Mẹ hiểu gì về nước ối?
Đây là những kiến thức mang tính căn bản nhất mà bạn cần hiểu rõ nhé!
Nước ối xuất hiện khi nào? |
Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai. Nước ối đóng vai trò quan trọng ngang bằng với lá nhau, dây rốn, tử cung trong vai trò nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. |
Từ đâu mà nước ối được hình thành? | Nước ối được tạo thành từ ba nguồn gốc: thai nhi, màng ối và máu mẹ.
– Nguồn gốc từ thai nhi: Trong giai đoạn sớm thai kỳ, da thai nhi có liên quan đến sự tạo thành nước ối và khi chất gây xuất hiện từ tuần thứ 20-28 thai kỳ thì đường tạo ối này mới chấm dứt. Từ tuần thứ 20, nước ối có nguồn gốc từ khí-phế-quản, do huyết tương của thai nhi thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp của bé. Nhưng nguồn gốc nước ối quan trọng nhất là do đường tiết niệu, bé bài tiết nước tiểu vào buồng ối từ tuần 16 thai kỳ. – Nguồn gốc từ màng ối: Màng ối bao phủ bánh nhau dây rốn, cũng tiết ra nước ối. – Nguồn gốc từ máu mẹ: Có sự trao đổi qua màng ối của các chất giữa máu mẹ và nước ối. * Sự tái hấp thu nước ối: Được thực hiện chủ yếu qua hệ tiêu hóa thai nhi. Từ tuần thứ 20 thai kỳ, thai nhi bắt đầu nuốt nước ối. Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của thai nhi, dây rốn và màng ối. |
Nước ối có chức năng gì? | – Ngay từ đầu thai kỳ, nước ối đã có chức năng nuôi dưỡng phôi thai. Sau khi lá nhau được thành lập, nước ối giữ phần biến dưỡng nước và các chất khác bảo đảm cho sự sống còn và phát triển của thai.
– Thai từ 34 tuần trở lên hấp thu từ 300-500ml nước ối mỗi ngày. Lượng nước ối này vào ruột góp phần tạo phân su, vào máu góp phần cân bằng dịch trong cơ thể thai nhi và được lọc một phần tạo thành nước tiểu cho bé. – Nước ối còn có chức năng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. – Về mặt cơ học, nưốc ối tạo môi trường cho thai phát triển hài hòa và bình chỉnh về ngôi thai trong ống sinh dục của mẹ trong những tháng cuối thai kỳ. Trong lúc chuyển dạ sinh, nước ối tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn. Nước ối giúp thành lập đầu ối nong cổ tử cung của mẹ giúp cho sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn. – Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi dễ được sinh ra hơn. |
Thể tích nước ối thay đổi thế nào? | Thể tích nước ối thay đổi từ 50ml khi thai nhi được 4-8 tuần tuổi đến 1000ml khi thai được 38 tuần. Sau đó, thể tích nước ối có khuynh hướng giảm dần và còn khoảng 600-800ml vào tuần thứ 40 của thai kỳ hay lúc chuyển dạ. |
Nước ối có màu gì thì được xem là bình thường? | Đầu thai kỳ nước ối có màu trắng trong. Thai nhi lớn dần thì màu sắc nuớc ối sẽ chuyển sang trắng đục dần do có chứa nhiều chất gây. Thai đủ trưởng thành (từ tuần lễ thứ 38), nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống như nước vo gạo. |
Khi nào thì nước ối bị xem là bất thường? | Nước ối bị xem là bất thường khi có những bất thường về thể tích hoặc về màu sắc.
– Bất thường về thể tích bao gồm: Đa ối (thể tích nước ối trên 2.000ml), Thiểu ối (thể tích nước ối dưới 200ml). – Bất thường về màu sắc là khi nước ối có màu vàng xanh, nước ối dơ hay có màu xanh rêu sệt, lẫn phân xu của bé. Đây là những dấu hiệu cho thấy thai nhi bị suy yếu trầm trọng trong bụng mẹ. Trường hợp nước ối xanh đục như lẫn mủ, có mùi hôi tức là đã bị nhiễm trùng ối, bé có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung. Khi nước ối có màu đỏ nâu, chứng tỏ thai nhi đã bị chết lưu trong bụng mẹ. |
Làm sao đánh giá được thể tích nước ối? |
Mẹ nên chú ý khi thấy bụng nhỏ bất thường hoặc lớn bất thường so với tuổi thai. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác tình trạng thể tích nước ối thì cần dựa vào thăm khám lâm sàng của bác sĩ, siêu âm bán định lượng để đo lượng nước ối. |
Bất thường về nước ối
Thiểu ối | – Thiểu ối là tình trạng thể tích nước ối dưới mức bình thường.
