Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay
Tình trạng này xuất hiện khi mang thai tháng cuối của thai kỳ khiến bạn cảm thấy đau nhức, tê cóng các ngón tay, cổ tay và bàn tay do sự tiết dịch quanh các dây thần kinh ở cổ tay tăng nhanh, do có sự tích tụ dịch trong các mô. Đau cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu bệnh phát triển kéo dài, có thể sẽ dẫn đến tổn thương thần kinh, mạch máu, teo cơ gò cái và gây tàn tật.
Những triệu chứng cụ thể mà mẹ bầu gặp phải như có cảm giác bị kim châm, ngứa ngáy hoặc nóng rát ở các ngón tay, thậm chí toàn bộ bàn tay. Đau buốt ở ngón tay và ngón trỏ. Nhức nhối ở tay, cẳng tay và ống tay. Ngón cái yếu khi muốn nắm, gập lại và da bị khô hoặc sưng phù…Thường thì nó sẽ ảnh hưởng cả hai tay, có thể lan rộng ra vùng bắp tay, cẳng tay và xuất hiện bất cứ lúc nào. Đặc biệt, đối với mẹ bầu, tình trạng này có thể trở nên nặng hơn khi về đêm. Khi đó, tay bạn sẽ trở nên yếu hơn và gặp khó khăn khi sử dụng sức ở tay.
Phương pháp giảm cơn đau cổ tay
Đau cổ tay thường xuất hiện tạm thời, nhẹ và sẽ biến mất sau khi mẹ sinh em bé hoặc trong vòng một năm từ ngày sinh. Tuy nhiên, để giảm thiểu cơn đau bạn cần một vài phương pháp như sau:
– Khi làm việc bạn nên dành thời gian nghỉ ngắn cho đôi tay và dùng vài động tác kéo căng cơ tay.
– Hạn chế nằm ngủ gối đầu lên tay.
– Thay đổi tư thế ngủ thích hợp.
– Lắc tay, xoay tay, uốn gập cổ tay và ngón tay thường xuyên.
– Để bàn tay hoặc cổ tay thay đổi ở nhiều tư thế khác nhau, tránh đè lên tay lúc ngủ.
– Tập Yoga hoặc một vài động tác thể dục nhẹ nhàng.
– Trong thời kỳ mang thai nên bổ sung vitamin B6, trước khi uống nên hỏi ý kiến bác sĩ.
– Liệu pháp sóng siêu âm cũng có thể giúp làm thuyên giảm cơn đau.
Trong trường hợp, hội chứng ống cổ tay vẫn tiếp diễn sau khoảng thời gian nhất định khi sinh em bé, bạn cần phải điều trị theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu. Tuyệt đối, bạn không nên tự ý uống thuốc giảm đau khi chưa có sự chỉ định của bác sỹ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý xem có nguyên nhân nào khác khiến bạn bị đau cổ tay không như: va đập vào vật cứng, bệnh khớp lâu năm…Và dù ở lý do nào thì bạn cũng tránh vận động và sử dụng quá nhiều bên tay bị đau.