Khi con còn nhỏ, con chưa nhận thức được điều gì nên làm, điều gì không hay điều gì thì nguy hiểm. Do vậy, bố mẹ cần đảm bảo trẻ không tiếp xúc với những vật thể không an toàn, áp dụng mọi biện pháp để giữ an toàn cho trẻ. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con điểm qua những giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả mà bố mẹ có thể áp dụng ngay nhé!
Cách giữ an toàn cho trẻ bố mẹ cần nắm
Bọc các ổ cắm điện trong nhà
Trẻ em trong giai đoạn từ 8 tháng đến 3-4 tuổi, con thường có tâm lý tò mò, muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Khi nhìn thấy ổ điện, con liền thắc mắc “bên trong những cái lỗ này sẽ có những gì nhỉ?”. Và chính vì tâm lý ấy, con có thể sẽ muốn cho ngón tay vào để thỏa mãn sự tò mò của mình lúc này mà không hề biết đây là một việc nguy hiểm đến tính mạnh.
Vì thế, để giữ an toàn cho trẻ, bạn nên mua các loại hộp bọc ổ điện hoặc nút che ổ điện để lắp lại các ổ điện trống chưa sử dụng đến. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý:
- Chọn các loại bọc ổ điện chất lượng
- Chọn bọc ổ điện càng đơn giản càng tốt! Nhiều người vì thích không gian sống của mình thêm đẹp mà đã tìm đến các loại hộp bọc ổ điện cầu kỳ, có nhiều màu sắc hay họa tiết. Việc này chỉ càng thu hút sự chú ý của trẻ, khiến kích thích sự tò mò của con mà thôi.
- Đảm bảo bạn đã lắp thật chặt: Nếu bạn dùng các loại nút che ổ điện, hãy đảm bảo mình đã lắp thật chặt các nút này, tránh trường hợp trẻ táy máy tay chân và dùng tay hay các vật dụng khác để tháo nút che ổ điện ra.
Và cuối cùng, việc quan trọng nhất vẫn là hãy chú ý lắp các ổ điện xa khỏi tầm với của trẻ. Ổ điện trong nhà nên lắp ở những góc khuất mà trẻ ít thấy được.
Lắp đặt lưới an toàn
Nhiều phụ huynh thường chủ quan không lắp đặt lưới an toàn cho lan can vì nghĩ rằng con sẽ không thể nào leo khỏi lan can được. Nhưng chúng ta sẽ không thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra mà câu chuyện bé gái rơi từ tầng 12 của chung cư chính là ví dụ điển hình nhất.
Vì thế, việc lắp đặt lưới an toàn ở lan can là điều cần thiết. Bên cạnh lan can, bạn đừng quên lắp lưới an toàn cho những khu vực khác trong nhà như cửa sổ, cầu thang… Và cũng cần nhớ rằng, không chỉ nhà chung cư mà các thiết kế nhà bình thường cũng cần lắp đặt hệ thống lưới an toàn để đảm bảo giữ an toàn cho trẻ.
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – Nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe được Bộ Xây dựng ban hành năm 2008:
- Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các yêu cầu sau: Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
- Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô-gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên thì chiều cao tối thiểu là 1,4 m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác là từ 0,9 m đến 1,1 m.
- Không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, còn cần tuân thủ: Không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75 mm; lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.
- Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm.
- Ngoài ra, khi nhà có trẻ em dưới 5 tuổi phải bỏ kết các vật dụng không cần thiết, cần sử dụng lưới thép để rào chắn lan can, cửa sổ.
Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này sẽ giúp bạn giữ an toàn cho trẻ, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Đặt các chất độc hại tránh xa tầm tay trẻ nhỏ
Nước lau sàn, sơn, thuốc xịt muỗi, chất tẩy rửa bồn cầu… đều có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ khi hít hoặc nuốt phải. Vì thế, bố mẹ nên ghi rõ nhãn dán cho từng sản phẩm, cất vào một khu vực riêng tránh xa tầm mắt của trẻ. Nếu có thể, bố mẹ nên bố trí ở trên cao, cất trong tủ và khóa lại để tránh trẻ sử dụng.
