách bạn ăn, cách cư xử trên bàn ăn, cách bạn tham gia vào cuộc trò chuyện trong bữa ăn và thái độ tổng thể của bạn tại bàn ăn cũng góp phần tạo nên hình ảnh quý cô thanh lịch của bạn. Và bạn cần nhớ không gắp quá nhiều thức ăn cùng một lúc.
Bạn không ăn một mình! Do đó, quy tắc ứng xử văn minh trên bàn ăn bạn cần ghi nhớ chính là chỉ gắp ít, vừa đủ ăn và lấy thêm khi đã ăn hết phần trên đĩa của mình.
Không ăn ngấu nghiến mà ăn chậm rãi từng miếng nhỏ
Một quy tắc ứng xử trên bàn ăn mà bạn cần lưu ý chính là luôn cắt hoặc chia thức ăn thành từng miếng nhỏ. Không há miệng to, ăn một phần thức ăn lớn hay ăn ngấu nghiến, điều này sẽ khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu xí hơn trong mắt đối phương.
Không phát ra tiếng khi ăn
Nhiều người khi ăn thường phát ra tiếng, có âm thanh nhai hay chép miệng. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến không gian những người xung quanh đang thưởng thức bữa ăn. Đây là một điều mà bạn cần chú ý để tránh mất điểm.
Ăn mặc lịch sự
Một quy tắc ứng xử quan trọng mà bạn nên lưu ý chính là ăn mặc lịch sự. Cách bạn ăn mặc tác động đáng kể đến cách bạn được nhìn nhận. Sự sang trọng trong cách ăn mặc không có nghĩa là bạn phải mặc những bộ quần áo đắt tiền nhất. Điều quan trọng hơn là chọn trang phục trang nhã, vừa vặn và phù hợp với môi trường, sự kiện mà bạn tham gia.
Hãy xem xét độ vừa vặn của quần áo và chất liệu vải của trang phục mà bạn chọn. Trang phục nên vừa vặn, không quá chật hoặc quá rộng. Ưu tiên các loại vải không quá mỏng hay quá ôm sát vào cơ thể.
Ngoài ra, một bộ trang phục hài hòa còn phản ánh sự chú ý đến từng chi tiết, cho thấy bạn quan tâm đến việc thể hiện bản thân thật đẹp. Hãy nhớ rằng, phụ kiện có thể tạo nên hoặc phá vỡ một bộ trang phục. Không nên chọn những trang phục có chi tiết quá rườm rà hay thêm quá nhiều phụ kiện làm mất đi sự hài hòa tổng thể.
Đẩy ghế vào trong sau khi đứng dậy
Khi bạn rời khỏi bàn, một quy tắc ứng xử ngầm để thể hiện sự thanh lịch của bạn chính là nhẹ nhàng đẩy ghế của bạn vào sát bàn. Đừng bắt người khác phải làm việc đó và cố gắng đừng phát ra âm thanh lớn khi đẩy ghế.
Không tạo tiếng ồn ở nơi công cộng
Ở nơi công cộng, hãy nhận thức được hành vi của bạn. Giữ giọng nói của bạn ở mức âm lượng vừa phải, dù cho bạn đang nói chuyện với một ai đó hay nói chuyện điện thoại đi chăng nữa.
Nếu bạn xem phim hay sử dụng các thiết bị điện tử, nên tắt tiếng hoặc đeo tai nghe. Việc tôn trọng không gian chung luôn là quy tắc ứng xử quan trọng mà bất kỳ ai cũng cần học.
Gõ cửa trước khi vào phòng một ai đó hoặc một nơi riêng tư
Không ai thích bị người khác bất ngờ bước vào không gian sinh hoạt riêng của mình. Để trở thành một quý cô thanh lịch, khi học các quy tắc ứng xử, bạn cần nhớ việc gõ cửa trước khi vào phòng một ai đó là động thái bắt buộc phải thực hiện.
