Có một con số mà Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ ở đây để các bậc làm cha mẹ có thể suy ngẫm: Ở Mỹ, 58% trẻ em từ 3-5 tuổi có thể sử dụng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, con số trẻ có thể tự chuẩn bị một bữa ăn sáng cho riêng mình chỉ chiếm khoảng 15%.
Điều này phản ánh một thực trạng là trẻ em ngày nay sở hữu rất nhiều tiện ích từ công nghệ, học được nhiều thứ theo sự phát triển của thời đại, nhưng lại thiếu hụt kỹ năng sống, “vũ khí” cần thiết giúp trẻ chống chọi với hàng loạt thử thách trong cuộc sống. Điều này không chỉ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc tự lập về sau mà còn ảnh hưởng đến việc học tập, làm việc, tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.
Vì thế, hơn ai hết, các bậc làm cha mẹ nên dạy con những kỹ năng sống sau đây để giúp trẻ phát triển toàn diện trong tương lai.
Tự giặt giũ, phơi phóng quần áo
Hiện nay, có rất nhiều sinh viên đại học không biết tự giặt giũ, là ủi quần áo cho mình. Để tránh con bạn trở thành một trong số đó, ngay từ bây giờ hãy bắt đầu dạy con cách làm việc này. Giai đoạn thích hợp nhất chính là khi trẻ lên 6 tuổi. Bước đầu, hãy hướng dẫn con quy trình giặt giũ, điển hình như cách cho xà phòng và nước xả, chọn chế độ giặt, khởi động máy… Khi trẻ tròn 10 tuổi, hãy dạy chúng tự giặt tay và phơi phóng quần áo của riêng mình. Bởi lẽ, đôi khi chúng ta không thể sử dụng máy giặt mà cần phải giặt bằng tay.
Trồng và chăm sóc cây cối
Ai trong chúng ta cũng biết được vai trò của môi trường thiên nhiên đối với sức khỏe của mình, nhất là sau đại dịch. Yêu quý thiên nhiên cũng chính là bảo vệ sức khỏe bản thân và những người thân yêu. Tuy vậy, ít người biết cách thể hiện tình yêu của mình. Để thực hành kỹ năng sống quan trọng này, Mẹ và Con khuyên ba mẹ nên dạy trẻ cách trồng và chăm sóc một vài cây con khi trẻ vào mẫu giáo. Đầu tiên là cách gieo hạt, chuyển cây ra vườn hay ban công, tưới nước… Trồng và chăm sóc cây cối vừa giúp trẻ biết yêu thiên nhiên, chăm chút cho không gian sống và quan trọng hơn cả là biết yêu quý thành quả lao động của mình.
Kỹ năng sống – gói quà
Con bạn đã biết cách xé giấy, dán tranh từ khi học mầm non. Vì thế, đừng nghĩ gói quà là một việc quá khó khăn với trẻ. Đương nhiên khi mới bắt đầu, thao tác sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng dần dần con sẽ thành thục. Đầu tiên, hãy bắt đầu theo cách thật đơn giản. Mẹ hãy dạy con tìm một chiếc hộp xinh xắn, xé giá, cho quà vào và thắt một chiếc nơ. Khi con lớn hơn, bạn có thể dạy trẻ cách gói ghém và trang trí phức tạp hơn. Gói quà giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, sự khéo léo và đồng thời dạy con cách quan tâm, yêu thương mọi người.
Cắt tỉa móng tay
Những kỹ năng sống quan trọng nhất mà trẻ cần học chính là tự chăm sóc bản thân. Cắt móng tay là một trong số đó. Khi con còn bé, bạn chọn một chiếc đồ bấm có miếng bảo vệ và vừa làm vừa hướng dẫn con cách thực hiện. Đến khi trẻ vào lớp 1, con đã sẵn sàng tự làm việc này cho mình. Bạn có thể dùng một mảnh bìa cứng để cho trẻ thực hành cách cắt móng. Những lần đầu tiên con tự cắt móng tay, mẹ hãy ở bên cạnh để con trông chừng. Dần dần con sẽ không cần phiền đến mẹ nữa mà đã có thể tự làm đẹp cho mình.
