Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra mức cảnh báo cao nhất về bệnh đậu mùa khỉ khi căn bệnh này đã xuất hiện tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vậy căn bệnh này nguy hiểm như thế nào mà WHO phải đưa ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu?
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ (monkey pox) là một căn bệnh được gây nên bởi virus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa (hay còn gọi là bệnh thủy đậu). Nếu trước đây bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện chủ yếu ở khu vực Trung và tây Phi thì hiện nay, bệnh đã lây lan rộng rãi. Các quốc gia Châu Âu và Mỹ đã ghi nhận một số lượng lớn người mắc bệnh.
Tính đến hiện tại thì tổng số ca bệnh đã trên 16.000 trường hợp với 5 trường hợp tử vong. Một số quốc gia Châu Á như Thái Lan cũng bắt đầu ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tại Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ nào.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ Việt Nam có trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ là rất cao bởi người dân trong và ngoài nước vẫn có thể đi lại thuận tiện giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực khác, kể cả những nơi đã có ca mắc đậu mùa khỉ.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ là gì ?
Khi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, bạn sẽ thấy các triệu chứng xuất hiện trong khoảng 6 đến 13 ngày (có trường hợp kéo dài 5 đến 21 ngày). Trong đó, triệu chứng bệnh thường xuất hiện đầu tiên trong 5 ngày ủ bệnh đầu chính là sốt đi kèm với mệt mỏi, đau lưng đau cơ. Sau khi sốt từ 1-3 ngày sẽ bắt đầu nổi hạch, phát ban. Mụn nước lâu dần sẽ chuyển thành mụn mủ, đóng vảy rồi lành lại.
Ngoài ra, người mắc bệnh đậu mùa khỉ còn có thể xuất hiện vết loét trên miệng và hậu môn, có những tổn thương đơn lẻ ở bộ phận sinh dục.
Đậu mùa khỉ có lây không và lây qua đường nào?
Bệnh đậu mùa khỉ được xếp vào danh mục bệnh truyền nhiễm lây lan qua nhiều hình thức khác nhau. 3 đường lây chính của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Lây từ động vật nhiễm bệnh sang người, lây từ người sang người và lây lan do người tiếp xúc với các vật mang virus gây bệnh.
Lây từ động vật sang người
Các nghiên cứu cho thấy, các loài gặm nhấm ở châu Phi có khả năng cao chính là nguồn lây bệnh đậu mùa khỉ trong tự nhiên. Nếu tiếp xúc với dịch tiết của các loại động vật này hoặc bị các loài động vật nhiễm bệnh cắn, cào cấu gây xước, chảy máu da thì hoàn toàn có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ.
Ngoài ra, trong trường hợp chế biến hoặc ăn thịt chưa nấu chín của động vật bị nhiễm bệnh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Lây từ người sang người
Nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với chất dịch trên cơ thể người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ (máu, nước bọt, tinh dịch) thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng rất cao do virus gây bệnh có thể lây thông qua chất dịch này. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan do tiếp xúc với các vết thương, các nốt phát ban trên bề mặt da hoặc niêm mạc (mắt, miệng, họng, cơ quan sinh dục, hậu môn, trực tràng,…) của người bệnh.
Phụ nữ mang thai khi mắc đậu mùa khỉ có thể lây cho thai nhi thông qua nhau thai hoặc do tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh con.
Mắc đậu mùa khỉ do tiếp xúc với đồ vật có chứa virus gây bệnh
Nếu bạn tiếp xúc hoặc sử dụng các món đồ dùng cá nhân của người bệnh đậu mùa khỉ, chẳng hạn như dao cạo râu, kim tiêm, chăn mền, quần áo, khăn tắm,… thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi không?
Có! Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đều có thể tự khỏi với tỷ lệ tử vong thấp, chỉ khoảng 3-6%. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể để lại một số biến chứng như gây sẹo vĩnh viễn trên da.
Ngoài ra, người mắc bệnh đậu mùa khỉ còn có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe như nhiễm trùng thứ phát, nhiễm trùng huyết, viêm phế quản phổi, viêm não, nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực,…
Nên làm gì khi có triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ?
Bất kể ai trong chúng ta đều có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên bạn cần nên nhớ rằng căn bệnh này có tỷ lệ tử vong thấp, có thể tự khỏi. Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh hoặc lỡ tiếp xúc với người bệnh thì bạn cũng không cần phải quá lo lắng.
Lúc này, nên tự cách ly, tránh tiếp xúc với người khác và thông báo ngay với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn cách xử lý phù hợp. Trong thời gian cách ly, nên cố gắng nghỉ ngơi nhiều, ăn uống đầy đủ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch.
Nên ưu tiên uống nhiều nước, kể cả nước chanh, nước cam, nước ép trái cây, nước dừa tươi,… để cơ thể có thể đào thải độc tố ra ngoài một cách nhanh chóng hơn.
Phòng tránh dịch đậu mùa khỉ
Các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, nên lưu ý:
- Đeo khẩu trang đúng cách khi ở nơi đông người, tiếp xúc gần với người khác.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi ho, hắt hơi hoặc sau khi chạm vào bề mặt các vật dụng khác.
- Sử dụng khăn tay, khăn giấy sử dụng một lần hoặc ống tay áo để che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi nhằm giảm thiểu tối đa việc phát tán dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Không tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, nên đeo khẩu trang nếu buộc phải tiếp xúc gần. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc chạm trực tiếp vào vết thương, dịch cơ thể của người bệnh cũng như các vật dụng, đồ dùng có chứa mầm bệnh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn chín uống sôi, nói không với động vật không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
- Tránh tiếp xúc với động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có nguy cơ chứa virus gây bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt là động vật ở khu vực rừng núi, ở các vị trí từng xuất hiện ca nhiễm đậu mùa khỉ.
- Khai báo với cơ quan y tế địa phương nếu trở về Việt Nam sau khi đi qua các vùng có dịch.
Tiêm vắc xin đậu mùa có ngăn được bệnh đậu mùa khỉ hay không?
Vắc xin phòng ngừa đậu mùa có thể làm giảm đến hơn 80% nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, việc tiêm vắc xin đậu mùa có thể bảo vệ bản thân bạn trước làn sóng dịch bệnh đậu mùa khỉ đang có khả năng phát triển mạnh.
Bệnh đậu mùa khỉ được WHO ghi nhận là một căn bệnh có thể gây nguy hiểm cao. Do đó, hãy chủ động cập nhật thông tin dịch bệnh để có thể biết được cần làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình bạn nhé!