Kế hoạch chuyển nhà
Hai tháng trước |
– Tranh thủ những lúc rảnh rỗi soạn dần đồ đạc trong từng tủ, kệ, ngăn kéo. Loại bỏ những đồ vật thừa bạn không cần đến nữa. Hãy biết rằng chuyển nhà là cơ hội để bạn thoát khỏi cả núi những vật dụng thừa và sắp xếp, tổ chức lại mọi thứ gọn gàng. Do đó, đừng “luyến tiếc” theo cách cái-gì-cũng-giữ. Bạn có thể bán, tặng hoặc làm từ thiện với những đồ vật này. – Lên danh sách những vật giá trị mà bạn có kế hoạch mang về nhà mới. Một danh sách được ghi chép chu đáo sẽ giúp bạn dễ kiểm tra, tránh mất mát, thiếu sót trong quá trình chuyển đi. – Tìm hiểu giá cả của các công ty có dịch vụ chuyển nhà và chọn một nơi thích hợp. |
Sáu tuần trước |
– Hoàn thiện nhà mới để chuẩn bị chuyển đến (nếu có thể). Hãy biết rằng việc bạn sơn sửa, trang trí một căn nhà trống sẽ dễ dàng hơn nhiều với việc sơn sửa, trang trí giữa… một núi đồ đạc. – Thông báo với trường của con bạn rằng bé sẽ chuyển đi theo gia đình và liên lạc với trường mới để biết về thông tin nhập học. – Đề nghị bác sĩ gia đình giới thiệu cho bạn một bác sĩ khác ở gần nơi ở mới. Việc này sẽ quan trọng nếu gia đình bạn có người già và trẻ nhỏ. |
Ba tuần trước |
– Mua thùng carton ở các cửa hàng tạp hóa. Thùng cần khô, sạch, còn mới, có nắp đậy. Không nên chọn thùng quá lớn vì khi vận chuyển, khuân vác sẽ rất khó khăn, nặng nề. – Bắt đầu đóng gói dần đồ đạc. Thực hiện theo thứ tự ưu tiên: vật dụng nào không cần dùng đến lúc này đóng gói trước, vật dụng nào còn sử dụng đến sát ngày đi đóng gói sau. Trong quá trình đóng gói, lọc lại đồ đạc một lần nữa để chắc chắn rằng chỉ giữ lại những thứ mà bạn sẽ cần ở ngôi nhà mới. – Mỗi thùng đóng gói xong đều phải có băng keo dán kín, đồng thời có dây ràng chắc chắn. – Nên dán nhãn trên từng thùng đồ để dễ dàng nhận biết chúng. Nhãn được ghi chú càng chi tiết thì càng thuận lợi cho bạn sau này, khi mở ra dọn dẹp ở nhà mới. – Với những đồ đạc vẫn còn sử dụng hàng ngày, không nên đóng gói vội vì bạn còn đến cả vài tuần nữa. |
Trong vòng một tuần trước đó |
– Báo địa chỉ mới của bạn cho bạn bè, người thân, ngân hàng… – Soạn riêng những thứ quan trọng bạn sẽ tự mình mang đi như các vật quý, nữ trang, tài liệu quan trọng… – Đóng thùng các thiết bị điện tử. – Nếu có vật nuôi, cần quyết định xem bạn có mang theo chúng không. Hỏi kinh nghiệm của các điểm bán vật nuôi, vì những con vật như cá cảnh cực kỳ khó khăn để đưa đi quãng đường xa. Với chó mèo, nếu có người thân, nên tạm thời gửi chúng ở những gia đình người thân vài ngày cho đến khi bạn ổn định chỗ ở mới. Tránh đưa chúng đi cùng ngày chuyển nhà, vì sự tất bật, lộn xộn có thể khiến chúng lạc mất. – Buổi tối cuối cùng trước lúc chuyển đi, đóng thùng các vật dụng thiết yếu đang được sử dụng như vài bộ quần áo để thay, các đồ vật trong nhà bếp và phòng tắm, điện thoại… Những vật dụng này cần sắp xếp trong thùng riêng để có thể mở ra dùng ngay khi sang đến nhà mới. |
Ngày chuyển đi |
– Đóng tất cả các cửa, cúp cầu dao điện, khóa nước, và nhớ kiểm tra lần cuối sau để chắc chắn công ty giúp chuyển nhà không bỏ sót thứ gì. |
Một số lưu ý
– Để tránh cảm giác cả căn nhà bừa bộn, nên dọn dẹp và đóng thùng từng phòng một. Xong phòng này mới dọn sang phòng khác.
– Những chiếc ốc vít sẽ rất dễ lạc mất. Do đó, bạn cần có một túi nilon để đựng riêng chúng. Gói riêng từng loại ốc vít khác nhau và ghi chú cẩn thận đó là ốc vít của vật dụng nào.
– Với những đồ vật nhỏ, cần gói chúng bằng giấy màu rực rỡ trước khi xếp vào thùng hoặc hộp. Cách này sẽ giúp bạn tìm ra chúng dễ dàng hơn.
– Có thể dùng cách phân chia bằng màu sắc: Dùng thống nhất một nhãn màu cho từng nhóm đồ vật khác nhau, ví dụ đồ điện tử, đồ dùng nhà bếp, sách…; hoặc dùng thống nhất một nhãn màu cho từng thành viên trong gia đình, ví dụ đồ của bố xếp vào các thùng có nhãn màu xanh, của mẹ có nhãn màu vàng, của con có nhãn màu hồng… Cách phân nhóm bằng màu sắc này giúp bạn dễ dàng tìm được đúng đồ vật cần thiết khi dọn sang nhà mới và chưa thể tháo tung mọi thứ ra ngay.
– Tuyệt đối không đóng thùng những đồ dễ bắt lửa và dễ cháy.
Vài cách thức đóng thùng
* Thiết bị điện tử
– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của những thiết bị điện tử, đặc biệt là những hướng dẫn khi di chuyển.
– Đối với thiết bị điện tử quan trọng như tivi, máy tính, dàn máy… lý tưởng nhất là đóng chúng vào thùng của chính nhà sản xuất. Nếu bạn không còn giữ những thùng này, hãy hỏi người có kinh nghiệm hoặc trung tâm dịch vụ khách hàng của nơi từng bán cho bạn.
* Đồ sứ, thủy tinh dễ vỡ
– Gói riêng từng thứ bằng giấy báo.
– Lót dưới đáy thùng một lớp giấy báo vụn rồi mới xếp các vật dụng này vào. Cố gắng xếp chúng sát nhau, chèn kín các khoảng trống bên trong thùng bằng giấy báo cũ, khăn, quần áo cũ…
– Có thể đóng gói hai lần nếu cần thiết. Tức là bạn đóng gói các vật này vào một thùng nhỏ, sau đó tiếp tục xếp thùng nhỏ vào một chiếc thùng lớn hơn. Lưu ý tạo lớp đệm giấy thật chắc chắn giữa hai thùng.
– Trên nhãn ghi rõ: “Đồ dễ vỡ, xin nhẹ tay!”.
* Dao kéo, vật nhọn
– Bọc riêng từng thứ trong giấy chuyên dụng hoặc giấy báo dày.
– Viết rõ ngoài nhãn những lưu ý về độ sắc nhọn của chúng.