Càng ngỡ ngàng hơn nữa khi chị được biết rằng Hp không chỉ gây viêm loét dạ dày mà còn có vai trò trong nhiều bệnh lý khác ở dạ dày – hành tá tràng như rối loạn tiêu hóa không loét, u lympho ác tính, ung thư.
Trẻ em dưới 10 tuổi dễ bị lây vi khuẩn Hp gây viêm dạ dày từ cha mẹ hoặc trẻ khác. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh trong ăn uống cho trẻ là rất quan trọng. Nếu trong gia đình có người nhiễm vi khuẩn Hp, bạn càng nên chú trọng vấn đề vệ sinh ăn uống cho con.
Những kiến thức dễ nhớ về bệnh
– Vi khuẩn Hp là dạng xoắn khuẩn gram âm, có 3-5 chiên mao, sống trong lớp nhày phủ trên niêm mạc dạ dày.
– Thông thường dạ dày tiết ra axit để tiêu hóa thức ăn nhưng đồng thời nó cũng có một lớp nhày để bảo vệ lớp niêm mạc. Nhưng vì một lý do nào đó axit dịch vị tăng lên nhiều (thường ảnh hưởng bởi yếu tố thần kinh) hoặc lớp nhày này bị tiết ra ít đi (không đủ bảo vệ niêm mạc) thì “ngoại bang” rất dễ tấn công. Lúc Hp “đổ quân” vào dạ dày, nếu hàng rào chống đỡ thành dạ dày yếu đi thì nó sẽ chui vào dưới lớp nhày, “đánh chiếm” và xâm nhập dễ dàng vào lớp niêm mạc dạ dày. Sau đó phá hủy bằng việc tiết ra các men và độc tố tế bào, làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, gây viêm loét.
– Phân nửa dân số thế giới bị nhiễm Hp. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm Hp khá cao: hơn 70% dân số.
– Vi khuẩn Hp có rất nhiều chủng loại khác nhau. Nếu nhiễm chủng Hp có độc lực yếu, thường không gây ra triệu chứng và rất hiếm khi phát triển thành ung thư. Chỉ khi nhiễm chủng Hp có độc lực mạnh (mang gen CagA và VacA độc lực cao) mới có thể gây viêm và biến đổi nặng trên niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến ung thư. Do vậy, không phải nhiễm chủng Hp nào cũng bị ung thư dạ dày.
– Đường lây nhiễm chủ yếu là đường ăn uống (phân – miệng) hoặc lây trực tiếp (miệng – miệng) qua nước bọt.
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
– Chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày là yếu tố rất quan trọng đối với nguy cơ ung thư dạ dày. Chẳng hạn người dân Ấn Độ có tỷ lệ nhiễm Hp rất cao, nhưng tỷ lệ ung thư dạ dày lại rất thấp nhờ ăn nhiều gia vị như nghệ, hành tây… Ngoài ra, các thực phẩm giàu chất xơ, nhiều vitamin từ rau củ quả sẽ góp phần bảo vệ và hạn chế ung thư dạ dày.
– Đến thời điểm này, thế giới chưa có vắc-xin ngừa vi khuẩn Hp nên chỉ có cách phòng ngừa để đừng nhiễm, lỡ nhiễm thì phải điều trị sớm và đúng.
– Ăn sạch, uống sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn Hp.
