Là cha mẹ, ai cũng mong mang đến điều tốt nhất cho con cái. Điều đó không có nghĩa là bạn chỉ muốn cho con có những bộ quần áo đẹp nhất, đồ chơi mới nhất hay nhà cửa, xe cộ đắt tiền nhất. Sâu xa hơn, điều đó còn có nghĩa là bạn muốn chúng được an toàn trong tương lai bằng cách đặt một nền tảng kiến thức tài chính ngay từ bây giờ.
Một trong những bài học quan trọng nhất chính là dạy con cách tiêu tiền sao cho hiệu quả và mang đến lợi ích cao nhất cho con trên hành trình dài của cuộc sống.
Dạy con các bài học về tài chính càng sớm càng tốt
Một tác giả chuyên nghiên cứu về tài chính cho rằng: “Nếu không có kiến thức hữu ích về tiền bạc, bạn sẽ cực kỳ khó có thể thành công”. Bởi lẽ, tiền là trung tâm của các giao dịch trong cuộc sống từ ngày này qua ngày khác. Chúng ta sống ở đâu, ăn gì, mặc gì, đi xe gì, chăm sóc sức khỏe ra sao, học trường gì, đi nghỉ ở đâu, giải trí theo cách nào… Tất cả đều có liên quan đến tiền.
Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ đều không muốn con cái hiểu biết sớm về tài chính hoặc e ngại đó là điều không đúng đắn. Một cuộc khảo sát được tiến hành trong suốt 11 năm cho thấy, gần 1/2 số cha mẹ cho biết họ bỏ lỡ cơ hội nói chuyện với con cái về tiền bạc. 1/4 cho biết họ cực kỳ miễn cưỡng khi thảo luận về các chủ đề liên quan đến tiền.
Mặt khác, trẻ em rất háo hức được cha mẹ chia sẻ sự khôn ngoan của chúng. Một nửa số trẻ em được khảo sát cho biết chúng ước cha mẹ dạy chúng nhiều hơn về cách tiêu tiền, cách tiết kiệm, làm giàu…
Ngay cả khi bạn không dạy con mình, chúng sẽ học được những bài học về tiền bạc bằng cách này hay cách khác. Nếu bạn muốn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành cảm xúc, suy nghĩ và giá trị của con bạn về tiền bạc, hãy trực tiếp trao tặng cho con món quà về kiến thức tài chính ngay từ khi còn nhỏ.
Và đây là những kiến thức hữu ích có liên quan đến bài học đầu tiên của con về tài chính – dạy con cách tiêu tiền từ Tạp chí Mẹ và Con. Mời bạn cùng khám phá!
Những bài học về dạy con cách tiêu tiền
Bắt đầu với những điều cơ bản trước 7 tuổi
Chuyên gia cho rằng, ba mẹ nên bắt đầu quá trình giáo dục tài chính cho trẻ càng sớm càng tốt. Các bài học nên bắt đầu trước 7 tuổi, bởi nghiên cứu cho thấy rằng, thói quen và các đánh giá về tiền bạc đã được hình thành sau thời điểm đó.
Khi con bạn đủ lớn để biết rằng chúng không nên nhét đồng xu vào miệng, bạn nên giới thiệu chúng với tiền xu và tiền giấy. Giải thích tiền là gì và nó được sử dụng như thế nào. Nếu bạn có thể cho con thấy tiền hoạt động như thế thì bài học sẽ hiệu quả hơn. Vì vậy, hãy đưa con đến chợ, siêu thị và mua hàng bằng tiền mặt để con nhìn thấy.
Ngay cả khi bạn thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, hãy giải thích cho trẻ rằng bạn đang sử dụng tiền của mình để mua hàng. Rất nhiều gia đình đã dạy con những bài học về tiền ở độ tuổi mẫu giáo. Khi họ đi mua sắm cùng nhau, ba mẹ cho các con xem biên lai số tiền đã trả. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, điều này đã trở thành thói quen và khi lớn hơn, trẻ sẽ hiểu ra cách thức hoạt động của tiền. Đó là cách giới thiệu về tiền hiệu quả nhất.
Mỗi đứa trẻ sẽ có cách tiếp nhận và thời gian để nhận thức, đánh giá về tiền khác nhau. Vì thế, ba mẹ nên kiên nhẫn và chỉ cần trẻ hiểu tiền hoạt động như thế nào là bạn đã thành công.
