Trộm cắp luôn là thói hư tật xấu luôn bị lên án và phê phán. Có người hình thành thói ăn cắp vặt là do quá thiếu thốn, cũng có người có tính cách này là do bản thân luôn có cảm giác ghen tỵ với người khác khi họ có thứ mà mình không có. Có rất nhiều lý do dẫn đến hành vi không trung thực này. Do đó, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân trẻ ăn cắp vặt là gì để tìm ra các biện pháp ngăn chặn và điều chỉnh kịp thời.
Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Trẻ có hiểu được ăn cắp là hành vi sai trái không?
Các chuyên gia tâm lý học trẻ em cho biết, thực tế trẻ nhỏ không hiểu được hành động ăn cắp vặt là sai trái. Theo tự nhiên, trẻ sẽ tự động lấy thứ mà mình muốn mà không hỏi ý kiến của người khác. Đồng nghĩa với việc con cũng chưa hiểu được ranh giới giữa đồ vật cá nhân và của người khác là như thế nào.
Trẻ ở độ tuổi từ 3 – 5 tuổi, việc con hay “cầm nhầm” đồ chơi của bạn chưa được xem là có tật ăn cắp được, tuy nhiên từ độ tuổi này, cha mẹ đã có thể dạy cho trẻ biết phân biệt đồ của bản thân và đồ của mọi người. Những trẻ từ 6 tuổi trở lên, con đã có thể hiểu được trộm cắp là hành vi sai trái và nhận ra rằng việc lấy đồ của người khác mà chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu là không được phép.
Tại sao trẻ ăn cắp vặt?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ ăn cắp vặt, vì thế bạn cần xem xét nhiều khía cạnh để có những cách xử trí đúng mực:
Thích thì làm
Trẻ nhỏ có tính cách rất hồn nhiên vì thế chưa thể điều chỉnh hành vi của mình và chưa biết như thế nào là “đúng mực”. Chính vì thế, cha mẹ cần giáo dục con đến nơi đến chốn về vấn đề tôn trọng đồ vật cá nhân của người khác. Nhiều khi chỉ đơn giản là con nhìn thấy thích mắt một món đồ nào đó nên đánh liều “đem về” để làm của riêng. Tuy nhiên có câu “ăn cắp quen tay”, vì thế nếu hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều lần có thể trở thành một “thói hư tật xấu” cho đến lúc lớn và khó thể sửa chữa.
Cha mẹ cần chú ý và chấn chỉnh lại ngay cho trẻ khi phát hiện trẻ ăn cắp vặt, và cảnh báo rằng con sẽ bị phạt thật nặng nếu dám tái phạm lần sau.
Lỗi do cách dạy con
Phẩm chất và hành vi của con người đều do giáo dục và môi trường hình thành. Vì thế, khi hành vi của trẻ nhỏ đang có xu hướng bị lệch lạc, lí do một phần là vì sự giáo dục từ phía gia đình cha mẹ và nhà trường chưa được chuẩn mực.
Không phải cứ để mặc trẻ lớn lên hay “thương cho roi cho vọt” để răng dạy thì trẻ sẽ ngoan ngoãn, vâng lời. Điều quan trọng là làm sao để trẻ ăn cắp vặt thấy được khi bản thân lén lút lấy trộm đồ của người khác có thể khiến bản thân bị đánh giá là không tốt và trẻ biết “sợ” và không dám tiếp tục hành vi của mình.
Cha mẹ nên là tấm gương tốt trong việc dạy con tôn trọng đồ vật của người khác, đừng tự ý lấy những món đồ của trẻ mà không hỏi, vì đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến con không mãi không hiểu cách phân biệt được đồ vật cá nhân và của mọi người.
Trẻ ăn cắp vặt là do muốn ganh đua
Một số trẻ ăn cắp vặt vì muốn hơn thua với bạn bè trong trường về vật chất sẽ nảy sinh ý định lấy trộm đồ của người khác để bản thân cũng không thua kém ai. Thông thường trẻ sẽ cảm thấy thua thiệt nếu như nhìn thấy những bạn bè đồng trang lứa có những thứ mình không có. Đó chính là biểu hiện của sự đố kỵ và ganh ghét.
