Thai chậm phát triển rất nguy hiểm cho tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé. Do vậy chúng ta cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu thai chậm phát triển để có những biện pháp kịp thời.
Dịp này, Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về dấu hiệu và nguyên nhân khiến cho thai chậm phát triển trong bài viết dưới đây. Mời mẹ cùng tham khảo!
Thai nhi chậm phát triển là gì?
Thai nhi chậm phát triển trong tử cung là hiện tượng bào thai không phát triển bình thường như mong đợi. Có hai dạng thai nhi chậm phát triển là:
- Thai nhi chậm phát triển đối xứng: tất cả các bộ phận trên cơ thể em bé đều có kích thước cân đối như nhau nhưng kích thước kém phát triển so với khả năng phát triển bình thường.
- Thai nhi chậm phát triển không đối xứng: đầu và não của em bé có kích thước phát triển như dự đoán, nhưng những phần còn lại của cơ thể lại kém phát triển.
Nguyên nhân gây ra sự chậm phát triển của thai nhi
Thông thường, thai nhi chậm phát triển thường bắt nguồn từ việc thai nhi không được nhận đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như sự nuôi dưỡng hợp lý từ mẹ và môi trường sống của mẹ.
Sự chậm phát triển này thường xuất phát từ vấn đề ở nhau thai, nơi có các mô mang chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi đang phát triển bị tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng, lưu lượng máu trong dây rốn, đường kết nối em bé với nhau thai yếu. Hoặc sự phát triển thai trong tử cung cũng bị kìm hãm nếu phụ nữ mang thai:
- Hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy
- Bị bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như cytomegalovirus, bệnh sởi Đức (rubella), bệnh toxoplasma hoặc bệnh giang mai
- Đang dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như một số thuốc điều trị co giật
- Mắc bệnh như lupus, thiếu máu hoặc gặp các vấn đề về đông máu
- Bị huyết áp cao (tăng huyết áp)
- Đang mang trong mình một thai nhi bị rối loạn di truyền hoặc dị tật bẩm sinh
- Đang mang thai đa (chẳng hạn như sinh đôi hoặc sinh ba)
Cách chẩn đoán thai nhi chậm phát triển
Trước khi trẻ chào đời, các bác sĩ kiểm tra sự phát triển của trẻ bằng cách đo vòng bụng của mẹ từ đỉnh xương mu đến đỉnh tử cung. Các vòng đo này thể hiện chiều cao quỹ đạo tử cung.
Ngoài ra, siêu âm là một kỹ thuật khác có thể áp dụng trong việc phát hiện thai nhi chậm phát triển. Sóng âm tần số cao có thể tái hiện lại hình ảnh của em bé trên màn hình máy tính. Những hình ảnh này giúp các bác sĩ ước tính kích thước và cân nặng của em bé. Những ước tính này thường không hoàn toàn chính xác, nhưng chúng giúp các bác sĩ theo dõi sự phát triển của em bé và phát hiện ra bất cứ vấn đề gì bất thường đang diễn ra bên trong bào thai. Không những vậy, siêu âm cũng có thể giúp chỉ ra các vấn đề khác, chẳng hạn như các vấn đề ở nhau thai hoặc lượng nước ối không đạt tiêu chuẩn, giúp kiểm tra lưu lượng máu đến nhau thai và qua dây rốn.
Nếu một thai nhi được chẩn đoán mắc chứng chậm phát triển, các bước xét nghiệm dưới đây sẽ được tiến hành:
- Theo dõi thai nhi để theo dõi nhịp tim và chuyển động của em bé
- Khám tổng quát người mẹ để tìm ra các bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến em bé
- Chọc ối để tìm ra nguyên nhân, đồng thời giúp kiểm tra phổi của thai nhi
Cách điều trị thai chậm phát triển
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn của thai kỳ và tình trạng của em bé. Những thai nhi mắc phải chứng chậm phát triển sẽ được các bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe rất chặt chẽ thông qua các lần thăm khám tiền sản. Họ sẽ siêu âm, theo dõi sự phát triển và cả các vấn đề khác liên quan.
Nếu vấn đề gây ra do người mẹ, các bác sĩ sẽ giúp thai phụ đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng và tiến trình tăng cân phù hợp trong thai kỳ. Một số mẹ có thể phải hạn chế hoạt động và nằm nghỉ ngơi trong suốt quãng thời gian còn lại của thai kỳ để cải thiện lưu lượng máu đến em bé.
Đôi khi, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định yêu cầu người mẹ sinh sớm nếu em bé dường như ngừng phát triển hoặc nếu có vấn đề nghiêm trọng ở nhau thai hoặc lưu lượng máu trong dây rốn biến động bất thường.
Phải làm gì nếu con bạn mắc chứng chậm phát triển
Thai nhi chậm phát triển khi chào đời sẽ có nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe nhiều hơn. Vì vậy, trẻ sinh non thường phải nằm viện lâu hơn. Chúng cần được chăm sóc một cách đặc biệt.
Con có thể gặp phải các vấn đề như sau:
- Khó khăn trong việc điều khiển hơi thở và sức bú
- Khó điều tiết nhiệt độ cơ thể ổn định
- Số lượng tế bào máu lên xuống bất thường
- Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
- Đề kháng thấp
- Thần kinh chậm phát triển
Nếu em bé của bạn được chẩn đoán mắc phải chứng chậm phát triển, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ và đừng bỏ qua bất kỳ cuộc hẹn thăm khám và xét nghiệm tiền sản nào. Điều này giúp bác sĩ theo dõi con một cách tốt hơn. Chúc bạn và bé luôn khỏe mạnh nhé!