Bữa ăn hàng ngày là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho chúng ta. Chính vì vậy, khi nấu nướng không chỉ cần chú ý đến nguồn nguyên liệu mà ngay cả những lưu ý về đồ dùng nhà bếp cũng cần được quan tâm hơn.
Bếp điện từ
Sử dụng nguồn điện phù hợp, ổn định và an toàn
Đây là món đồ dùng nhà bếp phổ biến nhất hiện nay khi mà “nhà nhà người người” đều chuộng đồ điện hơn bếp gas. Vì vậy những lưu ý trong cách dùng của loại bếp này luôn được nhiều bạn quan tâm. Mỗi loại bếp từ sẽ có mức hoạt động công suất khác nhau, nhưng nhìn chúng các loại bếp từ đơn thường có công suất dưới 1.000W, các loại bếp đôi thường sẽ có công suất khoảng 1.200 – 1.800W, trong khi bếp từ âm thường 2.000W trở lên vì có thể chứa đến 3 hoặc 4 vùng nấu tùy theo sản phẩm.
Nói một cách dễ hiểu hơn, công suất của bếp từ khá lớn nên việc sử dụng nguồn điện cần phải thật ổn định. Chính vì vậy, bạn hãy dùng phích cắm ổ điện riêng cho bếp từ, không dùng chung với các vật dụng khác. Đồng thời dây điện phải chịu được công suất này (có tiết diện tối thiểu là từ 0.75mm2).
Lưu ý vị trí lắp đặt bếp từ
Vị trí lắp đặt bếp từ cũng rất quan trọng, vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoạt động cũng như độ bền của đồ dùng nhà bếp này. Cụ thể các bạn cần đặt bếp điện gần nguồn điện chính để ổn định công suất hoạt động tốt nhất trong suốt quá trình nấu nướng.
Không nên đặt bếp điện ở nơi quá ẩm ướt (gần khu vực rửa chén) hay đặt sát vào tường. Vì khi đặt ở những vị trí này thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình tản nhiệt của cả căn bếp cũng như sự lưu thông của không khí, sự thoát nhiệt của bếp cũng kém hơn. Do đó, hãy đặt bếp từ ở nơi thông thoáng, khô ráo, cách tường ít nhất 15cm và trần nhà khoảng 100cm.
Người bị bệnh não và phụ nữ mang thai hạn chế dùng bếp từ nhiều
Khi hoạt động, bếp điện từ sẽ tạo ra sóng từ trường xung quanh phạm vi hoạt động của nó. Lượng từ trường này có thể ảnh hưởng đến những người bị bệnh não và phụ nữ mang thai (nhất là thai nhi). Do đó, hai đối tượng này cần hạn chế sử dụng bếp từ để nấu nướng hoặc tránh lại gần khi bếp đang hoạt động.
Bếp gas
Tuy rằng bếp điện ngày càng phổ biến hơn nhưng bếp gas vẫn chiếm được “cảm tình” của một phần không nhỏ người tiêu dùng.
Lắp đặt bếp đúng tiêu chuẩn an toàn
Khi bắt đầu lắp đặt và sử dụng bếp ga, người dùng cần kiểm tra đảm bảo các tiêu chí cơ bản:
- Vị trí lắp đặt đồ dùng nhà bếp này phải thoáng khí, nhưng tránh nơi gió lùa trực tiếp (ảnh hưởng đến ngọn lửa)
- Bề mặt đặt bếp gas nên bằng đá, xi măng, kính… không nên bằng chất liệu gỗ hay dễ cháy khác vì rất dễ bị bắt lửa
- Bếp gas cần đặt cách tường ít nhất 15cm, cách trần tối thiểu là 1m. Xa các vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa, nổ
- Bình gas cần đặt thẳng đứng và thấp hơn bếp gas, đặt trong tủ bếp có thể lưu thông không khí (phòng trường hợp rò rỉ gas các bạn sẽ phát hiện mùi ngay). Bình gas cũng cần để xa bếp và các nguồn điện tối thiểu 1.5 m
- Dây dẫn khí gas cần đảm bảo mới nguyên, không tái sử dụng các đoạn dây cũ hay sử dụng đoạn dây gấp khúc, nứt gãy…
- Khi lắp bình gas với bếp, các bạn nên kiểm tra lại bằng các thử bật bếp để kiểm tra ngọn lửa, tắt bếp đúng quy trình để kiểm tra xem van đã đóng kín chưa
Bật, tắt bếp đúng quy trình
Nhiều bạn thường bỏ qua lưu ý này khi dùng đồ dùng nhà bếp là bếp gas, nhưng như thế là rất nguy hiểm nếu như quên tắt bếp, dây dẫn vô tình bị nứt gãy hay bị côn trùng cắn… gây rò rỉ gas sẽ càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là lúc không có ai ở nhà.
