Vấn đề thèm ăn ở thai phụ có thể xuất phát từ nguyên nhân do cơ thể thiếu một số loại vitamin cần thiết, điều này tạo nên cảm giác thèm ăn bất thường một số món mà người nhà không tin nổi. Ở một số trường hợp khác là do phản ứng của cơ thể với việc mang thai, những thay đổi hormone. Khi nghén lạ, tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ, trao đổi những cách bổ sung khoáng chất, vitamin theo cách phù hợp cho cơ thể. Đồng thời, chế ngự cơn nghén bằng cách cố gắng bổ sung sữa và những món khác trong ngày, tránh để cơ thể thiếu chất vì kiểu nghén lạ lùng.
Một số trường hợp, bầu thường thích trộn nhiều món lại với nhau, một cách vô cùng… khó hiểu. Tuy nhiên, nếu đây không phải là những món kỵ nhau, có thể tạo nên những phản ứng thường thì việc trộn lẫn này nên chấp nhận. Một số bầu thích trộn trái cây với món mặn, điều đó nên được xem là… khá bình thường.
Nhận diện các chất có thể bạn đang thiếu:
Nếu bạn thèm… |
Có thể cơ thể đang thiếu… |
Bạn thấy thèm chocolate một cách đặc biệt, có thể ăn liên tục, ăn cả thanh lớn mỗi ngày. |
Một số nghiên cứu cho rằng thai phụ thèm chocolate có khả năng thiếu vitamin nhóm B. Bạn có thể chọn loại chocolate ít sữa, ít đường và ăn một lượng vừa phải mỗi ngày. Đồng thời, có thể hỏi ý kiến bác sĩ bổ sung vitamin nhóm B. |
Đột nhiên thèm gạch, ngói, vôi vữa, đất sét, bã cà phê… |
Có khả năng cơ thể bị thiếu chất sắt và canxi. Để khắc phục hiện tượng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra lượng sắt, canxi còn thiếu trong cơ thể, bổ sung kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. |
Đột nhiên thèm kem, thèm sữa chua, thèm sữa, thậm chí có thể uống sữa thay… nước. |
Đây là một mức độ khác của việc có dấu hiệu cơ thể thiếu canxi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, cảm giác thèm này có thể xuất hiện từ tâm lý, do mọi thai phụ đều biết canxi rất cần cho thiên thần bé bỏng của mình. Nhiều người đột nhiên có thể uống sữa thay nước bình thường, ăn gì cũng muốn cho sữa chua vào, thèm không chịu nổi. Trường hợp đó, bạn có thể dùng sữa tươi không đường, sữa gạn béo, sữa chua không đường… để tránh cơ thể quá thừa chất ngọt từ những món này. |
Thèm bơ đậu phộng, có thể ăn không cả hũ bơ đậu phộng trong một buổi mà không chán.
|
Việc thèm ăn đậu phộng rất có thể là do cơ thể thai phụ thiếu lượng lớn magie. Mỗi kg bơ đậu phộng có chứa hơn 700mg magie. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ, để kiểm tra xem có đúng như vậy không. Trường hợp chỉ thèm một cách… vô cớ, bạn vẫn có thể ăn (miễn đừng quá nhiều), vì bơ đậu phộng cung cấp nhiều chất tốt cho cơ thể. |
Thèm mọi thứ… cay, như ớt, muối ớt, sa tế, mù tạc. Mọi món ăn đều thêm tiêu, ớt vào. |
Các nhà khoa học không lý giải được cách nghén này. Tuy nhiên, một tin rất mừng cho bạn là nghén các món cay không gây hại cho em bé trong bụng mẹ, cũng không gây kích thích làm bé sau này nóng tính như dân gian đồn. Thậm chí, nhiều bà mẹ còn cho biết, việc ăn đồ cay khiến bé của họ chuyển động mạnh hơn. |
Kẹo, bánh, nước ngọt có ga, đường… Nói chung là tất cả các món ngọt. |
Thèm ngọt là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Có đến khoảng 80% thai phụ cho biết họ luôn có cảm giác thèm ngọt. Tuy nhiên, không như những kiểu nghén lạ khác có thể do cơ thể thiếu chất, với cảm giác thèm ngọt, rất hiếm khi nào do thai phụ đang… thiếu đường. Do đó, bạn cần tiết chế, đừng vội chiều theo nhu cầu của cơ thể vì nạp vào một lượng đường quá nhiều sẽ không tốt cho thai phụ. |
Nên làm gì khi nghén bất thường?
