Bệnh tim mạch luôn là một nỗi ám ảnh của mỗi người chúng ta khi có tuổi. Theo các báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 36 giây thì có một bệnh nhân ra đi vì bệnh lý tim mạch.
Chính vì vậy, để chăm sóc và bảo vệ những người thân yêu của bạn, Tạp chí Mẹ và Con sẽ mang đến những kiến thức hữu ích về bệnh lý nguy hiểm này nhé.
1. Người trẻ không phải lo lắng gì về bệnh tim mạch
Quả thật tần suất mắc bệnh này phần nhiều rơi vào nhóm tuổi trên 65. Tuy nhiên có đến 4 – 10% người có bệnh lý tim mạch có tuổi từ 45 tuổi trở xuống, mà phần đông là giới nam.
Vì sao người cao tuổi lại dễ vướng vào bệnh lý tim mạch?
Câu trả lời không nằm ngoài dự đoán của bạn đâu. Đó là quá trình tích lũy yếu tố nguy cơ tim mạch trong suốt quá trình sống. Chẳng hạn như khi còn là thiếu niên hoặc thanh niên, bạn có một chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa (trans-fat), có thói quen hút thuốc, ít vận động thể lực, thì quả tim của bạn sẽ trở nên “dễ bệnh” khi về già. Những rối loạn đó dần dà tiến triển thành bệnh tim.
Còn người trẻ, tại sao lại bị bệnh tim?
Các nghiên cứu gần đây tại các bệnh viện đều cho thấy, 3 nguyên nhân chính yếu khiến các bạn dễ mắc phải bệnh lý tim mạch khi 35- 45 tuổi đó là:
- Áp lực (Stress) kéo dài: Cơ thể của bạn có sẵn một loạt các vũ khí chống stress, nhưng khi tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài khiến cơ thể bạn kiệt quệ. Điều này đưa đến biểu hiện suy yếu nhiều cơ quan trong đó chịu nặng nề nhất là hệ tim mạch và hệ miễn dịch. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày càng hiện đại, bạn nhất định phải bỏ túi những phương pháp “giải áp” những căng thẳng đấy.
- Tình trạng thừa cân, béo phì: Tăng trọng lượng cơ thể phần nhiều đến từ thói quen ăn uống chưa lành mạnh, hoặc ăn tùy nghi mà chưa theo một chế độ ăn cụ thể. Tình trạng béo phì “đốc thúc” nhiều rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, trong đó có bệnh nhồi máu cơ tim, tiểu đường,…
- Hút thuốc lá: Phần lớn thói quen này bạn sẽ gặp ở nam giới, tuy nhiên không chỉ hút thuốc chủ động mới có hại. Các nghiên cứu đã chứng minh được độ “độc” của khói thuốc lá khí hít thụ động cũng tương đương với hút trực tiếp. Các thành phần trong khói thuốc không loại trừ một cơ quan nào trong cơ thể, trong đó có mạch máu và quả tim của bạn.
2. Người có bệnh lý tim mạch nên tránh vận động mạnh
Thoạt nhìn trông rất phải lẽ vì vận động mạnh khiến bệnh nhân tim mạch thêm mệt mỏi. Tuy nhiên thực tế thì lại không đúng. Hoạt động thể lực hợp lý giúp các sợi cơ tim của bạn có thêm máu, thêm dinh dưỡng để đưa máu đi khắp các bộ phận khác.
Năm 2020, Hội tim mạch Châu Âu thậm chí còn đưa ra hẳn một bảng hướng dẫn cách tập thể dục để bệnh nhân tim mạch có thể hồi phục sức khỏe của tim. Điều ngược lại, việc bạn ít vận động cộng thêm cách làm việc ngồi công sở thường xuyên, đang khiến bạn có nhiều nguy cơ có các cơn đau tim cả khi còn trẻ.
3. Thuốc hạ mỡ máu có thể giúp bạn ăn uống thoải mái hơn
Với bệnh nhân tim mạch, các bác sĩ thường cho thêm một viên thuốc tạm gọi là làm hạ các chất làm giảm “mỡ” – statin. Các viên thuốc statin này làm giảm các phân tử cholesterol di chuyển trong máu. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể ăn các loại thực phẩm nhiều béo no (béo bão hòa) thoải mái được.
