Vì sao chỉ số AQ lại quan trọng đến như thế và làm thế nào để rèn luyện cho trẻ. Mời bạn cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu “tất tần tật” về điều này nhé!
Chỉ số AQ của trẻ là gì?
AQ là gì chắc hẳn là một trong những câu hỏi chung của nhiều mẹ. AQ là chữ viết tắt của từ Adversity Quotient (chỉ số biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, bất hạnh, trở ngại, khó khăn… của mọi người) hay còn gọi chung là chỉ số vượt khó.
Thông qua chỉ số AQ chúng ta sẽ phần nào đánh giá được khả năng đối mặt với khó khăn của trẻ như thế nào.
Các mức độ chỉ số AQ của trẻ
Khi trẻ đối diện trước một khó khăn như giải đố, tìm đáp án của bài toán nào đó, vượt chướng ngại vật… thì chỉ số AQ của trẻ sẽ bộc lộ dần. Từ đây, bạn có thể đánh giá chuẩn xác chỉ số vượt khó của trẻ đang nằm ở mức độ nào? Sau đây là 3 dạng thường gặp nhất:
- Quitter: Nếu trẻ thuộc chỉ số vượt khó này, các bạn sẽ thấy trẻ rất dễ nản chí, dễ dàng từ bỏ việc theo đuổi kết quả và hơn cả là không muốn bắt đầu trước một chuyện gì đó quá khó. Nếu không được cải thiện, trẻ rất dễ gặp thất bại trong tương lai hoặc nhận được kết quả không như ý.
- Camper: Nếu trẻ sở hữu chỉ số AQ thuộc mức độ này, trẻ thường rất chịu khó và có ý thức phấn đấu và rèn luyện bản thân. Trẻ có thể làm nhiều thứ để đạt được một kết quả nhất định. Nhưng trẻ lại thường dễ hài lòng và tự “an ủi” bản thân bằng cảm giác như vậy là đủ mặc dù đó không phải là kết quả tốt nhất.
- Climber: Đây được xem là mức độ tốt nhất của chỉ số vượt khó (AQ). Trẻ có hoài bão lớn, kiên định. Trẻ luôn tìm tòi, học hỏi và nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất (trong phạm vi khả năng của trẻ). Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ nhận thấy trẻ luôn tìm cách cải thiện một vấn đề nào đó, chứ không phải chấp nhận một tình thế sẵn có nào cả.
Tại sao phải giúp con nâng cao chỉ số AQ?
Bất kỳ đứa trẻ nào khi vừa mới sinh ra đều rất nhạy cảm và sợ hãi với mọi thứ xung quanh mình, kể cả đó là một tiếng động nhẹ. Càng trưởng thành trẻ sẽ càng biết thích ứng và tìm cách để khắc chế nỗi sợ đó. Nhưng không phải trẻ nào cũng đạt được mức Climber. Chính vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ cách vượt qua nghịch cảnh sớm để không còn bất kỳ nỗi sợ nào cản trở thành công của chúng nữa.
Trên thực tế ít có cha mẹ nào nhận ra tầm quan trọng của chỉ số AQ vượt qua nghịch cảnh, thay vào đó cứ tập trung vào rèn luyện chỉ số EQ và IQ của trẻ. Một đứa trẻ có chỉ số IQ hay EQ chưa đủ để tạo thành nền tảng của sự thành công, mà cần thêm một yếu tố cực kỳ quan trọng chính là AQ.
Những cách tăng chỉ số vượt qua nghịch cảnh cho trẻ
Việc rèn luyện để nâng cao chỉ số AQ của con cũng không quá khó và có thể thực hiện từ sớm thậm chí là giai đoạn đầu đời. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
Trò chơi với chiếc bóng bay (*)
Bố mẹ có thể cho con rèn luyện bằng cách như sau: Buộc 1 quả bóng bay vào tay hay chân của trẻ, để mỗi lần trẻ co hay giật tay chân lại thì quả bóng sẽ rơi xuống gần mặt của trẻ.
