Sống tích cực không còn là một xu hướng nữa, mà nó dần trở thành “quan niệm” sống của rất nhiều người hiện nay. Có thể thấy, chỉ khi bạn thật sự tích cực, mọi điều may mắn sẽ tự nhiên đến, nếu có kèm theo những điều xui rủi bạn cũng có thể dễ dàng học cách chấp nhận bước qua và tiếp tục cố gắng cho lần sau.
Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm về lối sống đẹp này qua bài viết sau đây nhé!
Giữ thái độ sống tích cực trong tình huống khó khăn
Một trong những điều đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả nhất, giúp xây dựng một cách nhìn tích cực hơn mà mọi người nên thực hiện đó là thường xuyên suy nghĩ và sống tích cực nhất có thể.
Khi chúng ta đối diện với một tình huống khó khăn, có thể là chính bản thân mình phạm lỗi, làm cho chúng ta thất bại hoặc vấp ngã theo cách nào đó, thay vì trách móc đủ kiểu và đăm đăm vào những việc đã rồi, người tích cực sẽ nghĩ:
- Mình nên làm điều gì tốt nhất trong lúc này?
- Cơ hội trong tình huống này là gì?
Bạn có thể dùng những câu hỏi này nhưng không phải lúc nào cũng tự hỏi ngay lập tức. Thường thì mọi người đều cần một chút thời gian để nghĩ về những lỗ hỏng, những cảm xúc phát sinh trước khi hành động gì đó. Cố gắng ép bản thân vào những suy nghĩ tích cực nhanh chóng có thể dễ làm bạn bị hỗn loại, sốc hơn và không mang lại kết quả gì.
Luôn học hỏi, sống tích cực
Có thể bạn không thể sống trong một môi trường tích cực, nhưng đừng để bị cuốn theo những điều tiêu cực xung quanh mình. Những người mà bạn dành thời gian nhiều với họ và những thứ bạn tiếp cận thường xuyên như internet, tạp chí… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận của bạn.
Và để sống tích cực, phát triển những suy nghĩ tích cực tốt nhất, điều cần thiết là những điều trên cần phải đóng vai trò là đòn bẫy, tiếp sức và nâng đỡ bạn lên thay vì kéo bạn xuống. Hãy cảm nhận và lựa chọn xem điều gì là đúng nhất. Bạn có thể tự hỏi bản thân như:
- 3 người bạn xấu nhất mà bạn từng chơi chung là ai?
- 3 nguồn thông tin nào làm cho bạn cảm thấy tiêu cực nhất mà bạn từng đọc, từng xem là gì?
Hãy tự liệt kê ra và nghĩ xem làm thế nào bạn có thể dần tránh xa những điều hay cảm xúc tiêu cực trên để dành thời gian hơn cho những điều tích cực và những người tốt hơn trong cuộc sống của mình?
Không xem ai đó là cả thế giới
“Mình đã làm gì sai mà họ lại đối xử với mình như thế?”, “Tôi có gì thua người ta hay sao?”; “Tôi tệ đến thế nào?”. Đây chắc hẳn là những câu hỏi không để tìm kiếm câu trả lời, mà là câu nói tự tổn thương chính bản thân của mình.
Ngay từ khi bạn đặt ra câu hỏi đó, thì mọi thứ lại đang chuyển hướng về giá trị, cách bạn nhìn nhận về bản thân của bạn và nó không còn xoay quanh chuyện tình yêu, chuyện ai đúng ai sai nữa.
Xem thêm: 5 cách hâm nóng tình yêu khi đã nguội lạnh
Mỗi khi bị người ta từ chối chỉ vì bạn không phải là người dành cho họ, hoặc vì bạn bị lừa dối hay chỉ vì họ bảo rằng không hợp nhau,… thì chúng ta dễ dàng bị hoảng loạn, bị lo lắng về bản thân về mình không đủ cái này, không đủ cái kia, mình không đạt được sự kì vọng của ai đó, mình không có giá trị, v.v…
Bạn nên biết, sự từ chối chỉ mang lại sát thương, gây nên sự đau đớn chỉ khi bạn đánh đồng nó với giá trị bản thân của mình. Khi một ai đó tiếp nhận hay từ chối tình cảm của bạn, nó không phản chiếu bất cứ thứ gì liên quan đến giá trị của bạn cả, nó không phải để bạn nhận thức theo kiểu “À, thì ra thế này thì mình có giá trị” hoặc khi họ ra đi thì mình không còn giá trị nữa.
