Những kiến thức mẹ cần hiểu đúng
Mẹ hỏi |
Bác sĩ trả lời |
Dị ứng là gì? |
Dị ứng là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch đối với một số yếu tố trong môi trường. Dị ứng nguy hiểm vì có thể gây tử vong do suy hô hấp. Do đó, hiểu rõ về dị ứng cũng như tìm và biết thêm “bạn đồng hành” của nó là cách phòng bệnh từ xa. |
Dị ứng có yếu tố di truyền không? |
Có! Dị ứng đúng là có yếu tố di truyền. Vì vậy, nguy cơ trẻ bị dị ứng sẽ nhiều hơn khi trong gia đình có người có tiền căn dị ứng. Cụ thể là trẻ có cha hoặc mẹ bị dị ứng sẽ có 50% nguy cơ bị dị ứng. Nguy cơ này sẽ tăng đến 75% nếu cả cha và mẹ đều bị dị ứng. |
Đã bị dị ứng là trẻ sẽ bị suốt đời? |
Điều này không hẳn. Dị ứng là một bệnh rất khó đoán biết vì nó có thể bắt đầu hay chấm dứt bất cứ lúc nào. Đa số những dị ứng từ lúc nhỏ sẽ kéo dài cho đến lớn. Tuy nhiên, một số trẻ có thể hết dị ứng với sữa, trứng, đậu nành v.v. khi lớn lên. Đa số bệnh dị ứng da ở trẻ sẽ được cải thiện khi các cháu tới tuổi dậy thì, nhưng vẫn có nguy cơ bị da khô, ngứa, dễ bị dị ứng với hóa chất và mỹ phẩm suốt đời. |
Môi trường có ảnh hưởng đến dị ứng không? |
Có! Môi trường ô nhiễm hình thành yếu tố làm nặng thêm trong dị ứng, chủ yếu liên quan đến đường hô hấp như khói thuốc lá, những chất nặng mùi… Vì vậy, một khi trẻ đã bị dị ứng (đặc biệt là viêm mũi dị ứng), môi trường sống cần được giữ trong lành, sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng, được lau chùi thường xuyên tránh bụi bặm. Tuyệt đối tránh có người hút thuốc khi trong nhà có trẻ bị dị ứng. |
Cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với các chất gây dị ứng thì cơ thể sẽ… quen, giảm và hết dị ứng? |
Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm! Thực tế việc tiếp xúc thường xuyên với yếu tố gây dị ứng càng làm cho bệnh nặng thêm hoặc có nguy cơ bị phản ứng sốc phản vệ gây chết người. |
Tôi nghe nói trẻ bị viêm mũi dị ứng thường bị hen suyễn và ngược lại? |
Đúng vậy! Viêm mũi dị ứng và hen suyễn thường được coi là “cặp bài trùng” đi liền với nhau. Nhiều trường hợp trẻ bị viêm mũi dị ứng (sổ mũi hàng loạt, ngứa và chảy nước mũi, mũi đỏ khi thời tiết thay đổi), mẹ tưởng là bệnh cảm thông thường. Vài năm sau đó mới phát hiện con bị hen suyễn. Cũng có trường hợp trẻ bị hen suyễn, nhưng mỗi sáng thức dậy lại sổ mũi liên hồi, đi khám mới biết có thêm bệnh viêm mũi dị ứng. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy có mối liên hệ giữa bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng, 30% người bị viêm mũi dị ứng sẽ bị hen suyễn và 80% người bị hen suyễn thì có viêm mũi dị ứng đồng thời. |
Viêm mũi dị ứng không có gì đáng ngại? |
Đây là một trong những suy nghĩ chưa đúng thường gặp ở mẹ. Nếu con bị hen suyễn, mẹ sẽ cảm thấy rất lo lắng và tập trung điều trị cho trẻ. Trong khi đó, nếu con bị viêm mũi dị ứng thì mẹ thường xem nhẹ, nghĩ rằng chỉ cần giữ ấm, tránh bụi bặm, tránh nơi có nhiều cây hoa (có phấn hoa) là ổn. Thực tế, như đã nói ở trên, viêm mũi dị ứng là “cặp bài trùng” với hen suyễn. Bệnh này sẽ dẫn đường đến bệnh kia. Vì thế, khi bị một trong hai bệnh nên điều trị song song, nếu không sẽ khó khỏi bệnh. |
MẸ CẦN BIẾT
Bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng có liên quan chặt chẽ với nhau. Thông thường trẻ bị viêm mũi dị ứng thì khoảng 5 năm sau sẽ chuyển sang hen suyễn. Mẹ cần hiểu rõ điều này để có biện pháp điều trị tích cực cho con.
Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi dị ứng?
Một khi trẻ có nguy cơ bị dị ứng (có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ bị dị ứng), có những dấu hiệu dị ứng nhẹ từ nhỏ, hoặc trẻ bị hen suyễn (một bệnh có mối liên hệ trực tiếp với viêm mũi dị ứng), mẹ cần thực hiện những biện pháp sau để ngăn ngừa và chăm sóc trẻ.
– Nếu con bạn bị dị ứng, cần thông báo với nhà trường, giáo viên, bảo mẫu về tình trạng dị ứng của con, các thuốc mà trẻ sử dụng, các thức ăn trẻ không được phép ăn.
