Mẹ&Con - Xem trên các diễn đàn dành cho phụ nữ, cứ hễ 10 topic than phiền thì phải đến 5-6 cái trong ấy xuất phát từ mâu thuẫn với gia đình chồng. Làm thế nào để không xảy ra những xung đột này? Làm thế nào để xóa tan những định kiến như 'Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng' hay 'mấy thuở nàng dâu - mẹ chồng thuận hòa nhau'? Những 'bí quyết' sau đây sẽ giúp bạn. Viết nhật kí nói xấu nhà chồng, mái ấm lao đao 5 tuyệt chiêu giúp dâu mới "sống khỏe" ở nhà chồng Phải làm sao khi nhà chồng nhờ vả?

1. Hãy đảm bảo mình có một công việc ổn định

Lạ nhỉ! Bạn sẽ đặt câu hỏi ngay: Tôi đang hỏi về kỹ năng thuận hòa với nhà chồng cơ mà, sao lại có… công việc xen vào đây chứ? Thế mà có đấy bạn ạ! Chuyện tưởng chừng chẳng ăn nhập gì này thật ra lại rất “ăn nhập” tới sự được lòng nhà chồng. Nhà chồng thường có xu hướng quý những cô con dâu có công ăn việc làm ổn định, thu nhập tốt, không hoàn toàn lệ thuộc kinh tế vào chồng.

Vì sao ư? Đừng bảo rằng sao gia đình chồng mình lại… “thực dụng” và “tham tiền” đến thế! Nếu bạn có một cậu con trai và tốn nhiều công sức để nuôi dạy con nên người, bạn có thấy vui vẻ không khi con trai mình lớn lên lại đi… cặm cụi làm việc để nuôi cả gia đình, vợ con, gánh hết toàn bộ “gánh nặng” ấy trên vai? Một điều vô cùng thực tế là ai cũng mong con mình sướng. Và một cô con dâu có khả năng giúp chồng phát triển sự nghiệp, đóng góp vào để tạo dựng cuộc sống kinh tế ổn định, đầy đủ hầu như sẽ luôn ghi điểm được trong mắt nhà chồng.

2. Biết làm việc nhà, dù làm ít!

Ấy, bạn đừng vội “la làng” lên rằng: Sao vừa đòi phụ nữ phải đi làm, có thu nhập ổn định, biết kiếm tiền cùng chồng, mà giờ lại đòi thêm giỏi giang việc nhà nữa? Đừng quên rằng bạn đang sống trong một gia đình Á Đông, nơi luôn đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

bi-quyet-de-duoc-long-nha-chong

Bạn có thể không thành thạo, giỏi giang và đảm đang đến mức quán xuyến hết công việc gia đình, nhưng nếu hoàn toàn không biết gì, chắc chắn bạn sẽ bị điểm trừ và nhận không ít lời chê bai của nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng và các chị em chồng.  

Mẹo nhỏ cho bạn: Ở nhà, bạn có thể có người giúp việc để đỡ đần nhiều công việc, nhưng hãy tự mình học nấu một số món ăn ngon (ít thôi cũng được, nhưng nấu xuất sắc), biết một số việc bếp núc cơ bản. Hãy ra sức trổ tài trong giai đoạn đầu và chia sẻ rất thật lòng với mẹ chồng là: “Con đi làm nhiều quá nên cũng chỉ biết ít món này (nấu một số món thật ngon). Còn lại, mai mốt mẹ chỉ bảo con thêm với ạ…”.

Người mẹ chồng nào cũng sẽ hào hứng nhận “học trò” khi nhận ra cô “học trò” đó cũng khá khéo léo (bằng chứng là bạn đã nấu thành công một số món đấy thôi) và lại khiêm tốn, ham học hỏi. Bạn ghi điểm với nhà chồng rồi nhé!

3. Hãy ghi nhớ những ngày quan trọng của bên chồng

Đâu có khó khăn gì nếu như bạn có lòng! Điện thoại di động bây giờ có chức năng nhớ ngày, ghi chú và thông báo tự động rất tốt. Nếu không thì một cuốn lịch sổ nhỏ cũng có thể giúp bạn việc này. Ngay giai đoạn mới về nhà chồng, hãy chịu khó có một buổi ngồi hỏi han mẹ chồng các ngày giỗ quan trọng trong gia đình: Giỗ ông bà nội ngoại của chồng trong trường hợp ông bà đã mất chẳng hạn. Ngoài ra, hãy hỏi chồng ngày sinh nhật của tất cả các thành viên bên nhà chồng: Sinh nhật bố mẹ chồng, các anh chị em chồng, sinh nhật của một vài đứa cháu ruột của chồng nữa…

Bạn thấy có vẻ “mất công”, nhưng kỳ thực chỉ cần một lần hỏi và ghi nhớ vào điện thoại di động là bạn đã có người “nhắc tuồng” hữu hiệu quanh năm suốt tháng rồi. Mẹ chồng sẽ vô cùng hài lòng và quý mến bạn nếu như ngày đầu tuần bạn đã gọi điện hỏi han: “Mẹ ơi, cuối tuần này là giỗ bà nội. Con sẽ về sớm trước một ngày đi chợ với mẹ. Mẹ chờ con với nhé!”. Bạn nghĩ việc này có khó khăn với bạn lắm không? Rõ ràng là hoàn toàn “vừa sức”. Chỉ cần thấy một đứa con dâu nhớ ngày giỗ chạp trước cả khi mình nhắc, chẳng có người mẹ chồng nào ghét bạn được đâu.