“Bạn không sai với họ, bạn chỉ đúng với người khác”
Giá trị của bạn luôn được bảo toàn, bạn là bạn, và khi bạn có mặt trên đời thì bạn là duy nhất có được phiên bản con người của bạn. Bạn không thể định giá nó cũng như ai khác có khả năng làm việc đó giúp mình.
Bạn không làm họ rung động không phải vì bạn không đủ khả năng, có thể chỉ là không đúng, bạn không phải những gì người khác đang tìm kiếm.
Mỗi người có một gam màu khác nhau trong cuộc sống, có thể họ đang đi tìm màu xanh cho mình, còn bạn là màu vàng. Họ chọn màu xanh không chọn màu vàng không có nghĩa là màu vàng không đẹp bằng màu xanh, chỉ đơn giản là bạn màu vàng, và bạn phù hợp với những người đi tìm màu vàng.
Một loại tình yêu mang đến nhiều lo lắng và suy nghĩ thì nó không phù hợp với bạn, điều đó có nghĩa là bạn đang chọn không đúng màu của mình.
Bạn đang cố ép bản thân mình phải chịu đựng những thứ “sai” với mình, mặc dù mảnh ghép giống nhau không xếp lại được với nhau, nhưng nếu nó khác nhau, ghép được với nhau nhưng không hài hòa về màu sắc thì cũng chỉ là sự gượng ép méo mó. Đừng cố xem ai đó là cả thế giới, để đến khi họ rời đi, bạn chỉ còn lại hoang tàn xơ xác.
Hãy chậm rãi, từng chút một
Bạn sẽ dễ nhận thấy rằng khi bạn cố gắng làm một điều gì đó quá nhanh, quá gấp gáp thường sẽ không có hiệu quả tốt lắm. Việc này còn tạo cho bạn thói quen dễ gặp căng thẳng, lo âu và làm việc không tỉ mỉ. Mải suy nghĩ về những điều tiêu cực sẽ làm cho năng lượng và hiệu suất làm việc của bạn bị giảm đi rất nhiều.
Chỉ cần bạn sống chậm lại một chút, thay vì cố gắng chạy thật nhanh đến công ty bằng vận tốc “ánh sáng” dễ hại mình hại người, hãy trấn an bản thân và tự nhận lấy hậu quả (chịu phạt), chạy một cách an toàn và rút kinh nghiệm cho lần sau. Chỉ khi bạn bình tĩnh, bạn sẽ dễ có những suy nghĩ tích cực và thấu đáo hơn về mọi thứ, dễ trở lại trạng thái lạc quan và xây dựng hơn.
Đừng để nỗi sợ lấn át ý chí của bạn
“Cơ hội có thể không đến lần thứ 2” và ai cũng đều muốn nắm bắt lấy cơ hội của mình. Và sau khi nắm bắt được cơ hội, bạn sẽ bắt đầu một thói quen mới, một công việc mới hoặc một mối quan hệ nào đó mới mẻ.
Tiếp đến, bạn sẽ tiếp tục do dự về những cơ hội của mình, và tâm trí bạn sẽ bi ảnh hưởng dần đến những nỗi sợ mà bạn nghĩ đến, sợ về những điều bạn nghĩ rằng mình không làm được, hoặc những chuyện trong quá khứ của bạn, chúng dần trở thành những cơn ác mộng khiến bạn không muốn nắm bắt cơ hội của mình.
Bạn nên nhớ, chúng ta có thể sẽ gặp một chuyện nhiều lần trong cuộc sống. Và điều bạn nên làm là rút kinh nghiệm từ quá khứ, để ý hơn với hiện tại và luôn cố gắng vì tương lai của bản thân.
