Mẹ hốt hoảng đưa vào bệnh viện, nhưng rất tiếc, chỉ vài giờ sau trẻ đã có thể bị trụy mạch, rối loạn nhịp tim nặng, sốc tim và tử vong! Phụ huynh ngay đến lúc ấy vẫn ngỡ ngàng nghĩ con mình cảm sốt thông thường và hoàn toàn xa lạ với cụm từ được bác sĩ nhắc tới: Viêm cơ tim tối cấp!
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Những kiến thức quan trọng cho mẹ về bệnh:
Bác sĩ ơi, tại sao? |
Mẹ cần biết… |
Tại sao trẻ lại bị viêm cơ tim? |
Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, hàng đầu là Enteroviruses, kế đến là Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi, Rubella… Khi vào cơ thể, siêu vi sẽ làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích. Đây là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao trong thời gian rất nhanh nếu không kịp phát hiện và nhập viện. |
Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi nào? |
Bệnh viêm cơ tim thường xảy ra ở trẻ 2-10 tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 24 tháng dễ mắc bệnh hơn do đề kháng còn yếu. |
Có phải trường hợp nào cũng nghiêm trọng thế? |
Không hẳn! Một số trường hợp bệnh nhi có viêm cơ tim thoáng qua, không để lại di chứng. Nhưng một số trường hợp bệnh nhi vào viện với bệnh cảnh rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao và có thể có bệnh cơ tim giãn nở, suy tim hoặc rối loạn nhịp về sau. Đây chính là những biến chứng nặng nề cho trẻ vì nguy cơ điều trị thuốc lâu dài nhưng tiên lượng hồi phục không cao. |
Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng mà không có dấu hiệu trước đó? |
Đúng vậy! Một số trường hợp không có triệu chứng trước đó nhưng bệnh lại diễn tiến rất nhanh chóng. Có những trường hợp, chỉ trong vòng 1-2 ngày kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu như cảm sốt, trẻ bắt đầu có triệu chứng suy tim: mạch ở cổ tay trên 140 lần/phút, nhịp thở trên 50 lần/phút, thở mệt co lõm và da tái, chi lạnh, tím môi và đầu chi, mạch nhẹ hoặc không bắt được. Vì thế, khi có con nhỏ ở độ tuổi từ 2-10, bạn rất cần có những kiến thức cơ bản về bệnh và không chủ quan khi thấy xuất hiện bất cứ dấu hiệu khác thường nào. |
Những triệu chứng nào nên nghi ngờ trẻ bị viêm cơ tim? |
Đối với trẻ lớn: Có thể là triệu chứng hô hấp trước đó (sốt, ho, sổ mũi, khò khè), hoặc triệu chứng về tiêu hóa (ói, tiêu chảy). Đối với trẻ nhỏ: Có thể chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém, ngủ li bì khó đánh thức, hay rên rỉ, quấy khóc… |
Những triệu chứng này rất thường gặp, giống như cảm sốt thông thường, làm sao xác định được khi nào nguy hiểm? |
Đúng như vậy, bệnh viêm cơ tim rất nguy hiểm, song lại có các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt hoặc bị bỏ qua, và cuối cùng hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong. Vì thế, khi thấy trẻ chỉ cần có những dấu hiệu khác lạ so với bình thường, như quấy khóc, bỏ bú, nôn, tiêu chảy…, mẹ đã cần dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ. Nên đưa bé đi khám bệnh sớm, để xác định cụ thể nguyên nhân. Tránh trường hợp cứ nghĩ đơn thuần con cảm sốt, đến khi nhập viện thì đã quá nặng. |
Dấu hiệu nào là dấu hiệu mang tính “đặc trưng” của viêm cơ tim cần đặc biệt chú ý? |
Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: tím môi, da tái, tay chân lạnh, thở mệt, mạch nhẹ hoặc không bắt được thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Do viêm cơ tim do siêu vi gây ra nên chúng ta chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng để điều trị kịp thời. |
Làm cách nào phòng tránh cho con? |
Để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn đã mắc các bệnh liên quan đến siêu vi; quan tâm chế độ dinh dưỡng cho trẻ với đầy đủ vitamin và khoáng chất; nên chủng ngừa các bệnh bạch hầu, cúm, Rubella, quai bị… cho trẻ để tăng khả năng kháng bệnh. Nếu trẻ đủ lớn, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hóa nhằm tránh bị lây nhiễm siêu vi, đặc biệt là những siêu vi gây bệnh viêm cơ tim. |
Tại sao mùa này trẻ lại dễ mắc bệnh? |
Thời tiết nóng bức giai đoạn những ngày chuyển mùa, vào hè có thể là một yếu tố thuận lợi cho sự nhiễm vi-rút nói chung và các vi-rút gây viêm cơ tim nói riêng. Vì vậy, mẹ phải luôn quan tâm đến sức khỏe của con, tăng cường sức đề kháng cho trẻ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đã nhắc đến ở trên. |
Có thuốc nào chủng ngừa cho trẻ không? |
Hiện tại viêm cơ tim thể tối cấp ở trẻ chưa có thuốc chủng ngừa đặc hiệu. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần hạn chế trẻ dưới 24 tháng tuổi tiếp xúc với nhiều người lớn, nhất là trong mùa dịch bệnh. Đừng để hàng xóm hay người quen nào cũng có thể ẵm bồng, nựng nịu, chơi đùa với trẻ – đặc biệt là người đang ốm, có vấn đề về hô hấp (như sổ mũi, cảm…) để tránh lây các loại vi-rút. |
Mẹ đừng quên!
Tiên lượng của viêm cơ tim tối cấp do vi-rút ở trẻ sơ sinh còn rất đen tối: tỷ lệ tử vong lên đến 75%. Tiên lượng của trẻ lớn hơn bị bệnh cơ tim giãn do nguyên nhân vi-rút cũng không khả quan lắm. Những bệnh nhân này tiếp tục có biểu hiện cơ tim giãn, xơ hóa và suy biến chức năng của cơ tim. Vì vậy, phòng bệnh và phát hiện thật sớm bệnh vẫn là điều rất cần thiết thực hiện cho trẻ.
Cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi…
Đối với trẻ sơ sinh |
Đối với trẻ lớn hơn |
– Sốt cao – Chán ăn – Khó thở – Tím tái – Suy tim – Suy hô hấp – Tim đập nhanh – Nổi ban – Viêm màng não nước trong – Viêm gan vi-rút – Hình ảnh X quang lồng ngực cho thấy tim to bất thường và phổi bị phù |
– Đau ngực – Tim nhanh hoặc loạn nhịp – Khó thở, đặc biệt khi vận động thể lực – Giữ nước, phù cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân – Mệt mỏi – Ngất xỉu hoặc mất ý thức đột ngột, có thể kết hợp với rối loạn nhịp tim – Các triệu chứng khác kết hợp với nhiễm siêu vi như nhức đầu, đau nhức, đau khớp, sốt, viêm loét họng hoặc tiêu chảy. – Viêm cơ tim có thể đi kèm với viêm màng bao tim, tràn dịch màng bao tim. Viêm màng bao tim thường gây đau nhói ở giữa ngực. |