Trong suốt thai kỳ, mẹ có thể cảm nhận cơ thể của mình có nhiều thay đổi. Trong đó, việc lưng thường xuyên đau và mỏi chính là một dấu hiệu bé yêu đang tồn tại trong mẹ. Tình trạng đau lưng khi mang thai này có gây nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và bé hay không?
Nếu mẹ đang lo lắng vì lưng đau mỏi trong thai kỳ thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây. Mẹ và Con sẽ cùng mẹ giải đáp 1.001 câu hỏi liên quan đến vấn đề này nhé!
Đau lưng khi mang thai là tình trạng phổ biến?
Trong thai kỳ, cơ thể người mẹ sẽ có sự thay đổi đáng kể về nồng độ các hormone khiến dây chằng xương chậu lỏng và mềm ra. Vì vậy, các khớp xương của xương cùng, liên hợp xương mu sẽ bắt đầu lỏng đi và khiến kết cấu ở phần lưng cũng trở nên lỏng hơn. Sự thay đổi trên cơ thể này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thai nhi được chào đời an toàn.
Trong trường hợp dây chằng xương chậu quá lỏng, liên hợp xương mu tách rời quá mức có thể khiến mẹ bầu đau lưng và đi đứng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, vào khoảng thời gian cuối thai kỳ, tử cung người mẹ sẽ lớn hơn, trọng lượng tử cung cũng tăng lên (tổng trọng lượng tử cung khoảng 6.000g), khiến trọng tâm cơ thể di chuyển về phía trước. Mẹ bầu lúc này cần tăng độ cong của lưng để giữ cho cơ thể được thăng bằng, từ đó dẫn đến tình trạng đau lưng khi mang thai.
Hiện nay, các thống kê cho thấy, có từ 50-75% phụ nữ gặp phải tình trạng này. Có thể thấy, việc lưng đau mỏi trong thai kỳ là một hiện tượng vô cùng phổ biến.
Đau lưng khi mang thai có nguy hiểm không?
Vì những thay đổi kể trên, phụ nữ mang thai sẽ thường mắc chứng đau lưng gây mệt mỏi, khó chịu. Đây hoàn toàn là một hiện tượng sinh lý bình thường và có thể cải thiện sau khi “vượt cạn”. Do đó, không cần phải quá lo lắng nếu có những cơn đau ở vùng lưng trong thai kỳ.
Tuy nhiên, việc đau lưng khi mang thai có thể khiến mẹ bầu gặp bất tiện trong sinh hoạt, ngủ không ngon giấc và dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể, không đủ sức khỏe để sinh con và thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu việc đau lưng khi mang thai là do biến chứng thai kỳ, cần kịp thời chẩn đoán, can thiệp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Vì thế, trước những biểu hiện của mẹ, bác sĩ có thể thực hiện thăm khám, yêu cầu mẹ bầu thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá tình trạng đau lưng.
Nguyên nhân đau lưng khi mang thai
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau lưng khi mang thai bao gồm:
Lo lắng, căng thẳng quá mức
Lần đầu làm mẹ khó có thể tránh khỏi những lo lắng trong suốt thai kỳ. Hay việc sinh mổ lần 2 khiến mẹ nghĩ ngợi mãi chẳng biết lần sinh này có an toàn hay không. Căng thẳng, rối loạn lo âu, tinh thần không thoải mái sẽ tạo áp lực lên các cơ, và khiến cho tình trạng đau lưng khi mang thai trở nên nặng nề hơn.
Căng cơ lưng
Khi thai nhi lớn, tử cung cũng nặng nề hơn, trọng lượng tử cung dồn ở phần trước của cơ thể. Vì thế, mẹ bầu sẽ phải nghiêng ngược mình về phía sau để giữ thăng bằng, từ đó khiến cơ lưng hoạt động quá mức và gây nên tình trạng căng cơ lưng. Đây chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau lưng khi mang thai, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ.
Cơ bụng yếu
Các cơ ở vùng bụng có vai trò hỗ trợ cột sống và giúp phần lưng được giữ đúng tư thế trong những hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, trong thai kỳ, cơ ở vùng bụng sẽ căng và yếu đi khiến mẹ bầu dễ rơi vào tình trạng đau lưng, đặc biệt là khi mẹ hoạt động quá mức hoặc tập thể dục.
