Chúng ta thường nghe đến ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra. Tuy nhiên, bạn có biết, nhiễm HPV còn có thể dẫn đến mụn cóc sinh dục, ung thư hầu họng, ung thư dương vật… Căn bệnh lây qua đường tình dục này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, làm mất khả năng sinh sản và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng bởi vẫn có những cách để phòng ngừa lây nhiễm HPV, giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân. Đó là những biện pháp mà Mẹ và Con sắp bật mí đến bạn trong bài viết dưới đây.
Virus HPV là gì?
Virus HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục, gây nên nhiều loại bệnh khác nhau. Có rất nhiều chủng virus HPV và không phải chủng virus nào cũng dẫn đến các bệnh nghiêm trọng.
Một số virus HPV chỉ dẫn đến mụn ở hậu môn hoặc bộ phận sinh dục nhưng một số chủng virus cũng có thể khiến người nhiễm HPV bị ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn.
Hiện nay, chưa có liệu pháp để điều trị khi nhiễm các loại virus này. Tuy nhiên, vẫn có các giải pháp để cải thiện, điều trị các triệu chứng của người bệnh sau khi nhiễm HPV. Dù vậy, không nên chủ quan mà vẫn phải thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Làm gì để phòng ngừa nhiễm HPV?
Tiêm vaccine phòng ngừa HPV
Việc tiêm vaccine là một việc quan trọng mà bạn cần làm để bảo vệ cơ thể chống lại các loại virus HPV dẫn đến ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung cũng như ung thư hậu môn, âm đạo, âm hộ, dương vật và ung thư hầu họng. Ngoài ra, vaccin HPV cũng giúp hạn chế nguy cơ bị mụn cóc sinh dục.
Hiện nay, loại vaccine ngừa nhiễm HPV đang được lưu hành là vaccine Gardasil (loại ngừa được 4 chủng virus và loại ngừa được 9 chủng virus). Theo CDC, tất cả thanh thiếu niên phải được tiêm chủng ngừa nhiễm HPV ở tuổi 11 hoặc 12, trước khi có bất kỳ khả năng tiếp xúc với các chủng HPV lây truyền qua đường tình dục.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tiêm vaccine sớm hơn hoặc nếu đã qua 12 tuổi thì bạn vẫn có thể thực hiện tiêm ngừa bởi vaccine có thể được tiêm cho người từ 9-45 tuổi. Tuy nhiên, CDC khuyến cáo nên tiêm vaccine trước 26 tuổi.
Hạn chế việc “yêu”
Cách duy nhất hiệu quả 100% để ngăn ngừa lây truyền HPV chính là kiêng quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng. Bạn có thể quyết định kiêng quan hệ tình dục nếu bạn không ở trong một mối quan hệ nào.
Tuy nhiên, việc nói không với chuyện chăn gối cũng không phải giải pháp tốt nhất cho những đôi vợ chồng vì cuộc yêu nồng cháy cũng là một cách giữ lửa cho tình yêu và hôn nhân. Bạn có thể hạn chế tần suất yêu của mình thay vì hoàn toàn kiêng khem hay bài xích chuyện quan hệ đấy nhé!
Không quan hệ tình dục khi còn quá trẻ
Với những ông bố, bà mẹ, hãy cố gắng để bảo vệ con của bạn và không cho con quan hệ tình dục khi quá trẻ nếu không muốn con nhiễm HPV. Khi bạn bắt đầu quan hệ tình dục càng trẻ, nguy cơ nhiễm HPV càng cao nếu bạn tiếp xúc với virus này.
Nhóm tuổi có tỷ lệ nhiễm HPV cao nhất là từ 15 đến 25 tuổi. Không có cách nào để biết chắc liệu đối phương của bạn (đặc biệt là một người được biết là đã có kinh nghiệm tình dục) có bị nhiễm HPV hay không. Nếu muốn quan hệ tình dục sớm, hãy xác định bản thân đã được tiêm vaccine để phòng bệnh.
Ở mọi lứa tuổi, hãy giới hạn số lượng “đối tác” của bạn
Một chiến lược phòng ngừa nhiễm HPV khác là hạn chế số lượng “đối tác” mà bạn có. Càng có nhiều bạn tình, bạn càng có nhiều khả năng tiếp xúc với HPV vì chỉ cần một đối tác từng tiếp xúc với virus HPV cũng đã đủ để lây HPV cho bạn. Và càng có nhiều đối tác, rủi ro của bạn càng cao.
Một số nghiên cứu cho thấy hạn chế “yêu” trong vài tháng trước khi quan hệ tình dục với một người mới có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HPV. Để lý giải về điều này, các chuyên gia cho biết, trong một vài tháng, các nguy cơ nhiễm HPV của bạn và đối phương có thể được loại bỏ và cả hai cũng có thời gian để kiểm tra sức khỏe trước khi tiếp tục quan hệ.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ
Bao cao su không chỉ là một biện pháp tránh thai an toàn mà còn là một cách để tránh lây nhiễm HPV trong khi quan hệ. Điều quan trọng mà cả bạn và đối phương cần lưu ý chính là sử dụng bao cao su từ đầu đến cuối “cuộc chiến”, ngay cả trong lúc dạo đầu, khi cả hai thực hiện các hoạt động quan hệ tình dục bằng miệng.
HPV lây truyền khi tiếp xúc da với da. Vì HPV có thể lây nhiễm sang những khu vực không được bao cao su che phủ, nên bao cao su sẽ không bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi HPV, nhưng bao cao su giúp ngăn ngừa nhiễm HPV đến 90%.
Và khi quan hệ, hãy nhớ không bao giờ sử dụng lại bao cao su và sử dụng bao cao su mới nếu bạn muốn thay đổi cách quan hệ, chẳng hạn như từ quan hệ bằng miệng sang quan hệ qua đường âm đạo.
Xây dựng lối sống lành mạnh để tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn
Mặc dù không có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là ngăn ngừa nhiễm HPV hoặc các bệnh ung thư liên quan đến HPV, nhưng có bằng chứng cho thấy việc tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu vitamin và khoáng chất tự nhiên sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch và có thể bảo vệ chống lại sự phát triển của ít nhất một số bệnh ung thư.
Thực hiện theo một chế độ ăn uống lành mạnh – một chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa và đường, nhiều trái cây và rau quả chính là những gì bạn cần làm để bảo vệ sức khỏe của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc và không uống rượu quá mức. Giữ thân hình cân đối giúp tăng cường hệ miễn dịch, hệ miễn dịch khỏe mạnh có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng tốt hơn.
Khám sàng lọc
Với cả phụ nữ và cả nam giới, nên khám sàng lọc trước khi quan hệ tình dục. Điều này giúp bạn xác định bản thân có bất kỳ vấn đề gì hay không. Ngoài ra, sau khi quan hệ, nên định kỳ khám sức khỏe, tầm soát ung thư để sớm phát hiện các bất thường ở cổ tử cung và những vị trí khác.
Nếu bạn không chắc loại sàng lọc nào phù hợp với mình, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ biết cần chỉ định cho bạn thực hiện các gói khám phù hợp.
Nhiễm HPV có thể tước đi sinh mạng của bạn, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Hy vọng những chia sẻ từ Mẹ và Con có thể giúp bạn biết được cách hạn chế nguy cơ nhiễm HPV.