Bài tập này vừa giúp trẻ có thêm một trò chơi nhẹ nhàng, vừa tăng khả năng vận động tay chân. Từ đó, trẻ sẽ dần làm quen và đối mặt với khó khăn (cụ thể là quả bóng đang rơi xuống gần mặt của trẻ). Trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách đợi quả bóng bay lên hoặc quay mặt đi.
*Bài tập này dành riêng cho trẻ dưới 5 tháng tuổi.
Cho trẻ nằm sấp
Điều này nghe có vẻ vô lý bố mẹ nhỉ? Nhưng trên thực tế đây là cách rất tốt để cho trẻ tiếp xúc với thế giới đấy! Khi trẻ nằm sấp, trẻ sẽ thấy được nhiều thứ hơn và nhiều vật hơn qua các góc nhìn khác nhau. Hơn nữa, trẻ sẽ phải tự ngước đầu, xoay người để nhìn ngắm mọi thứ xung quanh mà không có sự giúp đỡ của bố mẹ.
Nghe thoáng qua thì đây chỉ là những hành động nhỏ nhưng đối với cách bé lại là một khó khăn rất lớn.
Dạy con thoát khỏi sự bí bách và bóng tối
Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể cùng trẻ nô đùa bằng các trò chơi như trốn tìm, trùm chăn lên đầu. Sau đó để trẻ tự vẫy vùng tìm cách thoát. Nhưng các bạn chỉ nên chơi những trò chơi nhẹ nhàng để trẻ làm quen vói khó khăn phù hợp độ tuổi nhát nhé. Đừng quá vội vàng mà làm trẻ bị thương hay ám ảnh với các khó khăn đó.
Dạy con đứng lên sau vấp ngã
Tập đi – Được xem là một cột mốc quan trọng nhất trong sự phát triển của trẻ. Ở giai đoạn này, bạn sẽ không hiếm thấy việc trẻ té ngã, trầy tay, thậm chí là u đầu… Nhưng bạn không được giúp trẻ một cách “thái quá” nhé! Tức là mỗi khi trẻ va vấp bạn không nên cuống cuồng chạy lại bế bé lên, mà hãy động viên và hướng dẫn con đứng lên đúng cách. Giai đoạn đầu trẻ sẽ rất khó để tự đứng lên… nhưng sau khoảng vài lần bạn “ngó lơ” trẻ sẽ đứng lên một cách dễ dàng.
Ngoài những lần tập đi, bạn cũng có thể quan sát con vượt qua khó khăn qua rất nhiều hoạt động thường ngày như: tự mặc đồ, tự ăn cơm, tập viết, tập vẽ, giao tiếp với người lạ, khi đến một ngôi trường mới… với mỗi lần trẻ gặp khó khăn như vậy bạn hãy tìm cách ứng phó thích hợp.
Hãy cho con tham gia các chương trình ngoại khóa
Khi tham gia các chương trình ngoại khóa, trẻ sẽ có rất nhiều tình huống cần phải vượt qua từ đó sẽ học được nhiều kỹ năng sống hơn để giải quyết được các khó khăn trong khóa học. Vì vậy, bạn hãy tạo điều kiện để trẻ tham gia các khóa học ngoại khóa, để con được trải nghiệm và lớn khôn hơn.
Ngoài ra có thể cho con tham gia: Picnic, du lịch, các lớp học bên ngoài nhà trường,…
AQ được xem là một chỉ số “thần kỳ” biểu thị năng lực sống, kỹ năng giải quyết vấn đề của con người. Chính vì vậy, bên cạnh giúp con nâng cao chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ) cha mẹ cần giúp con bồi dưỡng chỉ số AQ càng sớm càng tốt để giúp tạo nên nền tảng giúp trẻ thành công hơn khi trưởng thành.