Chọn thú mà nuôi
Vật nuôi được ưa chuộng và phổ biến nhất trong nhà là chó, mèo. Kế đến là một số loại cá cảnh và chim chóc như nhồng, vẹt, họa mi, chích chòe… Đặc biệt, một số gia đình còn chơi nổi khi nuôi cả các con vật kỳ lạ như sóc, chuột hamster, rùa, kỳ đà… Một số gia đình khác cho phép trẻ bắt các con vật sống ngoài tự nhiên để nuôi chơi vài ba hôm, như dế, bươm bướm, ong, thằn lằn chẳng hạn…
Không giống với các loại đồ chơi khác, các con vật nuôi luôn kích thích trí tò mò của trẻ vì chúng là một sinh vật sống động, biết ăn uống, có thể có tình cảm, có sự sống và cái chết. Một đứa trẻ có thể xem vật nuôi như người bạn thân thiết của mình, chia sẻ mọi chuyện vui buồn với con vật nuôi. Nhiều đứa trẻ khác tự dưng trở nên có trách nhiệm hơn, ngoan ngoãn hơn khi tự tay chăm sóc cho một con cún con ăn, ngủ, đi ngoài…
Việc cho trẻ chơi với vật nuôi có những tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ, nhất là những trẻ thuộc nhóm con một. Tuy nhiên, cha mẹ cần ghi nhớ rằng dù con vật có vẻ hiền lành, đáng yêu đến đâu thì nó vẫn là một con vật, và nó ẩn chứa những mối nguy cơ mà bạn có thể chưa lường hết được khi cho trẻ chơi với chúng.
Bạn nên biết rằng có đến ½ trẻ em chơi với vật nuôi từng bị tấn công ở mức độ nặng nhẹ khác nhau hoặc bị nhiễm bệnh, bị nguy hiểm bởi chính các vật nuôi của mình? Tỷ lệ này lớn đến mức bạn cần cân nhắc thật cẩn thận, suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định có “tậu” về một con vật để làm bạn với con mình hay không.
NGUYÊN TẮC CHỌN VẬT NUÔI AN TOÀN CHO TRẺ
– Không nên cho trẻ nuôi các con vật lạ như kỳ đà, nhện, sóc, hamster… Các món “hàng độc” này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ cho trẻ.
– Không nên cho trẻ nuôi các con vật có đời sống ngoài thiên nhiên (ví dụ như dế, bươm bướm, còng gió…) vì chúng sẽ mau chóng bị chết và điều đó có thể làm tổn thương tình cảm của trẻ. Nên giải thích với trẻ rằng những con vật này chỉ có thể sống tốt nhất ngoài tự nhiên và trẻ nên thả chúng ra.
– Chỉ nên chọn vật nuôi phổ biến như chó, mèo, một số loài chim, cá cảnh… Vật nuôi cần có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch, chích ngừa nếu cần thiết.
– Tuyệt đối không cho trẻ dưới 7 tuổi chơi một mình với vật nuôi, dù con vật đó nhỏ bé và hiền lành đến mấy.
Chơi với vật nuôi an toàn
Một khi đã quyết định mang “người bạn” mới về cho con, bạn nên có một buổi nói chuyện nghiêm túc với trẻ, đưa ra một số thỏa thuận nhất định trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con vật này.
Trẻ chỉ nên chơi với vật nuôi, chăm sóc vật nuôi khi ở độ tuổi từ 7 tuổi trở lên. Trước tuổi đó, nếu nhà có vật nuôi, bạn cần cẩn thận để vật nuôi cách xa trẻ. Cần dạy trẻ một số nguyên tắc an toàn khi con chăm sóc cho vật nuôi.
Cụ thể như:
– Không kéo con vật lên sát mặt, đối mặt với chúng. Khi trẻ nhìn trực diện vào chúng, vật nuôi có thể trở nên cực kỳ hung hãn.
– Chỉ được vuốt ve nhẹ nhàng bên hông của vật nuôi. Tránh các vùng nhạy cảm của vật nuôi như tai, đuôi.
– Không chọc phá con vật, không nghịch ác vì con vật có thể “nổi khùng” và chống trả quyết liệt lại những trò đùa của trẻ.
– Với những vật nuôi của bạn bè, hàng xóm, trẻ không nên đến gần hoặc tiếp xúc, vuốt ve. Các con vật này có thể rất hiền lành vì đã quen với chủ nhà nhưng lại trở nên hung dữ khi con bạn chạm đến.
– Tuyệt đối không giật thức ăn ra khỏi con vật khi chúng đang ăn. Đây là một trong số những cách dễ dàng nhất để chọc con vật nổi quạu và chống trả.
– Không cho trẻ lại gần vật nuôi nếu như con vật có một số biểu hiện lạ, thay đổi: Bỏ ăn, gầm gừ, chảy nước dãi…
– Tạo cho trẻ thói quen luôn rửa tay sau khi chơi với vật nuôi.
Trong thời gian đầu mới đưa vật nuôi về nhà, phụ huynh nên trực tiếp hướng dẫn con từng công việc nhỏ trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Khi nào trẻ đã quen thuộc với “người bạn” mới, hiểu rõ từng tính cách của con vật, phụ huynh mới nên để trẻ thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng.