Chứng loạn vị giác khi mang thai là do hormone tăng vọt và thường không gây hại đối với sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, việc “ác cảm với thực phẩm” có thể cực đoan đến mức phụ nữ mang thai không ăn đủ và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ.
Rối loạn vị giác khi mang thai là gì?
Rối loạn vị giác khi mang thai về cơ bản là một cảm giác vị giác bị “bóp méo”. Nhìn chung, những người mắc chứng loạn vị giác sẽ cảm nhận mùi vị giống nhau khi ăn tất cả các loại thực phẩm. Chẳng hạn như mọi thứ có vẻ cay hoặc chua dù cho bạn đang ăn kẹo hay một chiếc bánh ngọt.
Chứng rối loạn vị giác có thể biểu hiện dưới dạng ác cảm rộng rãi đối với tất cả thức ăn và nước uống, hoặc có thể chỉ không muốn ăn những loại thực phẩm có mùi hoặc vị hoặc một kết cấu nhất định. Chẳng hạn như có những người bị rối loạn vị giác cảm thấy chán ăn với toàn bộ thức ăn có nước như bún, phở, bánh canh,…
Nhiều người sẽ bị rối loạn vị giác trong ba tháng đầu của thai kỳ, đi kèm với những triệu chứng ốm nghén khác như buồn nôn và nôn. Trong một nghiên cứu năm 2002, 92% phụ nữ mang thai cho biết có một số thay đổi về khẩu vị khi mang thai, phần lớn cho biết thức ăn đều có vị chua rõ rệt.
Chứng rối loạn vị giác khi mang thai khiến những món ăn mà bạn từng yêu thích trở nên khó chịu, khiến bạn chán ghét. Mặc dù chứng rối loạn vị giác có thể không gây nguy hiểm nhưng việc chán ăn, không ăn đủ chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ cũng như làm chậm sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
Điều gì gây ra chứng loạn vị giác khi mang thai?
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng loạn vị giác, nhưng nếu bạn gặp phải tình trạng này này khi đang mang thai, rất có thể nguyên nhân là do nội tiết tố. Nồng độ estrogen và progesterone tăng nhanh có thể ảnh hưởng đến vị giác của bạn. Những hormone này cũng có thể làm cho nước bọt của bạn có tính axit hơn, làm thay đổi hương vị của thức ăn.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp chứng loạn vị giác khi mang thai do một nguyên nhân cơ bản khác, chẳng hạn như bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc, tổn thương dây thần kinh vị giác, mất cân bằng nội tiết tố hoặc do sử dụng một số loại thuốc,… Ngoài ra, chứng rối loạn vị giác cũng có thể do thiếu kẽm, thiếu vitamin hoặc do yếu tố môi trường.
Chứng rối loạn vị giác khi mang thai được chẩn đoán như thế nào?
Thông thường, bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi thăm về các triệu chứng mà bạn gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra các tình trạng như chứng nôn nghén nặng, trào ngược dạ dày, khô miệng, thiếu hụt vitamin và khoáng chất, rối loạn chuyển hóa, viêm nhiễm, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh và các vấn đề về răng miệng,…
Sau đó, bác sĩ có thể loại trừ các nguyên nhân khác gây nên tình trạng rối loạn vị giác để có thể xác định bạn có đang bị rối loạn vị giác khi mang thai hay không.
Làm thế nào để đối phó với chứng rối loạn vị giác?
Chứng rối loạn vị giác có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn do ảnh hưởng của chứng rối loạn này đối với việc thưởng thức đồ ăn và khả năng cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.
Để có thể cải thiện tình trạng rối loạn vị giác, bạn có thể áp dụng một số cách như:
Ăn thức ăn lạnh
Nếu bạn cảm thấy khó chịu với thức ăn, khi ăn có nghe mùi kim loại – những biểu hiện của trường hợp rối loạn vị giác khi mang thai thì việc ăn thức ăn lạnh có thể làm giảm cảm giác này. Thức ăn lạnh làm tê liệt vị giác của bạn một chút hoặc có thể kích thích tiết nước bọt. Nước bọt có các enzym phá vỡ các hạt thức ăn nhỏ, có thể giúp loại bỏ mùi vị khó chịu trong miệng của bạn.
Uống nước
Uống đủ nước có thể giúp giảm các triệu chứng của chứng loạn vị giác khi mang thai. Uống nhiều nước sẽ giữ cho khoang miệng của bạn ẩm ướt, điều này có thể làm giảm cường độ ác cảm với thức ăn của bạn.
Tránh thực phẩm có mùi nặng
Hãy cân nhắc tránh các loại thực phẩm nặng mùi trong một thời gian. Các loại thực phẩm này có thể kích thích chứng rối loạn vị giác của bạn và làm cho bạn cảm thấy chán ăn hơn.
Chọn thức ăn nhạt
Một mẹo để bạn có thể cải thiện chứng rối loạn vị giác của mình khi mang thai chính là hãy chọn cac loại thức ăn nhạt, ít được nêm nếm. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế được việc vị giác thay đổi khi thưởng thức món ăn.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Những thay đổi về vị giác của bạn là điều bình thường và nhìn chung không có gì đáng lo ngại trong ba tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn nên đến bệnh viện thăm khám nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc nếu chúng kéo dài qua 12 đến 14 tuần đầu tiên của thai kỳ. Bạn cũng nên thăm khám nếu tình trạng chán ăn và thay đổi khẩu vị, rối loạn vị giác khiến bạn không thể ăn đủ bữa, thiếu hụt dinh dưỡng,…
Nhìn chung, hầu hết các trường hợp rối loạn vị giác khi mang thai đều không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng và bạn cũng không cần phải dùng thêm thuốc để có thể cải thiện tình trạng này. Bạn chỉ cần thay đổi một số loại thực phẩm mà mình ăn, chẳng hạn như ưu tiên thực phẩm nhạt và ít nêm nếm là được. Tuy nhiên, vẫn nên quan sát các dấu hiệu của bản thân và sớm đến bệnh viện thăm khám nếu có những dấu hiệu bất thường. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!