Chính vì vậy, hãy tạo thói quen an toàn: sau khi nấu xong, khóa van bình ga, đợi cho lửa trên bếp tắt hẳn, sau đó tắt bếp. Nếu vậy, chỉ cần bình gas bạn sử dụng đủ tốt là đã đảm bảo an toàn cho gia đình khỏi nguy cơ rò rỉ ga gây cháy nổ rồi đấy.
Kiểm tra an toàn bếp định kỳ
Sau khi đã nắm được bước cơ bản trong quá trình lắp đặt đồ dùng nhà bếp này các bạn nên kiểm tra an toàn của bếp gas định kỳ mỗi tháng theo các lưu ý sau:
- 6 tháng – 1 năm/1 lần kiểm tra bếp, bình ga, dây dẫn ga và cả van khóa
- 2 – 3 năm thay mới ống dẫn ga và 5 năm thay mới van điều áp
- Trường hợp bếp gas bị gỉ sét nhưng vẫn hoạt động tốt các bạn nên thường xuyên lưu ý vị trí gỉ sét nhất là khi nó gần bộ phận đánh lửa hay đầu đốt của bếp vì rất dễ bị cháy nổ và gây rò rỉ gas và có thể bắt lửa sang vị trí hoen gỉ đó
- Nên thay mới bếp gas đã quá cũ kỹ và hư hỏng
- Không dùng các bình gas đã quá cũ, nhất là các loại bình có dấu hiệu hoen gỉ
Lò vi sóng
Lò vi sóng là một trong những đồ dùng nhà bếp có nhiều chức năng như: rã đông thực phẩm, hâm nóng thức ăn… nhưng để đảm bảo an toàn các bạn nên lưu ý các điều sau đây trong quá trình sử dụng nhé!
Lưu ý về vật dụng để vào lò vi sóng
- Đồ nhựa nếu như để trong lò vi sóng quá lâu sẽ khiến chúng biến dạng, chưa kể trong quá trình đó các thành phần bên trong nhựa sẽ chảy ra và bám vào thực phẩm gây hại cho cơ thể
- Các đồ dùng bằng kim loại như muỗng, đĩa, chén… khi cho vào lò vi sóng thì sẽ phát ra tia lửa điện phản xạ qua lại bên trong lò nên rất dễ bị cháy nổ
Bất ngờ mở cửa lò vi sóng khi chưa hết thời gian
Việc mở cửa lò vi sóng đột ngột khi lò còn đang hoạt động sẽ gây nguy hiểm không lường đến sức khỏe của bạn. Vì trong quá trình này sóng viba vẫn còn nhiều trong lò nên khi phát tán ra bên ngoài có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bạn. Bên cạnh đó, nếu bạn mở cửa lò trong quá trình nấu, thức ăn sẽ bắn vào người gây bỏng da.
Một số lưu ý khác khi sử dụng đồ dùng nhà bếp là lò vi sóng:
- Không để nhiều đồ dùng trên nóc lò, tránh trường hợp các lỗ thoát khí bị bít kín
- Không để thức ăn thừa quá lâu trong lò
- Không hâm nóng, nấu những thực phẩm quá nhiều đường, mỡ trong lò, dễ gây bắn, cháy nổ
- Không dùng lò vi sóng bị hỏng cửa hoặc đóng không khít cửa
- Không bật lò vi sóng khi lò rỗng
- Nên đứng cách xa lò vi sóng đang hoạt động khoảng 1 mét
- Nên sử dụng nguồn điện ổn định để đảm bảo công suất của lò vi sóng
Tuy rằng đồ dùng nhà bếp mang đến nhiều ưu điểm cũng như giúp cuộc sống của các bạn tiện lợi hơn. Nhưng nếu không cẩn thận thì các đồ dùng nhà bếp này sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” gây hại đến sức khỏe. Do đó, hãy note ngay những lưu ý trên đây và đón chờ phần 2 của bài viết “Sử dụng đồ dùng nhà bếp như thế nào để an toàn sức khỏe” nhé!