Sẽ thật tốt, nếu bác sĩ báo cho bạn biết: “Thai nhi phát triển tốt, mọi thứ đều bình thường!”. Nhưng… Sẽ ra sao khi bác sĩ báo với bạn một bất thường nào đó của thai kỳ? Có thái độ bình tĩnh, nhìn nhận đúng vấn đề, hợp tác cùng bác sĩ để cải thiện tốt nhất tình hình lúc này là việc rất cần làm. Chuyên đề Đối mặt với “bất thường” được đặt ra, chính là để đồng hành cùng bạn trong quá trình “không suôn sẻ” đó!
Mẹ cần biết
Trong quá trình thăm khám tiền sản, ngoài những kiểm tra thường quy như cân đo trọng lượng, huyết áp, chiều cao tử cung và thực hiện các xét nghiệm căn bản như xét nghiệm máu, nước tiểu, có thể mẹ bầu sẽ được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu (ví dụ như chọc ối) nếu bác sĩ thấy xuất hiện dấu hiệu cảnh báo rủi ro ở thai nhi như nguy cơ thai dị tật, bị Down, nứt đốt sống, não úng thủy…
Bạn không nên quyết định bỏ qua những chỉ định xét nghiệm này với “lý luận” may rủi kiểu như: “Bạn tôi cũng từ chối chọc ối dù bác sĩ báo rằng có nguy cơ bất thường. Cuối cùng bé sinh ra vẫn khỏe mạnh đấy thôi!!!”. Hãy nhớ rằng một đứa trẻ sinh ra bất thường sẽ là gánh nặng lớn lao cho gia đình, xã hội và sẽ là nỗi khổ của chính bé. Vì vậy, đừng mạo hiểm “may rủi”, phó mặc cho “số phận” và làm trái chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp này.
1. Làm gì khi kết quả đo độ mờ da gáy bất thường?
Đo độ mờ gáy là cách kiểm tra lớp da gáy ở bào thai, qua siêu âm vào tuần 11-14 của thai kỳ. Hiểu một cách đơn giản: Mọi thai nhi phát triển đều có một lớp dịch giữa da và mô mềm bên dưới gáy. Những bé có khiếm khuyết nhiễm sắc thể và tim bẩm sinh thường có nhiều nước hơn bình thường trong lớp này. Nếu siêu âm cho thấy kích thước bất thường trong không gian chứa dịch gần phía sau cổ của thai nhi, thể hiện bằng hình ảnh mờ đục trên màn hình siêu âm, căn cứ vào kích thước và hình dạng bóng mờ sẽ có thể chỉ ra được các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down hay tim bẩm sinh.
Sở dĩ đo độ mờ da gáy phải được thực hiện đúng thời điểm vì trước tuần thứ 11, kỹ thuật đo khó khăn khi bào thai còn quá nhỏ; sau tuần thứ 14, da gáy sẽ trở về bình thường (không có nghĩa là thai bình thường) nên việc đo độ mờ da gáy không còn ý nghĩa.
Kết quả bình thường là khi độ mờ da gáy tương ứng với sự phát triển của bé. Ví dụ:
– Tuần 11 của thai kỳ, đo độ mờ da gáy cho kết quả tới 2mm.
– 13 tuần 6 ngày của thai kỳ, đo độ mờ da gáy cho kết quả tới 2,8mm.
Giả sử kết quả lúc này là 6mm, tức bé có nguy cơ cao bị Down và những bất thường nhiễm sắc thể khác. Bạn nên làm gì?
>> Ứng xử đúng cho mẹ:
– Kết quả đo độ mờ da gáy có thể phán đoán chính xác 75% nguy cơ bé bị Down. Tất nhiên, vẫn có một số trường hợp (xác suất nhỏ) việc đo độ mờ da gáy cho kết quả là bất thường nhưng bào thai lại bình thường. Nghĩa là tuy có kết luận “nguy cơ cao” nhưng vẫn sinh con khỏe mạnh. Song, bạn không nên chủ quan dựa vào một vài trường hợp ít ỏi này để cho rằng mình cứ… kệ, không cần làm gì thêm, không cần theo những chỉ định kế tiếp của bác sĩ.
– Hãy bình tĩnh vì khi bác sĩ thông báo “có nguy cơ” thì đây vẫn chưa phải kết luận cuối cùng. Cách tiếp theo để phát hiện Down và bất thường nhiễm sắc thể ở bé là thực hiện các xét nghiệm tầm soát thêm (Double test, Triple test hay NIPT), cũng như siêu âm tim cho bé ở những thời điểm thích hợp theo chỉ định của bác sĩ. Nếu kết quả vẫn ra nguy cơ cao, thai phụ sẽ được tham vấn chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau để có chẩn đoán xác định. Khi đó, việc chẩn đoán hội chứng Down ở bé có thể chính xác đến 90%. Đây được gọi là kỹ thuật kết hợp. Bạn cần tích cực hợp tác cùng bác sĩ để thực hiện những xét nghiệm này để có kết quả chính xác hơn.
