Tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế nói chung, người mắc COVID-19 sau khi chữa khỏi, có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, hụt hơi,… Đây được xem là hội chứng hậu COVID-19 và hiện nay, một số khảo sát trên toàn cầu đã chỉ ra rằng, có khoảng 10-20% số trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh có biểu hiện các dấu hiệu của hội chứng hậu COVID-19.
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người bệnh gặp hội chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh là từ 33% -76%. Tỷ lệ người bệnh tái nhập viện là 20% còn tỷ lệ người bệnh cần theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau khi xuất viện là 80%.
Từ những số liệu trên, có thể thấy, bất kỳ ai trong chúng ta sau khi là F0 cũng có thể đối diện với nguy cơ gặp hội chứng hậu Covid-19. Vì vậy, tốt nhất vẫn nên chủ động phòng tránh dịch, không được chủ quan với tâm lý “ai rồi cũng là F0” hay “mong là F0 để có kháng thể” bởi những vấn đề phải đối mặt sau khi khỏi bệnh cũng gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng với sức khỏe.
Hội chứng hậu Covid-19 là gì?
Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition) là tình trạng những người từng là F0, từng có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Tình trạng hậu COVID-19 này có thể gây nên cảm giác hụt hơi, đi vài bước đã khó thở, mất khứu giác vị giác, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ thậm chí rối loạn nhận thức…
Ngoài những biểu hiện lâm sàng, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như giảm độ khuếch tán phổi, giảm độ lọc cầu thận, tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực,…
Không chỉ vậy, hội chứng hậu COVID-19 còn có thể tác động đến tinh thần người bệnh, gây nên những vấn đề về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm, giảm sự tập trung, thường xuyên cảm thấy bồn chồn, mau quên, không tập trung, rối loạn giấc ngủ,… Trong đó, sương mù não là tình trạng thường thấy, khiến người bệnh nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn,…
WHO ước tính, 10 – 20% bệnh nhân COVID-19 sẽ tiếp tục có triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Một số thống kê liên quan đến hội chứng hậu COVID-19 trên thế giới cho thấy:
– Tại Hoa Kỳ, nghiên cứu quan sát trên 1.600 bệnh nhân bị COVID-19 cấp tính cho thấy, vào thời điểm 60 ngày sau khi xuất viện, có đến 33 % người bệnh còn những triệu chứng dai dẳng, 19% xuất hiện những triệu chứng mới hoặc các triệu chứng cũ trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, các triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất có thể kể đến như: khó thở khi leo cầu thang (24%), khó thở/tức ngực (17%), ho (15%) và mất vị giác (13%).
– Tại Vũ Hán (Trung Quốc), nghiên cứu thực hiện trên 1.700 bệnh nhân từng nhập viện vì nhiễm COVID-19 cho thấy, hầu hết đều gặp hội chứng hậu COVID-19. Cụ thể, 74% người bệnh tiếp tục gặp một hoặc nhiều triệu chứng như: Mệt mỏi hoặc yếu cơ (63%); Khó thở (26%); Khó ngủ (26%); Lo lắng hoặc trầm cảm (23%).
– Tạp chí EclinicalMedicine của Lancet cũng đã thực hiện khảo sát liên quan đến hội chứng hậu COVID-19 trên 3.762 người từng là F0 ở 56 quốc gia khác nhau. Sau khảo sát, có thể thấy kết quả có đến 203 triệu chứng, trong đó 66 triệu chứng được theo dõi trong 7 tháng.
Có thể thấy, hậu COVID-19 khiến người bệnh suy giảm sức khỏe kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hội chứng hậu COVID-19 gây nên tác động đến sức khỏe, ảnh hưởng công việc (khả năng trở lại làm việc, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc), tác động đến xã hội và kinh tế (ảnh hưởng tài chính của cá nhân người bệnh và xã hội, thái độ của xã hội với người bệnh, hệ thống an sinh xã hội).