Thấm nhuần thói quen tiết kiệm
Những tương tác ban đầu của trẻ với tiền có thể sẽ liên quan đến chi tiêu. Con thấy bạn sử dụng tiền để mua đồ, bao gồm cả những thứ dành cho họ. Vì vậy, điều quan trọng phải dạy chúng từ khi còn nhỏ là tiền không chỉ để chi tiêu, chúng còn cần để tiết kiệm tiền và nhất định đây phải là mấu chốt của việc dạy con cách tiêu tiền.
Học cách tiết kiệm không chỉ là một thói quen thiết yếu về tiền bạc. Tiết kiệm còn dạy cho trẻ tính kỷ luật và sự hài lòng khi bị trì hoãn. Tiết kiệm còn dạy trẻ cách đặt mục tiêu và lập kế hoạch. Chính tiết kiệm giúp trẻ đảm bảo an toàn về tài chính và xây dựng khả năng độc lập khi trưởng thành.
Việc giúp con bạn có thói quen tiết kiệm có thể bắt đầu bằng việc bạn mua cho chúng một con heo đất hoặc hũ tiết kiệm để cất tiền xu hoặc tiền mặt. Sau đó, sử dụng các câu nhắn nhủ ngắn, đơn giản để khuyến khích con tiết kiệm như: Tiết kiệm là một thói quen tuyệt vời. Tiết kiệm giúp con thành công trong tương lai…
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, bạn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn khi dạy con tiết kiệm cho những mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như một món đồ chơi yêu thích hơn là làm giàu cho tương lai. Việc khuyến khích con đặt ra những mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn khi còn nhỏ sẽ giúp chúng học được giá trị sự chờ đợi. Khi lớn tuổi hơn, trẻ có thể tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn hơn.
Cha mẹ cũng có thể khuyến khích con mình tiết kiệm nhiều hơn bằng cách đồng ý “lãi suất” khuyến khích cho số tiền tiết kiệm được. Nếu con bạn đủ lớn, bạn có thể chuyển từ heo đất sang ngân hàng thực để trẻ thấy được sự gia tăng tài sản đối với bất kỳ khoản tiền nào mà con gửi tiết kiệm.
Tạo cơ hội kiếm tiền
Trẻ em cần có tiền riêng để chúng có thể học cách đưa ra quyết định về việc sử dụng tiền. Một khoản hỗ trợ hàng tháng có thể thực hiện được điều đó. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc yêu cầu con bạn làm một số công việc nhất định để kiếm tiền tiêu vặt. Bởi hầu hết chúng ta đều coi trọng số tiền mình kiếm được hơn là nhận được.
Có một số công việc mà các con phải làm mà không được trả tiền, vì đó là giúp đỡ như một phần của gia đình, ví dụ như: rửa chén bát, tưới cây, tự giặt quần áo của mình… Nhưng nếu muốn được trả tiền, trẻ phải hoàn thành một số nhiệm vụ và theo tiêu chuẩn nhất định, ví dụ như là cho thú cưng ăn, kiểm tra bài vở của em, tưới cây…
Mỗi trẻ nên được cung cấp hàng tuần với số tiền tương đương độ tuổi. Trên thực tế, bạn có biết việc dạy con cách tiêu tiền thông qua thương lượng “tăng lương” khi đồng ý nhận thêm các công việc vặt trong nhà?
Giúp trẻ đưa ra quyết định chi tiêu thông minh
Ngoài việc dạy con hiểu được giá trị của số tiền kiếm được, bạn cũng nên dạy con cách tiêu tiền thông minh. Đó là cách trao quyền cho con với số tiền họ sẽ nhận được và việc quản lý số tiền đó là tùy thuộc vào chính bản thân trẻ chứ không phải ba mẹ nữa.
Trẻ con thông minh hơn chúng ta tưởng. Khi bạn cứ khư khư muốn điều khiển số tiền cho con theo ý muốn của mình, trẻ sẽ cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, nếu trẻ học được cách lập ngân sách ngay bây giờ sẽ giúp ích rất nhiều cho con khi họ bước vào cuộc sống thực tế ngoài kia.