Với những trẻ có những cá tính như thế này, cha mẹ cần nhiều thời gian để lên kế hoạch giáo dục và bù đắp tình thương, sự trân trọng để giúp con cảm thấy rằng mình cũng “đầy đủ” như mọi người và không cần phải so sánh, tị nạnh hơn thua.
Những nguyên nhân khác
Bên cạnh những lý do trên, trẻ ăn cắp vặt cũng có thể do những nguyên nhân sau đây:
- Trẻ có tính bốc đồng, không suy nghĩ đến những hậu quả tiềm ẩn của hành vi sai trái này
- Muốn thu hút sự chú ý của mọi người
- Ăn cắp để hòa nhập được với nhóm bạn mà con đang tham gia (bạn xấu, bạn giàu hơn…)
- Trẻ ăn cắp vặt bởi cảm thấy tự tin
- Trẻ không được quan tâm sẽ dẫn đến hành vi ăn cắp vì vật bị đánh cắp mang đến cho trẻ cảm giác thích thú, vui sướng
- Trẻ đã từng chứng kiến hành vi “trót lọt” này từ ai khác
- Khi trẻ cảm thấy quyền sở hữu của mình bị xâm phạm, con có thể sẽ thực hiện hành vi ăn cắp
Khắc phục thói ăn cắp vặt của trẻ như thế nào?
Bù đắp tình thương cho con
Đa phần sự lệch lạc trong nhận thức, tính cách và hành vi của trẻ là do không cảm nhận được sự thương yêu, đùm bọc từ phía gia đình cha mẹ. Vì thế, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, vui chơi cùng trẻ để con cảm nhận được hơi ấm từ gia đình, từ đó chúng sẽ cảm thấy đầy đủ hơn và không cần thiết phải đi ganh đua, hơn thua vật chất với bạn bè đồng trang lứa mà sinh ra các thói hư tật xấu.
Bên cạnh đó, khi cha mẹ cho trẻ tình yêu “đủ đầy” bằng những hành động yêu thương như khích lệ, an ủi, động viên, bao dung tha thứ… thì tiếng nói của bạn sẽ có hiệu lực hơn đối với trẻ. Từ đó, cha mẹ có thể dễ dàng bảo ban, khuyên nhủ và tự nhiên con sẽ chịu nghe lời hơn.
Nói chuyện khi biết trẻ ăn cắp vặt
Hãy nói với trẻ rằng việc lấy đi đồ vật của người khác mà không có sự cho phép của chủ sở hữu là sai trái. Khi hành vi này xảy ra, nếu có thể, bạn nên cho trẻ tự đi trả lại món đồ bị đánh cắp và đứng ra xin lỗi vì đã lấy nó. Việc nhận lỗi và sửa sai có thể giúp trẻ hiểu rằng trộm vặt luôn đi kèm với hậu quả không tốt. Đồng thời giúp con hiểu được cảm giác mất mát khi bị người khác tự ý lấy đồ của mình.
Trò chuyện nhiều hơn với trẻ để có thể hiểu được rằng vì sao con có tính ăn cắp. Đặt ra nhiều câu hỏi mở để khuyến khích trẻ tâm sự những nguyên nhân dẫn đến hành vi này của mình. Dù lúc này bạn có thể thể hiện được sự giận dữ để con biết rằng bạn hoàn toàn không hành lòng về việc trẻ ăn cắp vặt nhưng vẫn nên tránh làm con cảm thấy xấu hổ với nhiều người về hành vi này của con.
Hãy thử trò chuyện và nói những câu như “Bin cho mẹ biết lý do con lấy tiền của mẹ/bạn được không? Con đang cần mua gì với số tiền đó à?”. Các cuộc trò chuyện nhẹ nhàng như thế này cũng có thể giúp trẻ mở lời hơn với bạn và dần dần sẽ thổ lộ những rắc rối tâm lý mà con đang gặp. Khi hiểu được nguyên nhân, bạn có thể giúp trẻ tìm ra được những phương án giải quyết phù hợp.
Ngoài ra, bạn có thể thông cảm với con nếu hành vi này vẫn còn nằm ở mức “chấp nhận được”, chẳng hạn như trẻ lấy cắp chỉ vì ganh tị với mọi người về món đồ chơi mới. Bên cạnh đó, bạn cũng nên là một tấm gương cho trẻ và luôn trung thực trong lời nói, hành vi của mình dù ở bất cứ đâu.