Rụng tóc sau sinh có thể được xem là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể nếu như tình trạng tóc không rụng quá 100 sợi mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu như lượng tóc rụng ra quá nhiều so với số lượng cho phép, cơ thể không thể mọc tóc ra nhanh như tiến độ, mái tóc sẽ trở nên thưa và mỏng dần đi, thậm chí dẫn đến nguy cơ bị hói đầu.
Nếu không có biện pháp cải thiện kịp thời sẽ rất khó để đưa mái tóc trở về trạng thái chắc khỏe, óng ả như trước. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm qua bài viết sau nhé!
Nguyên nhân gây rụng tóc sau sinh
Do cơ thể thay đổi nội tiết tố
Trải qua giai đoạn mang nặng đẻ đau, cơ thể người mẹ sẽ gặp phải nhiều sự thay đổi về cả thể chất và tinh thần, một trong những sự thay đổi rõ rệt nhất đó là rối loạn thần kinh nội tiết trong cơ thể.
Nếu trước khi sinh, bạn đang sở hữu một mái tóc chắc khỏe, óng mượt từ khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ là do lượng nội tiết tố nữ estrogen đang tăng cao nhằm bảo vệ và nuôi dưỡng bé con trong bụng được phát triển khỏe mạnh, thì bắt đầu sau khi sinh khoảng 3 – 4 tháng, lượng nội tiết tộ này sẽ suy giảm đáng kể. Vì thế, tóc bạn sẽ trở nên rụng tả tơi ngày một nhiều.
Tóc thường sẽ rụng nhiều ở đỉnh đầu và thai bên thái dương, không chỉ là vài sợi cùng lúc mà thậm chí là rụng cả mảng tóc, làm lộ cả da đầu khiến chị em trở nên mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và tinh thần.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, cơ thể mẹ đã tiết ra một loại hormone tên là Prolactin. Hormone này có tác dụng kích thích tuyến sữa dồi dào, nhưng lại ức chế cơ thể sản sinh ra estrogen. Và sự thiếu hụt estrogen là một trong những nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều.
Rối loạn tâm lý
Có nhiều nghiên cứu cho biết, phụ nữ sau sinh thường dễ bị sang chấn tâm lý nặng nề. Đặc biệt là những mẹ bỉm thiếu kiến thức thai sản cũng như sinh con lần đầu, không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em, tài chính kinh tế không đủ vững vàng hoặc chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ…
Tâm lý không ổn định do các yếu tố cảm xúc, nhạy cảm và mệt mỏi trong thời kì mang thai, vượt cạn, không những thế mà còn do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể một cách đột ngột làm cơ thể không kịp thích nghi.
Tất cả những điều này sẽ khiến tâm trạng của các chị em càng thêm lo lắng, bồn chồn, thậm chí dễ cáu kỉnh, gắt gỏng mất kiểm soát.
Nếu như không tìm cách giải tỏa sớm tình trạng này có thể dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh cực kỳ nguy hiểm và có nguy cơ khiến mái tóc cứ dần rơi rụng một cách bất lực.
Bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu
Rụng tóc sau sinh do thiếu máu, thiếu sắt là tình trạng chung của nhiều người. Việc thiếu máu sẽ làm cho tuần hoàn máu trở nên kém đi, trong khi có khoảng 95% dưỡng chất nuôi dưỡng tóc là do mạch máu dưới da đầu mang đến.
Vì thế, nếu cơ thể bị thiếu máu sẽ đồng nghĩa với việc những tế bào mầm tóc đã không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất và oxy để duy trì, sinh trưởng cũng như phát triển một cách bình thường, ngược lại sẽ làm cho tóc bị yếu và rụng dần.
Dưới đây là một trong những lý do dẫn đến thiếu sắt, thiếu máu trong cơ thể mẹ sau sinh:
- Trong lúc mang thai, mẹ đã không bổ sung đầy đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể.
- Quá trình sinh nở vượt cạn đã làm cho cơ thể mẹ mất máu nhiều.
- Sau sinh, do căng thẳng việc chăm sóc em bé, thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ giấc cũng như chế độ ăn uống không đầy đủ, không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Những yếu tố này không những làm cản trở quá trình phục hồi sức khỏe sau sinh mà còn khiến lượng máu trong cơ thể bị thiếu hụt đi.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Cơ thể phụ nữ sau sinh rất dễ bị thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Đặc biệt, trong thời kì cho con bú, cơ thể người mẹ sẽ cần rất nhiều dinh dưỡng hơn so với bình thường. Tuy nhiên, do tâm lý nhiều người muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng nhanh chóng nên đã áp dụng chế độ ăn uống kiêng khem.
Việc ép cân quá mức dẫn đến thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn sữa mẹ mà còn gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe của người mẹ cũng như dẫn đến rụng tóc sau sinh quá nhiều.
Do đó, mẹ bỉm sữa nên xây dựng chế độ ăn uống đa dạng và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, B, D… uống nhiều nước.
Sử dụng quá nhiều hóa chất hoặc do nấm da đầu
Da đầu phụ nữ sau sinh thường có xu hướng nhiều dầu và gàu, bết dính. Việc sử dụng các loại dầu gội hoặc sản phẩm chăm sóc tóc chứa nhiều chất tẩy mạnh, hóa chất cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến rụng tóc sau sinh.
Vì thế, bạn cần hạn chế tác động lên tóc như dùng nhiệt hoặc dừng sử dụng các loại hóa chất lên tóc để ngăn ngừa tình trạng rụng tóc hiệu quả.