ĂN SẠCH, UỐNG SẠCH, RỬA TAY TRƯỚC KHI ĂN VÀ SAU KHI ĐI VỆ SINH GIÚP PHÒNG NGỪA NHIỄM KHUẨN HP
Và các suy nghĩ sai lầm…
Mẹ nghĩ… |
Sự thật là… |
Chỉ người lớn mới nhiễm Hp? |
Các bệnh viện nhi từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhi nhiễm Hp ở độ tuổi 3-5 tuổi, thậm chí nhỏ hơn: 15 tháng tuổi. |
Cứ hễ nhiễm Hp dương tính là đối mặt với nguy cơ ung thư dạ dày? |
Nên hiểu chính xác là nhiễm Hp không phải là nguyên nhân duy nhất gây ung thư dạ dày. Vi khuẩn Hp cũng có nhiều chủng khác nhau. Và nếu giữ gìn, chăm sóc, theo dõi tốt thì không phải ai nhiễm Hp cũng đưa đến kết quả đáng lo như vậy. Ung thư dạ dày được hình thành là do tác động của nhiều yếu tố phối hợp. Chỉ đơn thuần nhiễm Hp không đủ gây ung thư, vì vậy đừng quá lo lắng về sự hiện diện của Hp trong dạ dày. Song, cần hiểu đúng về bệnh và có những biện pháp thật tích cực để ngăn ngừa. |
Điều trị bệnh rất gian nan? |
Thật ra chẩn đoán bệnh này dễ và điều trị không khó nếu người nhiễm khuẩn Hp tuân thủ phác đồ điều trị như uống đúng thuốc, uống đủ liều. Nhưng nếu chủ quan thấy bệnh đã “chớm khỏi” mà bỏ thuốc và tái đi tái lại nhiều lần, dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, khó cho việc điều trị sau đó. |
Đã chữa khỏi rồi thì không lo nữa? |
Cơ chế lây lan của vi khuẩn Hp thuộc diện “nhanh và rộng” bởi khuẩn Hp sống được trong rất nhiều môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Nguy cơ lây nhiễm, tái nhiễm vi khuẩn Hp là rất cao, khiến trong một gia đình, chỉ cần một người nhiễm là có khả năng cả nhà cùng nhiễm. Vì vậy, cần theo dõi lâu dài với bệnh và đặc biệt giữ vệ sinh trong ăn uống cho trẻ nhỏ (đối tượng dễ bị lây nhiễm). |
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Nên làm gì khi trẻ nhiễm Hp?
– Nếu có triệu chứng của viêm loét dạ dày do nhiễm Hp thì tốt nhất nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chữa trị sớm và đúng cách.
– Cho trẻ ăn chín uống sôi để phòng ngừa tái nhiễm vi khuẩn.
– Hướng dẫn con luyện tập thể dục từ nhỏ để tăng cường sức đề kháng và hình thành chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe (giảm muối, nhiều rau củ quả…).
– Nếu trẻ bị nhiễm Hp, cần tập cho con ngay từ nhỏ tránh thói quen ăn mặn. Không sử dụng nhiều muối, không cho trẻ ăn các loại khô, mắm, thịt cá xông khói, nướng cháy.
Khi nào bạn nên nghi ngờ trẻ nhiễm Hp?
– Khi thấy con thường bị đau bụng, đau vùng thượng vị, nôn ói, ợ chua, ợ hơi, tiêu chảy, táo bón… đừng lơ là mà cần đưa trẻ đi kiểm tra, thăm khám sớm. Đừng nghĩ bệnh dạ dày là bệnh của người lớn và chỉ người lớn mới nhiễm Hp.
– Các dấu hiệu nặng của bệnh là: Ói ra máu, tiêu ra phân đen như bã cà phê (do xuất huyết trong dạ dày), thiếu máu…
MẸ GHI NHỚ!
Khi cho con tập ăn dặm, mẹ/bà tuyệt đối không sử dụng “phương thức” cho ăn dặm “dân gian” là nhai nhuyễn cơm rồi mớm cho con, vì nếu người lớn nhiễm Hp thì có thể lây cho trẻ.
Những món trẻ nhiễm Hp nên / không nên ăn
Món ăn |
Nên |
Không nên |
Chanh |
|
x |
Cam |
|
x |
Quýt |
|
x |
Cà chua |
|
x |
Dứa (thơm) |
|
x |
Cóc |
|
x |
Ổi |
|
x |
Me |
|
x |
Xoài |
|
x |
Lá giang |
|
x |
Ớt / Tiêu |
|
x |
Dưa muối |
|
x |
Đồ hộp |
|
x |
Thịt nguội |
|
x |
Thức uống có gas (nước ngọt…) |
|
x |
Cà phê |
|
x |
Thức ăn nhiều dầu mỡ |
|
x |
Thức ăn cứng (gân, sụn…) |
|
x |
Thịt cá nướng cháy |
|
x |
Thức ăn mềm, nấu nhuyễn, nhừ |
x |
|
Nghệ |
x |
|
Thịt nạc, món không chua, không cay |
x |
|
Trứng, sữa, phô mai |
x |
|
Thực phẩm giàu đạm chế biến bằng luộc, hấp |
x |
|
Bánh mì |
x |
|
Các loại trái cây ngọt dịu, rau củ không chua |
x |
|