Ở miền tây, có rất nhiều loại xôi vị, các loại xôi vị có thể mang màu trắng của nếp, màu xanh của lá dứa, hay màu tím nhẹ nhàng của nếp cẩm. Nếu yêu thích và muốn thử sức với món sôi nổi tiếng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long này. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con vào bếp thực hiện ngay cách làm xôi vị chuẩn vị miền Tây qua bài viết sau đây nhé!
Cách làm xôi vị lá dứa và lá cẩm
Nguyên liệu nấu xôi vị
- 1kg gạo nếp
- 200gram đậu xanh vàng loại không có vỏ
- 50gram lá dứa tươi
- 100gram lá cẩm tươi
- 100gram mè trắng
- 300gram dừa nạo sợi
- 5 hoa hồi khô
- Rượu trắng
Hướng dẫn các bước cách làm xôi vị
Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên, bạn lấy phần gạo nếp đã chuẩn bị mang đi vo 2 – 3 lần để nước trong, sạch, sau đó xả ra rổ và để ráo nước. Tiếp theo, bạn lấy lá cẩm và lá dứa rửa sạch, cắt thành từng đoạn nhỏ. Sau đó lấy dừa nạo thành sợi và cho vào tô, ngâm cùng 1 ít nước nóng và vắt nhiều đợt qua rây để thu lấy nước cốt.
Đậu xanh vàng bạn phải vo nhiều lần với nước, vo đến khi thấy nước vo trong veo và không còn đục, không còn nổi bọt là thành công. Sau đó mang ngâm với nước ít nhất 2 đến 3 tiếng trước khi mang đi chế biến. Ngâm đậu xanh trước 2 – 3 tiếng sẽ giúp rút ngắn thời gian nấu đậu.
Tạo màu cho gạo nếp
- Làm bánh màu tím
Bạn cho lá cẩm vào nồi nước 2 lít, pha thêm cùng 50ml rượu trắng. Sau đó bạn cho thêm 1/2 hoa hồi đã giã sơ, nấu đến khi nước dần dần chuyển sang màu tím than đậm như ý muốn là được.
Tắt bếp và vớt các nguyên liệu ra ngoài, giữ lại phần nước trong nồi lại. Sau đó cho 1/2 phần gạo nếp đã để ráo vừa rồi cho vào nước lá cẩm, ngâm khoảng 6 – 7 tiếng đến khi hạt nếp có màu tím đều là thành công.
- Tạo bánh màu xanh lá
Trong cách làm xôi vị màu xanh lá, bạn sẽ dùng lá dứa cho vào nồi nấu cùng 2 lít nước và 1/2 phần hoa hồi đã giã còn lại vừa rồi. Nấu đến khi nước trong nồi chuyển sang màu xanh lá đậm, bạn tắt bếp và vớt lá dứa, hoa hồi ra ngoài và giữ lại phần nước.
Tiếp theo bạn cho 1/2 lượng gạo nếp còn lại cho vào nồi nước lá dứa, ngâm khoảng 6 – 7 tiếng đến khi hạt nếp nở mềm, thấm đều màu là hoàn thành.
Hấp nhân đậu xanh
Đậu xanh sau khi bạn đã ngâm nở, xả lại với nước sạch vài lần, cho vào rổ và để đến khi ráo nước. Tiếp theo, sau khi đậu xanh đã ráo nước, bạn cho lên xửng, hấp đến khi đậu đã chín mềm đều, có mùi thơm thì tắt bếp.
Đậu chín, bạn trộn thêm vào 4 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cà phê muối cho đậu được ngấm đều vị hơn.
Cách làm xôi vị
- Làm xôi lá cẩm
Bạn chắc bỏ nước lá cẩm ngâm nếp, cho nếp vào rổ và để ráo bớt nước. Để phần nếp lên xửng để hấp, hấp đến thấy nếp đã chín đều, mềm dẻo. Mở nắp, cho thêm 1/2 lượng nước cốt dừa, cùng một ít muối ăn, đường cát vào nồi nếp, trộn đều và đậy nắp, tiếp tục hấp thêm 10 phút.
Sau đó tắt bếp, cho xôi ra ngoài mâm để nguội dần.
- Cách làm xôi vị lá dứa
Tương tự như trên, bạn chắc bỏ nước lá dứa dùng để ngâm nếp, sau đó đổ nếp ra rổ cho ráo bớt nước. Tiếp theo, bạn để nếp lên xửng, hấp đến khi chín đều. Bạn cũng có thể nấu vị mằn mặn như cách nấu của xôi vị lá cẩm. Hoặc nấu đến khi xôi chín thì cho ra ngoài mâm và để nguội.
