Cứ như đến hẹn lại lên, có những căn bệnh cứ đến Tết là hoành hành. Do đặc điểm về thời tiết và khí hậu đặc trưng của không khí Tết, đặt biệt việc ăn uống không điều độ cũng như lịch sinh hoạt vui chơi của bé bị xáo trộn làm phát sinh những nhóm bệnh đặc trưng hay gặp vào ngày Tết.
Theo báo cáo tổng kết từ các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, số trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và số trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hóa như: tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn… vào dịp Tết thường tăng cao hơn ngày thường từ 20% đến 25%.
Viêm đường hô hấp cấp
Nguyên nhân và triệu chứng gợi ý: Do thời tiết và không khí những ngày xuân trở nên nóng và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp phát triển. Ngày Tết, bé phải thường xuyên theo cha mẹ ra đường du xuân, đến công viên và đi thăm họ hàng, cơ hội tiếp xúc với khói bụi ngoài đường và những nguyên nhân gây bệnh tăng cao làm bé rất dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm a-mi-đan, viêm phổi, viêm phế quản… Khi bị viêm đường hô hấp cấp bé thường bị ho, than đau họng, chảy nước mũi, một số trẻ bị nặng hơn có thể bị sốt cao, đau đầu hoặc nôn ói nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, làm cho bé ăn, uống rất khó khăn khiến cha mẹ phải lo lắng.
Xử trí và chăm sóc: Cho bé uống thuốc giảm ho an toàn hoặc hạ sốt cho bé bằng các loại thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, Ibuprofene (không dùng Aspirin)… có sẵn trong tủ thuốc gia đình, nếu sau 2 – 3 ngày tình trạng bệnh không cải thiện nên sớm đưa bé đi khám bác sĩ.
Biện pháp phòng ngừa: Chú ý chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý giúp trẻ tăng sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật, cần giữ ấm cho bé nhất là vào ban đêm, không nên cho bé đi ra ngoài đường quá khuya để đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và nghỉ ngơi của bé, nếu cần nên mang khẩu trang cho bé để tránh gió bụi mỗi khi cho bé ra đường.
Rối loạn tiêu hóa
Nguyên nhân và triệu chứng gợi ý: Ăn bánh kẹo nhiều hoặc trái cây trưng tết có thể làm cho bé cảm thấy khó chịu vì hệ tiêu hóa phải chứa một lượng thức ăn ngọt quá lớn. Bé thường bị đầy bụng, khó tiêu, đôi khi bị đau bụng dữ dội hay gặp ở trẻ em bị nhiễm giun tiềm ẩn. Ngoài ra bé có thể bị tăng đường huyết bất thường làm bé phải đi tiểu nhiều và mất nước.
Xử trí và chăm sóc: Chăm sóc bé nên chú ý điều độ việc ăn uống, nên cho bé ăn thức ăn lỏng dễ tiêu như cháo, súp, canh dinh dưỡng, nước trái cây tươi giàu vitamin C… sẽ giúp cải thiện việc tiêu hóa của bé.
Biện pháp phòng ngừa: Hạn chế tối đa việc cho bé ăn các loại bánh kẹo ngọt hoặc uống các loại nước giải khát chứa nhiều đường ngọt… vì những chất này sẽ làm cho trẻ dễ bị “ngang dạ”, dễ đầy bụng vì vậy bé sẽ không để ý đến bữa ăn chính. Tốt nhất nên cho bé ăn những loại bánh kẹo và đồ uống này sau bữa ăn như là một món tráng miệng.
Tiêu chảy cấp
Nguyên nhân và triệu chứng gợi ý: Nguyên nhân thường do bé ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu ngày hoặc sữa pha sẵn để quá lâu… Tiêu chảy cấp gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 2 tuổi, nhưng cũng thường xảy ra ở mọi lứa tuổi khác. Tác nhân gây bệnh thường là siêu vi trùng, Rotavirus, E.coli, Shigella… Triệu chứng của tiêu chảy cấp là đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều bé có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít.
Xử trí và chăm sóc: Chú ý việc bù nước cho bé bằng các loại dịch uống hợp vệ sinh nhất là những loại thức uống mà trẻ em hay thích như nước ép trái cây, nước dừa tươi, nước đun sôi để nguội, nước canh, nước cháo… Cần cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng trong các bữa ăn, nếu bé ăn uống khó khăn có thể chia nhỏ bữa ăn để giúp bé tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn và mau lành bệnh.
Biện pháp phòng ngừa: Để phòng ngừa nên cho trẻ ăn những loại thức ăn hợp vệ sinh, giàu dinh dưỡng, hạn chế sử dụng thức ăn dự trữ lâu ngày, bé còn bú bình nên chú ý vệ sinh bình sữa, không cho bé uống sữa đã pha để quá 1 giờ. Tập dần cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng chính là biện pháp ngăn ngừa bệnh tiêu cấp một cách hiệu quả nhất.
