Bé ở độ tuổi mẫu giáo dễ bị viêm Amidan nhất
Viêm Amidan là bệnh dễ gặp ở bất kỳ tuổi nào, tuy nhiên hay gặp ở trẻ em, nhất là bé trong độ tuổi từ 3 – 6. Bệnh có thể gây ra do virus hay vi khuẩn. 80% trẻ bị viêm hô hấp trên có thể bị viêm a-mi-đan. Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh, nhất là thời điểm giao mùa.
Tại sao Amidan lại dễ bị viêm?
Trước tiên, mẹ cần “định vị” vùng a-mi-đan là chỗ nào. A-mi-đan là hai tổ chức hạnh nhân nằm hai bên eo họng, bảo bé há miệng, mẹ sẽ nhìn thấy vòng cung họng có lưỡi gà ở giữa, đi xuống và ở hai bên mỗi bên có một nếp họng ở giữa chính là “cục” a mi đan. A-mi-đan có thể to hay nhỏ, có thể trơn láng hay nhiều hốc tùy theo cơ địa của mỗi bé.
Amidan là cửa ngõ của đường thở, vi khuẩn hay virus xâm nhập thì sẽ đến vùng a-mi-đan trước tiên nên vùng này rất dễ bị viêm. A-mi-đan có nhiệm vụ “túm” vi khuẩn khi nó xâm nhập vào vùng họng, kích thích hạch bạch huyết tạo ra kháng thể diệt vi khuẩn.
Cho nên nếu a-mi-đan “khỏe” thì đủ sức chống lại vi khuẩn, virus, nếu a-mi-đan “yếu” thì lập tức bị “viêm” và ảnh hưởng cả đến vùng họng phía trong.
Bé bị bệnh viêm Amidan thường khởi đầu bằng dấu hiệu người uể oải, sốt, đau họng, khô rát cổ, hơi thở hôi, có thể bé than đau nhức mỏi vai. Khám vùng họng bé sẽ thấy hai bên a-mi-đan sưng to, đỏ, có thể có mủ, hai bên cổ bị nổi hạch.
Tuy nhiên trong thực tế thì ba mẹ rất khó có thể phân biệt giữa viêm họng và viêm a mi đan, lúc đó cần có sự thăm khám của bác sỹ để xác định chính xác. Viêm Amidan nếu không chữa trị kịp thời và dứt điểm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thấp tim, viêm cầu thận, thấp khớp, viêm tai giữa, ngưng thở khi ngủ…
Cách chăm sóc hợp lý khi bé mắc bệnh
Khi bị viêm Amidan, bé thường uể oải người và đau họng, sưng cổ, đau nhức nên chán ăn, bỏ ăn. Ba mẹ cần cho bé nghỉ học ở nhà để tránh lây lan đồng thời bảo vệ cho bé không bị nặng thêm. Cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt đúng liều lượng theo lứa tuổi và cân nặng, thuốc kháng sinh thì dùng theo chỉ định của bác sỹ.
Cho bé ăn thức ăn lỏng và nguội để bé dễ ăn, không bị đau. Bé cần được uống nhiều nước, tốt nhất là nước ấm. Nếu bé đã biết súc miệng, ba mẹ có thể chuẩn bị sẵn và động viên bé súc miệng với nước muối loãng.
Đừng vội nghĩ “cứ viêm là cắt”
Nhiều bậc cha mẹ thường sốt ruột khi thấy con khổ sở trong thời gian bị viêm a-mi-đan nên có tâm lý là nếu con mình bị bệnh thì phải cho bé đi cắt bỏ ngay cái khối gây khó chịu này. Thật ra, không nghiêm trọng đến vậy đâu. Thông thường, bé bị viêm a-mi-đan sẽ được điều trị bằng nội khoa, tức là dùng thuốc.
Phần lớn bé bị bệnh này phải dùng đến kháng sinh. Ba mẹ cần chú ý đặc biệt, nên cho bé dùng thuốc đủ liều và đủ thời gian chỉ định của bác sỹ mới khỏi bệnh hoàn toàn.
Thường thì bị viêm Amidan cần phải uống thuốc kháng sinh từ 7 – 14 ngày chứ không phải thấy bé uống được 2 – 3 ngày hết sốt tưởng là khỏi bệnh nên ngưng thuốc, như vậy là ba mẹ đã vô tình “giúp” nuôi vi trùng, tạo ra vi trùng quen thuốc, lờn thuốc.