Sau bữa ăn, các chất béo và cholesterol sẽ được “đóng gói” và đi vào máu. Quá trình “sơ chế” ban đầu sẽ do gan đảm nhiệm. Tại gan, các thuốc statin làm gián đoạn khâu xử lý cholesterol, nhờ vậy mà dòng máu sau khi đi qua “trạm” gan sẽ ít cholesterol hơn.
Điểm quan trọng là… cholesterol vẫn sẽ được hấp thu vào máu một cách bình thường mà không có gì cản trở. Nếu như lượng “mỡ” ăn vào vượt trội hơn lượng thuốc bạn dùng thì có lẽ thuốc sẽ không “đảm bảo” được khả năng giảm mỡ máu của bạn đâu. Vì thế, bạn và người thân không thể dùng chất béo bão hòa theo ý thích được, dù đang dùng thuốc hạ mỡ máu nhé.
4. Bệnh lý tim mạch là bệnh di truyền
Nếu người thân trực tiếp với bạn có bệnh lý tim mạch, chẳng hạn như anh chị em ruột hay ba mẹ, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn trong nhóm bệnh lý này. Tuy nhiên đó không phải là điều khẳng định chắc như đinh đóng cột.
Các chuyên gia thấy rằng, dù là người có nguy cơ di truyền, bạn vẫn phải phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ có vai trò “nặng ký” hơn. Chẳng hạn như chế độ ăn, việc hút thuốc, kiểm soát huyết áp và vận động thể lực có thường xuyên hay không.
Điểm gây nhiễu ở đây là những người thân trong một gia đình thường ăn chung một chế độ ăn, sinh hoạt với lịch trình cũng gần như nhau. Và hai yếu tố này lại có ảnh hưởng nhiều lên sức khỏe tim mạch của bạn.
5. Không thể phòng ngừa bệnh lý tim mạch bằng vitamin
Hầu như trong các gia đình có điều kiện một chút đều sẽ có sự hiện diện của một vài hộp vitamin hay viên bổ sung khoáng chất, chất xơ… be bé xinh xinh. Hoặc dịp Tết về mừng tuổi bố mẹ thì không phải là một ý tưởng tồi khi dùng một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Gần như mọi loại sinh tố và vi khoáng mà bạn bổ sung theo liều lượng hàng ngày đều không có hại gì cho cơ thể của bạn.
Câu hỏi đặt ra là dùng nhiều có tốt cho quả tim của bạn không? Đến năm 2018 một nghiên cứu tổng quan phân tích gộp (loại nghiên cứu có đủ độ mạnh để thay đổi một quan điểm y học) thực hiện trên 2.019.862 người tham dự. Tại đây các nhà khoa học theo dõi những thay đổi của nhóm bệnh nhân có bệnh lý tim mạch uống bổ sung vitamin, nhóm còn lại không được uống. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy “việc bổ sung vitamin (viên uống đa sinh tố) hay vi khoáng chất (calci, magie,…) không cải thiện được các kết cục xấu của bệnh tim mạch”.
Một điều sẽ không làm bạn ngạc nhiên, đó là việc bổ sung thêm vi sinh tố không thể thay thế được một chế độ ăn khỏe mạnh hay thói quen tập luyện hợp lý.
6. Việc ngừng hút thuốc lá không thể tránh bệnh lý tim mạch
Đây là điều chưa đúng.
Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý tim mạch. Thế nhưng khi bạn ngừng hút thuốc một thời gian, cơ thể sẽ bắt đầu phục hồi dần dần sau những tổn thương mà thuốc lá gây ra.
Bao lâu bạn ngừng hút thuốc, phổi bạn sẽ hít thở tốt hơn, bạn có nhiều năng lượng hơn, và cơ thể bạn có thể tập trung điều chỉnh những rối loạn đang diễn ra. Thậm chí các bác sĩ hô hấp cũng kết luận, nếu như bạn ngừng hút thuốc trên 10 năm, thì gần như giảm hẳn nguy cơ tiến triển nặng các bệnh đường thở hay tim mạch.
