Cho bé ngậm ti giả thời gian quá lâu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và tâm lý của bé không? Ngoài ra, đến thời điểm cần… cai, bạn làm sao để cai ti cho bé?
Ti giả – lợi hay… hại?
Ưu điểm | Khuyết điểm |
Ti giả tạo cho bé cảm giác rất giống với ti mẹ. Vì thế, ngậm ti giả có thể giúp bé dễ đi vào giấc ngủ và ngủ có phần ngon hơn, vì cảm giác như mẹ vẫn gần bên cạnh. | Nếu không vệ sinh ti giả cẩn thận, việc cho bé ngậm ti giả sẽ rất mất vệ sinh và vô tình đưa vô số vi khuẩn, vi trùng xâm nhập vào cơ thể bé. |
Khi bé đang rất đói mà bạn chưa thể cho con ti ngay lập tức hoặc pha sữa chưa xong thì một chiếc ti giả sẽ giúp bé… nhẫn nại hơn một chút. | Bé bú bình bằng ti giả quá sớm có thể sẽ bỏ luôn bú mẹ (vì với núm vú giả, sữa xuống dễ dàng hơn, bé thậm chí không cần thực hiện động tác như bú mẹ). |
Một ưu điểm quan trọng của ti giả là các nhà khoa học trên thế giới cho biết, việc ngậm ti giả trong khi ngủ sẽ giúp bé tránh được hội chứng đột tử khi ngủ. | Dùng ti giả làm tăng nguy cơ viêm tai giữa. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng việc ngậm ti giả có liên quan đến bệnh viêm tai giữa. |
Khi bạn muốn cai ti giả cho con, việc cai sẽ khá dễ dàng chỉ cần bằng cách giấu ti đi. Trong khi nếu bé có thói quen mút tay thay vì ngậm ti giả thì bạn sẽ khó cai hơn nhiều cho con, vì ngón tay luôn… sát bên cạnh bé. | Dùng ti giả có khả năng gây nên các vấn đề về răng miệng, thậm chí khiến răng cửa của bé sẽ có nguy cơ bị mọc xiên, hoặc ảnh hưởng đến cấu tạo hàm trên và hàm dưới. |
Trẻ ngậm ti giả sẽ có phản xạ ngậm và nuốt nhanh hơn so với những trẻ em khác. | Khi trẻ không ngừng ngậm và mút ti giả, không khí cũng sẽ theo đó mà vào dạ dày của trẻ khiến trẻ bị đầy hơi và không có cảm giác ngon miệng khi bú mẹ. |
Khi trẻ đến giai đoạn cai sữa mẹ, chiếc ti giả sẽ khiến trẻ đỡ bứt rứt, quấy khóc vì cảm giác không an toàn (không còn được gần mẹ nhiều như trước). Việc ngậm ti giả lúc này giúp trẻ ổn định tâm lý tốt hơn. | Trẻ mút núm vú giả thường xuyên sẽ khiến dạ dày và nhu động ruột cũng co bóp theo khiến trẻ bị co thắt ruột và đau bụng. |
Có ti giả, trẻ sẽ không tìm những dị vật khác cho vào miệng (ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự an toàn ở trẻ). | Trẻ sẽ phụ thuộc vào ti giả. Khi không có ti giả, trẻ trở nên khó ngủ, bứt rứt, dễ quấy khóc… |
CHỌN TI GIẢ ĐÚNG CÁCH
– Chọn ti làm từ chất liệu an toàn cho sức khỏe của trẻ, dai bền – an toàn (không nát ra khi trẻ cắn núm vú thường xuyên).
– Kích thước của ti giả nên phù hợp và giống với kích cỡ núm vú của mẹ để trẻ dễ dàng ngậm. Ti giả không nên quá to và cũng không nên quá nhỏ để tránh trẻ nuốt phải nhiều khí dư.
– Cần vệ sinh ti giả thường xuyên bằng cách sử dụng nước nóng để khử trùng, tránh cho bé khỏi bị mắc bệnh về đường ruột.
– Sử dụng loại ti giả phù hợp với độ tuổi của trẻ (bạn có thể hỏi người bán hàng để chọn sản phẩm phù hợp nhất).
– Thay ti giả thường xuyên cho trẻ. Thông thường, khoảng từ 30 – 40 ngày nên thay 1 lần.