Sự thay đổi hormone trong thai kỳ
Đau lưng khi mang thai có thể xuất phát từ việc hormone trong cơ thể có sự thay đổi. Cụ thể, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra hormone relaxin để nới lỏng dây chằng ở khớp xương chậu, giúp các khớp ở vùng chậu linh hoạt hơn, có thể giãn rộng tối đa để thai nhi có thể chui lọt và giúp em bé chào đời một cách dễ dàng nhất.
Tuy nhiên, sự thay đổi hormone này cũng có thể khiến các khớp quá lỏng lẻo và khiến cho mẹ cảm thấy đau lưng trong những tháng cuối của thai kỳ.
Do bệnh lý cột sống
Người mắc các bệnh liên quan đến cột sống sẽ dễ cảm thấy đau lưng khi mang thai hơn so với phụ nữ bình thường.
Trong đó, đau thần kinh tọa là căn bệnh phổ biến nhất, khiến mẹ bầu không chỉ đau lưng mà còn gặp cảm giác tê mỏi chân, đau mông đùi và bắp chân. Cơn đau này thường xảy ra ở một bên bắp chân, khi nghỉ ngơi và dừng việc đi lại thì cơn đau có thể thuyên giảm.
Tăng cân
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng đau lưng khi mang thai chính là do mẹ bầu tăng cân quá mức. Việc tăng cân trong thai kỳ có thể làm tăng trọng lượng cơ thể và tạo áp lực lên phần cột sống khiến lưng trở nên đau nhức thường xuyên hơn.
Động thai
Động thai không chỉ gây đau lưng mà còn đi kèm với một số dấu hiệu khác như đau mỏi vùng thắt lưng, âm đạo ra máu nâu hoặc đỏ tươi, âm đạo có dịch tiết bất thường, bụng đau…. Nếu có những triệu chứng này, không nên chủ quan mà cần đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Biến chứng thai kỳ
Đau lưng khi mang thai có thể là triệu chứng của dấu hiệu chuyển dạ sớm, sinh non hoặc là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, nếu bên cạnh việc đau lưng còn xuất hiện một số bất thường khác như sốt, cảm thấy bỏng rát ở vùng kín khi đi tiểu, chảy máu âm đạo… thì mẹ bầu nên chủ động thông báo với bác sĩ khi khám thai định kỳ để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
Làm thế nào để làm giảm đau lưng khi mang thai?
Chườm nước nóng
Chườm nước nóng có thể giúp bạn giảm được cơn đau lưng trong suốt thai kỳ của mình. Bạn có thể đặt túi nước nóng lên trên phần lưng trong 10-15 phút để giúp cơn đau thuyên giảm.
Tập thể dục
Tập thể dục là một trong những biện pháp giảm đau lưng khi mang thai vô cùng hiệu quả. Bởi các bài tập có thể giúp làm tăng sức cho phần cơ bắp lưng và xương cơ chậu của bạn. Khi tập thể dục, máu sẽ tuần hoàn tốt hơn, cung cấp đủ máu cho vùng lưng và các bộ phận dưới lưng, từ đó giúp cơn đau lưng được thuyên giảm.
Điều chỉnh tư thế nằm
Sau khi bước vào tuần thứ 17 của thai kỳ, việc nằm ngửa có thể khiến mẹ không thoải mái. Do đó, nên chuyển sang nằm nghiêng để giảm đau lưng. Ngoài ra, một cách hiệu quả để tránh tình trạng đau lưng khi mang thai chính là đặt gối giữa hai đầu gối hoặc kê thêm một chiếc gối dưới bụng để tránh tử cung đè lên xương sống và gây đau.
Nói không với giày cao gót
Trong trường hợp cần đi ra ngoài, tham dự tiệc tùng, mẹ bầu nên lựa chọn các loại giày xăng-đan, dép bệt và các loại giày có đế bằng, không mang các loại giày cao gót. Phần gót giày quá cao sẽ khiến trọng lượng cơ thể dồn vào phần ngón chân và khiến dây thần kinh bên hông bị tác động. Khi thai nhi phát triển, các dây thần kinh sẽ càng chịu áp lực lớn hơn và khiến tình trạng đau lưng khi mang thai nặng nề hơn.
Massage lưng
Massage cũng kích thích máu lưu thông tốt hơn và giúp làm giảm tình trạng đau lưng khi mang thai một cách hiệu quả. Mỗi buổi tối, nên thực hiện việc massage ít nhất 15-20 phút.
Đau lưng khi mang thai là một tình trạng tương đối phổ biến nên mẹ bầu không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, hãy thông báo ngay đến bác sĩ nếu có các triệu chứng khác như đau bụng, xuất huyết âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường,… bạn nhé.