Việc tự nhiên thèm, được đáp ứng thì bớt thèm là rất bình thường ở thai phụ. Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu như bạn thèm một cách khủng khiếp, thèm đến mức ám ảnh với món đó, chỉ cần ăn duy nhất món đó là đã thỏa mãn. Trường hợp thứ hai bất thường là khi bạn thèm những món lẽ ra… không được thèm, vì không phải thức ăn hoặc là những thức ăn sống sít, có hại cho cơ thể. Có những thai phụ thèm vôi vữa, gạch ngói, có người thèm mỡ heo sống, thèm tiết canh… Nếu cứ ăn, cơ thể có nguy cơ cao nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh.
Làm cách nào để thoát khỏi những cơn nghén kỳ quặc này? Mẹo đầu tiên, rất quan trọng cho bạn là đừng tự làm căng thẳng chính mình. Một số bầu cảm thấy thật… tội lỗi khi đang mang thai mà thèm những món không phải là thức ăn, không sạch sẽ. Nhưng tâm lý con người, hễ càng bị cấm đoán, càng cố ngăn mình không nên thì thông thường là mức độ thèm càng được… tăng cao. Nếu bạn thèm những món có-thể-ăn-được, cứ đáp ứng cho cơ thể, đồng thời kiểm tra lại xem bạn có đang bị thiếu chất (để bổ sung bằng viên uống hoặc các thực phẩm khác) hay không. Nếu không thiếu chất, bạn có thể chọn cách bổ sung món này vào cơm, vào món ăn khác… hoặc chia nhỏ bữa ăn ra, ăn xen kẽ giữa món này và các món khác để tránh xáo trộn dinh dưỡng trong cơ thể (quá thừa chất này, quá thiếu chất kia).
Trường hợp nghén quá mức hoặc nghén những món không được ăn, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để có cách điều chỉnh kịp thời. Thông thường nghén xuất hiện trong 60-70% thai phụ, thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, bước qua tháng thứ 4 nghén sẽ giảm dần và cơ thể trở về bình thường.
Với người thân, đặc biệt là người chồng, cần thông cảm, nâng đỡ tinh thần, an ủi, cố gắng làm vợ vui. Khi được giải tỏa cảm giác ức chế, cảm giác thèm kỳ quặc có thể tan biến dần đi. Có thể dùng thêm một số mẹo, ví dụ như gừng và vitamin B6 giúp giảm triệu chứng nghén lạ. Việc uống thêm viên đa sinh tố, tập yoga, bơi, nghe nhạc thư giãn và giải tỏa với bạn bè, người thân cũng sẽ làm giảm nghén.
Và có trường hợp… không ăn được!
Bên cạnh những bà bầu thèm ăn kỳ quặc, có cả những thai phụ nghén theo cách… lạ không kém: Chỉ buồn nôn suốt ngày, không ăn được bất kỳ thực phẩm gì. Bạn cần biết nghén thông thường còn do thay đổi nội tiết trong thai kỳ. Sự gia tăng estrogen gây cảm giác buôn nôn hay nôn ói, giống như một số người dùng thuốc ngừa thai có chứa estrogen cũng có cảm giác này. Mang đa thai sẽ nghén nhiều và nặng hơn so với đơn thai do nồng độ hCG nhiều hơn. Tăng nồng độ progesterone gây giãn cơ tử cung giúp thai ổn định, progesterone cũng gây giãn cơ dạ dày và ứ dịch dạ dày nhiều gây tăng acid bên trong dạ dày dễ bị nôn và trào ngược dạ dày- thực quản.
Lúc này, nên chia nhỏ bữa ăn ra, có thể mỗi bữa chỉ ăn thật ít nhưng ăn thành nhiều bữa. Nên ăn những món mang tính thanh đạm, tránh dầu mỡ sẽ đỡ cảm giác buồn nôn hơn. Nếu tình trạng nôn ói quá nặng nề, không ăn được trong thời gian trên 1 tuần lễ, cần trao đổi với bác sĩ. Vì ói nhiều có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, sụt cân cho thai phụ.
Trường hợp sau 3 tháng vẫn tiếp tục không ăn uống được càng cần chú ý. Vì có một số ít trường hợp nghén kéo dài suốt thai kỳ. Nếu nghén kéo dài sẽ gây sụt cân hoặc tăng cân rất ít trong thai kỳ, hậu quả có thể ảnh hưởng trên mẹ và thai. Đối với mẹ dễ bị băng huyết sau sinh, dễ nhiễm trùng hậu sản, đối với thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, sinh non tháng.