– Thai già tháng hay mẹ thiếu nước là nguyên nhân sinh lý gây ra thiểu ối. Ngoài ra còn một số nguyên nhân bệnh lý như rối loạn biến dưỡng, bệnh lý mạch máu ở mẹ hay em bé không có thận, thiểu sản thận, tắc nghẽn đường tiết niệu do thiểu ối khiến thai suy dinh dưỡng và nhẹ cân. – Thiểu ối dẫn đến thai nhi bị biến dạng chi, biến dạng cơ mặt. Thiểu ối nếu tiến triển đến vô ối có thể dẫn đến thai chết lưu. Khi người mẹ chuyển dạ, thiểu ối có thể gây chèn ép rốn nặng dẫn đến tử vong thai nhi. Thiểu ối còn làm rối loạn cơn gò đối với người mẹ khiến cuộc chuyển dạ trở nên khó khăn. – Khi thai phụ được xác định thiểu ối, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân cũng như đánh giá mức độ, diễn tiến, hậu quả để có những bước xử lý. Có trường hợp phải chấp nhận bỏ thai vì thai có bệnh lý trầm trọng và tuổi thai không cho phép giữ. Nếu giữ không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi. – Một số giải pháp làm tăng lượng nước ối là: uống nước, truyền nước vào buồng ối. Biện pháp này chỉ áp dụng trong thời gian chờ tuổi thai phát triển và nuôi sống được nếu lấy ra sớm. |
Đa ối | – Đa ối là tình trạng nước ối ở thai nhi nhiều hơn mức bình thường, tức là lượng nước ối từ 2 lít trở lên. Đa ối gồm có đa ối cấp và đa ối mạn, thường gây ra tình trạng dị dạng thai hoặc nhiễm trùng ối.
– Đa ối thường gặp ở thai non tháng, đa thai, bệnh lý về đường tiêu hóa hoặc hệ thần kinh. – Đa ối dẫn đến những nguy cơ cho thai nhi như sa dây rốn khi chuyển dạ, tử vong hay bệnh tật sau sinh. Đối với bà mẹ đa ối cấp có thể gây chuyển dạ sinh non, khó thở; đa ối mạn gây băng huyết sau sinh và nhau bong non. – Đối với thai phụ đa ối, nguy hiểm có thể xảy ra với cả mẹ và con. Người mẹ thường bị băng huyết sau sinh vì tử cung căng giãn quá mức trong quá trình mang thai, cơ tử cung không co lại được. Mẹ bị khối nước ối to chèn ép làm cho khó thở, đi lại khó khăn, phù hai chân. – Đa ối cũng có nhiều nguy hiểm với thai nhi như như bị đẻ non, sa dây rau khi ối vỡ, ngôi ngang, ngôi ngược, nhẹ cân hơn những em bé khác… Nếu không phát hiện xử trí kịp thời có thể khiến thai chết lưu. |
Nhiễm trùng ối | – Dù hiếm khi xảy ra nhưng tác hại của nhiễm trùng ối rất lớn. Khi mẹ bị nhiễm trùng ối, thai nhi có thể viêm phổi, nhiễm trùng huyết và tử vong. Sản phụ có thể viêm tử cung, phải cắt tử cung hoặc tắc vòi trứng gây vô sinh về sau. |
Nước ối được sinh ra do quá trình trao đổi chất của ba yếu tố: Màng ối, thai nhi và thai phụ. Lượng nước ối đầy đủ có vai trò bảo vệ thai nhi tránh va chạm, nhiễm trùng, chèn ép lên dây rốn…
Việc phòng tránh tai biến thai sản hiệu quả nhất là khám thai định kỳ. Nhiều ối hay ít ối cũng đều gây ra những tai biến guy hiểm đối với bà mẹ và thai nhi.
Thuyên tắc ối là gì?
– Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch ối, những tế bào thai nhi: tóc, phân su… đi vào hệ tuần hoàn người mẹ gây phản ứng dị ứng, khiến người mẹ suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.
– Thuyên tắc ối xảy ra với tỉ lệ từ 1/8.000 đến 1/80.000 ca sinh.
– Những thành phần bong tróc của thai nhi trong dịch ối có thể vào hệ tĩnh mạch mẹ thông qua tĩnh mạch cổ trong cổ tử cung, vị trí nhau bám hoặc vị trí tổn thương của cơ tử cung và gây phản ứng dị ứng trong suốt cuộc chuyển dạ. Sinh mổ cũng không tránh được thuyên tắc ối.
– Thuyên tắc ối xảy ra khi có ba điều kiện: vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch mẹ.
– Thuyên tắc ối có thể xảy ra trước, trong và ngay sau khi sinh. Những yếu tố nguy cơ bao gồm nhau bong, tử cung quá căng trong thai to, đa thai, đa ối, thai chết lưu, chấn thương, dùng oxytocin trong chuyển dạ, đa sản, mẹ lớn tuổi, vỡ ối. Nạo hút thai, truyền dịch ối, chọc hút ối hay chấn thương bụng cũng có thể xảy ra tình trạng này.
– Thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ, sản phụ đột ngột khó thở, tụt huyết áp, phù phổi, sốc, có những biểu hiện thần kinh như lú lẫn, mất ý thức, co giật và hôn mê. Hơn 80% sản phụ bị thuyên tắc ối ngưng tim phổi trong vòng những phút đầu tiên, sau đó là rối loạn đông máu, đờ tử cung.
– Nếu xảy ra thuyên tắc ối, tỉ lệ tử vong mẹ hơn 80% dù tỉ lệ sống sót của thai nhi có thể đến 70%. Rất tiếc, cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp dự phòng hữu hiệu đối với thuyên tắc ối.
– Về điều trị, thật ra chỉ có điều trị hỗ trợ là chính, không có điều trị đặc hiệu. Điều trị hỗ trợ gồm hồi sinh tim phổi, điều trị rối loạn đông máu, phẫu thuật lấy thai nếu mẹ ngưng tim không đáp ứng với hồi sức.
– Thuyên tắc ối không thể dự báo, không có cách dự phòng và là một cấp cứu sản khoa không điều trị được. Tuy nhiên, nếu các bác sĩ nhanh chóng ghi nhận được các dấu hiệu và triệu chứng, hồi sức tích cực và điều trị hỗ trợ thì sẽ có thể mang lại hy vọng cứu sống mẹ và thai nhi.