Hãy cho phép con quyền quyết định đối với số tiền của mình kể từ khi nhận được tiền tiêu vặt. Bạn có thể chuẩn bị cho con ba chiếc lọ: Lọ để chi tiêu, lọ để tiết kiệm và lọ để cho đi. Hãy dạy con đưa ra quyết định bằng cách bỏ một ít tiền tiêu vặt vào mỗi lọ nhưng đừng đưa ra con số cụ thể. Quyết định là tùy thuộc vào chính trẻ.
Các chuyên gia cũng dạy các con rằng, chi tiêu không phải lúc nào cũng là để mua những thứ bạn muốn. Trẻ cần biết rằng chúng sẽ phải tiêu tiền vào những thứ cần thiết khi trưởng thành và có thể đưa ra lựa chọn trả tiền để người khác làm việc thay mình.
Trong việc dạy con cách tiêu tiền, ba mẹ cần giúp trẻ nhận ra rằng, mọi lựa chọn đều có thể dẫn đến những hậu quả nhất định. Yếu tố cốt lõi của bài học tài chính cá nhân chính về các quyết định.
Cho trẻ thấy giá trị của việc cho đi
Lý do chính khiến bạn, với tư cách là cha mẹ, dạy cho con những bài học về tài chính là rất quan trọng vì bạn có thể chia sẻ giá trị đồng tiền của mình thông qua những bài học đó. Nếu coi trọng việc cho đi, bạn có thể truyền cho con các giá trị đó bằng cách giúp chúng hình thành thói quen ngay từ khi còn nhỏ.
Tương tự như bài học đã nêu ở trên, bên cạnh chi tiêu, tiết kiệm, trẻ còn có một chiếc lọ mang ý nghĩa chia sẻ với người khác. Bạn có thể giúp con lập kế hoạch quyên góp bằng cách thảo luận về những nhóm người bị ảnh hưởng hoặc lý do vì sao nơi đó cần hỗ trợ. Không chỉ dạy con cách tiêu tiền, đây còn là bài học về lòng nhân ái, giúp con sống ý nghĩa hơn khi trưởng thành.
Dạy trẻ cách kiếm tiền
Tiết kiệm tiền là một thói quen tuyệt vời. Nhưng nếu bạn muốn con học cách làm giàu, hãy dạy chúng về đầu tư. Bạn nên bắt đầu dạy con về đầu tư khi trẻ ở tuổi vị thành niên để nhìn thấy sự phát triển và tốc độ tăng dần. Qua đó, bạn có thể dạy con về bài học: “Một số thứ đã sẵn sàng khi con còn bé và một số có thể đến muộn hơn một chút”.
Nếu bạn không hiểu rõ về đầu tư, bạn có thể đưa cho con mình một cuốn sách giải thích cách thức hoạt động của nó. Sau đó, bạn giúp trẻ bắt đầu đầu tư bằng cách mở tài khoản và tìm hiểu về các thông số liên quan như lãi suất, kỳ hạn…
Dạy con cách tiêu tiền bằng việc làm gương
Cũng quan trọng như những bài học bạn dạy con về tiền là cách bạn thảo luận và xử lý tiền trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: bạn phàn nàn về việc phải chi tiêu quá nhiều, nhưng sau đó lại đưa con đi mua sắm, ăn uống… Điều này khiến trẻ bối rối do bạn đang gửi đi nhiều thông điệp lẫn lộn.
Thay vào đó, hãy chắc chắn rằng bạn làm gương cho các hành động có liên quan đến tiền bạc mà bạn muốn con thực hành. Theo đó, đừng chỉ khuyến khích còn làm việc nhà, mà hãy bắt tay vào làm cùng con. Ngoài để kiếm tiền bằng lao động, bạn còn dạy con về những điều như: Quan trọng nhất không phải là con kiếm được bao nhiêu, mà là con làm gì với những số tiền kiếm được. Điều đó mới tạo nên sự khác biệt.
Nếu bạn muốn dạy con cách tiêu tiền thông minh, hãy thực hành những lời hướng dẫn với sự nhất quán. Giáo dục con về tài chính cá nhân là một quá trình có thể mất thời gian. Nhưng nếu bạn nỗ lực và liên tục truyền đạt một thông điệp rõ ràng về tiền bạc, con trẻ sẽ thấm nhuần những thói quen tốt. Chúc bạn thành công!