– Trường hợp xấu nhất, kết quả sau những xét nghiệm này vẫn cho thấy bé bị Down, bạn cần lắng nghe mọi phân tích, tư vấn của bác sĩ để lường hết tình hình và có quyết định cuối cùng. Việc đình chỉ thai lúc này có thể khiến bạn rất đau lòng nhưng nó lại là giải pháp nên cân nhắc và nên làm, để có thể tránh được những gánh nặng đường dài cho gia đình và xã hội.
2. Làm gì khi hở eo tử cung?
Hở eo tử cung là nguyên nhân quan trọng nhất gây sẩy thai, thường gặp từ khoảng tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thai kỳ.
Hở eo tử cung có thể do:
– Bẩm sinh.
– Do cổ tử cung bị tổn thương vì nong cổ tử cung để nạo thai ở các lần có thai trước.
– Do rách cổ tử cung khi sinh trước đó.
– Do phẫu thuật khoét chóp hay cắt đoạn cổ tử cung.
Bạn cần biết rằng nếu bị hở eo tử cung, từ tuần thứ 16 của thai kỳ trở đi, áp lực trong buồng ối tăng, đè vào cổ tử cung, làm cổ tử cung nở dần, đưa đến vỡ ối và sẩy thai. Việc sẩy thai do hở eo tử cung thường rất đột ngột khi thai được khoảng từ 4 đến 6 tháng, không triệu chứng đau bụng hoặc ra máu âm đạo báo trước. Thai phụ đang sinh hoạt bình thường, đột ngột bị vỡ ối và sau vài cơn gò mạnh, thai được sinh ra rất nhanh. Thai thường rất non tháng, chết sau sinh.
Nguy hiểm là vậy, nên trong trường hợp bạn đang mang thai và được bác sĩ cho biết bị hở eo tử cung, bạn cần làm gì?
>> Ứng xử đúng cho mẹ:
– Để tránh tình trạng sẩy thai hay sinh non, khi được chẩn đoán có hở eo tử cung, bạn có thể đề nghị khâu vòng cổ tử cung để làm lỗ trong tử cung hẹp lại. Việc khâu vòng nên thực hiện ở tuổi thai từ 16-20 tuần (tốt nhất là 16-18 tuần). Khi bác sĩ chỉ định việc này, bạn nên tuân thủ.
– Đừng quá lo lắng về thủ thuật này, đó chỉ là một thủ thuật nhỏ trong khoảng vài phút, ít đau. Sau khâu bạn cần nằm nghỉ tại giường, dùng thuốc giảm co tử cung và thuốc kháng sinh. Nếu ổn định, bạn sẽ được xuất viện sau 48 tiếng. Sau khi xuất viện về nhà trong tuần lễ đầu tiên bạn nên hạn chế đi lại hoặc làm việc nặng.
– Nếu thai phát triển bình thường thì đến tuần 37-38, thai phụ phải đến bệnh viện cắt chỉ, phòng khi chuyển dạ sớm, cổ tử cung không mở ra được, gây rách vỡ tử cung.
– Cần tuân thủ lịch khám định kỳ và cần khám ngay khi có các dấu hiệu như: đau bụng, ra huyết âm đạo.
– Hạn chế đi lại nhiều. Tránh mọi việc nặng. Nếu có điều kiện, nên tạm xin nghỉ ở cơ quan/công ty để có chế độ dưỡng thai tại nhà tốt hơn.
– Thực hiện chế độ ăn giàu sắt (thịt bò, mùng tơi, rau dền…) và bổ sung Acid Folic. Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
– Tránh sinh hoạt chăn gối vợ chồng vì có thể đưa đến dọa sẩy thai.
3. Làm gì khi ngôi thai không “thuận”?
Ngôi thai là tư thế nằm của bé so với tử cung. Khoảng tháng thứ 9 của thai kỳ, đầu bé thường quay xuống dưới tử cung để chuẩn bị cho ngày chào đời. (Nếu bác sĩ xác định ngôi đầu, tức là ngôi bình thường).
Ngược lại, một số ngôi thai bất thường bao gồm:
– Ngôi mông: Hai chân của bé hướng xuống phía dưới cổ tử cung.
– Ngôi ngang: Giống như tư thế nằm co khi ngủ ở người trưởng thành. Phần lưng hoặc vai của bé quay xuống phía dưới cổ tử cung.
– Ngôi mặt: Phần mặt của bé hướng xuống phía tử cung thay vì phần đầu như bình thường.
– Ngôi trán: Trán bé ép vào cổ tử cung.
– Ngôi cằm: Bác sĩ có thể sờ thấy cằm của bé khi người mẹ chuyển dạ hoặc lúc thăm khám âm đạo trước đó.