Bên cạnh đó, tình trạng rụng tóc sau sinh còn có thể do nấm da đầu. Nếu bạn thường xuyên có cảm giác ngứa ngáy da đầu, bắt buộc phải gãi có thể làm tóc rụng thành từng mảng.
Nguyên nhân có thể là do việc kiêng cữ tắm rửa, gội đầu do còn nhát nước của chị em trong thời gian ở cữ. Điều này vô tình tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh mẽ và rộng rãi trên da đầu.
Cách trị rụng tóc tại nhà hiệu quả cho mẹ sau sinh
Rụng tóc sau sinh là tình trạng không hề mong muốn của bất kỳ ai, nhưng đây lại là vấn đề phổ biến của nhiều mẹ. Mặc dù bạn không cần quá lo lắng vì tình trạng này có thể phục hồi sau đó, nhưng không phải ai cũng có được mái tóc chắc khỏe như cũ.
Đặc biệt, nếu việc mất cân bằng thần kinh mội tiết quá mức khiến quá trình mọc tóc bị rối loạn, thời gian mọc tóc bị suy giảm, vòng đời của tóc ngắn lại có thể dẫn đến hói, làm mất thẩm mỹ và dễ bị tự tin, mặc cảm.
Nếu không cải thiện tình trạng rụng tóc sau sinh này sớm, lâu ngày nang tóc cũng như tế bào mầm tóc sẽ có nguy cơ bị teo và không mọc bình thường trở lại, chị em sẽ phải đối mặt với tình trạng hói đầu vĩnh viễn. Dưới đây là một số gợi ý trị rụng tóc hiệu quả mà Tạp chí Mẹ và Con muốn gửi đến bạn:
Cân bằng thần kinh nội tiết
Bên cạnh việc hormone thay đổi, việc căng thẳng lo âu kéo dài, kèm theo chế độ ăn uống không đủ chất cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rối loạn thần kinh nội tiết ở phụ nữ sau sinh. Vì thế, bạn cần phải biết cách kiểm soát lại tâm trạng của mình và đẩy lùi căng thẳng, không nên để bản thân rơi vào trạng thái suy nghĩ, lo âu quá nhiều.
Bạn có thể nhờ sự trợ giúp của bạn bè hoặc người thân như chồng, ông bà hay anh chị em trong nhà. Nếu cảm thấy mệt mỏi trong việc chăm sóc em bé, hãy nhờ họ trông giúp bạn vài ngày để bạn có thể giải phóng những cảm xúc tiêu cực và nghỉ ngơi để giữ sức.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý cũng như kiến thức làm mẹ để tránh những lo lắng, bỡ ngỡ trong lần đầu tiên chăm sóc con nhỏ. Ngoài chăm sóc con cái, bạn cũng nên dành ra thời gian rảnh rỗi cho bản thân được thư giãn, làm những việc mình yêu thích hoặc tranh thủ xem những chương trình giải trí, xông hơi để lấy lại tinh thần…
Chỉ khi tâm trạng bạn thoải mái, sức khỏe tinh thần cũng như nội tiết tố ổn định, tình trạng rụng tóc sau sinh mới có thể cải thiện được hiệu quả.
Chăm sóc tóc đúng cách
Do tâm lý phụ nữ sau sinh dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, cộng thêm việc nhìn thấy tóc rụng quá nhiều mỗi ngày sẽ khiến tinh thần dễ suy sụp. Tuy nhiên, thay vì rầu rĩ và cảm thán mỗi ngày, bạn nên thay đổi dầu gội và quy trình chăm sóc tóc để trấn an tâm lý bản thân. Sau đây cũng là một số gợi ý giúp bạn cải thiện tình trạng rụng tóc sau sinh hữu hiệu:
- Hạn chế buộc tóc quá chặt, đặc biệt là khi tóc còn ướt hoặc ẩm.
- Không nên chải tóc khi tóc còn ướt.
- Ưu tiên dùng các loại lược thưa và không nên chải tóc quá nhiều lần trong ngày hoặc khi không cần thiết.
- Dùng thêm serum dưỡng tóc (loại dành cho phụ nữ sau sinh), kết hợp với việc massage da đầu giúp máu lưu thông, thúc đẩy quá trình phát triển nang tóc.
- Giữ vệ sinh da đầu sạch sẽ thường xuyên, nhưng cũng không nên gội đầu quá nhiều lần.
- Có thể cắt ngắn hoặc thay đổi kiểu tóc để tóc được gọn gàng hơn.
- Hạn chế tác động nhiệt và hóa chất lên tóc.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Mất cân bằng dinh dưỡng là tình trạng phổ biến thường gặp của phụ nữ sau sinh. Bạn nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để giúp cơ thể được khỏe mạnh, chất lượng sữa được sản sinh ra cũng tốt hơn, cải thiện được độ óng ả, mượt mà của tóc hiệu quả. Đặc biệt, hãy bổ sung nhiều thực phẩm giàu protein, kẽm, omega-3, 6, chất béo và vitamin nhóm B…
Việc khắc phục tình trạng rụng tóc sau sinh không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Vì thế, bạn nên kiên trì hơn mỗi ngày. Hy vọng qua những gợi ý trên của Tạp chí Mẹ và Con, bạn đã có thể thiết lập được cho bản thân một quy trình chăm sóc tóc hiệu quả nhất. Chúc bạn áp dụng thành công và sớm có một mái tóc chắc khỏe, óng mượt như mong ước nhé!