Trái vải làm món gì ngon? Là thắc mắc chung của nhiều mẹ vào thời điểm đầu hè. Vì hương vị thơm ngọt, mọng nước nên rất thích hợp làm các món tráng miệng giải khát. Cùng Mẹ và Con học ngay những công thức món ngon từ quả vải sau đây nhé!
Gợi ý các món ngon từ quả vải
Sinh tố vải cốt dừa, mâm xôi
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 250ml nước dừa tươi
- 100gr dâu tây
- 500gr vải thiều tươi
- 150gr mâm xôi tươi (các bạn có thể thay thế bằng mứt mâm xôi)
- 5gr lá bạc hà
- 3 – 5 muỗng canh nước cốt dừa
Cách làm sinh tố quả vải
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Dâu tây cùng mâm xôi sau khi mua về các bạn lặt bỏ cuống, sau đó đem đi rửa thật sạch. Sau đó, các bạn cắt thành hạt lựu hay cắt nhỏ đều được. Vải thiều các bạn đem bóc vỏ rồi lấy phần thịt vải (khoảng 300gr vải tươi)
- Để món sinh tố ngon và lạnh hơn các bạn hãy cho những nguyên liệu này vào túi. Tiếp đến, các bạn cho vào ngăn đông khoảng 3 – 5 tiếng để hoàn toàn đông đá
- Tương tự, nước cốt dừa bạn cũng mang cho vào ngăn đông tủ lạnh khoảng 4 – 5 tiếng để nước cốt dừa đông đặc lại
Bước 2: Xay sinh tố
- Tiếp đến các bạn lấy nguyên liệu đã đông lạnh cho vào cối xay, sau đó cho thêm 3 muỗng canh nước cốt dừa. Cuối cùng là 200ml nước vào cùng
- Sau đó, các bạn xay nhuyễn những nguyên liệu trên để tạo thành sinh tố thơm ngon
- Rót hỗn hợp sinh tố vào ly, rưới thêm ít nước cốt dừa trên bề mặt. Cho thêm vài lá bạc hà trang trí rồi thưởng thức
Thành phẩm
Với những bước vô cùng đơn giản trên đây là bạn sẽ có ngay món sinh tố vải nước cốt dừa thơm béo. Đây là sự kết hợp của vị ngọt thanh từ trái vải, thơm béo từ nước cốt dừa và chua ngọt nhẹ quả mâm xôi rất thích hợp để giải khát những ngày đầu hè.
Trà hoa hồng vải
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 15gr trà (các bạn nên chọn hồng trà để có hậu ngọt nhẹ)
- 1 hộp vải tươi
- 30gr nụ hoa hồng khô
- Trà túi lọc
- 150ml siro hoa hồng
- Đường nước
- Nước cốt chanh
Cách thực hiện
Bước 1: Nấu nước hoa hồng
- Các bạn bắc nồi lên bếp. Sau đó nấu đến khi nước sôi. Tiếp đến bạn cho thêm 30gr nụ hoa hồng vào rồi hạ lửa. Nấu với lửa vừa trong vòng 10 – 15 phút
- Đến khi hoa hồng đã ra nước, chuyển sang hồng nhạt thì bạn tắt bếp và ủ nụ hoa hồng trong nồi nóng
Bước 2: Pha trà hoa hồng
- Cho vào bình thủy tinh 1 gói trà hoa hồng túi lọc, đổ nước nấu nụ hoa hồng khô đã nấu còn nóng già vào, hãm trà trong khoảng 3 phút rồi vớt bỏ túi lọc.
- Bạn cho 150ml siro hoa hồng cùng đường nước (khoảng 50ml), 50ml nước vải tươi cùng 50ml nước cốt chanh vàng vào bình trà. Sau đó khuấy đều đến khi hỗn hợp hòa quyện vào nhau. Phần trà có màu hồng rất đẹp mắt cùng hương hoa hồng thơm nhẹ
- Bước cuối cùng, cho trái vải vào ly tùy theo sở thích nhiều hay ít của bạn. Thêm đá viên rồi đổ nước trà hoa hồng vào, cắm thêm lá bạc hà hoặc húng lũi tăng thêm mùi vị và đẹp mắt.
Thành phẩm
Trà vải hoa hồng mát lạnh lại thơm thơm mùi hoa hồng cùng vị ngọt mọng nước của những trái vải đầu mùa. Nhanh tay vào bếp thực hiện ngay cho gia đình thưởng thức thôi nào.