7. Bệnh lý tim mạch là bệnh của nam giới
Không riêng gì nam giới. Bệnh lý tim mạch là “thủ khoa” của bảng xếp hạng các bệnh có tử suất cao nhất ở cả hai giới. Ở Mỹ, năm 2017 con số tử suất ở nam là 24,2% còn ở nữ là 21.8%, có thể nói là sự chênh lệch không quá nhiều. Thậm chí 2 con số này sẽ còn so kè nhau sít sao hơn khi tính thêm biến chứng thường gặp nhất của bệnh lý tim mạch, đó là đột quỵ.
Phần lớn quan niệm chưa đúng về bệnh tim này được diễn giải chưa đúng ở chỗ:
- Xét riêng về bệnh tim mạch thì nam giới có tỉ lệ bệnh cao hơn, và khởi phát bệnh sớm hơn, lý do là vì nồng độ estrogen trong máu các đấng mày râu không cao.
- Còn ở chị em phái đẹp do có một lượng estrogen dồi dào, nên vấn đề tim mạch chưa phải là điều đáng lo. Dù vậy, nhưng mọi chuyện sẽ không còn như vậy sau khi bạn bước vào giai đoạn mãn kinh.
- Chưa dừng lại, các khảo sát thấy dường như phái đẹp lại có nguy cơ đột quỵ cao hơn phái mạnh. Điều này vô tình làm cân đối lại cán cân tử suất của bệnh tim mạch có biến chứng.
Dĩ nhiên là dù là nam hay nữ, thì điều quan trọng là bạn cần phải thăm khám đều dặn để hiểu rõ cơ thể của bạn đang cần gì, và bạn nên làm gì cho cơ thể mình. Bởi vì bệnh lý tim mạch là bệnh có thể dự phòng và kiểm soát từ sớm.
8. Cơn đau ngực và trụy tim là hai bệnh hoàn toàn khác nhau
Con đau ngực là vấn đề của mạch máu. Biểu hiện này sẽ xuất hiện khi mạch vành của bạn không cung cấp đủ oxy cho cơ tim. Nguyên nhân có thể là một rối loạn co mạch hoặc bệnh lý xơ vữa động mạch. Trong cơn đau, bạn vẫn còn tỉnh táo, và… rất đau.
Trong khi trụy tim là vấn đề về “dòng điện trong cơ tim”, đó là khi qua tim bạn bị “cúp điện” khiến các cơ tim đột ngột không hoạt động. Cơn đau ngực thường có thể tiến triển thành trụy tim.
Điểm giống nhau duy nhất của hai bệnh này, đó là chúng đều là các tình trạng cấp cứu cần phải can thiệp khẩn cấp.
9. Ho trong lúc đau ngực sẽ giúp bảo vệ bạn
Nếu bạn thường xuyên xem các mẹo vặt về sức khỏe, chắc bạn sẽ nghe đến phương pháp “hồi sức bằng phương pháp ho”. Nhưng tất nhiên phương pháp này đã bị hiểu nhầm ở một chút.
Ngọn nguồn phương pháp này xuất phát 40 năm trước khi những bệnh nhân trụy tim vừa hồi sức tại bệnh viện xong và đang chuẩn bị để chụp mạch vành trước khi bác sĩ can thiệp. Khi đấy các bác sĩ để ý rằng, nếu bệnh nhân nào cứ mỗi 1 – 3 giây mà ho một tiếng, thì họ sẽ tỉnh táo trong 39 giây tiếp theo sau đó. Thế nhưng, phát hiện này chưa có bằng chứng nào ủng hộ và không được đưa vào các quy trình chuẩn mực của y khoa.
