Mẹ&Con - Tết đến nhà nào cũng đầy những thực phẩm để ăn Tết, cúng giỗ, đãi khách. Có thể nói đồ dùng dùng phải 'chạy Tết' hết công suất và hứng chịu 'hậu quả Tết' nhiều nhất là… tủ lạnh. Nếu cứ dồn chung hoặc nhồi nhét các thực phẩm cho vào tủ lạnh mà không có cách sắp xếp hợp lí sẽ làm chúng khó lạnh, lây mùi, hư hỏng. Một số mẹo dưới đây sẽ giúp 'giải phóng' cho tủ lạnh nhà bạn những ngày Tết đến. Điểm danh thực phẩm không nên cất trong tủ lạnh Tuyệt chiêu khử mùi hôi tủ lạnh Quan trọng dinh dưỡng ngày Tết cho bé

GIẢI QUYẾT… “NẠN QUÁ TẢI”

Nếu gia đình bạn ít thành viên, không phải nhà thờ thì chiếc tủ lạnh cũng không đến nỗi phải… chạy hết công suất suốt mấy ngày liên tục. Nhưng nếu gia đình bạn là nơi đại gia đình sum họp, thờ giỗ thì có lẽ bạn phải mua nhiều hơn, dự trữ nhiều thực phẩm hơn. Thêm vào đó, có những món ăn ngày Tết được làm và để dùng lần lần như thịt kho tàu, khổ qua, bánh chưng… Và công dụng của chiếc tủ lạnh được phát huy tối đa là ở đây.

Bí quyết sử dụng tủ lạnh ngày Tết 8

Tuy nhiên, bạn cũng không nên biến lạnh thành “cái chợ” hỗn tạp để chúng phải ì ạch suốt ngày, chưa kể đến những thực phẩm có thể gây nên “cuộc chiến các mùi vị”. Để giải quyết điều này, bạn nên lên danh sách các món ăn trong các ngày Tết: món cúng giỗ, đãi khách, cho gia đình. Nếu được bạn cũng có thể làm cùng những món ăn này cho các mục đích khác nhau, chẳng hạn như món cúng giỗ sau khi cúng xong có thể dành cho bữa cơm gia đình, các món đãi khách có thể gần giống với bữa cơm của cả nhà.

Khi đi chợ, siêu thị cho những ngày Tết bạn nên phân chia theo các ngày cụ thể: 30 Tết, mồng 1, 2, 3. Bạn có thể ước lượng số người sẽ đến thăm, chúc tết và dùng bữa để lên tính toán thức ăn cho phù hợp (căn cứ vào kinh nghiệm đã có của những cái Tết trước hoặc nhờ sự hướng dẫn của mẹ ruột, mẹ chồng). Bạn còn có thể tính toán các món có thể dùng chung nguyên liệu, hạn chế việc phải mua mỗi thứ một ít. Việc lên danh sách các món ăn, nguyên liệu, số lượng người giúp cho bạn không chuẩn bị quá thừa hay quá thiếu, đặc biệt là giảm thiểu việc dự trữ quá nhiều thứ trong tủ lạnh.

CÁCH BỎ THỰC PHẨM VÀO TỦ LẠNH CHO TỐT

Sau khi đã lên được danh sách các món ăn, điều bạn cần chú ý là việc bảo quản chúng như thế nào trong tủ lạnh để thực phẩm luôn tươi ngon, giữ được giá trị dinh dưỡng và không nhiễm khuẩn. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản cần lưu ý:

Làm sạch thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh.

Không để thực phẩm tươi sống chung với các thực phẩm chín, các thực phẩm chín ở ngăn trên, thực phẩm sống ở ngăn dưới.

Các thực phẩm nên để trong bao nylon hoặc hộp kín. Thực phẩm có mùi, thức ăn mặn nên cho vào hộp, đậy kín lại để chúng không phát tán mùi, bay hơi mặn gây hiện tượng ăn mòn tủ lạnh. Lưu ý sử dụng những loại hộp không có hóa chất độc hại.

Các thức ăn nóng không nên để ngay vào tủ lạnh, phải làm nguội xong rồi mới cho vào tủ vì đồ nóng sẽ gây ảnh hưởng đến các thực phẩm khác.

