“Thương cho roi cho vọt” muốn con ngoan thì phải khắt khe, khó tính. Thậm chí là nếu con quá ngỗ nghịch thì “ăn đòn”… là những chuyện như cơm bữa trong cuộc sống gia đình hàng ngày của nhiều gia đình Việt.
Ba mẹ nào cũng muốn con ngoan và cố gắng tìm mọi cách để uốn nắn, định hình tư tưởng, nếp sống và thói quen của con. Nhưng dường như chuyện đánh to, đánh khẽ chưa bao giờ là cách dạy mà những đứa trẻ mong muốn chúng được giáo dục.
Các cách dạy con không đòn roi
Đặt ra những quy định rõ ràng
Đừng đợi đến khi con mắc sai lầm thì mới bắt đầu đưa ra hình phạt và kết tội cho những hành động của chúng. Trẻ con rất vô tư với những suy nghĩ mà không nghĩ đến kết quả tốt, xấu, như cách mà người đắn đo và đưa ra kết quả.
Bạn sẽ ít phải hét lên nếu bạn đã đặt ra những quy định rõ ràng, để dạy con tuân theo. Và các lý do, mặt lợi, mặt hại của việc tại sao phải làm theo những nguyên tắc chung ấy. Các con có quyền chọn không tuân theo, và bạn sẽ lý giải những tác động tiêu cực của việc làm trái với những nguyên tắc đó là gì rồi cho bé có quyền lựa chọn. Nếu như con đã nghe và hiểu hết vấn đề nhưng vẫn có ý định muốn đi ngược lại với quy định, lời dạy bảo của bạn, có thể bạn cũng nên cho phép con làm theo ý mình muốn trong khuôn khổ cho phép và tự cảm nhận kết quả từ việc làm của mình.
Luôn khen thưởng và động viên con
Tạo động lực cho trẻ làm theo nguyên tắc bằng cách sử dụng
lời khen. “Cảm ơn con đã hoàn thành danh sách công việc hôm nay ngay khi về nhà. Mẹ đánh giá cao điều đó”. Ai cũng thích nhận những lời khen hơn những lời quát mắng, những tiếng la hét khó chịu. Trẻ con cũng vậy, bất cứ khi nào bé ngoan, hoặc thể hiện tốt một việc làm nào đó, bạn nên dành cho con những lời động viên, khích lệ, nhằm giúp con xây dựng được sự tự tin và không ngừng cải thiện để tiếp tục nhận thêm nhiều lời tán thưởng từ ba mẹ.
Trong trường hợp con không nghe lời, làm nhiều việc trái lại quy tắc, quy định được đặt ra trước đó. Bạn cũng đừng vội trách mắng, mà nên hỏi con lý do vì sao làm như vậy, khơi gợi lại mục đích, ý nghĩa của việc tuân theo các quy định đó.
Đặt ra những hình phạt rõ ràng
Đòn, roi không phải cách phạt con duy nhất, time-out là một phương pháp phạt con khá nhẹ nhàng nhưng tương đối hiệu quả. Khi áp dụng phương pháp này, con buộc phải ngồi trong khu vực cố định, ít có nhiều sự phiền nhiễu, để tách ra khỏi tình huống mà trẻ đang thể hiện ương bướng, bất hợp tác của mình. Bằng việc bắt con ngồi yên tại một chỗ sẽ giúp cho con bình tĩnh hơn và suy nghĩ về hành động, hành vi của mình. Các hình thức như quỳ gối, đứng thẳng lưng cũng tương tự như Time-out. Khi đang trong thời gian bị phạt, trẻ không được nói chuyện, ăn uống, chơi đồ chơi… Cô lập trẻ vào một thời gian và không gian nhất định, mang ý nghĩa như một lời cảnh báo rằng nếu lần sau con tiếp tục vi phạm, con sẽ cảm thấy bức bối khi không được giao tiếp và sinh hoạt bình thường.
Khi kết thúc thời gian chịu phạt, bạn nên nói chuyện, phân tích những gì bé đã làm và tác động tiêu cực của từng hành động đó là gì, để con hiểu sâu sắc nguyên do mình bị phạt và lần sau sẽ ý thức không tái phạm nữa. Đồng thời cũng đừng quên khen ngợi nếu sau thời gian chịu phạt, bé có những hành động hoặc thái độ tích cực.
Quan sát, lắng nghe và tôn trọng con
Cần tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng và lắng nghe con nói. Khi bạn đã hiểu rõ được bé muốn gì, hãy thể hiện sự đồng cảm, cũng như những quan điểm riêng của bậc làm cha mẹ và phân tích cho trẻ ý kiến mà con đưa ra đã phù hợp hay chưa. Sau đó, từ tốn giải thích vì sao mà bạn lại yêu cầu khác với mong muốn của bé.
Hãy đặt bản thân vào vị trí của trẻ để hiểu điều con cần và mong muốn. Dành thời gian nói chuyện, tìm hiểu và chia sẻ mỗi khi có cơ hội cũng sẽ khiến trẻ yêu thương bạn nhiều hơn. Sự kết nối này sẽ giúp hình thành nên tính cách tốt cho trẻ, không nóng nảy, lớn tiếng, bạo lực khi thường xuyên chứng kiến những hành động đó từ người lớn, từ ba mẹ của mình.
Dạy con không đòn roi không hề đơn giản, đòi hỏi bậc phụ huynh phải kiềm chế cảm xúc và cực kỳ kiên nhẫn. Việc dạy con là việc cả đời, hãy chọn phương pháp giáo dục bé đúng cách để bé phát triển tốt và toàn diện.
Lời kết
Lớn lên trong một gia đình đậm chất Á đông, với những quan niệm xưa cũ, việc con trẻ chịu những trận đòi roi là điều thường thấy. Răn dạy con bằng cách dùng đòn, roi bạo lực ở một khía cạnh nào đó cũng chỉ xuất phát từ mong muốn hoàn thiện nhân cách của con. Thế nhưng trẻ có thể không hiểu được ý nghĩa sâu xa của hình phạt này, hay chính những biến tướng tiêu cực trong việc hành hạ trẻ em và chúng là những người nạn nhân đã để lại trong chúng những vết thương thể xác và tâm lý khó chữa lành cho đến tận sau này.
Thay vì để những đứa trẻ rơi vào tình cảnh bất hạnh, chúng ta hãy cho chúng có sự hạnh phúc và tự hào vì được lớn lên mà không biết đến nỗi đau bị đánh đập. Dù bạn có cho đó là cách dạy dỗ theo truyền thống ngàn đời nay của dân tộc, của gia đình, hay gì đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là lời biện hộ cho hành động được xem là ngược đãi người chưa có sức mạnh bảo vệ quyền lợi của mình.