Xào xôi vị
Trong bước này, bạn bắc lên bếp 1 chảo chống dính, cho thêm 1 ít dầu ăn vào. Khi dầu nóng, bạn cho phần xôi lá cẩm vào và đảo đến khi hạt xôi được áo đều dầu và bóng bẩy đẹp mắt.
Tiếp theo, bạn cho 1 ít dầu chuối hoặc hương vani vào, đảo đến khi tất cả được hòa quyện vào nhau là thành công. Tắt bếp và cho ra mâm. Với xôi lá dứa bạn cũng thực hiện tương tự.
Tạo hình cho phần xôi vị
Đầu tiên, bạn phết 1 lớp dầu ăn mỏng lên khắp khuôn muốn tạo hình. Sau đó cho một ít mè trắng đã rang vào khuôn, lưu ý phải dàn đều khắp mặt đáy.
Tiếp theo cho thêm phần xôi lá dứa hoặc lá cẩm vào, dùng muỗng ấn hoặc đè mạnh để xôi được nén chặt vào và dàn đều khắp đáy khuôn. Bạn nên nén chặt các lớp xôi vị để giúp xôi vị khi cắt sẽ không bị rời rạc, đẹp mắt hơn.
Tiếp theo, bạn để phần đậu xanh đã hấp chín lên lớp xôi lá dứa, dùng muỗng đè hoặc ấn mạnh như trên để nén đậu xanh dính chặt vào lớp xôi trên. Thực hiện tương tự thêm 2 lớp nữa, thay phiên các phần nhân với nhau. Cuối cùng bạn rải phần mè rang còn lại lên mặt trên, đè để mè dính chặt vào xôi là hoàn thành.
Thành phẩm
Xôi vị sau khi đã được tạo hình và để nguội, bạn úp ngược khuôn để lấy xôi ra, thoa thêm 1 lớp dầu mỏng lên dao để cắt thành các hình bạn thích mà không bị dính xôi. Tiếp theo chỉ việc thưởng thức phần xôi âm ấm, dẻo ngọt, bùi bùi thanh thanh này thôi nào!
Cách làm xôi vị truyền thống
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 500gram gạo nếp
- 200gram dừa nạo sợi
- 200gram đường
- Mè, đậu phộng đã được rang chín
- 1 lá dứa
- Bột tai vị hoặc bột hoa hồi.
Cách làm xôi vị truyền thống
Sơ chế nguyên liệu
- Bạn mang nếp đi vo sạch và đổ ra rổ cho ráo nước.
- Lá dứa bạn mang đi rửa sạch, sau đó cho vào máy xay sinh tố cùng một ít nước và nhấn xay nhuyễn. Sau đó đỗ ra rây và lượt lấy nước.
- Tiếp theo, bạn cho phần nếp đã được vo sạch vào ngâm cùng với nước lá dứa vừa xay xong ở trên. Ngâm thêm 2 – 3 tiếng cho nếp được ngấm màu xanh của lá dứa.
- Dừa nạo bạn có thể trộn cùng một ít nước ấm, bóp mạnh đến khi nước cốt dừa ra hết. Sau đó dùng rây để lượt lấy nước cốt dừa. Bạn cũng có thể thay thế ray bằng một chiếc khăn trắng sạch và mỏng, cho dừa nạo vào và bóp thật mạnh để lọc được phần nước cốt dừa ra hết.
- Bạn cho thêm một lớp mỏng dầu ăn vào khuôn để khi chế biến xôi sẽ không bị dính.
Thực hiện hấp xôi
Để hấp xôi ngon, đầu tiên bạn đun sôi nước trong xửng hấp hoặc nồi nếu hấp bằng nồi. Sau đó vớt phần nếp ngâm và nước lá dứa ra ngoài, cho vào nồi hấp cách thủy.
Bạn đợi đến khi thấy nếp đã được nở ra một nửa, để nước cốt dừa vào phần xôi. Sau đó tiếp tục hấp thêm khoảng 10 phút để xôi ráo nước. Sau khi thấy xôi đã mềm và ráo hết nước, bạn tắt bếp và cho xôi ra mâm hoặc thau để nguội.
Lưu ý nho nhỏ: Sau khi để nước cốt dừa vào xôi, bạn nên trộn đều để xôi không bị dính và cũng được thấm đều nước cốt dừa hơn.
Cho xôi ra khuôn
Bạn bắt một cái chảo lên bếp, làm nóng chảo xong mới rưới một ít dầu ăn lên. Tiếp theo cho một nửa nước cốt dừa còn lại vào chảo, đổ thêm một ít bột tai vị cùng một ít đường và muối. Sau đó bạn khuấy đều đến khi các nguyên liệu được hòa quyện và sệt lại.