Chỉ khi bạn đối mặt với những điều đáng sợ như những cơn ác mộng, bạn sẽ chợt nhận ra rằng, hóa ra nó không đáng sợ đến như vậy. Hãy bước ra thế giới, bắt đầu một cuộc sống tự do trong ý chí và nắm lấy những cơ hội.
Cuộc sống tích cực hơn khi bạn biết chia sẻ
Nếu bạn cho đi thứ gì đó, bạn sẽ nhận lại được điều quý giá từ thế giới và những người xung quanh. Không hẳn là từ tất cả mọi người, từ người bạn đối đãi tốt, nhưng những hành động đẹp của bạn sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn với cuộc sống của mình.
Những gì bạn gửi đến cuộc đời này đều sẽ mang nhiều ảnh hưởng lớn. Cách mà bạn gửi đi cho họ và cách mà bạn đối xử với họ như thế nào sẽ là những gì bạn nhận lại. Những mối quan hệ của bạn cũng sẽ nói lên được bạn là người như thế nào. Hãy cho đi những điều tích cực, dù là đơn giản nhất bạn có thể làm được:
- Giúp đỡ mọi người: Bạn có thể cho một người bạn quá giang về đoạn đường gần nhà, dẫn người già qua đường, đỡ phụ một ai đó một tay khi họ đang bận chuyển, nếu như họ cần biết một thông tin nào đó bạn có thể tìm kiếm trên Google hoặc hỏi những người khác…
- Lắng nghe: Đôi khi có người họ không muốn được giúp đỡ trực tiếp, họ chỉ muốn được lắng nghe những tâm sự để nhẹ lòng hơn. Lúc này, bạn không nên chỉ nghĩ về những ý kiến cá nhân của mình và đưa ra những lời khuyên cho họ, hãy nói với họ rằng bạn luôn tin tưởng và ủng hộ những quyết định của họ (trừ những chuyện tiêu cực).
- Thúc đẩy tinh thần: Mỉm cười trước gương mỗi khi ra ngoài, ôm những người quan trọng trong cuộc đời bạn. Động viên ai đó khi họ vừa trải qua một ngày tồi tệ hoặc đang trong thời kỳ khủng hoảng.
Phê bình người khác một cách lành mạnh
Một trong những điều khiến mọi người trở nên tiêu cực ngay lập tức là sự phê phán. Một tâm trạng không tốt ảnh hưởng từ lời nói hoặc câu từ của ai đó sẽ khiến người nghe bị tổn thương, phiền lòng.
Mặc dù bạn cũng đang thật sự khó chịu điều gì đó từ người kia, nhưng nếu chỉ nói ra những điều xấu xa thì lại đi ngược lại với lối sống tích cực hàng ngày bạn đang cố gắng.
Hãy quản lý cảm xúc của mình bằng một tâm trạng tích cực, ngay cả khi bạn là người phê phán hay người bị phê phán. Ví dụ như:
- Không nên đáp lại ngay: Khi cơn giận dữ đang dần lan trên đỉnh đầu, bạn cần một khoảng thời gian để bình tĩnh một chút trước khi đưa ra câu trả lời. Hãy thở một hơi thật sâu, lắng nghe lý trí một chút trước khi bạn đáp trả hoặc soạn tin nhắn trả lời.
- Nghiêm túc lắng nghe những lời phê phán: Dù khó chịu nhưng nếu bạn mở lòng và tiếp thu được những gì mà họ đang muốn bản thân thay đổi. Hãy tự hỏi chính mình: Mình có thể học được gì qua những lời nói, câu từ này? Có điều gì mà mình không muốn nghe nhưng lại có ích trong quá trình hoàn thiện bản thân hay không?
- Hãy nhớ rằng có thể họ không đang phê phán bạn: Đôi khi họ chỉ muốn gửi đến bạn những lời góp ý chân thật nhất. Có thể chúng chỉ đơn giản là một chút tổn thương hoặc ai đó đang nổi giận vì họ đang có một ngày tồi tệ. Để giảm bớt ác ý của những lời nói khó nghe, bạn có thể tự nhủ rằng họ đang không cảm thấy thoải mái lúc này.