Nên và không nên với ti giả
Nên | Không nên |
Chỉ dùng ti giả khi trẻ đã trên 1 tháng tuổi, việc bú mẹ đã trở nên ổn định. |
Không được cho trẻ sử dụng ti giả trong những tuần đầu tiên khi mới chào đời, vì trẻ sẽ dễ bỏ luôn bú mẹ. |
Chỉ cho trẻ ngậm ti giả khi điều đó là cần thiết và trẻ có vẻ “thích thú” với việc này. | Không ép trẻ ngậm ti chỉ để trẻ… khỏi khóc. Một số trẻ không thích ngậm ti và bạn cần “tôn trọng” chọn lựa này ở trẻ. |
Chỉ nên cho trẻ ngậm ti giả trước khi ngủ hoặc trong một số hoàn cảnh được quy định nhất định. | Không nên cho trẻ ngậm ti giả suốt thời gian dài trong ngày. |
Vệ sinh ti giả sạch sẽ. Rửa sạch sau mỗi lần sử dụng. | Tuyệt đối không để ti giả “lăn lóc” khắp nơi rồi lại cho trẻ ngậm vào miệng khi cần. |
Chọn ti giả loại tốt để bé không cắn nát, nuốt và bị mắc cổ (hóc). | Không nên cho trẻ dùng mãi một ti trong thời gian dài (quá 40 ngày). |
Cho trẻ cai ti giả vào độ tuổi từ 2-4 tuổi. Nếu quá 4 tuổi con bạn vẫn chưa chịu từ bỏ thói quen ngậm ti, cần hỏi ý kiến bác sĩ để được giúp đỡ. |
Tuyệt đối không bôi vào ti giả bất cứ chất có vị ngọt nào (nhằm khiến bé thích thú, ngậm lâu hơn). Ti có chất ngọt sẽ khiến bé bị sâu răng. |
Cai ti giả bằng cách nào?
Đã đến lúc bạn nghĩ con cần nói lời tạm biệt với… chiếc ti giả. Nhưng bé thì không nghĩ như vậy! Bé vẫn bám riết không thôi với ti giả. Bạn cần làm cách nào đây? Vài mẹo sau sẽ giúp bạn.
– Cất đi chiếc ti. Khi bé đòi, bạn có thể chọn một hoạt động khác làm bé phân tâm. Ví dụ cho bé xem một món đồ chơi mới lạ, cho bé “măm” món gì đó, hát và trấn an bé, giúp bé chú ý vào một câu chuyện hay một bài thơ của mẹ.
– Không được giằng co ti giả với bé, vì điều đó chỉ khiến bé quan tâm nhiều hơn đến chiếc ti và sợ “mất”, giữ chặt hơn, không chịu rời xa nó.
Ngậm ti có thể làm bé chậm nói!
Theo các nghiên cứu tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, trẻ ngậm ti giả thời gian kéo dài có nguy cơ chậm nói cao hơn gấp 3 lần so với nhóm trẻ không ngậm ti hoặc chỉ ngậm ti một thời gian ngắn đầu đời (bỏ ti trước khi 2 tuổi). Thực tế, bạn có thể hình dung về điều này rất dễ dàng. Bé ngậm ti để “giữ yên lặng” suốt ngày, không nói chuyện với ai thì tất nhiên cơ hội tập nói của bé sẽ thấp đi nhiều.
– Cho con làm quen với một “người bạn” khác ngoài chiếc ti giả. Ví dụ như một chiếc gối xinh xắn, một chú gấu bông hay một con búp bê nhỏ.
– Nếu con bạn đã trên 2 tuổi, cho bé tiếp xúc với những bé khác không ngậm ti. Bảo với con rằng: “Con lớn rồi, lớn rồi thì không ngậm ti nữa. Con xem các bạn đâu có ngậm ti đâu…”. Biện pháp này thường không mang lại kết quả ngay, nhưng nó như mưa dầm thấm lâu, sẽ khiến bé dần dần hiểu.
– Nếu con bạn đã trên 4 tuổi, bạn có thể bảo với bé rằng con đã lớn, nên bỏ việc ngậm ti. Đề nghị với bé, mỗi ngày con không ngậm ti sẽ được thưởng một phần thưởng nào đó hấp dẫn.
– Giảm dần thời lượng con dùng ti giả. Chỉ cho phép bé ngậm ti giả khi chuẩn bị đi ngủ chẳng hạn.
– Đặt cố định ti giả vào chỗ giường hay cũi của bé. Khi con đòi, bạn có thể giải thích bé chỉ có thể ngậm ti giả khi con chuẩn bị đi ngủ thôi. Bé sẽ biết… kiên nhẫn chờ đến giờ ngủ.
– Cách cuối cùng bạn có thể làm là cố tình khéo léo… làm hỏng cái ti đi (ví dụ dùi lỗ trên ti). Việc này khiến khi bé ngậm ti, bé nhận ra nó không mang đến “tác dụng” như trước nữa. Bé sẽ tự nghĩ rằng ti cũng giống như một món đồ chơi bị hỏng, chịu vứt đi mà không vòi vĩnh bạn nữa.
BÁC SĨ NÓI
Khi mút ti giả vào miệng, sẽ tạo lực ép vào hàm, mút nhiều, liên tục trong thời gian dài càng làm cho hàm chịu áp lực ép mạnh và lâu, làm cho xương hàm không phát triển được ở vùng bị ép. Răng và hàm trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển, bị ép nhiều sẽ làm răng và hàm phát triển lệch lạc. Hậu quả là hàm trên phát triển nhô ra phía trước, hàm dưới thụt vào, hiện tượng này gọi nôm na là “vẩu”.