Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối mặt với nhiều kiểu người khác nhau. Việc nhận biết, đối phó và giải quyết vấn đề với người vô ơn bội nghĩa là một phần quan trọng của quá trình phát triển cá nhân. Bằng cách hiểu rõ hơn về hành vi và tâm lý của họ, chúng ta có thể bảo vệ bản thân và duy trì những mối quan hệ lành mạnh.
Thế nào là sống vô ơn bội nghĩa?
Thế giới muôn màu, xung quanh ta có rất nhiều người với đủ mọi tính cách, bao gồm cả những người vô ơn. Người vô ơn bội nghĩa là những người không đề cao hay trân trọng những gì mà chúng ta đã làm cho họ. Thậm chí, có người còn lợi dụng lòng tốt để làm lợi cho chính mình.
Nói ngắn gọn thì sống vô ơn là không biết trân trọng và đáp lại sự giúp đỡ, quan tâm, yêu thương của người khác. Đây cũng là những người sống ích kỷ và hiếm có khả năng đồng cảm với người khác.
Thế giới của người vô ơn gần như chỉ xoay quanh những nhu cầu của chính họ. Thậm chí những người này còn sẽ tỏ thái độ ghen ghét, khó chịu trước thành công của người khác. Họ dường như tin chắc rằng những điều tốt đẹp mình được hưởng là đương nhiên.
Vì sao người ta sống vô ơn?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra sự vô ơn bội nghĩa ở một số người. Có thể là do cách nuôi dạy hoặc những điều đã xảy ra với họ trong quá khứ.
- Họ có gien vô ơn: Nghiên cứu cho thấy rằng có một phần di truyền liên quan đến sự biết ơn của một người. Một số biến thể của gien CD38 hay COMT có thể làm giảm khả năng cảm nhận và bày tỏ lòng biết ơn.
- Họ chưa bao giờ bị từ chối nên cảm thấy những gì mình nhận được là đương nhiên. Người này sẽ không hiểu được giá trị của tiền bạc, thời gian hay mối quan hệ với người khác.
- Họ chưa bao giờ tự lập: Không có lao động sẽ không biết quý trọng thành quả lao động. Vì chưa bao giờ gặp khó khăn nên người sống vô ơn không biết trân trọng những gì mình nhận được.
Làm thế nào để nhận biết người vô ơn?
Đây là những dấu hiệu “cờ đỏ” cho thấy người bạn tiếp xúc có khả năng không có lòng biết ơn. Nếu bạn nhận thấy họ có nhiều hơn ba dấu hiệu dưới đây thì hãy cẩn thận quan sát để có đánh giá đúng nhất:
- Họ ít khi hay không bao giờ nói cảm ơn hoặc tỏ thái độ vui vẻ, biết ơn khi được ai đó giúp đỡ hay tặng quà. Thậm chí một số người còn sẵng giọng phàn nàn hoặc chỉ trích nếu không được như ý.
- Gần như những người này không có khái niệm “có đi có lại”. Họ thoải mái nhận về cho mình mà không chút áy náy và sẵn sàng từ chối “trả” cho người đã giúp mình. Hoặc họ sẽ trả ơn một cách hời hợt, thiếu tôn trọng, không có thành ý. Bạn có thể có cảm giác như mình mới là người mắc nợ họ vậy.
- Họ không giữ lời hứa và không xem trọng nhu cầu của người đã giúp mình. Họ có thể nhận lời giúp bạn nhưng sau cùng lại làm theo ý mình.
- Người vô ơn bội nghĩa không coi trọng hay duy trì mối quan hệ với người đã giúp mình, chỉ liên lạc khi cần sự giúp đỡ hoặc lợi ích gì đó.
- Ngôn từ của những người này thường xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo như: Luôn kể công, đổ lỗi cho người khác, xem nhẹ đóng góp/công sức của người khác.
- Họ có thể thao túng tâm lý và cảm xúc của bạn để đạt được mục đích riêng. Nếu bạn kể công họ sẽ nói rằng bạn quá chi li, tính toán mà không chịu thừa nhận sự ích kỷ của mình.
Cần làm gì khi phải tiếp xúc với người vô ơn?
Tuy có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn tới lối sống vô ơn nhưng chắc chắn không ai muốn dây vào kiểu người này. Không dễ gì để bạn nhận biết được một người có thói vô ơn bội nghĩa.
Nếu không cẩn thận, có thể lúc bạn nhận ra thì đã quá muộn. Khi tiếp xúc với người vô ơn hoặc người có nhiều dấu hiệu cảnh báo như đã nhắc bên trên, bạn có thể áp dụng những cách sau:
- Nói chuyện với người vô ơn về cách họ đối xử với bạn, bày tỏ cảm xúc và mong muốn của bạn một cách lịch sự và trung thực. Nếu họ lảng tránh, phớt lờ nhu cầu của bạn thì hãy tiếp tục các chiến lược bên dưới.
- Giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc hay giao tiếp nếu không cần thiết. Hãy thận trọng trong việc tiết lộ thông tin cá nhân hay cảm xúc của bạn với họ để tránh bị lợi dụng.
- Đặt ra những ranh giới rõ ràng trong mối quan hệ độc hại như thế này, không để cho người vô ơn lợi dụng hay xâm phạm quyền lợi của bạn.
- Chỉ giúp đỡ khi bạn thực sự muốn và có khả năng. Tuyệt đối không đặt nhu cầu của những người này lên trên nhu cầu của bạn. Hãy xác định một mức độ giới hạn cho thời gian và năng lượng bạn dành cho họ. Ranh giới càng rõ ràng thì nguy cơ bạn bị lợi dụng càng thấp.
Để không trở thành kẻ vô ơn
Lòng tốt và sự vô ơn là hai thái cực đối lập nhau. Không ai sẽ thích người vô ơn bội nghĩa. Bên cạnh tránh tiếp xúc với những người này, bạn cũng có thể chú ý để rèn luyện lòng biết ơn cho bản thân.
Có nhiều cách đơn giản để giữ sự biết ơn trong lòng:
- Chủ động nói lời cảm ơn và xin lỗi khi cần thiết.
- Tưởng tượng “nếu…thì” với các sự kiện trong cuộc sống. Ví dụ, “Nếu tôi không gặp được người này, tôi sẽ không có được hạnh phúc hiện tại”, hoặc “Nếu tôi không có công việc này, tôi sẽ không đủ thu nhập trang trải cuộc sống”.
- Ghi lại nhật ký biết ơn mỗi ngày từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Tóm lại, nhận biết người vô ơn bội nghĩa là một kỹ năng quý báu giúp chúng ta duy trì mối quan hệ lành mạnh và xây dựng sự tự tin trong cuộc sống. Qua việc tìm hiểu về đặc điểm, cách nhận biết và đối phó với họ, chúng ta học hỏi và phát triển để trở thành những người tự tin, có hiểu biết và biết cách bảo vệ mình trong môi trường xã hội đa dạng và phức tạp.