Không nhồi nhét quá nhiều thực phẩm, để các thực phẩm quá sát nhau trong tủ lạnh. Bạn nên tạo khoảng cách để khí lạnh tuần hoàn tốt và thực phẩm dễ lạnh.  

Bí quyết sử dụng tủ lạnh ngày Tết 9

Thực phẩm mới nên để ở bên trong, thực phẩm cũ để ở bên ngoài để dễ nhìn thấy và sử dụng.

Lưu ý không để thực phẩm chặn ngang đường thổi khí lạnh ra vì như vậy, thực phẩm sẽ dễ bị đóng đá.

Khi tủ lạnh không lạnh có thể do tủ lạnh chứa nhiều thực phẩm hoặc núm công tắc (rơ le) để không phù hợp. Bạn nên bỏ bớt thực phẩm ra ngoài, vặn núm công tắc lên nhiệt độ lạnh hơn. Kiểm tra lại độ lạnh sau khi điều chỉnh.

CÁCH SẮP XẾP THỰC PHẨM TRONG TỦ LẠNH

Trong ngày Tết có rất nhiều thực phẩm, rau quả, trái cây, các món ăn ngọt, mặn, có mùi… Nếu bảo quản không tốt, các thức ăn có thể khó lạnh, bị ám mùi dẫn đến hư hỏng, không sử dụng được. Và dưới đây là một số gợi ý giúp bạn sắp xếp các thực phẩm ngày Tết vào tủ lạnh để bảo quản chúng một cách hợp lý. 

Thịt cá: Thịt cá rửa sạch, cắt từng miếng (để tiện cho việc rã đông, sử dụng), cho thịt cá vào túi nylon, để vào ngăn đông lạnh. Lưu ý khi thịt cá đã rã đông thì không nên cho vào trong tủ lạnh nữa.

–         7 ngày: Thịt gà, lợn, vịt

–         10 ngày: Thịt bò, dê

–         2 ngày: Các loại cá

Các loại rau củ: Nhặt bỏ các lá sâu, dập, úa, rửa sạch, để ráo nước, cho vào bao xốp, mỗi loại một túi khác nhau, buộc kín. Nên để rau có nhiệt độ cao trong tủ (ngăn rau đối với các loại tủ có thiết kế ngăn chức năng hoặc ngăn cuối cùng của tủ lạnh thông thường). Nhiệt độ tối ưu để bảo quản rau là 10 độ C.

–         2-3 ngày: Măng tây, cải bắp

–         3-5 ngày: Bông cải xanh, hành lá, đậu Hà Lan đậu lima

–         1 tuần: Đậu, bí ngô, rau diếp, súp lơ, dưa chuột, tỏi tây, rau lá xanh

–         1-2 tuần: Cần tây

Bí quyết sử dụng tủ lạnh ngày Tết 10

Trái cây: Rửa sạch, cho mỗi loại trái cây vào mỗi bao xốp, không nên để trái cây cùng ngăn với rau củ. Trái cây có thể để ở trên ngăn rau củ vì một số trái có đặc tính thải khí gas Ethylen làm cho rau củ mau hư hơn.

Trứng, bơ, mứt, sữa chua, bánh ngọt, mứt: Ngăn trên cùng của cánh tủ vì chúng chỉ cần nhiệt độ mát là đủ. Trứng nên rửa sạch trước khi cho vào tủ lạnh, tối đa 3-5 tuần.

Gia vị: Bảo quản trong hộp lon đậy thật kín và ở ngăn tiếp theo của cánh tủ.

Thức uống: Có thể để ở những ngăn dưới cùng của cánh tủ.

Thức ăn mặn (canh kho, thịt kho…): Nên bỏ chúng vào trong các hộp kín rồi mới cho vào trong tủ lạnh. Với các món này, bạn có thể để ở ngăn trên của ngăn trái cây. Các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để trong nhiều nhất là 3 ngày.

Các thức ăn thừa: Bọc đồ ăn thừa rồi cho vào trong tủ lạnh, sau khi ăn thì hâm lại. Nếu bạn có một chiếc tủ lạnh nhỏ có thể để cùng ngăn với các thức ăn mặn. Nếu chiếc tủ lạnh đủ to có thể để ở ngăn trên của ngăn thức ăn mặn. Lưu ý khi ăn chỉ chế biến lượng vừa đủ để tránh thức ăn dư thừa.