Nhìn chung, hội chứng hậu COVID-19 có thể tác động đến cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người bệnh, gây ra hậu quả kinh tế và nhiều hệ lụy khác cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng hậu COVID-19
Hiện nay, chưa có kết luận chính xác về vấn đề hậu COVID-19. Tuy nhiên, một số giả thiết đặt ra cho thấy, hội chứng hậu COVID-19 là hậu quả viêm toàn thân do COVID-19 “phát tác” sau khi bệnh nhân âm tính khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm. Cộng với việc bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID-19 đã dẫn đến hàng loạt các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất người bệnh.
Ngoài ra, COVID-19 đã khiến cuộc sống của hầu hết chúng ta bị đảo lộn. Thất nghiệp, phải cách ly trong một thời gian dài, không được gặp gia đình, người thân và bạn bè, không được duy trì thói quen hay sở thích cũ, nỗi lo lắng đối diện với cái chết khi mắc bệnh, đau thương khi chứng kiến sinh ly tử biệt trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành,…. Tất cả những điều này như một “cú tát” đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Điều này cũng lý giải vì sao hội chứng hậu COVID-19 khiến nhiều bệnh nhân rơi vào rối loạn lo âu, trầm cảm, sinh ra ảo giác, bất an…
“Đối mặt” với hội chứng hậu COVID-19
Sau khi khỏi bệnh, nhiều người từng là F0 vẫn có tâm lý chủ quan, cho rằng sức khỏe đã ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn còn một “trận chiến sức khỏe” khác để đối mặt với các triệu chứng kéo dài sau khi mắc bệnh. Do đó, vẫn cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe.
Người bệnh COVID-19 dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn nên duy trì một số thói quen tốt cho sức khỏe sau đây:
Tập thở
Người bệnh nên thực hiện các bài tập thở, từ đơn giản đến nâng cao. Có thể bắt đầu bằng các động tác như hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần rồi thở ra nhẹ nhàng, sau đó mới tăng nhịp độ lên từng ngày. Ngoài ra, có thể kết hợp với các bài tập thiền để điều chỉnh nhịp thở, thở chậm và sâu để phổi hoạt động hiệu quả hơn.
Cần lưu ý, để điều trị tình tình trạng khó thở – hội chứng hậu COVID-19, có thể tập thở nhiều lần trong ngày, thực hiện bất kỳ lúc nào, chẳng hạn như khi nằm, ngồi, đi bộ,…
Nếu bị mất mùi, bệnh nhân có thể tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương.
Dùng thuốc ho
Hội chứng hậu COVID-19 khiến nhiều người ho dai dẳng, ho có đờm do phổi bị tổn thương. Lúc này, có thể đến bệnh viện để bác sĩ kê đơn các loại thuốc trị ho như benzonatate, thuốc xịt proair, thuốc chống đờm mucinex,… Tuy nhiên, cần lưu ý phải kết hợp tập thở để phổi khỏe hơn thì mới có thể trị ho dứt điểm.
Tập thể dục
Để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe và hạn chế tối đa các vấn đề liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, cần tập thể dục và vận động thường xuyên. Có thể đi bộ, tập thể dục nhẹ, đạp xe chậm, tập dưỡng sinh, yoga,… 30 phút mỗi ngày để khỏe mạnh hơn.
Dinh dưỡng phù hợp
Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của cơ thể. Bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, kết hợp đa dạng các loại thực phẩm.
Cần lưu ý uống nhiều nước, ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hào, nghêu sò… để bù lại lượng vi chất mất đi do tác hại của bệnh. Ngoài ra, có thể uống nước ép trái cây, sữa, ăn chuối chín,… để bổ sung thêm kali.
Không chỉ vậy, ăn thêm rau củ và trái cây để bổ sung chất xơ cũng như ăn các loại thực phẩm giàu protein/tinh bột, từ đó đẩy nhanh tốc độ phục hồi tối đa các mô bị tổn thương.
