Người mắc bệnh gout (bệnh gút) nên ăn gì và không nên ăn gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay về thực đơn cho người bệnh gút trong bài viết dưới đây bạn nhé!
Bệnh gút là gì?
Bệnh gout, còn được gọi là bệnh gút là một loại viêm khớp mãn tính do việc tích tụ quá nhiều axit uric trong cơ thể, dẫn đến hình thành các tinh thể axit uric trong các khớp, gây ra viêm nhiễm.
Thông thường, axit uric sẽ được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu cơ thể sản xuất ra quá nhiều axit uric hoặc không thể loại bỏ đủ axit uric, thì chất này có thể tích tụ trong máu, gây ra bệnh gout. Những triệu chứng chính của bệnh gút bao gồm cơn đau khớp đột ngột, đỏ, sưng và nóng. Những cơn đau thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm, ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối,…
Nếu không được điều trị, bệnh gout có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài, bao gồm viêm khớp mãn tính và hủy hoại khớp. Các biến chứng khác có thể bao gồm sỏi thận và suy thận.
Thực phẩm ảnh hưởng đến bệnh gút như thế nào?
Thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị bệnh gút. Một số loại thực phẩm có thể làm bùng phát bệnh do làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể do chứa nhiều purin, một chất được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm. Khi bạn tiêu hóa purin, cơ thể bạn tạo ra axit uric như một chất thải.
Người bị bệnh gút không thể loại bỏ axit uric dư thừa một cách hiệu quả. Do đó, chế độ ăn nhiều thực phẩm làm tăng nồng độ axit uric có thể khiến axit uric tích tụ. Điều này có thể làm tăng khả năng bị bệnh gút tấn công. Vì vậy, việc tìm hiểu thực đơn cho người bệnh gút xem người bệnh gút nên ăn gì và kiêng gì là vô cùng quan trọng.
Thực đơn cho người bệnh gút – bí quyết xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Để giúp kiểm soát bệnh gút, bạn nên chú trọng vào các loại thực phẩm mình ăn hằng ngày. Có thể tìm hiểu các thực đơn cho người bệnh gút trong tuần để đảm bảo bạn ăn đúng thực phẩm tốt cho tình trạng bệnh lý của mình.
Những loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh gút
Thực phẩm động vật có hàm lượng purine cao, rượu và thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung chính là những loại thực phẩm “kẻ thù” mà bạn không nên thêm vào thực đơn cho người bệnh gút:
Các loại thực phẩm bạn có thể cần hạn chế bao gồm:
- Thịt nội tạng: Gan, thận, ruột,…
- Thịt đỏ: Thịt bò, thịt lợn và thịt cừu là phổ biến nhất.
- Một số loại hải sản: Động vật có vỏ, cá béo, cá đóng hộp.
- Đồ uống có đường: Đặc biệt là nước ép trái cây và soda có đường
- Đồ ăn nhẹ có đường: Bánh ngọt, bánh quy, kẹo và các mặt hàng tương tự
Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế lượng carb tinh chế như bánh mì trắng và các món làm từ bột mì trắng, thay vào đó chọn thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt. Người mắc bệnh gút cũng cần giảm lượng chất béo bão hòa có trong thực phẩm.
Chế độ ăn cho người mắc bệnh gút
Một chế độ ăn uống lành mạnh với người bị gút cần có nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Các chuyên gia cho biết, người mắc bệnh gout có thể tham khảo một số chế độ ăn kiêng để giảm bớt chất béo bão hòa và carbs tinh chế cũng như tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc.
Chế độ ăn kiêng DASH
Chế độ ăn kiêng DASH là một chế độ ăn uống để ngăn chặn chứng tăng huyết áp. Chế độ ăn này cũng được sử dụng để kiểm soát bệnh gút. Theo chế độ ăn DASH, các bữa ăn của bạn cần có:
- Trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt
- Protein nạc từ thịt gia cầm, cá, các loại hạt và các loại đậu
- Dầu thực vật
- Sữa ít béo hoặc không béo
Chế độ ăn kiêng này hạn chế chất béo bão hòa và thực phẩm có nhiều đường bổ sung.
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn Địa Trung Hải có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn này có một số điểm tương đồng với chế độ ăn kiêng DASH và khi xây dựng thực đơn cho người bệnh gút, bạn có thể tham khảo các nguyên tắc bổ sung thực ohaamr của chế độ ăn này, bao gồm:
- Trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt
- Protein từ các loại hạt và các loại đậu
- Chất béo lành mạnh từ dầu ô liu nguyên chất
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng cá và hải sản thường là trung tâm của chế độ ăn Địa Trung Hải. Những thực phẩm này có thể làm bùng phát bệnh gút, vì vậy tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bác sĩ có thể đề xuất các nguồn protein khác hoặc đề xuất một chế độ ăn uống khác.