Một số thực phẩm như phô mai, cá, khô, một số rau quả dễ bốc mùi như đu đủ, hồng, bắp cải, củ hành… nên được bọc kín bằng giấy bạc.

Bắp cải, rau cần, rau chân vịt, cà rốt, đào, nho, táo: thích hợp bảo quản ở 0 độ C nhưng khi mua về không nên cho ngay vào trong tủ lạnh vì khi ở nhiệt độ thấp chúng sẽ ức chế hoạt động lên men, từ đó ức chế chất độc tồn dư khiến chúng không phân giải được. Nên để sau một ngày ở nhiệt độ thường rồi mới cho vào tủ lạnh.  

Bạn nên lưu ý không nên để thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong thực phẩm có thể bị giảm đi.

NHỮNG THỰC PHẨM KHÔNG NÊN ĐỂ TỦ LẠNH

Không phải thực phẩm nào cũng cần phải bỏ vào tủ lạnh. Một số thực phẩm có thể bảo quản ở ngoài trong nhiệt độ bình thường nhưng vẫn tươi ngon. Một số thực phẩm nếu cho vào tủ lạnh khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh chúng sẽ dễ bị hư hỏng. Biết được những điều này, bạn sẽ bảo quản thực phẩm tốt hơn đồng giảm thiểu nạn “quá tải” cho tủ lạnh ngày Tết.

Khoai tây: Chỉ cần đựng trong túi giấy khô, để nơi thoáng mát, chúng có thể tươi ngon cả tuần ở nhiệt độ bình thường. Như không để chúng quá 2 tuần, không bảo quản chung với củ hành khô, táo tàu.

Húng quế: Nếu để lâu trong tủ lạnh chúng dễ bị héo. Bạn có thể bảo quản húng quế bằng cách cắt bỏ gốc rễ, giữ cho lá khô ráo rồi cho vào một tô nước, giống như cắm hoa trong bình, thay nước mỗi ngày, tránh ánh nắng trực tiếp. Với các loại rau thơm khác như ngó rí, ngò tây, húng lủi… cũng có thể làm tương tự. Ngó rí, ngò tây cũng có thể giữ tươi trong tủ lạnh.

Cà chua: Tủ lạnh không phải là nơi lý tưởng để bảo quản cà chua vì chúng ưa nóng và không thích nhiệt độ lạnh. Bạn có thể để chúng trên bàn bếp, tránh ánh nắng trực tiếp.

Quả bơ: Nếu bạn mua về chúng vẫn còn cứng và không muốn sử dụng liền thì không nên cho vào tủ lạnh vì chúng sẽ mau chín.

Bí quyết sử dụng tủ lạnh ngày Tết 11

Cà rốt: Không nên rửa sạch nếu không dùng ngay vì chúng sẽ nhanh úng. Bạn có thể cắt sạch cuống lá, bảo quản trong rổ.

Bông cải, cải bắp: Nếu không để trong tủ lạnh thì có thể dùng giấy báo bọc kín và để nơi thoáng mát.

Dưa leo: Lấy một cái bát to rồi cho nước vào. Cắm phần cuống quả dưa xuống nước ngập khoảng 1/3 quà dưa, mỗi ngày thay nước một lần, dưa leo sẽ vẫn rất tươi ngon.

Bánh chưng, bánh tét, xôi nếp: Không nên cho vào tủ lạnh vì sẽ bị lại gạo. Bánh chưng luộc xong, bạn vớt ra rửa sạch lá để hết nhựa và khô ráo. Xếp bánh cẩn thận thành nhiều lớp, cho vật nặng đè lên bánh để nước trong bánh thoát ra (khoảng vài giờ). Bánh chưng, bánh tét chỉ cần treo bánh nơi khô thoáng để bánh để được lâu hơn.

Chuối: Nếu cho vào trong tủ lạnh chuối sẽ bị thâm.

Bánh mì, các loại bánh làm bằng bột mì: Sẽ bị khô, cứng, không còn mùi thơm ngon nếu để trong tủ lạnh.

Mật ong: Nhiệt độ thích hợp để bảo quản mật ong là 21-26 độ C. Ở nhiệt độ này, mật ong có thể để rất lâu.

Các thứ nặng mùi: Sầu riêng, mít, mắm tôm… không nên cho vào trong tủ lạnh.

Củ hành: Bảo quản bên ngoài nơi khô ráo, thoáng khí. 

Tags:

Bài viết liên quan