- Trả lời lại hoặc mặc kệ: Không quan trọng là bạn có bao nhiêu nỗi uất hận muốn bày tỏ, hãy chỉ nhận những gì có ích cho bản thân, còn lại thì mặc kệ chúng đi. Nếu bạn trả lời lại bằng một tâm thế tức giận cũng chỉ làm mọi chuyện trở nên tệ hơn.
Từ những việc như thế này, chúng ta mới có thể học được cách phê phán mọi người một cách lành mạnh và một tinh thần xây dựng. Tránh dùng những lời lẽ mang tính sát thương, bạn hãy nhẹ nhàng gợi ý với họ rằng họ có thể mang đến rất nhiều giá trị cho đời sống và bản thân nhiều hơn nếu như họ thay đổi được những hành vi, thái độ này!
Giữ vững bình tình nếu ai đó cố tình chọc ngoáy bạn
Nếu như ai đó vẫn không từ bỏ hành vi chọc ngoáy, muốn bạn phải đau khổ và tổn thương và mặc dù bạn đã áp dụng theo những điều ngay bên trên rồi nhưng họ vẫn chưa muốn dừng lại. Lúc này đây, bạn có thể lựa chọn hành động như sau:
- Kệ nó đi: Hãy tâm sự câu chuyện khó chịu này với một người bạn/người bạn đời mà bạn thật sự tin tưởng, gần gũi để họ biết được đầu đuôi sự việc sáng tỏ là như thế nào. Họ sẽ cho bạn những quan điểm lành mạnh trong tình huống này. Hầu hết mọi người sẽ khuyên bạn rằng, hãy kệ nó đi và đừng quan tâm nữa, chỉ những kẻ sau lưng bạn mới nói xấu bạn thôi.
- Tăng cường lập trường của bản thân: Chúng ta đã tìm ra sau vài năm rằng với một lập trường vững mạnh, mọi thứ chỉ làm ảnh hưởng nhẹ đến chúng mà thôi, nó chẳng đủ để làm một ngày của bạn bị chùn lại. Những điều tiêu cực từ người khác đôi khi sẽ giúp chúng ta nhảy xa hơn nữa.
Tập thể dục đều đặn, chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ dinh dưỡng cũng như việc bạn có ngủ nghỉ đầy đủ hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của bạn. Lên kế hoạch ăn xanh – sống sạch cho bản thân, vì hầu hết những lối sống khoa học hiện nay đều giúp tinh thần con người trở nên thoải mái, khỏe khoắn hơn.
Ví dụ như mặc dù bạn không có kế hoạch giảm cân, nhưng “Eatclean” lại là một lối sống lành mạnh và rất tốt cho sức khỏe, tránh xa dầu mỡ – tinh bột xấu… giúp tinh thần lúc nào cũng phấn chấn và tràn đầy năng lượng. Bên cạnh đó cũng đừng quên thiết lập một thời gian biểu về thói quen sinh hoạt mỗi ngày, hãy dành ra ít nhất 30 – 60 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục, nâng cao thể chất nhé.
Hãy bắt đầu một ngày mới thật tích cực
Có câu, “cách bạn khởi động ngày mới như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phần còn lại trong cả ngày”. Vậy nên hãy hết sức cẩn thận đến việc bạn sử dụng buổi sáng của mình như thế nào. Nếu như bạn bắt đầu một buổi sáng với tất cả các tốc độ và năng lượng của mình, có thể vào cuối ngày bạn sẽ dễ gặp căng thẳng và dễ đuối sức hơn.
Nếu như bạn đang tìm cách sống tích cực, hãy bắt đầu một ngày mới bằng một câu chuyện vui vẻ với gia đình, trò chuyện phím vài câu với bạn bè và động viên bản thân trước gương, lắng nghe những câu chuyện xung quanh của mọi người khi đang ở quán ăn, xe buýt trên đường đến chỗ làm sẽ tạo ra một sự khác biệt rất lớn trong cả ngày của bạn!