Mẹ cần |
Tránh cho trẻ tiếp xúc với các tố yếu tố dị ứng: bụi, nấm mốc, lông chó mèo, thú nhồi bông… |
Tránh nuôi vật nuôi trong nhà (chó mèo, gà vịt, chim cảnh…) |
Tránh trồng trong vườn nhà các loại cây hoa, đặc biệt là hoa có mùi hương quá nồng nàn và có nhiều phấn hoa. |
Giữ nhà cửa luôn gọn gàng, sạch sẽ, được lau chùi thường xuyên. Tránh dùng thảm và màn cửa dày. Nếu có, cần thường xuyên hút bụi và giặt, thay màn cửa. |
Phòng của trẻ nên thoáng khí. Nếu sử dụng máy lạnh, cần vệ sinh thường xuyên máy lạnh. |
Tuyệt đối không được hút thuốc trong phòng hay trong nhà có trẻ bị dị ứng. |
Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường và khi tiếp xúc với môi trường lạ. |
Chú ý đến nhiệt độ cơ thể cho trẻ. Tránh để trẻ bị nóng, lạnh bất thường. |
Khi trẻ tới tuổi ăn dặm, cần cho trẻ làm quen với từng món riêng biệt với mức độ thật ít (dưới nửa muỗng cà phê), sau đó nếu không dị ứng mới tăng dần về lượng. |
Có sổ ghi chép ghi nhớ chính xác những món ăn con bị dị ứng để luôn nhắc nhở người nhà và giáo viên, bảo mẫu khi trẻ đến tuổi đi học. |
Đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa định kỳ để theo dõi sức khỏe của trẻ, phát hiện những bất thường và có hướng xử lý, điều trị kịp thời. |
Không tự ý dùng thuốc hoặc ngưng thuốc. Cần tuân thủ mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị. |
Có chế độ sinh hoạt, học hành, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý dành cho trẻ. Tránh để trẻ căng thẳng hay gắng sức. |
Cho con vận động, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể. |
Khi trẻ dị ứng đi học…
– Luôn có một sổ nhỏ ghi chép rõ về bệnh của con để trong ba lô, cặp đi học. Kèm theo đó là số điện thoại khẩn cấp của mẹ và bác sĩ điều trị của trẻ.
– Nên gửi các thuốc cần thiết (trong trường hợp trẻ bị dị ứng) tại trường. Kèm theo đầy đủ thông tin về cách sử dụng, liều sử dụng… đề phòng trường hợp con bạn bị dị ứng trong lúc ở trường.
– Khi trẻ đã có sự hiểu biết về bệnh của mình (trẻ trên 5 tuổi), bạn có thể hướng dẫn con dần dần cách phòng tránh các yếu tố có thể khởi phát dị ứng.
– Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể thao nhưng cần thông báo với giáo viên thể dục về các thuốc cần sử dụng trước khi tập thể dục (nếu cần).
– Cuối cùng, bạn cần có biện pháp phòng ngừa cho con khỏi những cơn dị ứng, nhưng không nên “cách ly” trẻ, khiến trẻ cảm thấy hoang mang về sự “khác biệt” của mình với bạn bè. Tránh làm trẻ mặc cảm và khép kín, thụ động chỉ vì trẻ bị dị ứng.
Cần đưa trẻ đi cấp cứu trong những trường hợp có biểu hiện dị ứng nặng:
– Khó thở, khò khè, có cảm giác bóp nghẹt ở ngực.
– Sưng cổ họng, lưỡi hay mặt.
– Phát ban đỏ xuất hiện hoặc nặng hơn.
– Sưng phù nặng hơn.
– Nhiễm trùng da xuất hiện.
– Triệu chứng không cải thiện sau 2 tuần điều trị tại nhà.
– Triệu chứng trở nặng hơn hoặc xảy ra thường xuyên hơn.
Dị ứng có thể gây tử vong
Đa số dị ứng đều không quá nghiêm trọng, chỉ làm con bạn rất khó chịu nhưng không nên chủ quan, vì đôi khi dị ứng có thể gây sốc phản vệ dẫn đến chết người.
Phù Quincke trong dị ứng gây phù nề nhanh chóng tại một điểm trên đường thở có thể làm cho bệnh nhân chết vì ngạt thở. Còn sốc phản vệ là một phản ứng toàn thân nặng, đầu tiên gây cảm giác mệt mỏi, kế đến là suy tuần hoàn cấp, khó thở dữ dội, tụt huyết áp, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Tác nhân thường gặp là do ong đốt, do dị ứng thuốc và dị ứng một số thức ăn. Nguy hiểm nhất dị ứng thuốc vì nguy cơ tử vong rất cao. Vì thế khi trẻ bị dị ứng, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Không được tự ý cho con dùng thuốc hoặc sử dụng các biện pháp dân gian để “chữa” dị ứng cho con.
KIỂM SOÁT TỐT DỊ ỨNG TRONG VÒNG 30 PHÚT
Cho đến nay, chưa có biện pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh dị ứng. Nhưng có một số thuốc có thể điều trị giúp giảm triệu chứng dị ứng, chẳng hạn các loại thuốc dạng viên và siro dành cho cả người lớn và trẻ em trên 2 tuổi được chứng minh là giải pháp hữu hiệu cho các trường hợp bị viêm mũi dị ứng, mề đay mạn tính và các bệnh về da do dị ứng, giúp người bệnh bị dị ứng kiểm soát được bệnh và thoải mái học tập, làm việc trong suốt 24 giờ. Thuốc nhanh chóng phát huy hiệu quả trong vòng khoảng 30 phút sau khi uống, do vậy góp phần giảm bớt nỗi lo âu của người bệnh dị ứng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
PGS-TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan
(Chủ tịch Hội Hô hấp, Thành Phố Hồ Chí Minh)