Cho phần nếp đã được hấp chín vừa rồi vào hỗn hợp, đảo cho đều và nhanh tay đến khi nếp không còn dính chảo nữa bạn có thể tắt bếp. Cuối cùng, bạn có thể cho thêm một lớp đậu phộng và mè đã được rang chín vào đáy khuôn. Cho thêm phần xôi vừa xào vào khuôn, dùng muỗng hoặc sạn để ép mạnh cho xôi dẻ được đều khuôn, làm tương tự thêm 2 lớp xôi nữa là hoàn thành.
Cách nấu xôi vị hoa đậu biếc
Nguyên liệu chuẩn bị cho cách làm xôi vị hoa đậu biếc
- 500gram gạo nếp ngon
- 150gram hoa đậu biếc
- 200gram đậu xanh không vỏ
- 500gram nước cốt dừa tươi hoặc nước cốt dừa trong lon
- 250gram đường cát trắng
- Mè trắng, dầu ăn, muối…
Cách bước thực hiện nấu xôi vị hoa đậu biếc
Ngâm nếp với hoa đậu biếc
- Với cách làm xôi vị hoa đậu biếc, đầu tiên bạn mang hoa đậu biếc đi rửa với nước sạch sau đó để cho hoa được ráo nước.
- Để hoa đậu biếc vào một thau nhôm, cho vào một ít nước sôi xâm xấp mặt hoa và ngâm trong khoảng 30 phút, hoặc khi để nước chuyển sang màu xanh như ý bạn có thể vớt xác hoa ra bỏ, giữ lại phần nước.
- Gạo nếp vo sơ cho sạch bụi bẩn bên ngoài, sau đó vo lại thêm 2 – 3 để nước trong và sạch, không còn đục hoặc cặn bẩn.
- Cho gạo nếp đã vo sạch vào ngâm với nước lạnh ít nhất 5 tiếng, trong 1 tiếng cuối bạn hòa nước hoa đậu biếc vào ngâm chung để tạo màu cho xôi.
Hấp xôi
Sau khi đã ngâm đủ thời gian, bạn xả nếp sơ lại với nước rồi đổ ra rổ để ráo nước. Khi nếp đã ráo nước, bạn cho lên xửng, dàn nếp đều và tạo lỗ ở giữ để khi hấp xôi sẽ được chín đều hơn, không bị đọng nước cũng không bị quá nhão.
Hấp trên lửa vừa trong khoảng 50 – 60 phút, đến khi thấy hạt nếp được nở mềm đều là hoàn thành.
Sên nhân đậu xanh
Bạn lấy đậu xanh vo sơ với nước để hạt đậu được sạch bụi, lưu ý phải vo kỹ vài lần nước thật sạch. Sau đó cho đậu vào ngâm với nước (nước cũng để xâm xấp mặt đậu), khoảng 3 – 4 tiếng sau, khi hạt nếp đã nở sẽ nấu nhanh chín hơn.
Khi ngâm xong, bạn cho đậu lên xửng hấp, hấp đến khi các hạt đậu được chín mềm là hoàn thành. Lúc này, bạn có thể cho đậu chín ra tô, dùng muỗng hoặc nĩa hoặc chày sạch để nghiền cho đậu được mịn ra ngay khi đậu còn nóng.
Khi đậu được mịn và đều, bạn bắt một cái chảo, cho đậu vào cùng 1/2 lượng nước cốt dừa đã chuẩn bị trước đó thêm dầu ăn, 2 muỗng canh đường cùng 1 ít muối. Đảo đều tay đến khi tất cả được hòa quyện vào nhau, đậu đạt đến độ quyện lại thành một khối dẻo, không dính chảo. Lúc này bạn có thể tắt bếp, cho đậu ra ngoài và để nguội.
Lưu ý, bạn nên sên nhân đậu trên lửa nhỏ để hạn chế tình trạng đậu bị cháy hoặc khét.
Cách làm xôi vị – xào xôi
Bạn có thể sử dụng lại chảo cũ, cho lượng nước cốt dừa đã chuẩn bị còn lại vào chảo cùng với một ít dầu ăn, muối cùng với đường. Nấu trên lửa vừa đến khi đường được tan hết bạn mới để xôi đã được nấu chín ở trên vào và bắt đầu đảo đều.
Xào đến khi nước cốt dừa được thấm hết vào nếp, xôi đã được quyện lại thành một khối dẻo, thơm ngát và khô ráo, không dính chảo nữa bạn có thể tắt bếp và cho ra ngoài để nguội bớt.
Tạo hình xôi
Bạn có thể dùng mâm, khay hoặc các hình khuôn tùy thích, quét thêm một lớp dầu mỏng khắp khuôn, sau đó rắc thêm mè rang vào đáy khuôn. Tiếp theo bạn chia lượng xôi đã xào thành 1 phần bằng nhau, cho thêm 1 phần vào khuôn, dàn đều lòng khuôn, tiếp theo dùng muỗng để nén chặt lại.