4. Thỉnh thoảng, hãy có những món quà nho nhỏ…

Đâu cần nhiều nhặn gì đâu bạn. Chẳng hạn bạn mua được một quả sầu riêng ngon cho nhà mình, thì sẵn tiện mua thêm quả nữa để lúc đi làm về, chạy ngang nhà bố mẹ chồng biếu. Chỉ một câu nói: “Con chạy ngoài đường thấy bán sầu riêng ngon quá, con mua biếu bố mẹ ăn” cũng đủ làm mát lòng mát dạ những thành viên trong nhà chồng. Hoặc khi thấy đứa em chồng tốt nghiệp đại học, bạn mang sang tặng em một chiếc giỏ xách mới, bảo: “Chị tặng em để mai mốt đi làm!”.

Những món quà nho nhỏ ấy không đáng bao nhiêu tiền, nhưng sẽ khiến các thành viên trong gia đình chồng cảm động, thấy bạn thật sự quan tâm đến gia đình.

bi-quyet-de-duoc-long-nha-chong

5. Đừng quên gọi điện hỏi han

Quá bận rộn, bạn cũng chẳng có thời gian về thăm gia đình chồng thường xuyên. Nhưng tiếc gì vài cuộc điện thoại, để hỏi thăm: “Bố ơi, con nghe bố bị đau chân, hôm nay đỡ chưa ạ?”, “Mấy ngày nay trời nóng quá, mẹ giữ gìn sức khỏe kẻo dễ bị cảm”. Những lời hỏi han đó đôi khi chỉ mất của bạn 10-15 phút, nhưng ấn tượng của nó sẽ còn rất sâu đậm.

Bạn nghĩ xem, tâm lý bạn là mẹ chồng sau này, bạn có vui khi con cái lập gia đình xong rồi đi biền biệt, cả năm mới về một lần, bố mẹ có gọi điện lên thì nghe chứ chẳng bao giờ chủ động gọi về không? Hãy đặt mình là một người mẹ, một người chị, một người em… bạn sẽ hiểu tâm lý của mẹ chồng, chị em chồng ra sao khi bạn gọi điện hỏi han hàng tuần hoặc cách vài ngày.

6. Đừng “kể tội” chồng với gia đình chồng!

Hãy nhớ kỹ, không ai vui khi nghe con mình, anh em mình bị người khác chê bai cả. Ngay cả khi nhà chồng mở miệng… chê bai chồng, bạn cũng đừng “mắc bẫy” mà hùa theo chê bai nhé. Ngược lại, trong trường hợp đó, bạn càng phải tươi cười ra vẻ “bênh chồng” chằm chặp.

Chẳng hạn, khi mẹ chồng bạn lắc đầu: “Cái thằng này xưa giờ bừa bộn kinh khủng lắm. Mẹ cứ phải la suốt ngày suốt đêm…”, bạn chỉ cần cười và bảo: “Dạo này ảnh khác lắm rồi mẹ ơi. Ảnh gọn gàng lắm, có khi còn nhắc con khi con bày bừa ấy chứ!”. Đặt bạn vào vị trí của người chồng hay người mẹ chồng, nghe câu nói ấy, bạn có thấy vui trong bụng không?

Mẹ chồng có thể bảo thêm: “Con cứ bênh nó! Nó con mẹ, mẹ biết… Bừa bộn lắm…”, nhưng kỳ thực trong bụng, bà rất vui và rất hài lòng khi thấy bạn luôn biết bênh vực chồng, luôn giữ thể diện và nói khéo cho chồng (dù bà biết tỏng con trai bà chẳng bao giờ gọn gàng đi chăng nữa!).

7. Biết tôn trọng nhà chồng

Có thể rất nhiều việc bạn không hài lòng về nhà chồng. Có thể bạn bực mẹ chồng ngay từ… ngày cưới, và “để bụng” chuyện em chồng hay “cạnh khóe” bạn ngay từ lúc bạn chưa kịp về làm dâu. Nhưng hãy nhớ, khi bạn đã lấy chồng thì dù muốn dù không, bạn cũng cần tôn trọng gia đình chồng. Nếu không tôn trọng được gia đình chồng, gia đình bạn có khả năng tan nát như chơi, vì chẳng người chồng nào cảm thấy thoải mái khi vợ mình suốt ngày xem gia đình ruột thịt của mình như… kẻ thù cả!

Hãy cố giấu đi những điều không vừa ý, lấy tấm lòng chân thật và sự rộng lượng của mình ra đối xử thoải mái với gia đình chồng. Hãy lễ phép với những người như bố mẹ chồng hay anh chị chồng, hãy cố gắng vui vẻ và thuận hòa, nhường nhịn các em chồng một chút.

Nếu bạn quá bức xúc điều gì đó ở họ, có thể khéo léo nói nhỏ với chồng để chồng lựa lời góp ý riêng. Đừng quên rằng một tấm lòng yêu thương chân thực “cho đi” sẽ được nhận về nhiều hơn cả những gì bạn tưởng! 

Tags:

Bài viết liên quan