Không uống quá nhiều rượu
Nếu bạn muốn xây dựng hình tượng của một quý cô thanh lịch thì quy tắc ứng xử quan trọng bạn cần nhớ chính là không uống quá nhiều rượu.
Thưởng thức đồ uống là điều hoàn toàn tốt và đôi khi cần xã giao thì việc uống rượu là điều khó tránh khỏi. Nhưng uống quá nhiều rượu có thể khiến bạn mất kiểm soát trong lời nói và hành động của mình, khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu xí hơn trong mắt người khác.
Giữ không gian sống của bạn gọn gàng
Một không gian sống ngăn nắp không chỉ là sự lựa chọn mang tính thẩm mỹ; đó là sự phản ánh suy nghĩ của bạn. Môi trường ngăn nắp và sạch sẽ không chỉ tạo cảm giác thân thiện mà còn nói lên khả năng quản lý và chăm sóc không gian cá nhân của bạn.
Cho dù đó là nhà, nơi làm việc hay thậm chí là ô tô của bạn, việc chăm sóc và sắp xếp môi trường xung quanh thể hiện mức độ tự trọng và chú ý đến từng chi tiết. Điều này sẽ giúp bạn gây được ấn tượng tốt với những người xung quanh mình.
Không tạo tiếng ồn khi di chuyển
Bạn có thói quen lết dép, không nhấc chân lên độ cao vừa phải khi đi nên mỗi bước chân bạn di chuyển đều phát ra âm thanh sột soạt? Bạn mang giày cao gót và thích bước những bước chân thật mạnh mẽ nên gót giày chạm vào sàn nhà thành âm thanh vang dội? Tiếng ồn khi di chuyển cũng là một điểm xấu xí mà bạn nên hạn chế để tránh làm phiền người khác.
Không cắt ngang lời của người khác
Quy tắc ứng xử mà bạn cần chú ý khi trò chuyện là gì? Đó chính là không cắt ngang lời của người khác khi họ đang nói chuyện. Việc này thể hiện bạn là một người biết lắng nghe và là người tinh tế.
Chọn đề tài trò chuyện phù hợp
Trong lúc trò chuyện, bạn hãy giữ chủ đề của mình một cách bao quát và phù hợp. Tránh các chủ đề gây tranh cãi như chính trị hoặc tài chính cá nhân. Thay vào đó, hãy chọn các chủ đề phổ quát như du lịch, ẩm thực hoặc văn hóa. Điều này giúp cuộc trò chuyện trở nên thú vị và hấp dẫn đối với mọi người tham gia.
Đặc biệt, không nên quá tập trung vào việc kể lể, than thở những vấn đề cá nhân. Nếu đối phương không quá thân thiết với bạn thì chưa chắc họ đã sẵn lòng để lắng nghe những gì bạn chia sẻ.
Một số quy tắc ứng xử khác
Khi tìm hiểu về các quy tắc ứng xử, bạn cần nhớ rằng tất cả mọi hành động, cử chỉ của mình đều gây chú ý với người khác. Do đó, cần cẩn thận trong tất cả mọi vấn đề.
Một số quy tắc nhỏ mà bạn cũng nên nhớ như không bỏ qua việc chào hỏi khi gặp một ai đó, che miệng khi ho và che mũi khi hắt hơi, không chen hàng, không đứng chắn lối đi của người khác, giữ cửa cho người tiếp theo, không chải chuốt nơi công cộng, trước khi bạn bước vào thang máy thì hãy chờ mọi người trong thang máy bước ra, không cười nhạo ai đó khi họ đang buồn, tôn trọng cảm xúc của người khác,…
Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể sống thật với cá tính của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn phớt lờ những quy tắc ứng xử cơ bản. Hãy học cách cư xử, giao tiếp, hành động khéo léo vì đây chính là cách bạn thể hiện sự tôn trọng đối với những người xung quanh và đối với chính bản thân bạn.