Ngộ độc thức ăn
Nguyên nhân và triệu chứng gợi ý:Là tình trạng bệnh lý rất thường gặp vào các dịp lễ, Tết đặc biệt là Tết Nguyên đán, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn đã bị nhiễm khuẩn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt hay diễn ra ở trẻ em vì hệ tiêu hóa còn kém, triệu chứng thường gặp là bé bị đau quặn bụng, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy, xuất hiện trong khoảng 1- 6 giờ sau khi sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn.
Xử trí và chăm sóc: Chăm sóc tại nhà nên chú ý cho bé nghỉ ngơi tuyệt đối, uống trà gừng nóng, ăn nhẹ, thức ăn mềm, dễ tiêu, bù dịch cho bé bằng các loại dung dịch có chất điện giải như dung dịch muối-đường, dung dịch oresol… Nếu tình trạng không cải thiện nên sớm đưa bé đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa: Gia đình nên chọn những loại thực phẩm có thương hiệu đã qua kiểm định an toàn vệ sịnh thực phẩm, đặc biệt có hạn sử dụng rõ ràng càng mới càng tốt. Quá trình chế biến và bảo quản thức ăn trong tủ lạnh nên tuân thủ nghiêm nghặt các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm của bộ Y tế, nên mạnh dạn bỏ ngay đừng tiếc những loại thực phẩm, thức ăn mà ba mẹ nghi ngờ bị ôi thiu hay nhiễm khuẩn để đảm bảo sức khỏe cho bé và mọi người trong gia đình vào những ngày Tết.
Bệnh tật ngay những ngày đầu năm mới được xem là điều kiêng kị. Tránh để bé bệnh trong những ngày Tết còn giúp bé đón một cái Tết trọn vẹn bên ba mẹ và người thân. Nhưng đồng thời ba mẹ cũng đừng quên chuẩn bị những cách phòng ngừa và xử trí trước những căn bệnh “đặc trưng” hay gặp dịp Tết nhé!
Đề phòng tai nạn ngày Tết
Ngày Tết là ngày vui của gia đình và mọi người, nhà cửa trang trí nhiều, việc bận rộn tiếp khách đến vui xuân với gia đình làm người lớn ít quan tâm đến bọn trẻ, các bé được tự do thoải mái đôi khi cũng làm chúng gặp những tai nạn đáng tiếc khó lường.
Khó thở vì dị vật đường thở
Nguyên nhân và dấu hiệu gợi ý: Các loại thức ăn bày biện nhiều màu sắc như mứt Tết, hạt dưa hấu, hạt bí, hạt đậu phộng… rất hấp dẫn trẻ em, có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn đường thở khi vô tình rơi vào đường hô hấp của trẻ. Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ em lứa tuổi ăn dặm (5 tháng tuổi) đến khoảng 3 tuổi. Ở lứa tuổi này bé thường hay tò mò, thích nhét các loại đồ vật lạ vào miệng hoặc mũi, vì phản xạ đóng – mở thanh quản để bảo vệ đường thở chưa hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị dị vật xâm nhập vào đường thở, gây khó thở đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khôn lường. Trẻ đột nhiên khóc thét, ho sặc sụa, tím tái hoặc khó thở chính là những dấu hiệu gợi ý giúp cha mẹ nhanh chóng nhận diện trẻ đã bị dị vật đường thở.
Xử trí ban đầu: Gặp tình huống trên ba mẹ phải thật bình tình giúp trẻ tống xuất dị vật ra khỏi đường thở của trẻ nếu cha mẹ biết cách. Nếu không rõ cách làm, ba mẹ khẩn trương đưa trẻ đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa: Phòng ngừa tốt nhất là không cho bé nhỏ tuổi ăn các loại thức ăn có hột hoặc khi ăn phải lấy hết hột ra. Đặc biệt ba mẹ nên chú ý hơn đến sinh hoạt, vui chơi của trẻ trong những ngày tết là cách phòng ngừa dị vật đường thở cho trẻ thiết thực nhất.
Tai nạn phỏng từ thức ăn nóng vừa chế biến
Nguyên nhân và dấu hiệu gợi ý: Trẻ em vốn hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh, nhất là trẻ vừa chập chững biết đi, việc nấu nướng tiệc tùng trong những ngày đầu xuân mới cũng có thể là mối nguy hiểm về phỏng nhiệt ở trẻ nhỏ.
Xử trí ban đầu: Nếu lỡ bé không may bị phỏng, nên sơ cứu tại chỗ bằng cách làm mát vùng da bị phỏng với nước lạnh, không nên bôi gì lên vết phỏng trước khi chuyển bé đi bệnh viện.
