Nha đam: Nhiều tác dụng bất ngờ
Theo y học cổ truyền, nha đam (lô hội) có vị đắng, tính hàn, tác dụng sát trùng, thanh nhiệt, thông tiện, làm mát gan. Dùng để chữa các chứng rối loạn tiêu hoá, ăn uống không tiêu, làm thuốc nhuận trường, tẩy xổ (0,15 – 2gr), trẻ con bị cam tích, táo bón, chữa viêm loét dạ dày.
Bên cạnh đó, gel nha đam được ghi nhận có tác dụng tốt trong những bệnh lý như đái tháo đường, vảy nến, tăng cholesterol máu, bỏng, tổn thương da do tia xạ sau điều trị ung thư, giúp nhanh lành vết thương…
Tăng cường giải độc cơ thể, nhờ tăng cường chuyển hoá tại gan, thận giúp loại trừ độc tố tế bào. Nhờ chứa nhiều chất bổ dưỡng cung cấp năng lượng cho tế bào mà các thực phẩm chức năng bào chế từ nhựa nha đam dạng uống còn chữa được chứng mất ngủ, trầm cảm, viêm đại tràng, tiêu hoá kém, tuần hoàn kém, bệnh viêm khớp.
Ngoài ra, nha đam được dùng làm mỹ phẩm nhờ hai thành phần chính là lignin và polysaccharide thấm sâu vào biểu bì, tẩy sạch các vi khuẩn và chất dầu bịt lỗ chân lông. Dạng gel bôi da còn được ứng dụng trong ngoại khoa để làm lành vết mổ và phòng chống nhiễm xạ.
Bất lợi cho bà bầu
Tuy nha đam chứa nhiều công dụng và có thể chữa bệnh nhưng một vài báo cáo cho thấy, phụ nữ mang thai uống nước ép và ăn các sản phẩm từ nha đam, dẫn đến xuất huyết vùng chậu và thậm chí gây ra sẩy thai. Nha đam còn có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi cho nên phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên dùng các sản phẩm từ nha đam.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, phụ nữ có thai và đang cho con bú tuyệt đối không nên dùng nha đam vì có thể dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Trẻ em dưới 12 tuổi cũng nên hạn chế, do nha đam gây đau bụng, vọp bẻ và tiêu chảy.
Nhựa cây nha đam nguyên chất là một chất độc, khi để ra ngoài không khí chất nhựa này dễ bị oxi hoá làm mất đi một phần hoạt tính, do đó cần có quy trình chiết xuất đúng đắn để ổn định hoạt chất. Khi ăn nha đam, cần làm sạch lớp mủ màu vàng kế bên lớp thạch để tránh ngộ độc. Không nên bôi trực tiếp lên da vì dễ bị kích ứng gây đỏ da và viêm loét. Đối với phụ nữ có da dễ nhạy cảm, trước khi sử dụng cần phải kiểm tra trước để tránh làm sưng tấy và nhiễm trùng vùng da bị dị ứng.
Người bị bệnh trĩ, viêm ruột không nên dùng vì anthraquinon trong nhựa nha đam gây sung huyết. Người hay lạnh, hư hàn, tiêu chảy, huyết áp thấp không dùng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn, bạn nhé!
Như vậy, trong thời gian thai kỳ, các mẹ bầu tốt nhất không nên sử dụng nha đam vì những tác hại khó lường mà loại cây thảo dược này mang lại.