10. Bệnh nhân tim mạch tuyệt đối kiêng chất béo
Điều có thể chắc chắn với bạn là bệnh nhân có bệnh lý tim mạch cần phải giảm lượng chất béo ăn vào hàng ngày, nhất là các chất béo no. Bạn sẽ tìm được lại chất béo này trong mỡ động vật, chẳng hạn như:
- Bơ dầu: Mangarine,…
- Thịt nướng (các loại thịt có mỡ nướng)
- Xúc xích
- Thịt kho (vì thường chúng ta dùng thịt ba chỉ để kho)
- Pizza, Đồ chiên rán (khoai tây chiên, cánh gà chiên,…) và thực phẩm chế biến sẵn…
Tuy vậy, việc bổ sung nhóm chất béo không no (chất béo không bão hòa) lại là một yếu tố được các chuyên gia khuyên dùng. Chất béo không no thường dễ tìm trong:
- Các loại dầu thực vật: Dầu olive, dầu nành, dầu hạnh nhân, dầu điều…
- Đậu hũ và các chế phẩm của đậu nành, sữa hạt,…
- Hạt hạnh nhân, hạt lanh,…
- Omega-3 từ mỡ các loại cá da dầu: cá ngừ biển, cá hồi, cá mòi,…
Cũng theo Hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA), các loại cá này có chứa 2 loại Omega-3 có khả năng bảo vệ cơ tim của bạn (eicosapentaenoic acid và docosahexaenoic acid). Bạn sẽ cần phải dùng ít nhất là 2 lần 1 tuần mới có hiệu quả. Ngoài ra bạn còn có thể tìm thấy dẫn xuất omega-3 từ các sản phẩm làm từ hạt và dầu ép từ các loại hạt này.
Tết Nguyên Đán làm sao để bảo vệ sức khỏe tim mạch?
Với những người có bệnh lý tim mạch, nhất là người cao tuổi, bạn sẽ cần một số lưu ý nhỏ trong danh sách món ăn và lịch đi chơi Tết để có thể “vô lo” với bệnh lý tim mạch của ông bà hay ba mẹ đấy. Tạp chí Mẹ và Con mách cho bạn một số điểm quan trọng sau:
- Chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị bệnh tim mạch, đường huyết,..
- Tránh ăn nhiều dầu mỡ nhất là các món chiên, món được chế biến sẵn, thực phẩm ăn nhanh
- Tránh các thực phẩm nhiều đường, nhất là bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị
- Ăn nhiều rau quả, và trái cây
- Các loại hạt như hạt dẻ, hạt hướng dương,… là loại đồ ăn vặt an toàn cho tim mạch
- Uống nhiều nước, tránh dùng nước ngọt, nước có gas
- Có thể dùng 1 ly rượu vang 1 ngày để tăng cường sức khỏe tim mạch
- Tránh hút thuốc hoặc ngồi ở khu vực nhiều khói thuốc lá
- Nên cùng ông bà, ba mẹ đi lại nhiều hơn, có thể là thông qua hoạt động đi chơi Tết cùng nhau, đi chùa cầu an, đi tham dự thánh lễ,…
- Hãy trò chuyện với ba mẹ nhiều hơn, vì stress và lo âu khi ở một mình cũng là những yếu tố làm nặng cơn đau tim
- Tham vấn sức khỏe với bác sĩ khi có các thay đổi bất thường
Lời kết…
Bệnh lý tim mạch là một bệnh lý phổ biến nhưng không phải là không thể phòng tránh được. Việc thay đổi đầu tiên và quan trọng nhất, có lẽ nên bắt đầu từ thay đổi lối sinh hoạt hàng ngày. Việc sinh hoạt của bạn sẽ tác động rất nhiều lên cơ thể của bạn khi về già, và cho hệ tim mạch nói riêng.
Dịp Tết này có lẽ sẽ không thể tránh hoàn toàn những bữa tiệc với các món truyền thống ngày xuân, từ bánh tét, bánh chưng, đến nồi thịt kho hột vịt nức mũi. Nhưng bạn không thể thay đổi yếu tố nguy cơ tim mạch trong ngày một ngày hai, việc này cần được thay đổi dần dần và lâu dài. Mẹ và Con thiết nghĩ, sẽ không có sự bắt đầu nào là quá sớm cũng không có sự bắt đầu nào là quá trễ. Tất cả đều có thể bắt đầu từ những sự yêu thương dành cho bản thân và những người bạn thương yêu.