1. Đổi nhà nhỏ hơn
Nếu may mắn còn sở hữu một căn nhà, hãy chấp nhận thực tế rằng bạn cần cố gắng tìm cách bán nó hoặc cho thuê để đổi một căn nhà nhỏ hơn, giải quyết dứt điểm nợ nần thay vì cứ dây dưa để lãi mẹ đẻ lãi con đến lúc không còn khả năng trả nổi. Một căn nhà nhỏ cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm đi tiền điện, các chi phí quản lý nếu có (phí quản lý căn hộ chung cư thường được tính căn cứ vào diện tích nhà). Hãy tìm căn nhà nhỏ nhất phù hợp cho gia đình bạn, nếu còn dư chút đỉnh, đó sẽ là số vốn để bạn thận trọng bước lại những bước đầu tiên sau giai đoạn thất bại, nợ nần.
Trong trường hợp đang ở nhà thuê, việc gấp rút tìm một căn nhà nhỏ hơn sẽ giúp bạn tiết kiệm được thêm. Đừng quá chú trọng đến “vẻ ngoài” hay đánh giá của người khác về mình trong lúc này. Điều quan trọng nhất là sớm mai thức dậy, vợ chồng bạn không phải đau đầu nghĩ đến chữ “nợ” nữa, chứ không phải người khác nghĩ về sự “xuống dốc” của nhà mình ra sao.
2. Bán hoặc đổi xe
Sau nhà cửa thì xe sẽ là thứ tài sản giá trị mà bạn có thể nghĩ đến vào những lúc nợ nần. Bán xe, đổi xe giá rẻ hơn hoặc ngay cả sử dụng phương tiện công cộng như xe bus sẽ giúp bạn không chỉ có thêm một khoản tiền để giải quyết nợ nần mà còn giúp bạn tiết kiệm được các khoản phí “linh tinh” (không hề ít) như tiền gửi xe (nếu là xe hơi thì khoản này kha khá đấy), tiền xăng, bảo hiểm, bảo trì… Có thể khi đã “quen” với những điều kiện sống tốt rồi, bạn sẽ thấy thật khó khăn để thay đổi. Nhưng hãy cố gắng! Vì khi đã thoát khỏi nợ nần, bạn sẽ “rảnh rang” đầu óc để lại dành dụm tiền. Và hãy đặt ra mục tiêu cho mình khi đến một ngày lại… mua xe mới!
3. Giảm thiểu các thiết bị, đồ dùng
Không ai muốn rơi vào cảnh nợ nần cả, nhưng vào một năm kinh tế khó khăn như thế này, số gia đình vướng phải nợ nần không phải là ít. Song, điểm khác biệt là có những gia đình vượt qua rất nhanh, và có những gia đình lại cứ rơi vào cảnh nợ chồng thêm nợ. Bài toán giải quyết căn cơ, đơn giản thật ra ai cũng biết: Đó là tăng tối đa những khoản có thể thu và giảm tối đa những khoản có thể chi. (Nhưng không phải ai cũng “can đảm” để làm quyết liệt!). Bạn hoàn toàn có thể sống mà không có iPad, iPhone, thay vào đó là một chiếc điện thoại “thường thường”. Bạn hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng chiếc laptop cũ thay vì nằng nặc mua cái mới, cũng như có thể tạm biệt chiếc tivi màn hình phẳng để trở về với một chiếc tivi nho nhỏ vừa đủ dùng. Nghe thì thấy sao những điều này vụn vặt thế. Nhưng hãy thử tiết kiệm và giảm thiểu đồ dùng, bán đi những thứ “xa hoa” và tập thích nghi với nhu cầu tối thiểu, bạn sẽ thấy gia đình mình thoát khỏi những cơn stress vì nợ nần rất nhanh.
