Bé gái bị bệnh phụ khoa? Bạn không đọc nhầm đâu! Trái ngược với suy nghĩ của rất nhiều người rằng: “Bệnh phụ khoa chỉ xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành”. Thực tế, các bé gái cũng mắc những bệnh này. Vì sao bé nhiễm bệnh và cần phải đề phòng, chữa trị ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Nguyên nhân khiến bé gái bị bệnh phụ khoa
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến các bé gái bị bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, nhìn chung là tình trạng này được phân loại theo hai nguyên nhân chính sau đây:
Nguyên nhân khách quan:
* Do cấu tạo cơ thể
Khác với phụ nữ trưởng thành, trẻ nhỏ có cấu tạo bộ phận sinh dục chưa phát triển toàn diện. Vì thế, chúng không thực hiện được chức năng ngăn chặn các tác nhân có hại từ môi trường như nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng từ bên ngoài tấn công. Vì thế, trẻ nhỏ cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh phụ khoa.
* Do thiếu nội tiết tố
Khi còn là bào thai, trẻ được nhận lượng hóc môn sinh dục nữ estrogen từ mẹ truyền sang. Đến khi chào đời, lượng hóc môn này giảm dần và mất hẳn đi. Điều này khiến cho môi trường vùng kín mất cân bằng, dễ bị kích ứng hơn. Do đó, trẻ dễ mắc phải các bệnh phụ khoa như người trưởng thành.
Nguyên nhân chủ quan:
* Do vệ sinh kém
Trong quá trình chăm sóc trẻ, bạn có thể phạm phải một số sai lầm như dùng dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh, lau rửa nhiều lần hoặc ít lau rửa, cho trẻ mặc bỉm (tã) quá lâu, nguồn nước bị ô nhiễm… Những yếu tố này khiến trẻ dễ mắc các bệnh phụ khoa có tính chất không đặc hiệu.
* Do trẻ bị nhiễm giun
Trẻ nhỏ rất dễ nhiễm giun, nhất là giun kim. Tập tính của loài động vật ký sinh này là ở trong đường ruột bò ra hậu môn để trứng gây ngứa ngáy cho trẻ. Nếu bạn không phát hiện và chữa trị kịp thời, giun sẽ làm cho trẻ dễ bị viêm nhiễm đường sinh dục.
* Do trẻ mắc bệnh về da
Các loại bệnh viêm da dị ứng ở vùng kín có biểu hiện sẩn đỏ, mẩn ngứa cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh phụ khoa cho trẻ, vì vùng da nhạy cảm này bị tổn thương.
* Do dị vật vướng vào vùng kín
Các vật nhỏ như giấy vệ sinh, hạt ngũ cốc… có thể bám vào vùng kín trong quá trình sinh hoạt của trẻ làm tổn thương biểu mô. Tình trạng này khiến trẻ đối diện với các biến chứng nhiễm trùng đường sinh dục.
Biểu hiện bé bị nhiễm bệnh phụ khoa
Ngứa ngáy, đau rát
Nếu bé gái bị bệnh phụ khoa, điều bạn dễ nhận thấy nhất chính là tình trạng trẻ bị đau rát, ngứa ngáy, khó chịu, thỉnh thoảng lại rùng mình… Trẻ nhỏ sẽ có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt. Nếu lớn hơn, trẻ có thể cho tay vào vùng kín để gãi hay cọ vào các vật dụng để giảm ngứa.
Bộ phận sinh dục sưng đỏ
Do bị nhiễm khuẩn, lại thường xuyên bị dính nước tiểu nên bộ phận sinh dục của bé sẽ bị tấy đỏ, bong tróc, thậm chí là loét. Với trẻ lớn hơn, tình trạng này còn kèm theo với biểu hiện rối loạn tiểu tiện như tiểu dắt, tiểu buốt.
Nếu bố mẹ không quan tâm và xử lý kịp thời, tình trạng này viêm nhiễm vùng sinh dục sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Tiết dịch âm đạo
Khi bị nhiễm bệnh phụ khoa, vùng kín của bé có thể tiết dịch một cách bất thường, nghĩa là không vào những thời điểm đặc thù như khi mới sinh. Lúc này, dịch tiết có thể có màu bất thường như vàng, trắng đục hay xanh lá.