Chọn lựa các món đồ chơi an toàn cho con
Bạn có biết, đồ chơi của trẻ cũng có thể trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng? Khi lựa đồ chơi cho trẻ, bố mẹ nên tìm các loại đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hơn nữa, chọn đồ chơi cho bé phải phù hợp với lứa tuổi của con. Tốt nhất là nên tránh các đồ chơi sắc nhọn, dễ vỡ, đồ chơi có mùi hương hay những món đồ quá nhỏ, con có thể cho vào miệng và nuốt (viên bi, khoen mở lon nước ngọt, nhẫn, pin cúc áo…).
Cất hết các vật sắc nhọn
Dao, kéo, dụng cụ nấu ăn, dụng cụ sửa xe… tưởng không nguy hiểm nhưng lại nguy hiểm không tưởng. Trẻ có thể hiểu nhầm đó là đồ chơi và chơi với chúng, vô tình làm mình hoặc những người xung quanh bị thương. Tốt nhất nên cất hết các đồ vật này hoặc để chúng ở trên cao, bạn nhé!
Bọc các cạnh bàn, cạnh ghế và cạnh tủ
Để giữ an toàn cho trẻ, một việc cần thiết mà bố mẹ cần làm chính là bọc hết các cạnh bàn, cạnh ghế và cạnh tủ bằng mút xốp. Như vậy, bé có thể thoải mái vui chơi, bố mẹ cũng không cần phải lo lắng việc con mải chơi mà va vào cạnh bàn hay cạnh ghế nữa.
Giữ an toàn trong nhà bếp
Tuy trẻ thường chỉ chơi ở phòng ngủ của con hoặc phòng khách, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc con sẽ chẳng bao giờ bước chân vào nhà bếp. Đặc biệt khi trong thời gian tập đi, trẻ sẽ muốn đi khắp mọi nơi trong nhà. Vì thế, bố mẹ nên xây bếp cao để trẻ không với tới được, tránh bé bật bếp rất nguy hiểm. Ngoài ra, nếu nhà bạn đang sử dụng bếp gas, bình gas cần phải cất ở nơi trẻ không thấy để tránh con vặn van bình gas gây cháy nổ.
Giữ an toàn trong phòng tắm
Để giữ an toàn cho trẻ, bố mẹ nên chú ý dọn dẹp phòng tắm thật sạch, không để sàn nhà còn ướt, trẻ sẽ dễ bị trượt té. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lắp tủ hoặc kệ trên cao để đựng các loại xà phòng, kem đánh răng… để trẻ không tò mò lấy ra chơi hoặc uống phải.
Không để thú cưng quá gần bé
Tuy thú nuôi là động vật tương đối hiền lành, nhưng cũng không thể tránh khỏi một số tình huống bất ngờ như chó cắn bé hay móng vuốt của mèo làm rách da của bé. Đây đều là những tình huống có thật, đã từng xảy ra trước đây. Ngoài ra, việc tiếp xúc với thú nuôi có thể khiến con bị viêm đường hô hấp do lông của thú nuôi hay nhiễm một số các loại bệnh nguy hiểm mà điển hình chính là bệnh sán chó. Do vậy, bố mẹ không nên để vật nuôi quá gần chỗ của bé.
Cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn cho trẻ?
Để tránh các sự cố đáng tiếc trong gia đình, bạn nên lưu ý một số vấn đề như:
- Tắt các thiết bị điện khi không cần thiết: Việc này có thể hạn chế tối đa việc trẻ táy máy các thiết bị điện này, gây chập điện, cháy nổ hay con bị điện giật
- Không gian nhà ở cần được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ, vừa tạo nhiều chỗ trống cho con chơi, hạn chế con chơi ở các khu vực nguy hiểm. Hơn nữa, điều này còn tạo cho không gian nhà ở thoáng mát hơn, bảo vệ sức khỏe của con.
- Hãy dặn trẻ những điều cần thiết: Khi trẻ 1 tuổi, con đã bắt đầu hiểu được phần nào lời nói của bố mẹ. Vì thế, đừng quên cho trẻ biết đâu là những khu vực con không được đến những món đồ con không được đụng tới. Trẻ sẽ e dè hơn khi nhớ đến lời bố mẹ dặn dò.
Để bé có môi trường sống tốt nhất, bố mẹ nên biết những cách giữ an toàn cho trẻ. Hy vọng bài viết của Tạp chí Mẹ và Con sẽ giúp bố mẹ đỡ lo lắng, áp lực trong việc chăm sóc con cái, giúp con lớn khôn bình an và khỏe mạnh.