Người mắc bệnh gout nên ăn gì?
Để lên thực đơn cho người bệnh gút, bạn có thể tham khảo các nhóm thực phẩm an toàn cho căn bệnh này. Dưới đây là một số thực phẩm mà người bị bệnh gút có thể tiêu thụ:
- Trái cây: Tất cả các loại trái cây nói chung đều tốt cho bệnh gút. Đặc biệt, quả anh đào có thể giúp giảm nồng độ axit uric và giảm viêm.
- Rau: Tất cả các loại rau đều tốt, bao gồm khoai tây, nấm, cà tím và các loại rau có lá màu xanh đậm,…
- Các loại đậu: Đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành và đậu phụ,… là thực phẩm tốt cho bệnh gout mà bạn có thể lựa chọn.
- Các loại hạt: Hạt óc chó, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân,… và các loại hạt khác đều tốt cho người bị gút. Bạn có thể cân nhắc thêm vào thực đơn cho người bệnh gút.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Người mắc bệnh gút có thể ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt bao gồm lúa mì nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt và lúa mạch,…
- Các sản phẩm từ sữa: Sữa ít béo và các sản phẩm từ sữa sẽ tốt cho người mắc bệnh gút.
- Dầu thực vật: Bao gồm dầu canola, dầu cải và dầu hạt lanh.
Người mắc bệnh gút cũng có thể ăn trứng, thịt gia cầm ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các loại gia vị khi nấu ăn. Về đồ uống thì cà phê và trà có thể an toàn với người mắc bệnh gút.
Thực đơn cho người bệnh gút trong một tuần
Dưới đây là thực đơn cho người bệnh gút trong một tuần mà bạn có thể tham khảo để lên kế hoạch ăn uống cho mình:
Thứ hai
- Bữa sáng: Yến mạch với sữa chua Hy Lạp và 1/4 cốc (khoảng 31 gam) quả mọng.
- Bữa trưa: Salad hạt diêm mạch với trứng luộc và rau tươi.
- Bữa tối: Mì ống nguyên hạt với gà nướng, rau bina, ớt chuông và phô mai ít béo.
Thứ ba
- Bữa sáng: Sinh tố với 1/2 cốc (74 gam) quả việt quất, 1/2 cốc (15 gam) rau bina, 1/4 cốc (59 ml) sữa chua Hy Lạp và 1/4 cốc (59 ml) sữa ít béo.
- Bữa trưa: Bánh sandwich ngũ cốc nguyên hạt với trứng và salad.
- Bữa tối: Gà xào rau với gạo lứt.
Thứ Tư
- Bữa sáng: Yến mạch để qua đêm, bao gồm 1/3 cốc (27 gam) yến mạch cán mỏng, 1/4 cốc (59 ml) sữa chua Hy Lạp, 1/3 cốc (79 ml) sữa ít béo, 1 thìa canh (14 gam) hạt chia, 1/4 cốc (khoảng 31 gam) quả mọng và 1/4 thìa cà phê (1,2 ml) chiết xuất vani..
- Bữa trưa: Đậu xanh và rau tươi cùng với bánh mì đen nguyên cám.
- Bữa tối: Cá hồi nướng với măng tây và cà chua bi.
Thứ năm
- Bữa sáng: Bánh pudding hạt chia để qua đêm với thành phần gồm 2 muỗng canh (28 gam) hạt chia, 1 cốc (240 ml) sữa chua Hy Lạp và 1/2 muỗng cà phê (2,5 ml) chiết xuất vani với trái cây thái lát tùy chọn.
- Bữa trưa: Cá hồi với salad.
- Bữa tối: Quinoa, rau bina, cà tím và salad phô mai.
Thứ sáu
- Bữa sáng: Bánh mì nướng kiểu Pháp với dâu tây.
- Bữa trưa: Bánh sandwich ngũ cốc nguyên hạt với trứng luộc và salad.
- Bữa tối: Đậu phụ xào rau với cơm gạo lứt.
Thứ bảy
- Bữa sáng: Nấm và trứng chiên.
- Bữa trưa: Đậu phụ xào và cơm gạo lứt.
- Bữa tối: Bánh mì kẹp thịt gà với salad tươi.
Chủ nhật
- Bữa sáng: Salad rau bina, đậu xanh, rau tươi và nấm.
- Bữa trưa: Trứng ăn cùng với bánh mì nguyên cám.
- Bữa tối: Bánh taco làm từ lúa mì nguyên cám.
Với thực đơn cho người bệnh gút cũng như những lưu ý trên từ Mẹ và Con, bạn đã có thể nắm được thực phẩm tốt cho người bệnh gout cũng như bệnh gout không nên ăn gì rồi phải không nào? Hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh để có thể cải thiện tình trạng sức khỏe của mình bạn nhé!