Các nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra rằng, có mối liên hệ giữa thời tiết và đột quỵ và những thay đổi nhất định về thời tiết có thể là tác nhân gây ra đột quỵ.
Đối với hơn 200.000 người Việt bị đột quỵ mỗi năm, việc biết các dấu hiệu và triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được có thể giúp giảm tổn thương vĩnh viễn cho bệnh nhân bị đột quỵ. Và một điều quan trọng mà bạn cần cẩn thận mỗi dịp cuối năm đó chính là tình trạng đột quỵ mùa lạnh.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ xảy ra khi dòng máu cung cấp oxy đến não bị gián đoạn. Điều này có thể xảy ra do cục máu đông hình thành ở nơi khác trong cơ thể di chuyển đến não (đột quỵ do thiếu máu cục bộ, loại phổ biến nhất) hoặc khi xuất huyết mạch máu não (chảy máu não).
Khi người bệnh bị đột quỵ, oxy và các chất cần thiết không đi lên não để nuôi các tế bào não. Do đó, cứ mỗi phút trôi qua lại có hàng triệu tế bào não bị mất đi, gây ra nhiều biến chứng như rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm thị lực,… hay thậm chí tử vong.
Thời tiết đóng vai trò như thế nào trong vấn đề đột quỵ mùa lạnh?
Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối quan hệ giữa thời tiết mùa lạnh và tỷ lệ đột quỵ tăng lên. Thời tiết lạnh hơn làm cho các mạch máu co lại, có thể làm tăng huyết áp – một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ. Cứ thay đổi nhiệt độ 5 độ C, nguy cơ nhập viện do đột quỵ tăng 6%.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy máu có xu hướng đặc lại và trở nên dính hơn khi trời cực lạnh, khiến máu dễ đông hơn. Hầu hết các cơn đột quỵ là do đông máu, làm tắc nghẽn mạch máu lên não. Phản ứng của cơ thể chúng ta với thời tiết lạnh có xu hướng gây thêm căng thẳng cho tim khi chúng ta “kiềm chế” để bảo toàn nhiệt và năng lượng.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra độ ẩm cũng đóng một vai trò trong nguy cơ đột quỵ mùa lạnh của chúng ta. Độ ẩm cao trong khí quyển có thể khiến một số người bị mất nước, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một xu hướng tỷ lệ đột quỵ cao hơn vào những tháng mùa đông.
Các triệu chứng đột quỵ mùa lạnh
Các triệu chứng đột quỵ mùa lạnh bao gồm:
- Đau đầu
- Méo miệng
- Méo mặt
- Rối loạn ngôn ngữ, khó nói, nói ngọng, không hiểu câu nói của người đối phương hoặc không thể diễn tà được ý của mình
- Suy giảm thị lực
- Mất thăng bằng, không thể giơ hai tay lên cao cùng lúc hoặc tay ngay lập tức rơi xuống sau khi giơ lên
Bạn có thể áp dụng nguyên tăc F.A.S.T để nhận biết dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh, bao gồm:
- F (Face) – Khuôn mặt: Người bị đột quỵ thường bị méo mặt, mí mắt sụp xuống, mất cân xứng giữa hai bên mặt.
- A (Arms) – Cánh tay: Dấu hiệu đột quỵ chính là người bệnh không thể giơ cao hai tay cùng 1 lúc và giữ nguyên trong vòng 5-10 giây. Bạn có thể yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên để kiểm tra xem người bệnh có thể giữ được hai tay trên cao hay không.
- S (Speech) – Lời nói: Để kiểm tra dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh ở một người, bạn có thể yêu cầu họ nói hoặc lặp lại một câu nói. Người bị đột quỵ thường gặp khó khăn trong việc nói, dù chỉ là những câu đơn giản. Họ có thể nói lắp, nói ngọng hay thậm chí không thể nói được, nói ú ớ không rõ chữ,…
T (Time) – Thời gian: Khi thấy một người có những triệu chứng đột quỵ mùa lạnh thì việc cần làm chính là ngay lập tức gọi cấp cứu để đưa người bệnh đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Đột quỵ mùa lạnh có nguy hiểm không?
Đột quỵ do thời tiết lạnh hay do bất kỳ nguyên nhân nào cũng đều nguy hiểm. Người bị đột quỵ có thể gặp các biến chứng như:
- Rối loạn ngôn ngữ, khó nói
- Tàn tật vĩnh viễn
- Rối loạn vận động, yếu liệt một bên cơ thể hoặc cả hai bên
- Lú lẫn
- Trầm cảm
- Xẹp phổi
- Viêm phổi
- Rối loạn nuốt
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Suy dinh dưỡng
- Sống đời sống thực vật
- Tử vong
Làm gì khi thấy người bị đột quỵ?
Khi một người có dấu hiệu đột quỵ, bạn nên lập tức gọi điện thoại cho cấp cứu, cung cấp chính xác các thông tin về người bệnh, đặc biệt là dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh và thời gian xảy ra các dấu hiệu này.
Cho người bệnh nằm nghiêng một chỗ, không dùng bất kỳ loại thuốc hay đồ ăn nào để tránh sặc. Có thể nới lỏng cổ áo để giúp thông thoáng đường thở. Tránh vắt chanh vào miệng người bệnh, dùng kim đâm vào đầu ngón tay hay bất kỳ một phương pháp trị đột quỵ nào khác.
Những quan niệm trị đột quỵ này đã được khoa học chứng minh là không có bất kỳ hiệu quả gì, thậm chí còn làm tăng nguy cơ tử vong ở người bị đột quỵ.
Cách phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh
Để phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo nên giữ ấm trong những ngày nhiệt độ hạ thấp. Có thể mặc áo ấm, choàng thêm khăn cổ, mang vớ chân, găng tay,… Vào mỗi sáng, nên cử động tay chân nhẹ nhàng 3-5 phút trước khi ra khỏi giường.
Ngoài ra, cần lưu ý nên uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh cũng như cố gắng hạn chế chênh lệch nhiệt độ, thay đổi nhiệt độ đột ngột. Về chế độ dinh dưỡng phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh, nên ăn nhiều rau củ quả và hạn chế các loại thức ăn nhanh, đồ có nhiều dầu mỡ và chất béo. Nên ăn nhạt, tránh nêm quá nhiều muối và đường.
Bác sĩ cũng khuyến cáo nên duy trì lối sống khoa học, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thể thao nhẹ nhàng và tránh dùng rượu, bia cũng như các chất kích thích khác.
Mùa lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ cao gấp nhiều lần. Do đó, cần chủ động hiểu và phòng tránh đột quỵ mùa lạnh để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cả gia đình bạn nhé!