Nguyên nhân của ngôi thai bất thường rất đa dạng, có thể do sự bất thường của lượng nước ối (nhiều quá hoặc ít quá), do dây rốn quá ngắn hoặc quá dài nên quấn quanh cổ bé làm cho bé không trở về ngôi thai bình thường được.
>> Ứng xử đúng cho mẹ:
– Khám thai đúng lịch hẹn, phối hợp tích cực cùng bác sĩ để theo dõi chặt chẽ thai kỳ.
– Thông thường, bác sĩ sẽ báo cho bạn biết về vấn đề ngôi thai và sẽ chỉ định sinh mổ trong một số trường hợp ngôi thai bất thường. Bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đón nhận việc sinh mổ này.
– Một số trường hợp đặc biệt, khi thấy an toàn, bác sĩ có thể thực hiện “thủ thuật xoay ngôi thai” vào khoảng tuần 36, 37 của thai kỳ. Cụ thể, sẽ truyền thuốc làm giãn tử cung của thai phụ và bắt đầu tiến hành các động tác xoay ngôi thai. Tuy nhiên, lưu ý rằng việc thực hiện thủ thuật xoay ngôi thai này không được phép tiến hành với những trường hợp như: Chảy máu âm đạo; Tim thai có bất thường; Trọng lượng thai quá nhỏ; Thiếu nước ối; Vỡ ối sớm; Song thai hoặc đa thai… Bạn nên trao đổi kỹ cùng bác sĩ để quyết định xem có nên thực hiện thủ thuật nói trên hay không.
4. Làm gì khi bất thường nước ối?
Nước ối có vai trò như một chất đệm, chất dinh dưỡng, bảo vệ và giúp thai nhi phát triển. Lượng nước ối có thể ước lượng qua siêu âm được tính bằng cách chia khoang bụng mẹ làm bốn, đo khoang ối lớn nhất (cm) ở từng phần rồi cộng lại. Những bất thường về nước ối có thể gây ra biến chứng khó lường, làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.
Bất thường về nước ối có rất nhiều dạng: Bất thường về khối lượng hay chất lượng nước ối, bất thường diễn ra cấp tính hay mạn tính, bất thường do sinh lý hay bệnh lý… Trong những trường hợp vừa nêu thì tình trạng thiểu ối, đa ối là hai tình trạng thường mắc phải và biến chứng khó lường, có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.
– Thiểu ối: Được nhận biết qua siêu âm khi khoang ối lớn nhất nhỏ hơn 20mm. Thai già tháng hay mẹ thiếu nước là nguyên nhân sinh lý gây ra thiểu ối. Ngoài ra, có một số nguyên nhân bệnh lý như rối loạn biến dưỡng, bệnh lý mạch máu ở mẹ hay em bé không có thận, thiểu sản thận, tắc nghẽn đường tiết niệu do thiểu ối khiến thai suy dinh dưỡng và nhẹ cân. Thiểu ối dẫn đến thai nhi bị biến dạng chi, biến dạng cơ mặt. Khi mẹ chuyển dạ, thiểu ối có thể gây chèn ép rốn nặng dẫn đến tử vong thai nhi.
– Đa ối: Đa ối thường gặp ở thai non tháng, đa thai, bệnh lý về đường tiêu hóa hoặc hệ thần kinh. Đa ối dẫn đến những nguy cơ cho thai nhi như sa dây rốn khi chuyển dạ, tử vong hay bệnh tật sau sinh non. Đối với bà mẹ đa ối cấp có thể gây chuyển dạ sinh non, khó thở; đa ối mạn gây băng huyết sau sanh và nhau bong non.
>> Ứng xử đúng cho mẹ:
– Khi được xác định thiểu ối, bạn cần khám thai đúng lịch, tích cực thực hiện các hướng dẫn của bác sĩ nhằm tìm nguyên nhân cũng như đánh giá mức độ, diễn tiến…, để có những bước xử lý kịp thời. Bạn có thể sẽ phải siêu âm nhiều lần, kiểm tra các bất thường. Nên uống nhiều nước (hơn 3 lít nước mỗi ngày), tăng cường nghỉ ngơi.
– Trường hợp xác định đa ối, bạn cần thăm khám theo định kỳ với bác sĩ sản khoa của mình, để tìm ra tình trạng đa ối có nguyên nhân hay không. Một số trường hợp không tìm ra nguyên nhân, bạn nên bình tĩnh theo dõi, không nên quá lo lắng. Thực tế, nếu lượng ối nếu tăng lên từ từ, bản thân mẹ sẽ thích ứng được.
– Đa ối thường khiến mẹ cảm thấy khó chịu, nặng nề do bụng bầu quá lớn. Lúc này, nên lưu ý sinh hoạt nhe nhàng, ăn uống chia thành nhiều bữa nhỏ để giảm khó chịu. Đồng thời, nên quan tâm và chủ động tìm hiểu cách nhận biết các dấu hiện như rỉ nước ối, vỡ ối…