Viết một bức thư
Vì sao viết thư lại là một trong những kỹ năng sống mà ba mẹ cần trang bị cho con trước khi bước vào tuổi lên 10? Giao tiếp là một phần rất quan trọng trong cuộc sống. Thông qua giao tiếp chúng ta có thể trao đổi, học tập, thể hiện tình cảm của mình. Với trẻ, việc này cần được rèn luyện từ khi con còn bé và sẽ trở thành một lợi thế của trẻ trong tương lai. Bạn nên dạy trẻ viết thư bằng cách vẽ khi con chưa biết chữ, dần dần dạy con viết những câu ngắn và cuối cùng là một bức thư hoàn chỉnh. Đừng quên đưa trẻ đến bưu điện, mua tem dán và gửi một bức thư tay đi để xem con phấn khích như thế nào, bạn nhé!
Tự nấu một bữa ăn đơn giản
Kỹ năng sống quan trọng khác của người trưởng thành chính là nấu ăn. Khi nấu ăn, chúng ta sẽ kiểm soát được nguồn năng lượng nạp vào, yêu quý thực phẩm và trân quý những bữa ăn gia đình. Trẻ cần học được kỹ năng này khi lên 7. Đừng nghĩ đó là việc quá phức tạp mà chỉ là rán một quả trứng hay nấu một bát mì, pha một cốc nước chanh… Mấu chốt của việc nấu ăn là sự an toàn. Do đó, hãy dạy trẻ cách dùng các vật dụng trong nhà bếp và giám sát con thao tác. Thành quả thường khó như mong đợi ở những lần đầu tiên. Nhưng hãy nhớ động viên con, mẹ nhé. Đó sẽ là động lực giúp con nấu ngon hơn trong tương lai.
Đối phó với việc lạc đường
Ai đã từng bị lạc đều hiểu rằng cảm giác đó rất đáng sợ. Vì thế, để tránh con phải đối mặt với tình huống này và đảm bảo an toàn khi đi lại, ba mẹ nên dạy cho con cách xử lý khi bị lạc như đứng yên không di chuyển, tìm người tin cậy nhờ hỗ trợ, ghi nhớ cách thức liên lạc với ba mẹ… Đặc biệt, hãy dạy con cách đọc bản đồ. Đó là một kỹ năng sống quan trọng giúp học cách điều hướng, hỗ trợ cho các tình huống phát sinh trong cuộc sống hàng ngày.
Cách chăm sóc vết thương
Nhiều người cảm thấy vô cùng sợ hãi thậm chí là ngất xỉu khi nhìn thấy máu. Đó có thể là do họ chưa được học cách xử lý khi bị thương và kiểm soát cảm xúc thái quá với máu. Để làm được điều đó, ba mẹ nên hướng dẫn con một số kỹ năng quan trọng khi đối diện với tình huống này. Đầu tiên là khiến trẻ mất tập trung khi nhìn thấy máu để không cảm thấy sợ hãi và sơ cứu vết thương. Khi trẻ lớn hơn một chút, bạn bắt đầu dạy trẻ cách cầm máu, rửa vết thương dưới vòi nước chảy và băng bó bằng gạc sạch. Khá đơn giản, đúng không nào?
Dọp dẹp nhà vệ sinh
Không chỉ biết cách tự chăm sóc bản thân, trẻ cũng cần học được cách chăm chút cho môi trường sống của mình. Việc này giúp trẻ học được cách tự lập và đồng thời biết yêu quý thành quả lao động của bản thân và người khác. Mẹ có thể bắt đầu bằng việc nhờ con tẩy vết kem đánh răng trên bồn rửa mặt. Sau đó, mẹ dạy con thực hiện kỹ năng quan trọng hơn, ở những nơi khó hơn bằng các nguyên liệu làm sạch tự nhiên như chanh, giấm…
Đối chiếu giá khi mua sắm
Trước khi trở thành một người tiêu dùng thông minh, trẻ cần phải học. Việc này giúp trẻ biết thận trọng khi chi tiêu, thực hành thói quen tiết kiệm và biết quý trọng tiền bạc. Đứng trước một món hàng, mẹ hãy chỉ con cách xem giá, cách so sánh với sản phẩm cùng loại và lý giải vì sao con nên chọn thứ này chứ không phải thứ kia. Đôi khi mẹ nên cho trẻ tự chọn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình để giúp con cẩn thận hơn trong những lần mua sắm sau.
Trẻ rồi sẽ lớn lên với những kỹ năng sống đã tích lũy được chứ không phải là ba mẹ. Do đó, đừng quên trang bị cho con 10 kỹ năng nêu trên để khi không có chúng ta đồng hành, con vẫn sẽ có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công, ba mẹ nhé!