Panna cotta vải
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 5gr bột gelatin
- 3 – 5 muỗng canh sữa tươi không đường
- 250ml sữa chua hương vải (bạn có thể thay thế bằng syrup vải)
- 50gr thạch dừa ( Tham khảo thêm cách làm rau câu dừa )
- 250gr vải tươi
- 30gr bột rau câu
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế trái vải
- Vải sau khi mua về các bạn lột vỏ rồi tách hạt. Tiếp đến các bạn cắt đôi khoảng 3 trái vài. Số vải còn lại các bạn cắt thành hạt lựu vừa ăn
- Mách nhỏ: Tốt nhất bạn nên cắt vải làm 4 và không nên cắt nhỏ quá. Vì nếu cắt quá nhỏ khi ăn sẽ không cảm nhận được vị tươi mát tự nhiên
Bước 2: Ngâm bột gelatin
Bạn cho 5gr bột gelatin, 3 muỗng canh sữa đặc vào 1 cái chén nhỏ rồi khuấy đều. Để từ 10 – 15 phút cho gelatin nở đều.
Bước 3: Trộn sữa chua và thạch
- Các bạn lấy khoảng 250ml sữa chua hương vải rồi trộn đều cùng thạch dừa
- Mách nhỏ: Phần sữa chua hương vải chính là bí quyết để món panna cotta đậm vị vải hơn. Nếu không có các bạn có thể thay thế bằng sữa chua nguyên chất rồi pha thêm ít syrup vải là được.
Bước 4: Làm hỗn hợp panna cotta
- Bạn bắc nồi lên bếp, sau đó cho vải tươi đã cắt nhỏ vào rồi đun với lửa nhỏ
- Đến khi vải ấm thì bạn cho hỗn hợp gelatin và sữa đặc vào. Bạn khuấy đến khi gelatin tan hết thì tắt bếp rồi nhấc nồi xuống. Bạn không được đun sôi sữa, vì sẽ khiến sữa chua tách lớp và không giữ được vị béo đặc trưng của panna cotta.
Bước 5: Đổ khuôn và làm lạnh
Cho phần thạch dừa và vải tươi khuôn panna cotta rồi đổ phần sữa vào khoảng 2/3 khuôn rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 – 5 tiếng.
Bước 6: Làm thạch vải
- Đầu tiên các bạn cho 30gr bột rau câu vào một cái tô. Sau đó cho ít syrup hương vải cùng 1 ít màu thực phẩm (đỏ hoặc hồng) vào ly chứa 100ml nước nóng rồi khuấy đều đến khi bột rau câu tan hẳn
- Bạn cho thêm 3 muỗng canh nước lạnh, khuấy đều
- Đến khi phần panna cotta đã đông hẳn thì bạn cho phần thạch vải lên trên, để vào tủ lạnh qua đêm là được
Mách nhỏ: Nếu bạn tìm được bột rau câu hương vải sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các bạn có thể thay thế bằng bột rau câu thông thường và thêm ít hương vải cùng màu thực phẩm.
Thành phẩm
Đến khi phần thạch đã đông, bạn chỉ cần lấy ra rồi cho thêm 1 trái vải lên trên cùng ít lá bạc hà là đã hoàn thành món tráng miệng vô cùng ngon miệng và đẹp mắt rồi đấy. Panna cotta vài là sự kết hợp từ hương thơm của phần thạch vải hòa quyện cùng lớp panna cotta béo ngậy thơm lừng. Cuối cùng là vị ngọt và dai dai của thạch dừa sẽ giúp món panna cotta trở nên đặc biệt hơn.
Cách chọn mua vải tươi ngon
Món ngon từ quả vải sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn chọn được những quả vải căng mọng tươi ngon. Cùng học ngay cách chọn vải đầu mùa siêu ngon sau đây nhé!
Xem thêm: Vì sao không cho con ăn vải khi bụng đói
- Bạn nên chọn những quả vải có màu hồng hoặc đỏ tươi. Bạn quan sát phần gai trên lớp vỏ. Nếu vỏ nhẵn thì quả đã chín, phần gai còn cứng và nhọn thì vải chưa chín hẳn
- Bạn có thể nắn nhẹ vào quả vải để cảm nhận được phần cùi thịt mềm bên trong. Phần cùi ngon sẽ có độ đàn hồi nhẹ, không mềm nhũn, xịt nước khi ấn vào. Đồng thời, khi tách vỏ thì phần cùi thịt dễ lấy, chứng tỏ vải ngon.
- Vải chín mọng sẽ có mùi hương đặc trưng. Khi đưa sát mũi ngửi sẽ thấy mùi nhẹ không hăng nồng như mùi lên men
- Bạn đem tách nhẹ phần cuống trên quả vải. Khi thấy phần thịt màu trắng hơi ngà là vải tươi ngon
- Nên ăn vải đúng mùa sẽ có vị ngọt thanh, mọng nước. Lúc này vải dày cơm, vỏ mỏng và thơm hơn. Đặc biệt là ăn trái cây đúng mùa sẽ có giá thành rẻ và an toàn cho sức khỏe hơn
Trên đây là những công thức giới thiệu cách làm các món ngon từ quả vải thơm ngon thanh nhiệt hương vị hấp dẫn cho thực đơn mùa hè của gia đình bạn thêm phần phong phú mà vô cùng dễ thực hiện, Chúc các bạn thành công với những công thức này nhé!