Trẻ con lười học có thể là kết quả của áp lực học hành khiến cho trẻ bị chán nản và mất động lực. Khuyến khích con tìm động lực tích cực là điều cha mẹ nên làm để xây dựng thói quen học tập lâu dài. Vậy bạn có thể làm gì khi trẻ lười học? Những lời khuyên dưới đây từ Tạp chí Mẹ và Con chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn.
Nguyên nhân khiến trẻ lười học
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy băn khoăn và không biết nên làm gì khi trẻ lười học. Trẻ mất động lực học tập có thể vì một số nguyên nhân. Hãy cố gắng tìm hiểu gốc rễ của vấn đề và giúp trẻ lập kế hoạch vượt qua khoảng thời gian chán nản này. Một số lý do cho việc trẻ lười học có thể là:
- Trẻ bị thiếu tự tin
- Trẻ không tiếp thu được bài giảng
- Trẻ đang bị hướng theo cách học không phù hợp
- Trẻ mang tâm trạng lo lắng khi đến trường
- Việc học rập khuôn khiến trẻ bị nhàm chán
7 bí quyết giúp cha mẹ không còn lo lắng “làm gì khi trẻ lười học”
1. Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc học của con
Cha mẹ hãy tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ bằng cách tạo không gian riêng tư và yên tĩnh để trẻ không bị phân tâm khi học. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập cho trẻ trước buổi học để trẻ không mất thời gian tìm chúng cũng như không viện cớ để trốn tránh việc học. Mẹ cũng có thể làm cho bé một bữa ăn nhẹ với món mà bé thích để tạo động lực học tập cho con.
2. Cùng nhau lập kế hoạch học tập
Cha mẹ hãy lắng nghe và nói chuyện với con về việc học, cùng nhau xây dựng kế hoạch học tập, ví dụ cùng thống nhất thời gian hoàn thành bài tập về nhà. Việc lập kế hoạch sẽ giúp con bạn đi đúng hướng và cha mẹ nên giúp con trẻ luôn tuân thủ đúng kế hoạch đã đề ra. Kế hoạch học tập nên bao gồm:
- Khi nào phải làm bài tập về nhà mỗi ngày?
- Nên dành bao nhiêu thời gian cho bài tập về nhà?
- Thời gian nghỉ giải lao trong buổi học là khi nào và bao lâu?
- Những nhiệm vụ nào cần được hoàn thành trước?
3. Những phần thưởng nho nhỏ tạo động lực học tập cho con
Xây dựng hệ thống khen thưởng cho con để con bạn có điều gì đó mong đợi sau khi hoàn thành thời gian học hành, đây là mấu chốt quan trọng để duy trì động lực học tập cho con. Phần thưởng có thể đơn giản như xem TV sau khi làm xong bài tập về nhà hoặc “sưu tập điểm” sau mỗi buổi học để sử dụng cho việc gì đó đặc biệt.
4. Khuyến khích con đặt các mục tiêu nhỏ
Hãy khuyến khích con bạn đặt các mục tiêu học tập nhỏ, có thể đạt được dựa trên những gì cần phải hoàn thành. Cha mẹ hướng dẫn bé cách đặt mục tiêu bằng cách định hướng rõ ràng cho trẻ về những việc cần phải làm, giúp con tăng sự tự tin khi con hoàn thành các mục tiêu này. Một số ví dụ về mục tiêu học tập như:
- Đọc một chương sách
- Xem lại bài đã học trong ngày
- Hoàn thành các câu hỏi nâng cao trong sách giáo khoa
5. Không nên bỏ qua các bài tập thể dục
Có thể nhiều cha mẹ chưa biết năng lượng giảm sẽ dẫn đến sự chán nản cũng có thể là một nguyên nhân làm trẻ lười học. Tập thể dục thường xuyên không những giúp trẻ cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn giúp trẻ giảm căng thẳng nên sẽ hoàn thành bài tập về nhà dễ dàng hơn. Thế nên bạn hãy giúp trẻ vận động mỗi ngày, chỉ cần đơn giản là dành 30 phút để đi dạo xung quanh khu nhà.