Và đừng quên với hội chứng hậu COVID-19, cần nói không với chế độ ăn nhiều đường, không uống rượu, hút thuốc, không sử dụng quá nhiều cafe/trà.
Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất
Một trong những điều đặc biệt quan trọng mà bệnh nhân sau khi điều trị COVID-19 cần làm chính là bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Có thể tìm mua và sử dụng các loại thuốc bổ nhằm bổ sung vitamin tổng hợp để cơ thể phục hồi nhanh hơn.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Với người bệnh COVID-19, muốn hạn chế tối đa các tác động của hội chứng hậu COVID-19, nên cố gắng duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, không thức quá khuya,… Thậm chí, có thể tăng thời gian ngủ nhiều hơn bình thường từ 1-2 tiếng để cơ thể được nghỉ ngơi nhiều hơn, từ đó hồi phục sức khỏe nhanh hơn.
Thư giãn
Hội chứng hậu COVID-19 không chỉ gây ra tác động về mặt sức khỏe thể thất của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Do đó, trong và sau khi điều trị bệnh, bệnh nhân nên duy trì thái độ sống lạc quan, không quá tiêu cực hay lo lắng quá nhiều.
Có thể duy trì các thói quen, sở thích thường ngày như đọc sách, nghe nhạc, xem phim, gọi điện thoại cho người thân,… để luôn cảm thấy thư giãn, thoải mái, đặc biệt là trong quá trình phải cách ly và điều trị bệnh.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, lạc quan không đồng nghĩa với chủ quan. Không được xem việc nhiễm bệnh là chuyện hiển nhiên, bệnh chỉ nhẹ như cảm cúm mà vẫn phải theo dõi tình hình sức khỏe, dùng thuốc theo đúng chỉ định của y bác sĩ, thực hiện đúng 5K và các hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống dịch.
Thực hiện các hoạt động kích thích não bộ
Với người gặp hội chứng hậu COVID-19 dẫn đến khó tập trung, trí nhớ kém, có thể đọc sách hoặc tham gia các trò chơi kích thích não bộ như đánh cờ hay học thêm các môn khác như nấu ăn, làm bánh. Việc kích thích các phản xạ lành mạnh sẽ giữ cho não bộ hoạt động hiệu quả trở lại như trước.
Các phương pháp điều trị hội chứng hậu COVID-19 khác
Vì có đến hơn 200 triệu chứng khác nhau của tình trạng hậu COVID-19 nên tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải sẽ có những giải pháp cụ thể khác nhau. Chẳng hạn như với người đau mỏi xương khớp, có thể dùng một số loại thuốc giảm đau kết hợp với việc sử dụng thuốc xoa bóp để làm giảm cảm giác đau đớn.
Hoặc với người bị rụng tóc, có thể kết hợp bổ sung thêm kẽm, B Complex bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc có tác dụng ngừa rụng tóc.
Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều bệnh viện đã thành lập khoa hậu COVID-19, điển hình như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, quận Hoàng Mai, Hà Nội…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh, có kết quả âm tính có thể đến cơ sở y tế để tái khám khoảng thời gian từ 2-4 tuần nhằm phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19.
Tuy nhiên, Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, người bệnh sau khi khi khỏi COVID-19 không có triệu chứng, vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường thì không cần phải đi khám. Tình trạng ho, đau nhức người, mệt mỏi kéo dài,… là một hiện tượng bình thường, dễ gặp sau khi ốm một trận lớn, dài ngày. Cơ thể sẽ có khả năng tự điều chỉnh và phục hồi.
Nếu người bệnh có các triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19 kéo dài liên tục 2-3 tháng nhưng không khỏi, có thể liên hệ các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Lúc này, bác sĩ có thể dựa theo triệu chứng để kê đơn thuốc, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Hội chứng hậu COVID-19 vẫn là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Đừng chủ quan với sức khỏe của chúng ta, bạn nhé!