Người người kêu gọi nhau đón Tết xa nhà không về quê, đường hoa đông đúc mọi năm giờ cũng vắng lặng hơn, phố ông đồ giờ đây cũng đóng cửa. Dường như, mỗi người đều hy sinh một chút, để “Tết Covid” qua đi, chúng ta cùng nhau hân hoan đón một cái Tết thật sự yên vui…
Đón Tết xa nhà, hy sinh một chút để có Tết bình an
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết, khoảnh khắc mà nhà nhà người người đều mong chờ khi thấy pháo hoa rực sáng trên bầu trời đêm, khi được ở bên cạnh gia đình và những người mà chúng ta yêu thương để trao nhau câu chúc mừng năm mới, mong một năm đầy an lành. Nhưng đó có lẽ, chỉ là chuyện của những năm trước và những mùa Tết sau. Còn Tết 2021, khi dịch bệnh hoàn hành và lan rộng, chúng ta lại động viên nhau: “Thôi thì năm nay đón Tết xa quê vậy!”.
Những ngày Tết, dạo khắp các trang mạng xã hội, bên cạnh lời chúc năm mới là những lời kêu gọi. Kêu gọi nhau hy sinh, kêu gọi nhau chỉ trở về khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Thay vì “đi về nhà”, bây giờ việc chúng ta cần làm là “đừng về nhà!”.
Có lẽ chưa bao giờ số lượng người trả vé xe không về quê lại lớn đến như thế. Với những người công nhân, học sinh rời quê để lên thành phố học tập, mỗi năm chỉ có ngày Tết mới có cơ hội sum vầy cùng gia đình. Tết năm nay không về, có lẽ phải chờ thêm nửa năm, thậm chí là một năm nữa mới có thể trở về.
Tuy những chuyến xe vẫn hoạt động, Chính phủ cũng không yêu cầu người dân không được về quê đón Tết, nhưng ai cũng ý thức được tầm quan trọng của việc “đứng yên” trong lúc này. Lỡ đâu, trên chuyến xe trở về quê, mình lại vô tình làm lây lan dịch bệnh đến với nhiều người khác? Hay lỡ đâu, trên hành trình đó, mình đã vô tình nhiễm Covid và mang bệnh về nhà? Thôi thì ráng chấp nhận đón Tết xa nhà, ai ở đâu ở yên đó, để dịch bệnh qua đi, người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường ngày nào. Lúc đó, có về cũng chẳng muộn.
Nhớ người thân không? Nhớ chứ! Ăn Tết xa quê có buồn không? Buồn đến não lòng. Nhưng có lẽ sẽ càng buồn hơn, nếu chúng ta vì những nỗi ích kỷ cá nhân mà bất chấp để về, để rồi vô tình mang Covid đến nhiều nơi hơn, lây lan rộng hơn. Tạm gác nỗi buồn cá nhân vì cái lo chung của đất nước, của dân tộc, sự hy sinh nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, để đất nước rồi lại được bình an.
Tết chỉ đến khi Covid thật sự được đẩy lùi
Đường phố những ngày Tết vắng chưa từng thấy, khác hoàn toàn so với không khí nhộn nhịp của những năm trước. Chợ, siêu thị cũng không còn cảnh người người chen chúc mua sắm đến cháy hàng, mà thay vào đó là số ít người lặng lẽ đeo khẩu trang đến mua sắm vài cân thịt, cành hoa để có cái gọi là đón Tết.
Chị X, một tiểu thương bán hoa Tết tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Số người tới mua hoa chưng Tết năm nay không bằng 1/5 so với mọi năm khiến tôi và người trồng hoa rất lo lắng. Nhưng chúng tôi cũng hiểu, dịch bệnh thế này thì tâm trạng đâu mà đón Tết. Còn Covid thì chưa thể an tâm mà đón Tết được.”
Đến một siêu thị lớn tại Hà Nội, Tạp chí Mẹ và Con được lắng nghe chia sẻ của chị V – người Nam Định: “Năm nay cả gia đình mình đều đón Tết ở Hà Nội, không về thăm hai bên nội ngoại được vì dịch bệnh ghê quá. Nhà có con nhỏ, cho các cháu về quê mình không an tâm. Dịch bệnh nên làm ăn khó khăn, nhà mình cũng đón Tết đơn giản hơn, chỉ mua một ít đồ ăn đủ cho vài ngày Tết là được.”
Dù không ai bảo ai, nhưng có lẽ tất cả mọi người đều ráng một chút, hy sinh một chút, đợi tình hình dịch bệnh yên ổn, rồi chúng ta cùng nhau đón Tết thật sự.
Điểm sáng giữa tâm dịch
Bên cạnh cảm giác buồn khó tả khi đón Tết xa nhà của hàng ngàn người, là những điểm sáng khiến chúng ta cảm thấy an ủi trong chính mùa dịch. Có lẽ, đã rất lâu rồi chúng ta mới thấy, người dân đồng lòng và đoàn kết đến như thế. Không ai nhắc ai nhưng mỗi người đều ý thức, đều hy sinh vì cái Tết chung của toàn dân tộc – cái Tết bắt đầu khi dịch Covid được đẩy lùi.
Và, nhìn tích cực hơn, Tết Covid đã mang đến cho chúng ta một cái Tết giản đơn hơn. Không còn phải cố gắng để chuẩn bị mâm cao cỗ đầy để tiếp khách dịp Tết, không cần phải cố gắng mua này mua kia sao cho Tết thật tươm tất nhằm “nở mày nở mặt” với mọi người. Tết Covid, chúng ta thảnh thơi hơn, có nhiều thời gian để chiêm nghiệm cuộc sống hơn.
Chẳng ai có thể nói trước được khi nào dịch bệnh sẽ qua đi, khi nào chúng ta thôi đón Tết xa nhà. Nhưng chỉ cần mỗi người hy sinh một chút, thì chắc chắn mọi thứ tốt đẹp rồi sẽ đến mà thôi. Tạp chí Mẹ và Con chúc bạn một năm mới bình an. Hy vọng ngày chúng ta chiến thắng đại dịch chính là ngày Tết tuyệt vời nhất!