12: Ngày thứ 12 sau khi thụ thai là thời điểm nước ối bắt đầu xuất hiện bên trong túi ối. Nước ối được tạo thành từ ba nguồn gốc: thai nhi, màng ối và máu mẹ.
16: Từ tuần thứ 16 thai kỳ, bé bài tiết nước tiểu vào buồng ối. Đây là nguồn gốc nước ối quan trọng nhất, chứng tỏ đường tiết niệu của bé hoạt động tốt.
DUNG DỊCH TRONG TÚI ỐI CÓ MÀU GÌ?
Đầu thai kỳ, nước ối có màu trắng trong. Thai nhi càng lớn dần thì màu sắc nuớc ối sẽ trắng đục dần do có chứa nhiều chất gây. Thai đủ trưởng thành (từ tuần lễ thứ 38), nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống như nước vo gạo.
20: Từ tuần thứ 20, nước ối có nguồn gốc từ khí-phế-quản, do huyết tương của thai nhi thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp của bé. Cũng từ tuần thứ 20 thai kỳ, thai nhi bắt đầu nuốt nước ối. Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của thai nhi, dây rốn và màng ối.
300-500ml: Là số nước ối thai nhi từ 34 tuần trở lên hấp thu mỗi ngày. Lượng nước ối này vào ruột góp phần tạo phân su, vào máu góp phần cân bằng dịch trong cơ thể thai nhi và được lọc một phần tạo thành nước tiểu cho bé.
50ml: Là thể tích nước ối khi thai nhi được 4-8 tuần tuổi.
1.000ml: Là thể tích nước ối khi thai nhi được 38 tuần.
600-800ml: Thể tích nước ối có khuynh hướng giảm dần từ sau tuần 38 và còn khoảng 600-800ml vào tuần thứ 40 của thai kỳ hay lúc chuyển dạ sinh.
Nước ối tạo môi trường cho thai phát triển hài hòa và bình chỉnh về ngôi thai trong ống sinh dục của mẹ trong những tháng cuối thai kỳ. Trong lúc chuyển dạ sinh, nước ối tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn. Nước ối giúp thành lập đầu ối nong cổ tử cung của mẹ giúp cho sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn. Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi dễ được sinh ra.
2.000ml: Khi thể tích nước ối trên 2.000ml thì gọi là đa ối. Đây là tình trạng cho thấy thai nhi có khả năng có một số bất thường về hệ thần kinh trung ương như não úng thủy, thai vô sọ, thoát vị não màng não, cột sống chẻ đôi… Đa ối cũng có thể do nguyên nhân bệnh lý của màng ối, của bánh nhau dây rốn, phù nhau thai, thai nhi to, do bệnh lý của mẹ như mẹ bị tiểu đường…
200ml: Khi thể tích nước ối dưới 200ml sẽ bị xem là thiểu ối. Thường gặp trong bất thường hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa thai nhi như hẹp thực quản, không có dạ dày, van niệu đạo sau ở bé nam, bất sản thận… Thiểu ối còn gặp trong tình trạng mẹ suy dinh dưỡng, thai suy dinh dưỡng, thai quá ngày sinh, vỡ ối non, vỡ ối sớm…
12 giờ: Là khoảng thời gian cách nhau giữa 2 lần đo chỉ số nước ối. Bạn cần biết rằng thể tích nước ối có thể thay đổi rất nhanh sau 12 giờ. Vì vậy, việc siêu âm để đo chỉ số nước ối phải được đánh giá ít nhất 2 lần liên tục, cách nhau từ 2-6 giờ.
CÁCH ĐÁNH GIÁ THỂ TÍCH NƯỚC ỐI
Để chính xác, thường phải dựa vào siêu âm đo các khoảng nước ối trong buồng ối. Thông thường nhất là người ta đo chỉ số nước ối bằng cách cộng 4 khoang nước ối ở 4 góc của buồng ối.
Chỉ số ối bình thường từ: 6-12cm.
Đa ối khi chỉ số ối: >= 20 cm
Thiểu ối khi chỉ số ối: <= 5cm
Vô ối: chỉ số ối: < 3cm
Ngoài ra, người ta có thể dùng phương pháp tìm đo khoang ối lớn nhất trong buồng ối qua siêu âm để đánh giá thể tích nước ối. Nếu khoang ối lớn nhất <= 3cm có thể được xem là thiếu ối.
37: Là số tuần được xem là “an toàn” nếu thấy rò rỉ ối. Nghĩa là nếu bạn mang thai từ 37 tuần trở lên và có xuất hiện dấu hiệu rò rỉ ối, hãy chuẩn bị sẵn sàng vì cơn chuyển dạ có thể sẽ xuất hiện trong vòng 24 giờ kế tiếp.
Tuy nhiên, nếu chưa đủ 37 tuần mà đã có dấu hiệu rò rỉ ối, bạn cần đến ngay bác sĩ để được kiểm tra. Khi đó, nếu nước ối bị rò ít hoặc tình trạng nhiễm trùng nhẹ, bác sĩ có thể can thiệp giúp giữ lại thai nhi.
3 lít: Là lượng nước trung bình bạn cần uống mỗi ngày trong 3 tháng cuối thai kỳ.
1-2 lần/tuần: Là số lần mỗi tuần bạn cần siêu âm đo chỉ số ối từ tuần 37 cho đến lúc sinh.