Cho lớp nhân đậu xanh vào, cũng dùng vá hoặc muỗng để nén chặt vào xôi. Làm tương tự thêm 2 – 3 lớp nữa để đậu và xôi được dính vào nhau.
Cuối cùng bạn cho thêm 1 lớp mè rang nếu thích lên trên, đè hoặc nén thêm lần nữa là món xôi vị đã hoàn thiện rồi đấy. Với cách làm xôi vị hoa đậu biếc này, thành phẩm không chỉ thu hút bởi màu sắc đẹp lạ mà còn ngon ngọt không kém các vị truyền thống. Hạt nếp dẻo ngon, thơm béo mùi nước cốt dừa cùng với nhân đậu xanh bùi bùi vô cùng hấp dẫn.
Cách làm xôi vị đường thốt nốt
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 500gram gạo nếp ngon
- 250gram đường thốt nốt
- 150gram đậu xanh không vỏ
- 50gram mè trắng rang sẵn
- 400ml nước cốt dừa tươi hoặc đóng lon sẵn
- 2 – 3 bông hoa hồi
- Gừng, muối, dầu ăn…
Cách làm xôi vị đường thốt nốt
Ngâm và nấu xôi
Để thực hiện cách làm xôi vị này, bạn mang gạo nếp vo sơ để sạch bụi bẩn. Vo thêm 2 – 3 lần với nước sạch và để vào rổ cho ráo nước. Khi nếp đã ráo nước, bạn nhẹ nhàng xốc đều và cho thêm một ít muối, để lên nồi hoặc xửng hấp 45 – 60 phút để xôi được chín đều và khô ráo.
Trong lúc hấp, cứ khoảng 10 – 15 phút bạn mở nắp để đảo đều xôi để xôi được chín đều, khô ráo. Khi xôi chín, bạn mở nắp để xôi được bóc bớt hơi nước, mẹo này để tránh làm xôi không bị quá nhão.
Sên nhân đậu xanh
Với cách làm xôi vị này, bạn nên vo sạch đậu xanh với nước nhiều lần để xôi trôi đi bụi bẩn. Sau đó mang ngâm với nước khoảng 1 – 2 tiếng để hạt được nở đều, lúc đó nấu sẽ nhanh hơn.
Khi đậu ngâm đủ thời gian, bạn cho lên bếp nấu cùng với lượng nước xâm xấp mặt cùng với 1 ít muối. Khi nấu nên để lửa vừa, chú ý khuấy thường xuyên để không cháy đít nồi. Thấy đậu đã nở mềm, bạn cho khoảng 50gram đường cát trắng vào, khuấy đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
Cho đậu vào máy xay sinh tố xay hoặc dùng chày để giã nhuyễn. Sau đó cho đậu ra chảo cùng 1 ít dầu ăn, sên trên lửa nhỏ đến khi đậu quyện thành 1 khối dẻo mịn, không dính chảo cũng không dính tay là được.
Nấu đường thốt nốt và xào xôi
Bắc một cái chảo lên bếp, cho hoa hồi vào rang đến khi thơm rồi cho vào cối giã đến khi nhuyễn. Cho thêm 1/2 chén con nước lọc và đường thốt nốt đã giã nhỏ vào chảo, khuấy trên lửa liu riu cho đến khi đường được tan hết.
Khi đường tan, bạn cho gừng đã được cắt thành từng sợi vào đảo đều. Đến khi hỗn hợp sôi và dậy mùi gừng, lúc này bạn cho nước cốt dừa, hoa hồi giã nhuyễn vào, đảo đều tay để các nguyên liệu được quyện vào nhau.
Tiếp theo cho xôi đã hấp chín vào chảo, đảo đều với hỗn hợp nước đường, nấu đến khi nước đường cạn, xôi đã quyện thành 1 khối mịn không dính tay là hoàn thành.
Tạo hình cho xôi
Theo dầu ăn lên khuôn, sau đó rắc mè rang đều khắp khuôn. Cho một lớp xôi đã xào vào, nén thật chặt. Sau đó cho thêm 1 lớp nhân đậu xanh và nén cho chặt vào lớp xôi trên. Làm tương tự đến khi xôi kết dính và bám vào thành khối. Để hỗn hợp xôi vị nguội, bạn cho ra khuôn là có thể thưởng thức.
Cách làm xôi vị đường thốt nốt này sẽ có màu nâu đặc trưng của đường thốt nốt. Khi cho vào miệng sẽ cảm nhận được mùi vị thơm lừng của gừng sợi, đậm vị đường thốt nốt, hạt nếp thơm dẻo và beo béo vị nước cốt dừa. Chúc các bạn áp dụng thành công nhé!