Đã có những bằng chứng xác thực cho thấy bệnh viêm a-mi-đan có liên quan đến chứng đột tử ở trẻ em. Đó là do a-mi-đan bị viêm sưng quá to đè lên thành họng, làm vít đường thở của bé, khiến trẻ tử vong
Khi nào thì cần cắt a-mi-đan?
Nếu điều trị bằng thuốc thất bại, bé bị tái phát nhiều lần, khoảng từ 5 lần trở lên trong một năm thì bé có nguy cơ bị biến chứng do viêm a-mi-đan, khi đó bác sỹ sẽ nghĩ đến việc cắt a-mi-đan cho bé.
Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các bệnh nhi bị viêm a-mi-đan được điều trị và chữa khỏi bằng thuốc, nên việc cắt a-mi-đan rất hạn chế, cần được xem xét thêm các yếu tố khác.
Chẳng hạn, nếu bé bị a-mi-đan quá to, ảnh hưởng đến giọng nói, việc nuốt, thở (bé nói ngọng, chỉ ăn được súp, ăn đặc là bị nghẹn, bé thở nặng nhọc, ngủ ngáy, hay giật mình khóc đêm, đái dầm, hay buồn ngủ ngày) thì cần phải cắt a-mi-đan để bé phát triển tốt về thể xác và trí não.
Nếu thấy viêm a-mi-đan ảnh hưởng nghiêm trọng đế sức khỏe của bé thì bác sỹ sẽ đề nghị cắt a-mi-đan mà không kể đến tuổi tác, tuy nhiên đa phần các trường hợp thì bé được ba tuổi trở lên bác sỹ mới xem xét có cắt hay không và cần có sự hội chẩn kỹ lưỡng của các bác sỹ trước khi tiến hành cắt.
Phương pháp cắt a-mi-đan hiện nay được xem là cắt nhanh, an toàn, ít chảy máu, ít gây tai biến cho bé là cắt bằng dao điện đơn cực. Một phương pháp khác là cắt bằng coblator (sử dụng sóng cao tần) được ưa chuộng bởi một số bác sỹ. Riêng phương pháp cắt a-mi-đan bằng laser thì đắt nên chưa phổ biến.
Cẩn thận giai đoạn sau cắt
Với phương pháp cắt Amidan hiện nay, sau khi cắt a-mi-đan, không cần bắt bé phải “cữ” nói và ăn uống. Tuy nhiên vẫn duy trì cho bé ăn thức ăn mềm, lỏng, nguội trong vòng hai tuần, tránh các thức ăn có nhiều vị chua, mặn. Thời gian mới cắt a-mi-đan vùng này vẫn còn “nhạy cảm”, nên tránh cho bé đến nơi đông người dễ bị nhiễm bệnh hô hấp trở lại.
Hỏi đáp nhanh
Hỏi: Bé nhà tôi khi ngủ phải mở máy lạnh trong phòng thì bé mới ngủ yên, nếu không bé sẽ trăn qua trở lại bứt rứt khó ngủ và đổ nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, bé lại rất hay bị viêm họng, thỉnh thoảng lại bị viêm Amidan, hầu như tháng nào cũng “ghé thăm” bác sỹ. Tôi nên làm thế nào?
Đáp: Với điều kiện sinh hoạt ở thành phố, việc sử dụng máy lạnh (máy điều hòa) là phổ biến. Bé còn nhỏ thường hay đổ mồ hôi sinh lý trong khoảng 1 tiếng đầu tiên khi ngủ, nên lưu ý kịp thời lau mồ hôi cho bé, không để mồ hôi thấm vào da gây lạnh.
Khi dùng máy điều hòa trong phòng ngủ, cần đảm bảo sự thông thoáng nhất định trong phòng, không nên để quá nhiều đồ đạc và nên vệ sinh thường xuyên vì nếu không, bụi bặm và vi khuẩn cứ “luẩn quẩn” trong phòng không “thoát” ra được, khiến bé dễ mắc bệnh hô hấp.
Cũng cần lưu ý để nhiệt độ phù hợp, nhiệt độ trong phòng không nên chênh với bên ngoài quá nhiều. Ngoài ra, lúc nửa đêm, nhiệt độ thường hạ xuống thấp nhất, nên cài đặt nhiệt độ của máy điều hòa lúc này cho phù hợp để tránh làm bé bị lạnh.