4. Ưu tiên cho “trả nợ”
Dù bạn nợ nhiều hay nợ ít, nợ ngân hàng, bạn bè hay người thân, thì bạn cũng có thể khiến các “chủ nợ” cảm thấy yên lòng hơn và kiên nhẫn với bạn hơn nếu như bạn có kế hoạch trả nợ rõ ràng và trả được (dù ít) hàng tháng chứ không chỉ hứa rồi… im lặng. Hàng tháng, với các khoản thu còn có được của gia đình như lương của vợ chồng bạn chẳng hạn, hãy nỗ lực dành 50% cho việc trả nợ và cố gắng chi tiêu tằn tiện nhất có thể với số tiền còn lại. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn nợ không phải do làm ăn thất bại mà do để mua một tài sản lớn hơn cho gia đình (ví dụ mua nhà), bạn “được phép” thả lỏng mình hơn, chỉ phải ưu tiên cho việc “trả nợ” trong khoảng 30% thu nhập là tốt rồi.
5. Tìm thêm công việc “kiếm tiền”
Cơ hội công việc luôn ở đâu đó nếu bạn nỗ lực hết sức mình tìm kiếm. Bên cạnh các công việc chính thức, hãy tìm thêm công việc để vợ chồng bạn làm thêm ngoài giờ, từ đó có thêm thu nhập và vượt qua giai đoạn nợ nần nhanh hơn. Song, nhớ là cố gắng đừng để mình rơi vào trạng thái quá tải, quá sức. Sức khỏe vô cùng quan trọng. Bạn không thể đi đường dài nếu như ngã xuống đau bệnh nửa chừng.
6. Không dùng thẻ ghi nợ
Thẻ ghi nợ cho phép bạn chi dùng trước, trả sau. Nhưng nếu đang nợ nần, đừng dùng đến chúng vì bạn sẽ chỉ rơi vào vòng lẩn quẩn lấy khoản nợ này để trả cho khoản nợ kia, từ đó nợ cứ như “lan rộng” ra. Thẻ ghi nợ cũng sẽ làm cho bạn dễ tặc lưỡi chi dùng một khoản thật sự chưa quá mức cần thiết, khi cứ tự “hứa” với mình rằng: Thôi, xài lần này nữa rồi lần sau sẽ trả.
7. Tuyệt đối tránh xa bài bạc và vay nặng lãi
Khi rơi vào trạng thái nợ nần, nhiều người dễ nghĩ đến cách “cầu may” như mua vé số, chơi đề đóm, cá độ… với hi vọng sẽ “thắng lớn”. Tuy nhiên, kết quả sẽ càng lúc càng thê thảm hơn. Vì vậy, bạn và cả anh xã nữa cần củng cố tinh thần cho nhau, quyết tâm tránh xa tất cả những cám dỗ này và trả nợ theo cách chậm nhưng chắc. Việc vay nặng lãi để trả gấp các khoản cũng không nên dùng đến, vì sẽ đến lúc bạn kiệt quệ, không còn khả năng trả nổi nữa.
8. Tìm đến sự giúp đỡ của người thân
Ai cũng có lúc ngặt nghèo. Bạn không lợi dụng lòng tốt của người thân, nhưng nếu thật sự đang nợ nần bên ngoài, hãy tìm đến họ. Nợ người thân, bạn sẽ “dễ thở” hơn, giảm được các áp lực tinh thần. Chỉ cần bạn quyết tâm, bạn sẽ trả nợ được mà thôi.
9. Và cuối cùng: Hạn chế để lại mắc phải nợ nần!
Việc quan trọng nhất là sau một lần sống với cảnh nợ nần bủa vây, bạn đã biết cảm giác đó “khốn khổ” thế nào. Hãy cố gắng thay đổi chính bản thân mình, vợ chồng ngồi lại cùng nhau để bàn bạc, tính toán, thu xếp mọi thứ căn cơ hơn. Đừng vội muốn làm giàu quá nhanh mà liều lĩnh, vì đó là một trong những cách rất dễ đưa đến nợ nần. Đừng vung tay quá trán trong chi dùng, vì việc “làm khi lành để dành khi đau” sẽ giúp bạn luôn có được những khoản dự phòng, tránh rơi vào tình cảnh ngặt nghèo như thế.