Tên bệnh thì quá quen rồi, nhưng sao cứ đến mùa thì lại lo quá bác sĩ ơi. Con tôi đi học, trong trường cứ hết bé này đến bé kia nghi bị tay chân miệng phải nghỉ. Hôm nay bé về, hơi sốt, đau họng, biếng ăn. Tôi vừa theo dõi lại vừa lo mất ăn mất ngủ…
Hoàng Thị Khánh Hòa
(Quận 6)
Không phải chỉ có các bậc phụ huynh lo lắng mà bác sĩ khi “vào mùa” này cũng căng thẳng không kém. Các bệnh viện Nhi Đồng trong mấy tuần qua đều trong tình trạng quá tải, và Tay Chân Miệng là một trong những bệnh có số ca nhiễm tăng vọt. Vì vậy, một lần nữa bác sĩ lại phải nhắc ngắn gọn lại các thông tin liên quan đến phòng bệnh, theo dõi, chăm sóc… trên mặt báo, để “ôn bài” cùng các mẹ có con nhỏ.
Bệnh Tay Chân Miệng do một nhóm vi-rút thuộc nhóm vi-rút ruột gây nên. Tác nhân thường gặp nhất là coxsackievirus A16, đôi khi do enterovirus 71 và các virus ruột khác. Đây là một bệnh dễ lây lan. Đường lây truyền thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.
Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Chính vì vậy, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt, dù chỉ là sốt nhẹ, bạn nên xin phép cho trẻ nghỉ học, không nên để trẻ đến lớp, cùng chơi đùa với bạn bè… vì điều này sẽ dễ khiến nhiều trẻ khác lây bệnh theo.
Bệnh Tay Chân Miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi tuy nhiên cũng có thể gặp ở cả những trẻ lớn hơn. Nhiễm bệnh có thể tạo nên kháng thể đặc hiệu chống vi-rút gây bệnh. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà chủ quan là trẻ đã bị một lần rồi, không lo bệnh lại. Bệnh vẫn có thể tái diễn do một chủng vi-rút khác gây nên.
Khi thấy các dấu hiệu phát ban, dù đã chắc chắn là Tay Chân Miệng hay chưa thì vẫn nên cố gắng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng da, bằng cách vệ sinh thân thể: Cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay cho trẻ để giảm tổn thương da do gãi ngứa.
Về dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo… Việc ăn uống đầy đủ giúp cơ thể có thêm khả năng đề kháng, đối phó với bệnh.
Phụ huynh cũng cần lưu ý tuyệt đối không được chọc vỡ bóng nước, đắp các lá thuốc nam, bôi các loại thuốc đỏ, thuốc xanh vì sẽ dễ gây nhiễm trùng da. Mọi điều trị phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bệnh nặng hơn như sốt cao, rối loạn tri giác, co giật, bóng nước có mủ, máu.