Vùng kín có mùi lạ
Âm đạo có cơ chế tự làm sạch, bằng cách tiết dịch âm đạo để đẩy các tác nhân gây hại ra ngoài. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, nếu bạn nhận thấy dịch âm đạo có những mùi đặc trưng của vùng này mà hôi tanh khác thường thì cần phải nghĩ ngay đến các bệnh phụ khoa.
Các bệnh phụ khoa phổ biến ở bé gái
Viêm âm đạo do thiếu nội tiết
Tình trạng âm đạo bị khô, dễ bị kích ứng, ngứa ngáy xuất phát từ nguyên nhân thiếu hóc môn estrogen từ máu mẹ truyền sang. Ngoài ra, bé gái bị bệnh phụ khoa do thiếu nội tiết tố còn có thể bị dính môi nhỏ, biểu hiện bằng dạng viêm ở vùng da này.
Viêm âm đạo do vi rút nhóm Poxvirus
Loại vi rút nàu thường tấn công trẻ em gái trong độ tuổi mầm non khi sức đề kháng của trẻ kém đi. Bệnh này có thể lây qua tiếp xúc, nên bạn cần phải hết sức cẩn thận.
Viêm âm hộ do rối loạn sắc tố
Đây là một bệnh mãn tính teo da có biểu hiện bằng sự mất màu hoặc da đổi sang màu hồng, màu ngà voi tại một điểm ở vùng kín. Bệnh thường khởi phát trước 7 tuổi. Nguyên nhân của bệnh có thể liên quan với rối loạn tự miễn.
Viêm âm đạo do giun kim
Khi bị nhiễm giun, trẻ sẽ có nguy cơ bị viêm nhiễm âm hộ và âm đạo. Tỷ lệ này chiếm đến 20% các em gái có nhiễm giun kim. Bệnh nhân bị bệnh thường bị ngứa ở khu vực hậu môn, vùng âm đạo nên hay đưa tay gãi, trằn trọc, khó ngủ…
Xem thêm: Trẻ bị nhiễm giun và cách phòng ngừa
Viêm âm hộ do các bệnh về da
Viêm âm hộ do viêm da dị ứng hay viêm âm hộ do vùng da tiết bã hoặc do vảy nến là những bệnh phụ khoa có thể gặp ở các bé gái. Các bệnh này thường do nấm và vi khuẩn gây ra và khiến trẻ rất đau, ngứa do vết nứt hay bong tróc ở vùng nhạy cảm.
Viêm âm đạo do dị vật
Những dị vật thường gặp là giấy vệ sinh. Chúng hiện diện ở vùng kín của bé và gây nên tình trạng tiết dịch hoặc chảy máu âm đạo. Việc chẩn đoán khá khó khăn và cần đến sự hỗ trợ của các thiết bị y tế chuyên dụng.
Chăm sóc và dự phòng bé gái bị bệnh phụ khoa
– Dùng các sản phẩm vệ sinh chuyên dùng cho trẻ nhỏ, không có chất tạo bọt, tạo mùi hương và độ pH cao
– Tẩy giun định kỳ cho trẻ, khi trẻ lên 2 tuổi và tẩy 6 tháng/lần. Đồng thời ngăn ngừa trẻ ngậm tay. Nếu gia đình có người bị giun, tất cả các thành viên còn lại cũng phải tuân thủ lịch tẩy giun.
– Người lớn phải rửa tay thật sạch và cẩn thận khi dùng các loại khăn bông, vải giấy lau cho trẻ khi khi đi vệ sinh
– Sau khi trẻ đi vệ sinh, phải nhớ dùng khăn sạch thấm khô từ trước ra sau, tuyệt đối không lau từ hậu môn lên bộ phận sinh dục
– Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, không để mồ hôi gây ẩm ướt, bã nhờn ứ đọng gây viêm da
– Với trẻ còn dùng bỉm/tã, bạn cần vệ sinh vùng kín cẩn thận, để khô một lúc sau mới thay bỉm/tã mới.
Xem thêm: 6 cách chống hăm tã đơn giản nhưng hiệu quả cho bé yêu
Bé gái bị bệnh phụ khoa là một trong những mối lo của mẹ. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang mạn tính hoặc gây biến chứng nguy hiểm cho bé về sau. Vì thế, mẹ tuyệt đối đừng lơ là. Đồng thời, đừng quên theo dõi Tạp chí Mẹ và Con để cập nhật kiến thức nuôi con khỏe, dạy con ngoan, mẹ nhé!