Biện pháp phòng ngừa: Phòng ngừa tai nạn phỏng cho bé ngày Tết là điều cần ưu tiên, ba mẹ nên giữ trẻ cẩn thận, cách xa những tác nhân có thể làm cho bé bị phỏng.
Ngạt nước
Nguyên nhân và dấu hiệu gợi ý: Một số gia đình có hồ kiểng non bộ trong nhà gần chân cầu thang, bé có thể đến đó và ngã vào hồ hoặc vào phòng tắm “vọc” nước, ngã vào xô nước hoặc bồn cầu, gây ngạt nước.
Xử trí ban đầu: Nếu gặp tình huống bé bị ngạt nước, phụ huynh cần phải thật bình tĩnh nhanh chóng đưa bé lên khỏi mặt nước, đặt bé nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu bất tỉnh, hãy kiểm tra xem bé còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu trẻ đã ngưng thở, cần tiến hành thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm, sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không? Nếu trẻ đã bị ngưng tim, phải tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Khi trẻ còn tự thở, hãy đặt bé ở tư thế nằm nghiêng một bên để bé dễ nôn ói khi muốn. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm cho bé thật tốt trên đường chuyển đến bệnh viện.
Biện pháp phòng ngừa: Tốt nhất không nên để trẻ nhỏ một mình, không thiết kế hồ kiểng trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ, bồn cầu cần được đậy nắp cẩn thận, không để chừa nước sẵn trong các vật dụng chứa nước.
Tai nạn thương tích:
Nguyên nhân: Ngày Tết ba mẹ thường cho bé đi chúc Tết họ hàng, bạn bè. Hầu như nhà nào cũng đều có chuẩn bị chút bia, rượu để câu chuyện thêm rôm rả. Lúc vui thì uống một vài ly, nhưng nếu vui quá thì “chén chú chén anh” hết cả buổi. Đến khi ra về đã chuếnh choáng hơi men nên điều khiển xe dễ bị xảy ra tai nạn.
Biện pháp phòng ngừa: Đề phòng trường hợp này, ba mẹ nhất là các ông bố không nên dùng bia rượu khi có con đi cùng, hoặc có cách bố trí phù hợp như đi taxi, nhờ người chở… để đảm bảo an toàn cho con.
Choáng, ngất
Nguyên nhân: Tết ba mẹ thường dẫn bé đi du lịch hay các khu vui chơi. Được chạy nhảy thoải mái, tắm hồ bơi, nghịch cát… khiến bé có thể chơi say mê vài tiếng đồng hồ. Vui chơi quá lâu trong tiết trời nóng nắng gay gắt mà không nghỉ ngơi hoặc không được bổ sung nước uống kịp thời dẫn đến mất nước, choáng và ngất xỉu.
Xử trí: Ngay khi thấy bé bị choáng hay ngất, phải đưa bé vào chỗ mát, an toàn, đặt nằm thẳng, nới lỏng quần áo cho bé dễ thở, xoa tay chân nhẹ nhàng. Nên cho bé uống một chút nước nhưng thật từ từ để bé dần hồi phục.
Uống nhầm, ăn nhầm hóa chất độc hại
Nguyên nhân và dấu hiệu gợi ý:Bé có thể bò, đi quanh nhà và vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng chẳng hạn chai trà chanh đựng dầu hôi, thường dự trữ ngày tết để châm đèn dầu hay cồn xe nhang (rượu methanol) ở một số gia đình làm nhang bán ngày tết hoặc uống nhầm nước tro tàu (dung dịch KOH) thường được dùng làm bánh ít trong. Ngày Tết các gia đình khi dọn nhà đôi khi dùng bả độc trộn với thức ăn để diệt chuột, diệt côn trùng, nếu không cẩn trọng để bé tò mò hoặc tưởng là thức ăn thì đưa đến ngộ độc rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ.
Xử trí ban đầu: Giúp trẻ nôn ói càng nhiều càng tốt để loại bỏ tối đa những tác nhân độc hại ra khỏi đường tiêu hóa, chú ý nên để bé ngồi hoặc nằm nghiêng một bên khi bé nôn ói để phòng ngừa hít sặc chất nôn vào phổi, sớm đưa bé đến cơ sở y tế gần nhà để được điều trị đúng cách.
Biện pháp phòng ngừa: Phòng ngừa bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát hoặc các hóa chất phải để xa tầm với và tầm “thấy” của trẻ.
Với gia đình có trẻ nhỏ, hãy chú ý đến yếu tố đơn giản và an toàn trong khi trang trí nhà để đón Tết. Những chi tiết trang trí quá rườm rà, thu hút mắt thường gây sự hấp dẫn tò mò bé đến khám phá nhưng đồng thời cũng dễ gây nguy hiểm cho bé.
Th.S, BS Đinh Thạc – Bệnh viện Nhi đồng 1