6. Giúp con tìm ra phương pháp học tập phù hợp
Không có phương pháp học tập nào phù hợp cho mọi đứa trẻ, mỗi học sinh sẽ có cách học khác nhau. Nếu con bạn đang học tập với phương pháp phù hợp với mình sẽ không khỏi dẫn đến sự chán nản và thất vọng. Điều này sẽ làm cho việc tiếp thu kiến thức trở nên khó khăn hơn nhiều. Cha mẹ hãy tìm hiểu và thử các phương pháp học tập để tìm ra cách nào phù hợp nhất với con mình.
7. Quan tâm hơn đến sở thích của con
Tất cả chúng ta đều thích làm những gì mà chúng ta cảm thấy thích thú và trẻ cũng vậy. Trẻ sẽ có động lực hơn khi được làm những việc mà trẻ yêu thích. Vì vậy, cha mẹ hãy tìm cách liên kết sở thích của trẻ với những kỹ năng mà bạn muốn con phát triển. Ví dụ, một số trẻ thích đọc truyện tranh mà đôi khi cha mẹ không biết điều đó có thể giúp con phát triển kỹ năng đọc và tiếp thu kiến thức mới.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ lười học?
Nếu muốn con chăm chỉ học tập đừng so sánh con với bạn bè
Cha mẹ cho con xem thành tích của người khác trong lĩnh vực mà con quan tâm là một cách tốt để khuyến khích trẻ phát triển. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn so sánh trẻ với người khác và mong muốn chúng đạt được những điều mà đứa trẻ khác đạt được. Việc tạo động lực cho con học tập có thể thông qua việc xem phim, đọc sách và đừng tạo áp lực cho trẻ bằng việc so sánh thành tích trẻ với thành công của người khác.
Tập trung vào điểm mạnh của con
Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, cha mẹ nuôi dạy con theo cách giúp chúng phát triển thế mạnh của mình sẽ làm tăng mức độ hạnh phúc và sự hài lòng của con trẻ. Điều này có thể nhiều người chưa bao giờ nghĩ đến. Cha mẹ nên nhớ rằng trẻ em sẽ cảm thấy có động lực hơn khi đạt được thành công trong một lĩnh vực nào đó hơn những đứa trẻ cảm thấy mình tầm thường trong tất cả mọi lĩnh vực. Ngoài ra, tập trung vào điểm mạnh của con để giúp con phát triển đồng thời cũng giúp xây dựng lòng tự trọng của con trẻ.
Đừng quên rằng trẻ con vẫn là trẻ con
Bạn có thật sự hài lòng nếu con mình đáp ứng mọi chỉ dẫn của mình và làm mọi thứ chính xác hoặc thậm chí tốt hơn những gì bạn mong đợi. Thực tế trẻ em không có quan niệm chính xác về mọi thứ giống như người lớn. Đôi khi trẻ sẽ không hiểu tại sao mình phải học những điều mà người lớn cho là quan trọng. Trẻ sẽ luôn có động lực hơn bởi những gì mà chúng thích và việc của cha mẹ là đừng gây thêm sức ép đối với trẻ thay vào đó nên để chúng tận hưởng những gì mà trẻ cảm thấy thú vị. Việc đặt quá nhiều kỳ vọng đôi khi có hại hơn là mang lại lợi ích cho trẻ.
Trên thực tế, việc tạo động lực cho con không hề dễ dàng, đặc biệt khi tình trạng lười học của trẻ đã diễn ra từ lâu. Bạn cần có quá trình và thời gian để thay đổi thói quen của trẻ. Nếu như bạn đang gặp trường hợp tương tự và vẫn chưa biết làm gì khi trẻ lười học vậy thì hãy áp dụng các mẹo trên ngay nhé.